Viết cho những thế hệ mồ côi hậu 30-4-1975
PHẦN KẾT
Đã tới ngày Mẹ và tôi lên đường. Sau khi nhắc Dì Thơ cách chăm sóc trẻ em, Mẹ ôm anh chị tôi vào lòng một cách trìu mến. Mẹ dặn anh chị phải ngoan khi Mẹ không có nhà, và nói Mẹ thương cả hai rất nhiều. Chị Ba bật khóc, và níu lấy Mẹ. Anh Hai đứng kế, nước mắt chảy ròng ròng, nhưng không khóc ra tiếng. Chị Ba lắp bắp đứt quãng giữa những tiếng khóc nấc nghẹn ngào, “Mẹ… Mẹ… Mẹ… ở nhà thêm bữa nữa, nghe Mẹ?” Mẹ không muốn trễ chuyến xe đò duy nhất trong ngày. Mẹ siết chặt anh chị tôi một lần nữa, đặt tôi vô trong túi vải, cột túi vô ngực như lần Mẹ chở tụi tôi về thăm Ông Bà Ngoại. Mẹ đeo cái túi đồ của tôi trên vai trái. Trong túi có mấy cái tã vải, đồ em bé tôi thừa hưởng của anh chị, và một cái khăn lông. Mẹ đưa tay trái đỡ lấy túi vải để ôm tôi vô ngực. Bên tay phải, Mẹ xách cái giỏ đựng quần áo của Mẹ, một cái nồi, hai cái chén, ít gạo và cá khô của Ông Bà Ngoại cho. Mẹ bước từ từ nhưng cương quyết ra phía trước nhà. Dì Thơ ôm anh chị tôi trong tay. Cả ba ngồi ở cửa trước, nhìn theo Mẹ và tôi. Tiếng Chị Ba khóc thút thít xen lẫn với tiếng nấc cục buồn tủi. Mẹ đi tiếp. Nhọc nhằn. Trái tim Mẹ chắc nặng ngàn cân. Mặt trời như đã héo hắt dù mới giữa ngày.
Mẹ con tôi phải mất gấp đôi thời gian mới ra tới trạm xe đò vì Mẹ vẫn còn yếu sau khi sanh và vì những biến động mới nhất. Chúng tôi tới nơi cũng vừa kịp lên xe. Mẹ lấy một trong mấy tờ giấy bạc Bà Ngoại cho để trả tiền xe đò. Anh lơ xe chụp lấy cánh tay Mẹ rồi đẩy lên bậc thang cuối cùng bên trong xe đò, chộp lấy tiền trong tay Mẹ, rồi đóng sầm cửa lại. Anh ta leo lên mui xe và ở trên đó. Xe đò lúc nào cũng quá tải, vì thời đó không có phương tiện di chuyển nào khác. Tất cả các xe hơi và xe gắn máy đều đã bị tịch thu. Chỉ có xe đạp cà tàng mới bị bỏ lại cho dân trong những lần tịch thu. Tuy có nhiều người có ghe và có thể dùng đó làm phương tiện di chuyển, họ vẫn phải tuân theo những luật gắt gao cũng giống như khi đi lại trên cạn. Xin giấy phép đi đường thủy còn khó hơn vì Nhà Nước đã chú trọng vô an ninh trên cạn, và chưa thiết lập những trạm gác đường thủy. Nhưng ngay năm sau đó, Nhà Nước đã kiểm soát gắt gao di chuyển đường thủy vì nhiều người bắt đầu vượt biên từ các hải khẩu.
Xe đò chật đến nỗi không có chỗ để đứng. Mọi người chen chúc nhau để thở. Mới lên xe ít phút là Mẹ con tôi đã nếm đủ mồ hôi của những người đang đứng, quỳ, ngồi xung quanh. Tài xế xe đò hay thắng gấp, và mỗi lần thắng, thì hành khách lại dạt tới dạt lui một lượt, như một “về” cá trong cái tàu đang lắc lư. Mẹ xoay mặt ra cửa và đứng trụ một khoảng cách để cho tôi có chỗ mà thở. Biết có người cứ nhìn mình, Mẹ quay lại và bắt gặp ánh mắt sỗ sàng của một thằng dê xồm. Mẹ trừng mắt liếc hắn, và hắn quay đi.
Xe đò ngừng nhiều lần để cho người ta lên hoặc xuống. Mỗi lần ngừng, anh lơ xe lại la lớn tên chỗ ngừng. Hành khách đứng ở cửa trước và sau phải xuống xe mỗi lần xe ngừng dù đó không phải trạm xuống của họ. Anh lơ xe thường hỏi những người xuống xe coi họ có xe đạp ở trên mui không. Những người bạn hàng bán lẻ cũng để hàng hoá trên mui. Có nhiều người muốn đem súc vật sống lên xe, như gà vịt, nhưng mấy con vật này xông mùi hôi nồng nặc nên hành khách ai nấy đều phản đối. Gà vịt sống cũng phóng uế bừa bãi, vừa khó chịu cho hành khách, vừa thêm việc cho anh lơ xe. Nhưng anh lơ cũng tảng lờ ngó lơ nếu bạn hàng đó là khách thường xuyên, và vì vậy, là một thân chủ quan trọng. Chỉ trừ khi người bán gà vịt lên xe trước tiên, thường họ bị hành khách trên xe áp lực để đưa gà vịt lên mui. Dù vậy, nhưng cũng có những bạn hàng hung dữ và ngang nhiên đưa gà vịt sống lên xe dù họ đón xe giữa chừng. Nhiều người la ó và phàn nàn nhưng vô hiệu. Sau một hồi, xe đò tiếp tục lăn bánh, tiếng phàn nàn cũng tan đi.
