Menu Close

Lịch sử thời đại tường thuật bởi một người lưu vong

Lời Tòa Soạn: Mời quý độc giả thưởng lãm phần 2 “Thời đại ngoại vi” trong bài thơ  “Lịch sử thời đại tường thuật bởi một người lưu vong” của nhà thơ Phan Nhiên Hạo.

alt

Phan Nhiên Hạo

Như tựa đề của nó, bài thơ là một bản tường thuật khốc liệt, thô ráp, chân thành, phẫn nộ và đau đớn về “lịch sử thời đại” của một người Việt lưu vong, trong hàng triệu số phận đã bỏ đất nước lại sau lưng kể từ biến cố lịch sử 30/04/1975.

Lịch sử thời đại tường thuật bởi một người lưu vong

tặng Loan

2. Thời đại ngoại vi

Hoang mang và phấn khích

chúng ta đặt chân lên đất lạ

không khí lạ, nhà cửa lạ, tiếng nói lạ,

cầu tiêu lạ, người ta lạ,

mình là người lạ

làm thế nào để tái tạo

một thế giới đã mòn

ở trục khô dầu rên rỉ

chúng ta ăn mặc chải chuốt nhưng đứng ngồi lố nhố

thói quen những con còng châu thổ

hút bụi suốt đêm trong toà nhà chọc trời

biển Seattle ngoài kia đen, lạnh cóng

ở California đứng máy suốt ngày tay chân rời rã

dây chuyền chạy quá nhanh, chúng ta đến từ xứ sở chậm

trái tim người di cư lỗi nhịp

trong sương mù San Francisco đợi xe bus

chúng ta lo sợ một lần nữa bị bỏ quên

ở Arkansa mùa đông hai mươi lăm độ dưới không

chúng ta cắt thịt bò trong những nhà máy lạnh

đôi khi cắt luôn ngón tay đeo nhẫn cưới

trên những tàu đánh cá Alaska

chúng ta ngủ vật vờ như sứa sau mười sáu giờ làm việc

trở về đất liền tiêu một phần ba tiền kiếm được

vào nhà thổ Ðại Hàn

một phần ba gởi về gia đình ở Việt Nam

một phần ba trả tiền thuê phòng và mua thuốc lá

chúng ta, những người hút thuốc lá

vô địch Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ

chúng ta học ngôn ngữ mới

và nói về nó bằng ngôn ngữ cũ

phát âm thật khó khăn

như người nửa lưỡi

thường bị tảng lờ

tuy vậy, không ai bịt miệng mình

bằng băng keo, băng rôn, băng đạn, băng đảng, băng vệ sinh

chúng ta học lắng nghe

trong lặng im nước mắt

chiều kẹt xe freeway, CD lậu, ai hát:

“Bonjour, Vietnam”

đây là nơi chúng ta thấy thế giới lần đầu

những đất nước khác nhau, những sa mạc khác nhau, những cánh rừng khác nhau, những thành phố khác nhau, những nông trại khác nhau, những mái nhà khác nhau, những áo quần khác nhau, những thức ăn khác nhau, những ngôi mộ khác nhau, những con đường dẫn đến các mục đích khác nhau, thờ phượng linh thiêng hay giễu cợt,

