Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Những câu ca dao như vậy, tôi đã được nghe từ thời thơ ấu, qua lời hát ru của U Lịch. U Lịch ở với gia đình tôi từ rất lâu, từ khi U còn trẻ, từ khi anh-chị -em-chúng tôi chưa hiện diện trên cõi đời. Khi cha mẹ tôi vào miền Nam lập nghiệp, U cũng đi theo. U vào trong Nam, mang theo câu hát quan họ trữ tình của người Kinh Bắc, mang theo làn điệu dân ca mượt mà, duyên dáng của những mùa trăng hát hội đêm rằm.
Được sinh ra và lớn lên tại Đa Lạt, tôi không biết tí xíu gì về quê cha đất tổ ở phương Bắc xa xôi. Nhưng hình ảnh quê hương như bóng với hình, đã in đậm nét trong lòng tôi, qua lời hát ru vô cùng huyền diệu của U Lịch.Tôi vốn hay đau yếu, khảnh ăn khảnh uống, món gì cũng không thích, món gì cũng không ăn. Có ai hơi nói gắt giọng một chút, tôi cũng giận dỗi, làm thinh luôn mấy ngày liền. Tuổi thơ của tôi gắn liền với thuốc men, với bệnh viện. Hết thuốc tây đến thuốc ta. Ai mách bảo ở đâu có bác sĩ giỏi, ở chỗ nào có đại phu hay, cha mẹ tôi đều đưa tôi đến, để mong tôi được gặp thầy gặp thuốc, được mau chóng thoát khỏi tai kiếp của bệnh tật.
Phần vì thương con đau yếu, phần vì tuy tôi nhiều bệnh tật, nhưng thông minh sáng trí học môn gì cũng thật giỏi cũng mau hiểu biết, nên cha mẹ có lòng yêu chiều, dung túng cho tính nết khó chịu của tôi. Thấy tôi có triệu chứng càng ngày càng trở nên bướng bỉnh. Sợ nếu cứ dung túng cho tôi, mai này khôn lớn đối diện với cuộc đời gập ghềnh thô nhám, tôi sẽ vấp ngã và sẽ bị tổn thương không ít. Nên cha mẹ tôi thay đổi thái độ. Nói dịu giọng mà tôi không chịu nghe lời, cha mẹ tôi ngay lập tức nghiêm nghị mắng, và bỏ mặc. Vốn quen được nuông chiều, bỗng thấy cha mẹ khó khăn lạnh nhạt, tôi càng trở nên bướng bỉnh, không chịu ăn cơm không chịu uống thuốc. Chỉ có U Lịch bênh vực, che chở cho tôi. Gạt bỏ những lời đe nẹt của cha mẹ tôi qua một bên, U bảo: – Giời ạ, trẻ em chứ có phải người lớn đâu, mà cậu mợ lại đối xử như vậy. Cứ để em cho tôi chăm sóc, khuyên nhủ.
Mỗi ngày, sáng và chiều, tôi đều phải uống thuốc. Chén thuốc bắc đậm đen đắng nghét, thật khó uống. U Lịch ngồi bên cạnh. Tay cầm quạt nan, quạt cho thuốc mau nguội, miệng hát dịu dàng: Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Nhớ ai dãi nắng dầm sương. Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao. U thì thầm kể: -Quê mình ở ngoài Bắc đẹp lắm, Hà Nội ba mươi sáu phố phường, lại có nhiều món ăn ngon. Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắn Vạn Vân, cá rô Đầm Sét. Em ngoan, uống thuốc cho hết bệnh, ăn cơm cho chóng lớn. Sau này em lớn, U sẽ đưa em về quê chơi, em có chịu không? Dĩ nhiên là tôi bằng lòng. Tôi nhìn thấy con đường đất bò từ vệ đê, qua cánh đồng lúa ngời xanh đương thì con gái, trong đôi mắt tròn to, đen tuyền, sâu thẳm của U Lịch. Tôi nghe thấy câu hát đáo để, giọng cười khúc khích của cô gái Bắc Ninh, khi trêu ghẹo người khách bộ hành: Hỡi anh đi đường cái quan. Dừng chân đứng lại em than đôi lời. Đi đâu vội lắm ai ơi. Công việc đã có chị tôi ở nhà.