Sau khi hành khách cần xuống xe đã đi rồi, những người đứng ở bậc thang chỗ cửa xe đò lại trở lên xe. Mẹ cứ phải leo lên leo xuống như vậy cho tới khi chúng tôi tới trạm xe của tỉnh, vốn chỉ là một bãi đất trống với một cái cổng ghi địa danh của nơi đó. Nhà Nước vẫn chưa thiết lập mọi thứ đâu ra đó, và trạm xe đò là một trong những thứ còn đang dở dang. Năm sau, các trạm và tuyến xe đò được ấn định, nhưng nhiều thứ khác vẫn mãi còn dở dang. Bởi vì thiếu phương tiện giao thông, ai cũng đón xe đò khi cần đi lại. Xe đò cứ ngừng bất cứ nơi nào có một hành khách đang đứng chờ ở lề đường và đã vẫy tay rối rít ngay từ khi xe vừa mập mờ ló dạng từ xa để kêu xe ngừng.
Chuyến xe đò nửa ngày làm Mẹ và tôi nhừ tử. Cả chuyến đi chỉ mất bốn tiếng, nhưng Mẹ phải lên xe xuống xe cả chục lần. Tôi không khóc nhiều lúc đi xe, nhưng bị người ta thúc cùi chỏ cũng mệt, dù Mẹ hết mực che chắn cho tôi. Khi chúng tôi đến nơi, trời đã chạng vạng tối. Mẹ phải kiếm một hồi mới ra địa chỉ trường. Nó cũng không thật sự là một cái trường, mà là một căn nhà tranh vách đất với nhiều vách ngăn để cho việc dạy tạm. Lúc đó Mẹ mới biết là Mẹ phải mướn một cái chái phía sau cái nhà kế bên trường. Ông bà chủ nhà là một cặp vợ chồng già, bà con ruột thịt của ông hiệu trưởng nên được sống ngay tại trường. Họ ở đó coi trường. Nhà Nước đã chỉ định cho Mẹ tôi ở đó, để ông bà gác trường có thể theo dõi mọi hành tung của Mẹ và báo cáo lên ông hiệu trưởng, để ổng lại báo cáo lên cấp trên của ổng. Sự sắp xếp này mang lại một thu nhập lớn cho đôi vợ chồng già, bên cạnh tiền lương giữ trường và tiền lời họ thu được từ việc bán bánh kẹo cho học trò trong giờ chơi. Chỉ nhờ quan hệ máu mủ mà ông bà gác trường mới được chỗ tốt như vậy, nên họ cũng phải biết hậu lễ cho tương xứng nếu không thì mất.
Mẹ cám ơn ông bà gác trường đã cho mướn nhà, và hứa sẽ trả tiền nhà liền khi lãnh lương tháng đầu. Ðồng thời, Mẹ cũng biếu họ ít cá khô và gạo thơm để ăn lấy thảo. Thức ăn ngon có lẽ là quà tặng ưa thích nhất của mọi người lúc đó. “Cao lễ dễ thưa,” quà tặng càng quý thì nói năng càng dễ. Mẹ đã học cách sống bằng câu tục ngữ này suốt mấy tháng nay. Mẹ hỏi xin một ca nước nếu ông bà không phiền. Bà lão vui vì Mẹ đã biếu thức ăn, và thông cảm đàn bà con mọn đang cho bú mà phải đi đường xa. Bà về nhà và quay lại với một cái lon đã rỉ sét. Người dân ở đây uống nước múc về từ một cái ao trong vùng. Mẹ uống một hơi không chớp mắt.
Nhà mới của chúng tôi là một căn phòng nhỏ tạm bợ được dựng thêm ở vách sau của nhà vợ chồng người gác trường. Chúng tôi sống trong thời đại của tạm-bợ-mọi-thứ. Mẹ để giỏ xuống trên sàn đất, nhìn quanh phòng. Mẹ quyết định tối nay, hai mẹ con sẽ ngủ ở kế cái vách sau. Cả cái phòng và cánh cửa duy nhất được làm bằng khung tre và những tàu lá chuối khô bện thành những mảng dầy. Cánh cửa được cột vô vách sau của nhà ông bà quản trường bằng một hàng dài những dây chuối khô. Không có khoá. Mẹ kiếm trong giỏ ra một sợi dây vải rồi cột cái thanh tre trên mép cửa với thanh tre trên vách kế bên. Ba bức tường và mái nhà đều làm bằng nẹp tre và lá chuối khô bện lại.
Vừa cột dây đóng cửa xong, Mẹ ngồi xếp bằng như tọa thiền trên nền đất rồi mở nút áo cho tôi bú. Tôi nút ngon lành. Ðó là lần thứ hai tôi được bú trong ngày. Mẹ tìm nhiều cách để cho tôi bú trong lúc đứng trên xe đò bị người ta dồn đẩy vào cái cửa xe kêu rưng rức, nhưng vô hiệu. Tôi nút hết sữa thì ngủ liền. Mẹ quấn tôi lại trong cái khăn lông mà Mẹ đem theo để cho tôi ấm. Sàn nhà không dơ, nhưng cũng chưa được quét. Mẹ thấy có mấy tàu chuối khô nằm ngổn ngang ở góc phòng, chắc còn sót lại khi họ cấp tốc dựng cái phòng này để làm nhà mới cho mẹ con tôi. Mẹ ôm tôi một tay, tay kia cầm một tàu lá chuối khô để quơ cho sạch khoảng đất gần vách tường phía trong. Mẹ giũ mấy tàu lá chuối cho sạch bụi, rồi xếp chúng thành cái nệm tạm bợ. Mẹ ôm tôi trên ngực rồi nằm xuống. Mấy sóng chuối khô cứng thọc vô lưng Mẹ, nhưng Mẹ đã ngủ mất rồi.