Menu Close

Lây lan HIV/AIDS

Tôi có mấy thắc mắc như sau về sự lây lan của bệnh HIV-Aids, xin bác sĩ giải đáp cho.

1. Chăm sóc tiếp xúc với bệnh nhân AIDS liệu có bị lây bệnh không?

2. Nếu bị muỗi đốt có bị bệnh này không?

3. Khi xăm da có bị lây HIV không? Trọng Phú.

Đáp    

Thưa ông Trọng Phú. Trước khi trả lời các câu hỏi của ông, xin nhắc lại mấy điều về HIV/AIDS.

HIV là viết tắt của chữ Human Immunosuppressive Virus có nghĩa là virus gây ra bệnh liệt kháng AIDS. Còn AIDS là tên của bệnh do HIV gây ra, viết tắt từ chữ Acquired Immune Deficiency Syndrome. Bệnh thường lây lan trực tiếp khi ta tiếp xúc với máu, nước tinh dịch, nước miếng, nước âm hộ… của bệnh nhân, nhất là trong khi giao hợp với người bệnh mà không tự bảo vệ, dùng chung kim chích với người bệnh ghiền chích thuốc cấm. Bệnh rất khó chữa.

Sau đây là những câu trả lời về câu hỏi của ông:

1. Khi xăm da có bị nhiễm HIV

Không

Chưa có tài liệu chứng minh lây lan HIV qua xăm da, bấm lỗ trên da để đeo trang sức vì virus không sống lâu ngoài không khí.

Tuy nhiên nếu dụng cụ dùng trong các dịch vụ này dính máu khách hàng trước mà không vứt bỏ hoặc khử trùng cẩn thận thì vẫn có thể lây bệnh cho khách kế tiếp. Vì thế trước khi xăm, bấm da nên kiểm soát sự sạch sẽ của dụng cụ.

2. Khi bị muỗi đốt có truyền bệnh?

Không.        

Lý do là khi virus HIV mà muỗi hút từ người bệnh AIDS vào ruột sẽ bị coi như một loại thực phẩm và  tiêu hóa ngay với máu người bệnh.

Bình thường khi đốt người, muỗi nhả vào một chút nước miếng của muỗi chứ không nhả máu. Nhưng nước miếng của muỗi lại chứa vi sinh vật gây ra các bệnh như sốt rét ngã nước, sốt vàng yellow fever, West Niles fever.

3. Chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân AIDS có lây bệnh không?

Không.

HIV không lan truyền qua sự tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân ở bệnh viện, trường học, ở nhà cũng như qua quần áo, chăn màn, chén bát hoặc điện thoại, cầu tiêu, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, sổ mũi. Cũng không truyền qua hôn khan hôn nhẹ, đấm bóp massage, tắm chung với người bệnh.

Virus HIV chỉ sống được trong các chất lỏng còn tươi của cơ thể như máu, tinh dịch, nước âm hộ và chúng rất dễ dàng bị oxy hủy hoại. Vài giờ trong không khí là virus hết sống.

 

Viêm Đa Khớp

 
Xin kính chào Bác sĩ! Tôi năm nay 45 tuổi, nữ, bị đa viêm khớp đã 3 năm rồi. Lúc đầu chữa trị bằng thuốc Tây thì tạm chỉ bớt đau thôi, nhưng sau đó thì mặt và chân bị sưng phù, thậm chí bàn chân và khớp cổ chân sưng và tím, một số khớp ngón tay cũng vậy…

Sau đó tôi chữa trị bằng thuốc Đông y và châm cứu, một thời gian thì chân hết tím, khớp cổ chân có lúc bớt sưng, có khoảng thời gian đi lại khá dễ dàng,… nhưng hiện tại cả 2 khớp cổ chân đều sưng to và nóng, việc đi lại rất khó khăn. Ngoài ra, các khớp ở cổ tay, khuỷu tay và đầu gối cũng bị đau nhức.

Hiện tại, tôi vẫn đang uống thuốc Đông y, nhưng không châm cứu nữa. Thực sự tôi không biết còn có cách nào để chữa trị bệnh này không? Xin Bác sĩ vui lòng chỉ giúp. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều! Bệnh nhân: Le Tho

Thưa bà. Trước khi trả lời câu hỏi về bệnh đa viêm khớp của bà, chúng tôi xin nói qua về Đông y và Tây y.

