Tháng Tư 1975. Dù họ là những người lính, là một cô giáo, một người nội trợ hay chỉ là những thiếu niên thì mốc điểm thời gian này và hành trình tìm tự do sẽ còn nằm lại vĩnh viễn trong ký ức của mỗi người, của mỗi chứng nhân trong một chương sử buồn nước Việt. Cho dù mỗi chúng ta đều có câu chuyện kể của riêng mình và đây chỉ là những tình cảnh và suy nghĩ dăm cá nhân, nhưng những hồi tưởng về những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam, về những bươn chải, cùng cực sau chiến tranh và con đường vượt thoát cùng những ngày tị nạn trên đảo của họ cũng có thể cho một số người nhìn thấy bóng dáng của chính mình. Hay ít ra chúng cũng cho chúng ta hiểu thêm về hành trình khác hơn của riêng mình trong một thời quá khứ. Tưởng niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam, chuyên mục thực hiện và ghi lại dăm ký ức của một số cá nhân như một chấm điểm góp vào bức tranh toàn cảnh của một giai đoạn. Xin mời các bạn cùng theo dõi.
Cuối Tháng Ba năm 1975. Một ngày trước khi Quy Nhơn thất thủ, đại úy nhiệm chức Nguyễn Đại Hùng, 29 tuổi – Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Điều Hợp Quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định là những người cuối cùng rời khỏi căn cứ sau khi đã tiêu hủy các giấy tờ, tài liệu. Từ giữa Tháng Ba thì Ban Mê Thuột đã thất thủ, rồi lịnh triệt thoái quân đội ra khỏi cao nguyên đã kéo theo hàng loạt các cuộc thất thủ tại Huế, Đà Nẵng, lan đến các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung. Trong tình trạng “hỗn quân hỗn quan” như lời cựu Đại Úy Hùng kể, từ Quy Nhơn ông chạy vào Cam Ranh, theo tàu ra Phú Quốc rồi trở lại Vũng Tàu theo lịnh trên để tái thiết lực lượng, nhằm gom quân ra nút chặn Phan Rang. Nhưng rồi lịnh đầu hàng đưa ra. Là một sĩ quan tác chiến từng nhận anh dũng bội tinh của Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông Hùng trầm ngâm, “Khó mà diễn tả được tâm trạng bấy giờ, chẳng thà đánh mà thua, còn đàng này… Coi như giấc mộng đời trai đã tan vỡ”.
Với Trung Úy Không Quân Đinh Tiến Đạo, ngày cuối cùng của ông trong quân ngũ vẫn còn cho đến sáng ngày 30 Tháng Tư khi nhận lịnh yểm trợ diệt chiến xa cộng sản tại khu vực Bảy Hiền. Ông kể rằng, từ Cần Thơ, là một phi công trong bốn chiếc A-37 bay lên tiếp ứng nhưng đến vành đai Sài Gòn thì tần số liên lạc hành quân chiến cuộc không có ai trả lời và không có máy bay quan sát hướng dẫn đánh địch, ông và các chiến đấu cơ đành bay về lại Trà Nóc. Giữa đường bay thì nghe lịnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh. Những người lính trẻ như ông Hùng, ông Đạo cùng biết bao người lính khác cho đến một số tướng lãnh khí tiết bị buộc phải buông súng đầu hàng. Sự tuẫn tiết của những tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ trong ngày 30 Tháng Tư và nhiều sĩ quan, binh sĩ khác, bày tỏ thái độ can trường, khí phách trước lịnh bức tử một quân đội.