những âm mao khác màu

chúng ta những thuyền nhân, cựu sĩ quan, vợ goá, con mồ côi

bị săn đuổi trên quê hương, đẩy vào bụi rậm

hãm hiếp nhân quyền và chửa hoang ký ức

nơi đất cũ chúng ta không có lợi tức nào ngoài bán máu

nơi đất mới tài sản duy nhất của chúng ta là hy vọng

chúng ta trải qua nhiều giờ khắc suy nghĩ về số phận

vặn đồng hồ báo thức, nhìn ngắm bức ảnh cũ, rồi đi ngủ

bao giờ cũng nhét cuốn từ điển dưới gối

phòng trường hợp gặp người lạ trong giấc mơ

lao lực lao lực lao lực

nhưng chúng ta cũng có những giờ phút ngơi nghỉ dịu dàng

dưới vòm lá tháng Tư khu vườn đầy tiếng chim không bị săn đuổi

đồng cỏ tận chân trời

xa lộ tự do

chúng ta lái xe qua đại lục mênh mông

bay đến những thành phố Á, Âu dần trở nên quen thuộc

hơn Bạc Liêu, Châu Ðốc,

hơn Thanh Hoá, Ninh Bình,

hơn Hà Nội một nghìn năm xa cách

nhìn con cái mình lớn lên

chúng ta bồi hồi tương lai giống Tiên Rồng khỏe mạnh

nở trứng ở xứ người

và ngậm ngùi một quê hương đã mất

những con đường đã mất, xe đạp xanh đã mất

mùa hè hoa phượng đỏ Kontum đã mất

sông đã mất rồi biển sẽ mất

xứ sở này không phải thiên đường

đây chỉ là nơi con người không

hối

tiếc

đã

sinh

ra

ngoài trời tuyết rơi

chúng ta ngồi những đêm cô độc

rì rầm ngoài kia xe cứ cỡi lên đường

ngày mai đến qua nhanh

công lý bắt đầu bạc tóc

lịch sử không chạy, lịch sử không đi, lịch sử lết lê què quặt

chúng ta muốn lịch sử tiến lên, động tình, sinh sản

nhưng lòng người bại liệt, ý chí khô nước nhờn

Viagra nè cố lên cố lên

Việt Nam ơi

chúng ta ở đây bình nhật, bình thường

nhưng không phải lúc nào cũng bình yên

áo lính sờn cũ (mua chợ trời Mỹ)

người đàn ông làm vài ngụm rượu từ chiếc bình toong thời chiến

ngồi hàng giờ nhìn những đám mây

không kịp về phương Ðông trước khi ngày tắt nắng

ông từng bị giam trong lòng đất

khẩu phần mỗi ngày một trăm hai mươi bảy hạt ngô

bao giờ cũng dành một hạt

dùng đếm thời gian

thời gian bóng tối

có mùi trứng ung

con người là sinh vật duy nhất biết cách giữ ký ức không vữa nát

sinh ra để sống dưới mặt trời

đôi khi chúng ta bị lùa vào ô nhục

bởi lũ đồng cô bóng cậu mang vũ khí

cơn điên tập thể này phải mấy mươi năm nữa mới thăng

áo choàng dài, mùa đông Illinois đằng đẵng

đây là nơi chúng ta sẽ yên nghỉ sau cùng

trong nghĩa trang tuyết trắng

cạnh bạn bè khác tộc

(chúng ta học từ họ lòng yêu đời, sự trầm tĩnh trước cái chết)

nơi đây không cần kẻ khóc mướn

bọn ăn thịt thây ma đã bị nha sĩ bẻ răng

chúng ta đến xứ sở này xa lạ

ra đi chưa hết lạ

nhưng không bao giờ thôi yêu mến

mặt hồ đại lượng

căn nhà chở che hạnh phúc

lối mòn nhỏ ven rừng con ta bước tiên khởi tự do

đây là nói chúng ta hàn gắn mình

như thợ giày khâu vết thương há miệng

sau đường dài ngập máu

sau đường dài ngập phân

sau chợ chiều cân xác chết chiến tranh

một triệu tiếng chuông không mua hết oan hồn

đây là nơi chúng ta sống đàng hoàng

và chết vào buổi chiều có cánh

bay về một xứ sở đã xa

địa lý của chúng ta ở giữa những kinh tuyến của u hoài và triển vọng

lịch sử của chúng ta như mặt trống

đau đớn và âm vang

không bao giờ im lặng

không bao giờ sơn phết

không bao giờ lãng quên.

Đinh Cường

PNH – March-July 2007