Khi tôi nhận một bệnh nhân mới cho Viện, người phụ tá nói với tôi, “Thưa cô, người bệnh này rất cần sự nâng đỡ để vượt qua cơn trầm uất, cô nghĩ mình có thể giúp được không. Ông ta tên là Allen.”
Tôi giật mình khi nghe tên Allen. Bố tôi cũng là Allen.
Người bệnh mới tới ấy mặc dù nằm ở bên kia phòng, con người ông trông căng thẳng thấy rõ. Tôi tới gần giường ông, cúi nhìn khuôn mặt và rồi phải chau mày. Rõ ràng tôi đang nhìn cha mình và không thể nào rời mắt. Khuôn mặt ông có những nét giống hệt cha tôi -cũng làn da rám nắng, xương quai hàm và gò má nổi bật. Mái tóc bạc pha xám, hơi dợn sóng. Hai người giống nhau đến kỳ lạ.
Tuy nhiên, lý trí bảo tôi đây là một ông Allen khác. Bố qua đời đã lâu rồi, vậy mà tôi vẫn cảm thấy lòng ân hận. Cúi xuống lần nữa nhìn đôi bàn tay của người bệnh, những tình cảm trong lòng tôi lại xao động. Thật không thể nào tin được. Đây là đôi tay chơi golf của bố tôi với những thớ thịt xạm màu nắng gió, những ngón to bè. Tôi đưa tay ra định nắm lấy nhưng rồi chợt ngừng lại. Mắt tôi vừa chạm phải chiếc nhẫn mặt đá mà bố vẫn đeo trên ngón tay.
Lau khô nước mắt, tôi suýt nữa bật lên “bố ơi”. Nhưng rồi tôi bình tĩnh lại và gọi thật rõ ràng “Allen”. Người bệnh liền mở mắt như thể đang mong đợi tôi. Cầm lấy bàn tay ông tôi nhìn vào đôi mắt và nói “Con biết cách gọi rồi – Đôi Mắt Màu Xanh Ngày Xưa ơi”. Ông cười tươi và mắt đầy lệ. Tôi hy vọng cách gọi đó sẽ gợi cho ông những năm tháng lãng mạn đắm trong ca khúc và giọng hát Frank Sinatra.
Tự giới thiệu mình xong tôi ngỏ ý muốn đến thăm ông thường xuyên nếu ông muốn. Ông nhìn vào mắt tôi siết chặt bàn tay tôi trong tay ông và gật đầu.
Trong những cuộc viếng thăm lúc đầu, tôi cố gắng nói thật nhiều vì ông Allen đang bị bệnh Parkinson khiến giọng nói của ông nhỏ và thấp rất khó nghe. Tuy nhiên chúng tôi vẫn hiểu được nhau qua những câu trao đổi ngắn. Tôi hiểu rằng ông cần được sống lại những hồi ức hạnh phúc của đời ông. Âm nhạc trở thành sợi dây nối liền chúng tôi. Tôi mang theo băng nhạc với những ca khúc chọn lọc -của Fank Sinatra và những bài hát xưa, để gợi lại những cảm xúc ngày nào. Ca khúc “Fly Me to the Moon” và “One for My Baby” có tác dụng kỳ diệu. Trong khi chúng tôi làm sống lại quá khứ thì căn phòng đã trở thành sân khấu của những mảnh hồi ức. Nó là sàn khiêu vũ, bàn tiệc có nến sáng, hay trạm xe buýt đưa tiễn người ra mặt trận. Chờ cho bớt nghẹn ngào, ông nói ta và con gái vẫn thường được mời khiêu vũ trên sàn nhảy của khách sạn. Giọng ông chợt rơi vào thầm lặng.
Mặc dù âm nhạc làm cho chúng tôi rơi lệ, nó đã gợi lên nhiều cảm xúc để cùng chia sẻ chứ không phải vùi chôn trong quên lãng. Nỗi tuyệt vọng của ông dịu xuống.
Cũng bởi tại những nét giống nhau giữa hai người nên tôi cảm thấy an vui trong lòng khi gần gũi ông cũng như được tái hợp với bố tôi vậy. Qua nhiều tuần lễ chúng tôi đã trở thành bạn thiết của nhau nhưng tôi vẫn cảm thấy còn có nỗi đau thầm nào đó giấu kín trong lòng ông Allen. Một hôm tôi mở lời hỏi ông: “Có phải bố còn e ngại khi phải hồi tưởng tới quá khứ nhiều?”
Ông lắc đầu và thầm lặng nói: “Không, không ai ở đây biết điều đó. Một ngày kia ta sẽ cho con biết về con gái ta, nhưng không phải hôm nay.”
Những ngày trôi qua với niềm vui trọn vẹn khi âm nhạc đem đến cho chúng tôi những hồi ức lý thú. Chúng tôi cười đùa với nhau khi cố gắng nhớ lại lời của những bài hát gợi tình gợi ý.
Một ngày nọ tôi cho chạy một cái cassette có nhiều bài hát lẫn lộn. Khi một ca khúc vừa trổi lên, tôi thoáng đưa mắt nhìn ông Allen để xem có sự cảm thông đồng điệu giữa hai người chúng tôi không. Quả thật là có. “Daddy’s Little Girl. Ôi, Con Gái Cưng Của Bố”. Lời bài hát diễn tả tình yêu thắm thiết giữa bố và con gái.
Tôi nói: “Suốt đời con yêu thích ca khúc này”.
Ông Allen thì thầm: “Bố cũng vậy.”
Tôi kéo ghế xích lại gần hơn chút nữa, cầm lấy bàn tay ông Allen, và thế là câu chuyện ray rứt của đời ông tuôn ra. Con gái của ông, một phụ nữ trẻ tuổi mà hồi nhỏ đã phải chịu một chứng bệnh đau đớn hành hạ. Trong một thời gian dài ông đã yêu thương chăm sóc con nhưng rồi trong một chuyến ông đi xa lo công việc cô con gái đã đột ngột qua đời. Niềm ân hận được ông Allen thổ lộ ra có cái gì đó tương đồng với của tôi. Sau những tháng năm xa cách cuối cùng tôi đã trở về với bố tôi trong cơn bệnh cuối đời của bố cùng với bố sống trong yêu thương và lòng tha thứ. Vậy mà trong lúc bố lâm chung tôi đã không có mặt bên bố.
Ông Allen và tôi đã cùng nhau chia sẻ nỗi buồn từ lâu giấu kín trong lòng. Những sáng những chiều bệnh viện giờ đây trôi qua trong những vòng ôm trìu mến và những lời trao đổi của cha và con gái. Từ đây sẽ không còn chia ly ngăn cách nữa.
NS – theo Ruth Hancock. Chicken Soup for The Soul