Lễ tưởng niệm 30/4 tại Cộng đồng Dallas – photo lê công
Với người dân thì hãy nghe nhà văn Việt Phương kể lại, “Gia đình tôi chạy từ Nha Trang vào Sài Gòn, đến Ba Ngòi, cầu Ba Ngòi đã bị giật sập. Quốc lộ số 1, đầy người và xe, kẹt cứng. Những khuôn mặt hốt hoảng, kinh hãi cùng cực, những giọt nước mắt tức tưởi… Sau đó vài ngày, chúng tôi đành quay lại Nha Trang, đường quay về cũng khó như đường ra đi. Thành phố hoang tàn. Nhà cửa bị người ta cạy phá tan hoang. Tâm hồn tôi cũng rách nát tan hoang. Tất cả vẫn còn mới như ngày hôm qua. Khói lửa và máu vẫn chùm ụp xuống tôi những cảm giác ghê rợn. Như viên đạn đã cày trên thân thể ba tôi một đường máu. Viên đạn đào trong hồn tôi một dòng sông đỏ. Hình ảnh chạy loạn. Hình ảnh bữa cơm trộn ngô khoai mẹ tôi với một đàn con nhìn nhau ứa lệ. Bây giờ, thảng hoặc, súng vẫn nổ trên dây thần kinh của tôi. Đạn vẫn bay trên từng mạch máu. Tôi sợ chiến tranh”. Bà Hoàng Chu, một cô giáo trẻ năm 1975 kể rằng, “Khi ấy vừa mới tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài Gòn, tôi tròn 22 tuổi. Cầm Sự Vụ Lệnh trong tay, tôi và một số các bạn đi nhận nhiệm sở ở trường trung học Phú Khương, quận Long Hoa thuộc tỉnh Tây Ninh. Nơi tôi ở trọ là một căn nhà hai tầng lầu nhìn thẳng ra chợ Long Hoa sầm uất trước mặt. Căn nhà này là của một phụ huynh học sinh giàu có, cho các giáo sư từ Sài Gòn ở miễn phí. Khi đó khoảng gần cuối năm 1974, ngay đêm đầu tiên xa nhà tôi đã cảm thấy không khí chiến tranh bao trùm tỉnh lỵ này. Đêm đêm những tiếng đại bác vọng về từ trên núi Bà Đen, tiếng đạn bay trên không trung, rồi ánh sáng hỏa châu rực trời. Sáng đến trường, trong những câu chuyện vãn với đồng nghiệp địa phương, tôi biết được nhiều chuyện đang xảy ra chung quanh mình. Tôi thực sự sợ hãi. Có những sáng đáp xe đò từ Sài Gòn đi đến trường để dạy, xe qua khỏi Hậu Nghĩa thì bị đắp mô không chạy tiếp được, phải đợi công binh đến gỡ mô rồi mới tiếp tục. Cứ như vậy, cho đến những ngày gần cuối tháng Tư 1975, chiến tranh ác liệt diễn ra, trường học nơi tôi dạy được dùng làm trại tạm trú cho người dân nơi những vùng hẻo lánh khác đến. Học trò đến lớp thưa hẳn do phải phụ bố mẹ sắp xếp chạy loạn. Một ngày tôi đang dạy học, nhận được điện tín từ nhà gởi lên, bảo phải về Sài Gòn gấp, tình hình đã trở nên xấu. Phải khó khăn lắm tôi mới tìm được một chỗ trên những chuyến xe cuối cùng chạy về Sài Gòn. Tôi không thể tưởng tượng được những cảnh hỗn loạn trên đường từ Tây Ninh về Sài Gòn. Người dân cố tìm được những phương tiện nào họ có thể có để chạy về phía Sài Gòn tìm đường sống. Xe thồ, xe đạp, xe lam, xe gắn máy, trâu bò… Xe chạy trước, đạn pháo kích của Việt Cộng đuổi theo sau”.
Có thể câu chuyện chạy loạn của bạn khác hơn, khốc liệt hơn nhưng như vậy ắt cũng đủ cho tình cảnh bàng hoàng, thất thần trốn chạy cộng sản của người dân miền Nam như thế nào trong những ngày cuối cùng của Nam Việt Nam.
Họ có những lý do để hoảng sợ, để trốn chạy. Đại úy Hùng bị tù cải tạo sáu năm rưỡi và Trung Úy Đạo cũng chẳng thua kém bao nhiêu. Biết bao nhiêu trại giam đã mọc ra trên khắp cõi Việt Nam để giam cầm, trả thù những sĩ quan, những nhân viên cán bộ, những văn nghệ sĩ miền Nam. Các số liệu ước tính có ít nhất khoảng 150 trại tù cải tạo đã giam giữ khoảng ba trăm ngàn người và cứ ba gia đình miền Nam VN thì có một gia đình có người thân bị tù, không kể số người bị chết trong các trại tù giữa rừng sâu nước độc vì bị ngược đãi, vì thiếu thốn, bịnh tật (theo Dart Center for Journalism).
Bên ngoài là cả một trại tù lớn khi người dân bắt đầu bị kiểm soát qua hộ khẩu và mô hình tổ dân phố, sổ lương thực, hợp tác xã, kinh tế mới… Những cuộc đổi tiền, đánh tư sản, thực chất là những cuộc trấn lột nhắm vào người dân miền Nam. Bo bo, khoai mì, gạo mốc, bột mì luộc, những thứ thực phẩm mà người dân chưa hề coi là nguồn lương thực chính trước đây, nay phải thức dậy từ sáng sớm, xách bao để sắp hàng mua hay nhận lãnh. Cúp điện, cúp nước trở nên điều thường xuyên. Thuốc xuyên tâm liên trị bá bịnh, nước dừa thay thế se-rum, những “thần dược” mới của người cộng sản được quảng bá ra rả.
