Bốn năm để hoàn tất một chương trình cử nhân đại học chỉ là điều thông thường với hầu hết các sinh viên. Nhưng nếu điều này đến từ một cô bé 10 tuổi xuất chúng và đam mê toán học, có lẽ phải gọi đây là một kỳ tích, không thường xảy ra. Với Marcie Tiraphatna – cô sinh viên Đại học UTA tại Texas đang chuẩn bị ra trường ở độ tuổi 15, giấc mơ trở thành một giáo sư toán ắt có thể sẽ không cất cánh như vậy nếu không có cha mẹ em, một gia đình di dân gốc Á (Thái Lan) nhưng mang những suy nghĩ và phương pháp giáo dục con cái khác hơn một số bậc phụ huynh khác được nhắc trong bài viết dưới đây. Mùa bãi trường đã cận kề, chuyên mục chia sẻ dăm suy nghĩ về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho con cái nhân câu chuyện của Marcie Tiraphatna.
Marcie Tiraphatna vẫn ở lại lớp, sau giờ calculus – nguồn tgazphoto.wix.com
Đúng bốn năm trước, tờ báo của Đại Học Texas A&M đưa một mẩu tin ngắn về Marcie như sau, “Marcie Tiraphatna nhìn như một cô bé 10 tuổi bình thường khác. Thích chơi dương cầm và đọc sách. Thích đi học và mơ làm một giáo sư toán. Chỉ có điều Marcie không học chung với các bạn bè lớp Năm trang lứa khác, mà chung quanh em là các sinh viên của Đại học Texas A&M- Texarkana. Là một sinh viên trẻ tuổi nhất từng theo học tại Texas A&M Texarkana, Marcie vừa nhập học năm thứ nhất ban toán mùa Thu năm rồi và dự định sẽ học tiếp cao học, có thể lên tiến sĩ sau khi tốt nghiệp đại học…”. Một bản tin địa phương ngắn và dường như không được lan đến tầm cỡ truyền thông quốc gia, cái tên của Marcie chẳng mấy ai biết đến. Nhưng mùa Hè năm nay, sau đúng bốn năm đại học như thời gian học thông thường của bất kỳ các sinh viên khác và đã chuyển về đại học UTA đôi năm trước, Marcie đang chuẩn bị tốt nghiệp cử nhân toán và sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình cao học và tiến sĩ ở độ tuổi 15.
Marcie Tiraphatna, trong một lớp calculus tại Texas A & M University-Texarkana- nguồn tgazphoto.wix.com
Nuôi dạy và giáo dục những đứa con trở thành những người trưởng thành có học vấn, hay hơn nữa là một học vấn cao, vẫn thường là mơ ước và mục tiêu hàng đầu trong các gia đình Á Châu. Hướng dẫn và tạo điều kiện để các em phát triển khả năng riêng biệt của mình thành những trẻ em xuất chúng như Marcie càng là điều khó khăn bội phần, đòi hỏi không chỉ khả năng và tài năng của các em mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và phương pháp của cha mẹ. Marcie là một trong số những trẻ em xuất chúng, nhưng giấc mơ và con đường của em có thể sẽ khác hơn nếu em sinh ra trong một gia đình khác hơn những gì mà cha mẹ em đã diễn bày qua cuốn sách “Raising Child Prodigy”. Một gia đình gốc Việt chẳng hạn, nơi phần lớn những giấc mơ và mục tiêu của không ít phụ huynh thường hướng đến những ngành nghề chuyên môn thực dụng, một bằng cấp, ngành nghề có thể đem lại sự hãnh diện cho gia đình và hứa hẹn những nguồn thu nhập cao trong tương lai theo cách nghĩ của họ.
