Có lần trong bài báo của mình=, tôi có nhắc rằng, cứ mỗi lần nghe bản nhạc Chiều Tây Đô của nhạc sĩ Lam Phương là lòng tôi lại bâng khuâng một điều gì đó chẳng rõ ràng. Rồi cũng lại nhạc của ông, hễ nghe Khúc Ca Ngày Mùa và Trăng Thanh Bình lại thấy rộn ràng, mường tượng cảnh yên bình của một làng quê một thủa xa xưa. Nhạc sĩ Lam Phương sinh quán ở Rạch Giá miền Tây, có lẽ vậy mà ông mang tiếng tiêu chiều man mác bên dòng sông, mang cánh cò xoải trên đồng lúa vàng, mang tiếng giã gạo đêm trăng, mang con đò xưa bến cũ vào nhạc của mình. Bằng cái tình tự với quê hương. Kẻ hậu bối, sinh ra ở thị thành rồi lớn lên ở thành thị, tôi nào được sống qua những cảnh ấy. Vậy mà lạ! Nghe nhạc hay đọc những trang sách về làng quê, lòng vẫn cứ bồi hồi. Tưởng như mình đã một thời hưởng thú điền viên. Ngỡ như đang nhớ về chuyện xưa. Nên ngồi đây bắt qua dăm chuyện cũ.
Đâu chừng gần hai mươi năm trước, Ban Biên Tập Tạp Chí Văn Học Liên Mạng chúng tôi nhận được những bài viết của một tác giả ký tên Hai Trầu. Người viết ắt phải khác những tác giả là các chuyên viên trẻ và sinh viên đang cộng tác cùng tờ tạp chí liên mạng đầu tiên của người Việt trên không gian ảo buổi sơ khai. Bút danh mộc mạc, lời văn chơn tình, nhưng những bài viết thì cuồn cuộn những uyên thâm về mùa nước nổi, về con cá, hạt lúa, nhánh mạ non, hay hơn nữa là những liên quan đến đời sống, phong tục, tập quán, văn hóa, lịch sử miền Tây. Của một người phải sống nhiều với chúng, phải ôm trọn chút tình quê với mảnh đất của mình. Đọc những bài viết mà lòng cứ bồi hồi, nhiều xúc cảm. Tưởng ngửi được nhánh hoa xoài thoảng hương, thấy đang giăng câu đêm sương, ngó hoa tím lục bình trôi trên sông mùa nước lớn nước ròng… Cái cảm xúc giống như đang nghe những bản nhạc làng quê thanh bình của Lam Phương. Chúng tôi thú vị, trân trọng. Độc giả quý mến, cảm phục. Chẳng biết có mấy độc giả ngoài kia từng sống qua cái thủa ấy hay lớn lên từ vùng sông nước miền Tây, nhưng ắt không ít người như chúng tôi. Như anh em trong Ban Biên Tập của Văn Học Liên Mạng. Ngỡ mình như gắn bó, gần gũi lắm từ những điều anh viết, anh kể.
Tác giả Lương Thư Trung trong đời thường
Thế rồi anh em biết nhau, chúng tôi biết cái tên Lương Thư Trung từ đó. Quen thêm một người anh văn nghệ. Tài hoa mà lặng lẽ, uyên bác lại khiêm cung, thâm trầm nhưng chơn tình. Những cuốn sách về làng quê của anh lần lượt ra đời. Hết Bến Bờ Còn Lại, Tình Thầy Trò, Lá Thư Kinh Xáng, Mùa Màng Ngày Cũ, đến Một Chút Tình Quê này. Lần nào anh cũng nhẹ nhàng, khiêm cung, “chẳng làm văn chương, không là biên khảo, đừng nghĩ địa dư chí”. Nhưng ngồi đọc, thấy mình học thêm biết bao điều lạ lẫm. Thấy được đi đó, ghé đây. Thấy đời sống ý vị với những lời tâm tình. Không chỉ biết những mùa làm gạch, mùa trồng mía ép đường, mùa ngồi tom, mùa cua ốc… ra sao, mà còn bắt gặp những điều làm mình ngẫm nghĩ thêm về ý nghĩa đời sống này qua lời anh khơi gợi: “Biết lấy cái cực làm vui, lấy cái nghèo làm đủ, lấy cái trời cho làm của ngon cho mình cũng là cách biết hưởng đời sống “an bần lạc đạo” qua những mùa cua ốc với hương đồng cỏ nội dạt dào rồi vậy!”. Lấy cái tâm đạo này mà áp dụng vào đời sống đa đoan tất bật bây giờ, ắt vẫn còn hợp thời.
Tác giả Lương Thư Trung (X) và bạn văn nghệ
Anh quen biết, quảng giao cùng nhiều văn nghệ sĩ. Nhưng anh vẫn gởi thư, ưu ái cho tôi được viết dăm dòng giới thiệu về cuốn “Một Chút Tình Quê” này. Anh bảo “để giữ kỷ niệm với anh em mình”. Vâng! Tôi nhận lời. Anh không làm văn chương. Tôi chẳng là văn sĩ. Nên tôi viết bằng tâm tình của một người em văn nghệ. Bằng sự cảm nhận về chút tình quê anh gởi lại cho mai hậu. Hay hơn hết, bằng sự trân trọng của một người của thế hệ tiếp nối trước những giá trị văn hóa mà anh chắt lọc, gìn giữ. Nhưng dẫu có bằng điều gì, thì tôi vẫn tin rằng, bạn sinh ra rồi lớn lên, hay ít nhiều từng sống qua cái miền sông nước miền Tây ấy. Một buổi chiều mưa đừng để cái đa đoan đời sống khuấy động, ngồi đọc những điều quen thuộc, gần gũi. Nghe nhắc về Sa Đéc, Cao Lãnh, Long Xuyên, Châu Đốc, về sông Tiền sông Hậu của mình. Có khi lòng lại bồi hồi, rưng rưng mà hồi tưởng quê xưa.
DYT – Dallas, Tháng Ba 2015