Thế hệ sinh sau 75 ắt khó lòng tưởng tượng rằng đã từng có một thời cha anh họ chỉ đánh răng bằng muối hay bột than nghiền vụn và một cục xà bông xả đã là thứ quý giá vô ngần. Nhưng làm sao kể hết được vô vàn những việc đại loại như vậy. Nên khi phát biểu của “sử gia công bộc” Vũ Quang Hiển thuộc Đại Học Hà Nội mới đây rằng, “sau chiến tranh, Việt Nam không có ngược đãi…” (!?) đã trở thành một câu chuyện (tiếu lâm) được bàn tán như thế nào trên các trang mạng. Ở đây cũng cần mở ngoặc để nhắc đến sự hy sinh, nhọc nhằn của những người vợ, người mẹ, những người chị cả trong gia đình đã thay chồng, phụ mẹ lo cho bầy con thơ, em nhỏ trong thời gian này. Họ xứng đáng để vinh danh, để nhắc nhở về những bươn chải, còng lưng của một giai đoạn đầy nước mắt của đời sống mà có dịp, chúng tôi sẽ trở lại trong một bài viết khác.
Rồi người dân bắt đầu những hành trình tự do, vượt thoát cái ngục tù kia. Một hành trình mong manh giữa làn ranh ngục tù, giữa sự sống và cái chết. Cũng theo lời bà Hoàng Chu kể lại, “Tôi bỏ dạy, về Sài Gòn bắt đầu tìm đường vượt biên. Tất cả khoảng bốn lần, nhưng không lần nào thành công. Hai lần bị lừa ở Phú Hải, Vũng Tàu…”. Nguyễn Tiến Dũng, một kỹ sư và cựu Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ kể lại hành trình của mình trước khi đến được đảo Galang như sau, “Sau vài lần vượt biên không thành công, bị bắt ở tù cũng vài lần, “nặng” nhất là lần ngoài Côn Sơn. Chiếc ghe đi được một ngày một đêm thì gặp biển động nên trôi dạt gần Côn Đảo, bị biên phòng thấy và đuổi theo. Lúc đầu ghe tôi cũng cố chạy, nhưng bị họ bắn M79 và trung liên. Vì biển động nên may không trúng ai, một lát sau vì có trái M79 rơi và nổ gần ghe nên tài công ngừng và bị dẫn vào Côn Đảo. Vừa lên cầu tàu, công an hỏi “Ai là tài công?”. Anh tài công vừa giơ tay liền bị tên CA dộng cái báng súng trung liên RPD đế sắt thẳng vô mặt. Sau đó mọi người bị dẫn vào khu nhà tù cũ của Pháp. Tù xây bê tông, cửa sổ và cửa chính chấn song sắt to. Chung quanh ba bức tường là bệ xi-măng cao khoảng đầu gối, chiều ngang vừa một người nằm, ban đêm khá lạnh nên mọi người tìm giấy bao xi-măng trong khi đi ra ngoài lao động về lót. Ăn uống thiếu thốn, ngày hai chén cơm trộn khoai, trồng mì, phát hoang trên núi. Tôi bị giam khoảng 6 tháng rồi bị di lý về đất liền, ở tù thêm khoảng 4 tháng nữa thì họ thả…”.