Đông y chữa bệnh theo kinh nghiệm cổ truyền còn Tây y chữa theo kết quả của các nghiên cứu khoa học. Cả hai đều mong muốn chữa lành bệnh cho con người vì cả hai đều có cùng một mục đích là trị bệnh. Nhưng xét cho cùng thì khi căn cứ vào các dữ kiện khoa học kết quả sẽ khả quan hơn, vì Tây y biết rõ bệnh do đâu mà ra. Nếu biết cách thay đổi sự sai ở cơ thể thì Tây y có thể điều chỉnh sự sai đó bằng các phương tiện khoa học và bệnh sẽ khả quan hơn.

Trường hợp của bà đã được bác sĩ Tây y xác định là bị Viêm Đa Khớp sau khi khám bệnh và làm một số thử nghiệm thì bác sĩ sẽ dùng các loại thuốc chống viêm đau để chữa. Chữa như vậy cần một thời gian để theo dõi. Nếu không hết thì bác sĩ sẽ đổi thuốc khác và theo dõi xem có tác dụng phụ do thuốc gây ra hay không. Chúng tôi biết được rằng bệnh viêm đa khớp kéo dài đôi khi khá lâu, bệnh nhân cần kiên nhẫn theo thầy và uống thuốc.

Bà đổi sang chữa theo Đông y và châm cứu và bệnh có thuyên giảm nhưng vẫn còn kéo dài. 

Thực tình ra chúng tôi không biết góp ý với bà như thế nào để trị bệnh Viêm Đa Khớp vì nói chữa theo đông hoặc tây thì “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Bệnh này, theo sự hiểu biết của chúng tôi, cần chữa lâu dài vì một khi mà khớp cũng như xương bị hư hao thì khó chữa bằng thuốc mà đôi khi còn cần đến giải phẫu nữa. Cho nên chúng tôi chỉ gợi ý là bà nên cùng gia đình cân nhắc lợi hại của đông/tây y rồi tiếp tục với cách chữa đó. Nếu theo Tây y thì nên kiếm bác sĩ chuyên về Xương khớp để điều trị.

Chúc bà may mắn và mau lành bệnh.

Chích ngừa bệnh Shingle

Tôi năm nay 66 tuổi. Bác sĩ gia đình nói tôi cần chích ngừa bệnh Shingle vì trước đây khi còn nhỏ tôi đã bị bệnh thủy đậu. Theo bác sĩ, có cần chích không. Cảm ơn bác sĩ. Giương Ngô.

Đáp

Thưa ông. Theo Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ những người từ 60 tuổi trở lên, nên chích ngừa, vì theo cơ quan này, bệnh có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào, nhưng lớp người trên 60 thường bị nhiều hơn.

Thuốc có mục đích bảo vệ cơ thể với sự tái hoạt động của virus gây ra bệnh thủy đậu (varicella-zoster virus).

Những người sau đây không nên chích ngừa:

– Người đã từng bị phản ứng trầm trọng với gelatin, kháng sinh neomycin hoặc bất cứ thành phần cấu tạo nào của thuốc chủng shingles.

– Người có hệ miễn dịch suy yếu vì:

– Nhiễm HIV/AIDS hoặc bệnh khác ảnh hưởng tới sự miễn dịch.

– Đang uống thuốc ức chế miễn dịch như steroid và dược phẩm sau khi tiếp nhận ghép bộ phận.

– Đang điều trị ung thư với hóa chất hoặc chất phóng xạ.

– Có tiền sử ung thư ảnh hưởng tới tủy xương hoặc hệ bạch bào như ung thư bạch cầu hoặc u hạch bạch huyết.

– Đang có bệnh lao mà không điều trị.

– Có thai hoặc có thể mang thai. Nếu muốn có thai, phải đợi 3 tháng sau khi chủng ngừa.

Người bị bệnh nhẹ như cảm lạnh có thể chích ngừa. Nhưng những ai đang bị bệnh trung bình hoặc nặng, nên đợi tới khi bình phục hẳn, kể cả người đang bị nóng sốt trên 101.3°F (38°C).

NYD