Cứ như vậy, vừa kể chuyện nhà quê, U Lịch vừa hát câu quan họ để dỗ dành tôi: Chè non ai hái nửa nương. Cau non ai chẻ người thương nửa chừng. Hai hàng nước mắt ngập ngừng. Thà rằng ngày trước ta đừng gặp nhau. Những câu ca dao vần điệu nhẹ nhàng êm ái, qua giọng hát ngọt ngào của U Lịch, đã khắc dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi. Tuổi thơ hồn nhiên, tôi không thể hiểu ý tứ sâu xa được gửi gắm trong từng câu chữ. Tôi chỉ mơ hồ nhận biết: Câu và chữ ấy có cưu mang những điều gì đó, khiến người ta khi được nghe rồi, sẽ không thể nào quên. Tôi đem sự cảm nhận của tôi, nói với U Lịch. U cười bảo: Đúng như vậy, không ai có thể quên ca dao. Nhất là khi người ta sống rất xa quê. Rủ nhau xuống bể mò cua. Đem về nấu quả mơ chua trên rừng. Em ơi chua ngọt đã từng. Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
Chân trời quê ở tận sông Hồng của phương Bắc xa xôi, đã hình thành trong trí tưởng của tôi, bằng tên gọi của những thức ăn dân dã thanh đạm, đầy hương vị độc đáo của từng thôn làng.Tôi chưa hề ăn dưa La cà Láng, cũng chẳng biết nem Báng tương Bần ra sao, càng không hiểu nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét đặc biệt như thế nào. Tôi chỉ biết canh rau muống, cà dầm tương, do U Lịch và mẹ tôi thường hay làm. Rau muống luộc xanh ngọn, gắp bỏ vào dĩa. Nước rau luộc múc ra tô, vắt chanh, cho thêm trái cà chua sống vào dầm nát, đánh tơi ra. Thế là thành món canh. Cà được cắt từng miếng nhỏ, muối xổi, bỏ vào chén, rồi đổ tương lên. Trước khi đổ tương vào chén, phải lắc chai tương cho thật đều. Một vài phút thôi, đã có thể ăn.
Tháng năm đi không đợi. Tháng năm mang đời của một người, đi xa đi khuất vào ngày xưa. U Lịch đã an giấc ngàn thu, chưa kịp dẫn tôi về thăm quê cha đất tổ, chưa kịp dẫn tôi về quê, để ăn dưa La cà Láng, nem Báng tương Bần, nước mắm Vạn Vân cá rô Đầm Sét. Tôi lớn khôn phiêu bồng đất khách, sống xa cách quê hương một nửa vòng quay trái đất. Bây giờ, mỗi ngày sáng và chiều, tôi cũng phải uống hai chén thuốc bắc đậm đen đắng nghét. Không có U Lịch ngồi bên cạnh, tay cầm quạt nan, quạt cho thuốc mau nguội, miệng hát dịu dàng những câu quan họ đậm đà tình nghĩa của người đối với người, của người đối với quê hương. Một mình một bóng, ngồi chờ thuốc bớt nóng để uống, tôi nghe văng vẳng bên tai, âm vang giọng hát ru mượt mà của U Lịch: Trăm năm dù lỗi hẹn hò. Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Lòng tôi chợt ngậm ngùi. Thương cây đa, con đò, bến cũ. Lòng tôi chợt ngậm ngùi. Nhớ những món ăn mộc mạc, đầy dấu ấn của làng quê xưa. Tôi đang ở một đất nước giàu có nhất địa cầu, nơi tưởng như không cần kiếm tìm thêm bất cứ điều gì. Nhưng ở đây, thiếu một bát canh rau muống, một chén cà dầm tương của cố hương. Và thật rất thiếu câu ca dao được hát bằng giọng quan họ chân phương, thấm đậm hồn non nước của U Lịch. Ca dao thương nhớ cội nguồn. Thời gian lặng rớt giọt buồn trong tim. Ra đi duyên phận nổi chìm. Chiếc thân chiếc bóng sầu im lặng sầu. Trùng dương sóng động về đâu. Con thuyền viễn xứ qua cầu trăng rơi. Ráng chiều tàn giữa mù khơi. Trong ta kỷ niệm khóc lời hoài hương.