Còn Phước Trần, một nhân viên Bưu Điện rời Việt Nam ở tuổi thiếu niên kể lại rằng, “Với tôi, nghĩ về Việt Nam là một quá khứ tuổi thơ đáng buồn. Ngày ra đi, mẹ tôi tiễn tôi với những giọt nước mắt. Mẹ mừng cho sự vượt thoát của tôi hay bà sợ tôi sẽ vùi thân dưới đáy biển? Khi đến được đảo Bi Đông, tôi cảm ơn trên phù hộ, cảm ơn mẹ đã cầu nguyện cho con. Tôi nhớ mẹ, nhớ nhà nhiều lắm, cứ mỗi khi viết hay nhận thư gia đình là tôi khóc thật nhiều. Nhớ mẹ mình và những bà mẹ Việt Nam khác đã hy sinh rất nhiều cho chồng con. Mỗi chiều đứng trên đồi Tôn Giáo nhìn ra biển mà lòng buồn nhớ nhà khôn nguôi. Đời sống trên đảo là những ngày dài, cứ ăn-tắm biển-ngủ-chờ ngày đi định cư ở nước thứ ba nào đó. Trại thành lập đã lâu nên mọi sinh hoạt cũng đi vào nề nếp, nhà ở thực phẩm nước ngọt đều được Cao Ủy Liên Hiệp Quốc cung cấp. Nếu có thêm sự giúp đỡ tài chánh từ thân nhân nước ngoài gởi vào thì rất vui vì trên đảo cũng có buôn bán. Điều tôi ngạc nhiên là “dân số”… chuột chắc cao hơn số thuyền nhân. Nói tóm lại là một nước Mỹ chưa đến, tôi chưa biết rõ nhưng chắc chắn không còn muốn nhớ về cái xã hội Việt Nam nữa. Còn ở cái đảo Paula Bidong này thì đá banh với bạn bè ở khu A, tối ngồi uống cà phê ở khu C và chờ ngày định cư thì đúng là thiên đường hạ giới với tôi rồi, cuộc sống không đến độ quá khó khăn như cái tên gọi Bi-Đát mà người ta đặt cho Bi-Đông… Vâng, có ai quên được mình từng là một thuyền nhân tị nạn cộng sản. Còn riêng tôi, tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi nhớ hoài những hình ảnh đó, thương mãi những con người từng chung sống bên chúng tôi, luôn cảm ơn những quốc gia và những người đã từng mở rộng vòng tay giúp đỡ chúng tôi. Xin tri ân”. Cái tâm tình tri ân đó cũng không khác hơn của bà Hoàng Chu, “Đến được đất nước bình yên này, tôi và gia đình được hưởng sự giáo dục hoàn hảo, nhân phẩm con người được tôn trọng, tôi cảm thấy thương xót cho đồng bào tôi, những người còn ở lại Việt Nam. Nếu không ra đi được, không biết cuộc đời mình sẽ trôi về đâu. Khi viết những dòng này, tôi xin được tri ân những chiến sĩ vô danh, những người đã chết cho chúng tôi được sống, được những gì tốt đẹp như chúng tôi có được như hiện nay”. Hay theo cái nhìn của một cựu quân nhân Hoa Kỳ như Nguyễn Tiến Dũng hiện nay,”…khi mình đang nướng BBQ với các con và gia đình thì có biết bao người lính phải hành quân băng rừng, băng sa mạc giữa tuyết giá ngày đêm để cho mình, cho những người sống trên đất Mỹ này có được điều này”.
Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn với những người trong cuộc về những trải nghiệm nói trên, chúng tôi đã hỏi thêm suy nghĩ một bạn trẻ sinh ra tại Hoa Kỳ này là cô Cung Hoàng Kim, một ký giả thuộc hệ thống truyền hình NBC kiêm Hoa hậu Nebraska USA 2015 thì cô viết lại (bằng tiếng Việt) rằng, “Theo Hoàng Kim, Chiến Tranh Việt Nam (1955-1975) về ý thức hệ (Miền Nam bảo vệ Tự Do chống lại Miền Bắc độc tài xâm lăng) đã kết thúc cho tới năm nay, 2015, là 40 năm rồi. Nhưng ở quốc nội, tình người, đạo đức, và nhân quyền, nhất là quyền tự do phát biểu về chánh kiến và tôn giáo vẫn thiếu vắng từ 40 năm nay. Thật buồn khi thấy những người trẻ như Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng… phải bị tù chỉ vì đã can đảm lên tiếng cho chánh kiến và niềm tin khác biệt. Ở hải ngoại, để giúp người trẻ Việt không quên nguồn gốc, Hoàng Kim ước mong các bậc phụ huynh tiếp tục giữ gìn tư cách và đạo đức để làm gương cho giới trẻ; đồng thời nói, dạy tiếng Việt, và khuyến khích con cháu học hỏi thêm về lịch sử và văn hóa Việt. Hy vọng sinh hoạt nầy giúp mang lại niềm vui trong gia đình và xây dựng tương lai cho người trẻ Việt hải ngoại”. Có lẽ vừa là một ký giả cộng thêm nền tảng gia đình, đã giúp Hoàng Kim luôn theo dõi về tình trạng Việt Nam cùng một ý thức cộng đồng và văn hoá đầy tâm cảm Việt như vậy. Quả thật, câu chuyện về Việt Nam ngày nay đang là một cuộc chiến khác. Không bom đạn nhưng cũng chẳng kém phần cam go.
40 năm, những thước phim rời ghi lại bên trên ắt chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh. Có người bảo đừng quên hay cũng có người viết hãy xếp lại quá khứ, ắt chẳng là điều dễ dàng phân chia rạch ròi như vậy. Bởi vì ngăn ký ức của mỗi người đã lưu giữ những trải nghiệm riêng mình hay của cả thế hệ. Và làm sao quên được một giai đoạn thương đau của cả một dân tộc?
ĐYT