Giáo sư Ngô Bảo Châu và đoàn học sinh giỏi Toán năm 2011- nguồn VOV.vn
Hồi đầu năm, giáo sư toán Ngô Bảo Châu, nhà toán học trẻ tuổi từng đạt giải Field – giải thưởng toán học lừng danh thế giới, nay đang giảng dạy tại đại học Chicago và thỉnh thoảng vẫn trở về Việt Nam với mong ước đào tạo, dìu dắt những thế hệ toán học mới cho Việt Nam, đã có một bài trả lời phỏng vấn rất hay. Trong cuộc phỏng vấn anh kể lại, có lần gặp đoàn học sinh Việt Nam đi thi toán thế giới, thì đến ba em chọn sẽ theo học ngành Ngoại Thương. Khi hỏi các em tại sao lại chọn theo học Ngoại thương trong khi rất xuất sắc về toán học thì một người mẹ đã trả lời thay con mình rằng, “học Ngoại Thương tốt về tương lai, vật chất sau này”. Em học sinh phản đối mẹ, bảo chỉ muốn đi theo những ngành khoa học tự nhiên nhưng buộc phải đi theo ý mẹ để chọn ngành Ngoại Thương, ngành học ra trường có thể làm về xuất nhập cảng hay cho các công ty nước ngoài có thu nhập cao.
Câu chuyện của giáo sư Châu xem ra cũng khá phổ biến với tâm lý của một số phụ huynh ngay tại nước ngoài. Nếu ngành học Ngoại Thương trong nước có thể hứa hẹn kiếm được nhiều tiền thì tại Mỹ này, bác sĩ hay các ngành học y khoa nói chung là mộng ước của không ít gia đình gốc Việt. Rất trùng hợp, có lần trong một câu chuyện vãn cùng một người cha, tôi hỏi thăm về cô con gái rất giỏi toán của anh. Cô bé là một học sinh xuất sắc toán từ tiểu học, từng dự thi và giành được nhiều giải thưởng cho đến khi lên trung học. Nhưng mộng ước của cha mẹ là làm sao cô bé phải trở thành một bác sĩ y khoa. Người cha bảo, theo đuổi nghề toán khi học ra chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Hơn thế nữa, anh còn khá chân thật với ý tưởng “dẫn dắt” con cái của mình rằng, “con nít dễ dụ, mình cũng giả bộ hay nói với nó rằng nghề y là để… cứu người”. Mà anh không là trường hợp riêng biệt, khi những người cha ngồi chung bàn hôm đó – cũng là những người làm công việc chuyên môn, văn phòng, xem ra cũng gật gù, tán đồng với anh về chuyện học toán, cao lắm chỉ làm đến… giáo sư toán (!?). Xem như công việc một giáo sư toán là chẳng xứng, chỉ nghề y là mục tiêu và nghề nghiệp duy nhất. Hoặc lần khác, một người kỹ sư gốc Việt lớn tuổi hỏi một cậu kỹ sư bản xứ đồng nghiệp rất siêu đẳng về chuyên môn điện toán rằng, “cậu giỏi vậy, tại sao không học… bác sĩ” (!?). Chàng kỹ sư Mỹ trắng trẻ măng ngớ người, dường như không hiểu lắm câu hỏi. Nhưng là người Việt, tôi hiểu suy nghĩ của anh ta và cũng bất ngờ với một câu hỏi ấu trĩ đến ngớ ngẩn như vậy. Là một người làm việc trong lãnh vực kỹ thuật, chẳng lẽ anh ta không thấy được thế giới đã biến chuyển một cách thần kỳ trong mọi lãnh vực nhờ vào những tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật? Dù có bày tỏ dăm nhận xét của mình cho có lệ trong những trường hợp vậy, tôi biết mình không đủ thẩm quyền hay khả năng gì để tạo những ảnh hưởng trước những suy nghĩ như vậy. Bởi như giáo sư Bảo Châu nhận xét khi được người phóng viên hỏi, liệu anh có thuyết phục những bậc cha mẹ ấy thay đổi suy nghĩ về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho con cái họ? Anh trả lời, “Thuyết phục thế nào được. Khó lắm. Với người lớn thì không nên nói về ước mơ vì khi quá tuổi 30-40 thì ước mơ không còn quan trọng với họ nữa. Về mặt thực tế, tôi nghĩ cái nhìn ngắn hạn rất sai lầm. Vì điều quan trọng trong cuộc đời mỗi người không đơn thuần là kiếm được thật nhiều tiền…”. Quả thật, khi tiêm nhiễm một mục tiêu kiếm tiền, các phụ huynh vô tình đưa con cái đi vào những tương lai đầy bất ổn. Những thực tế đó đây đã cho thấy một số việc đáng tiếc khi một số người trẻ gốc Việt có bằng cấp chuyên môn cao đã vướng vào vòng lao lý chỉ sau một thời gian ngắn hành nghề, chỉ vì một mục tiêu kiếm tiền đường vòng và bất chính mà chắc chắn, ít nhiều đã bị tiêm nhiễm từ những suy nghĩ thực dụng của cha mẹ. Tôi tin rằng, bạn có thể kể ra dăm trường hợp từng xảy ra ngay tại địa phương mà báo chí đã đưa tin.
Gia đình Mark Zuckerberg, cha mẹ đều là nha sĩ, bác sĩ – nguồn successstory.com
Nhưng cho dù chỉ xét về mục tiêu kiếm tiền và đề cao giá trị đồng tiền, thì cơ hội rộng mở tại nước Mỹ này không chỉ giới hạn trong ngành nghề y khoa như một số phụ huynh bên trên đã nghĩ. Nếu những phụ huynh Việt Nam trong nước định hướng nghề nghiệp cho con cái phải đi theo một ít ngành nghề giới hạn để có thu nhập cao, một khi họ không có dây mơ rễ má với các thế lực đương quyền, thì ở Hoa Kỳ, xứ sở của cơ hội và không giới hạn thì bất cứ khả năng vượt trội trong bất cứ lãnh vực nào cũng có thể tạo ra những nguồn thu nhập cao, thậm chí rất cao. Từ thương mại, tài chính, kỹ thuật cho đến âm nhạc, thể thao, giải trí… Như Mark Zuckerberg, có cha mẹ đều là những nha sĩ, bác sĩ, nếu sinh ra trong một gia đình gốc Việt thì nhiều phần Mark sẽ trở thành một bác sĩ chứ khó lòng trở thành một sinh viên bỏ học để sáng lập ra facebook, làm cuộc cách mạng về phương cách con người giao tiếp, liên lạc như hiện nay. Khó có thể so sánh với những nhân vật quá xuất chúng trong kỹ thuật đã trở thành những tỉ phú, những siêu quyền lực thế giới như Mark, nhưng tôi tin chắc chàng kỹ sư trẻ người Mỹ tài giỏi “sao không học bác sĩ” nói trên còn sẽ thăng tiến rất cao, sẽ còn được trọng dụng nhiều hơn nữa trong tương lai. Cùng có thể kể thêm một trường hợp khác, ngay chính trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Truyền thông bản xứ đã vài lần đưa tin về Tâm Nguyễn, chủ nhân trường huấn nghệ thẩm mỹ Advance Beauty College tại Nam Cali, nơi đã từng huấn nghệ gần 40,000 nhân viên nghề nails tóc cho đến nay. Như nhiều gia đình gốc Việt, giấc mơ của cha mẹ Tâm cũng là mong anh trở thành bác sĩ. Là đứa con hiếu thảo, muốn làm cha mẹ hài lòng, Tâm cũng theo học và ra trường bác sĩ. Nhận tấm bằng, nhưng anh không hứng thú với việc chữa bịnh mà chỉ đam mê làm thương mại, Tâm cùng em gái quay về quản trị và khuếch trương cơ sở của gia đình, trở thành một thương gia thành công, hoạt động năng nổ trong công việc huấn nghệ và kinh doanh.
Một học vấn cao hay khả năng xuất chúng cũng chưa hẳn là tất cả hay là điều duy nhất, khi những trẻ em cần được dưỡng dục để trở thành những người có học vấn có nhân cách, có ý thức phục vụ cộng đồng và theo đuổi những mục tiêu lớn lao và cao cả, thay vì chỉ sử dụng học vấn và tài năng đó vun đắp cho mục tiêu và đời sống cá nhân hoặc làm điều sai trái. Nghề y quả là nghề xứng đáng và đáng trân trọng, nếu đó là giấc mơ theo đuổi lời thề y đức của Hippocrates. Nhưng nếu thui chột tài năng và giấc mơ của con cái chỉ vì những suy nghĩ thực dụng đầy vật chất của mình, thì quả một số bậc phụ huynh này cũng cần nên nghĩ lại.
Tâm Nguyễn, chủ nhân trường Advance Beauty College trong một chương trình của CNN
ĐYT