Những trái mận xưa. màu tím
có còn không. hở em
Những năm ở Đà Lạt, thỉnh thoảng Nguyễn đi thăm chơi các vườn mận ở Trại Hầm. Tưởng tượng một vùng trắng hoa mận mùa xuân và biếc xanh pha tím vào mùa thu – biếc xanh của lá và tím của trái trên cành. Mận Trại Hầm nổi tiếng là ngon. Thế nhưng, dưới chân đèo Prenn cũng có một vườn mận trái ngon tuyệt vời. Một buổi chiều Nguyễn đưa người yêu bé nhỏ tới thăm vườn mận này. Không biết em bây giờ đang ở xứ của bà chúa tuyết, em còn nhớ không những trái mận thơm ngày ấy – những trái mận mới hái từ trên cành xuống còn vương phấn và mùi của lá cây. Cho tới bây giờ anh vẫn còn hình dung thấy bàn tay cầm trái mận tím mọng, đưa lên ngửi. Và rồi hé miệng, những chiếc răng trắng cắn sâu vào trái mận… Ôi chao, ngon quá là ngon! Sẽ không bao giờ nữa ta được ăn những trái mận như thế trong đời. Ở Mỹ cũng có mận (plum), trái thật to nhưng dường như không có được vị ngọt và hương thơm của mận Đà Lạt. Có phải do lòng tư hương không mà với Nguyễn bất cứ thứ trái cây nào của quê nhà (xoài, ổi, chôm chôm chẳng hạn) cũng đều tuyệt vời, không nơi nào bằng.
Nói đến mận, cây mận, Nguyễn có đọc một bài viết rất hay và cảm động của Thái Kim Lan từ bên Đức gửi qua cũng đã khá lâu. Bài đăng ở Phố Văn số 68. Sau đây là một vài trích đoạn gởi bạn bè ở xa đọc chơi giữa mùa hè này.
“Khi chúng tôi dọn nhà đến vườn này, cây mận đã đứng đó, sau khóm trường xuân (Efeu), mở cửa ra vườn đi mấy bước là đã đến cạnh gốc cây, và chén trà sớm bên hiên thường có bóng nhánh mận gần nhất nghiêng vào lân la gợi chuyện.
Mận Đà Lạt
“Không biết nó đã bao xuân, có vừa bằng tuổi cây mận trẻ trong khu vườn hoang dại của xứ Schwaben xa xôi ấy của miền Đông Nam nước Đức, vào một đêm “trăng xanh tháng chín, dưới gốc mận còn xuân… tôi ôm nàng… như một giấc mơ êm…” của B. Brecht một thời với mối tình đầu? Tôi không muốn nói mận xứ Bayern không tình tứ thơ mộng bằng mận Schwaben. Nhưng về chuyện nói, hát ra thơ, thì hoa mận vườn Obermenzing của xứ Munchen chúng tôi mới chính là đám mây trắng “thiên tải không du du” của cả trời thơ Âu Á.
Và Thái Kim Lan cho biết cây mận trong vườn là hình ảnh rất đỗi thân quen với người Đức. Nó vương bóng dáng phụ nữ Tây phương dưới mái nhà, trong thiên nhiên. Âm vang “mận” thấp thoáng hình ảnh người phụ nữ Đức vào ra chăm sóc vườn tược với má hồng, môi thắm, nước da trắng mướt, tóc vàng lúa mì, khoẻ mạnh, vừa đảm vừa ngoan…
Và đây là những trái mận của Thái Kim Lan: “Những trái mận da tím sẫm ửng đỏ hồng quân chất thịt lẩn trong đám lá xanh lục, bất ngờ như một bức tranh tĩnh vật ai vừa đem ra treo giữa trời làm dịu mắt và lắng xuống những nổi sôi bèo bọt, háo hức phiêu bồng. Tím kề bên xanh, âm vang màu sắc chuyền trong đám lá, bàng hoàng lay hoài niệm, phất phơ áo tím bên bờ sông xanh màu lục thúy một thời nào. Bỗng nhận ra, đã mấy mươi năm trời mình có mắt như mù, mãi đến hôm nay mới thấy và hiểu thấu. Tím nằm bên xanh là âm giai sắc màu của nhịp rung cảm Huế, sâu lắng ái ngại lẫn với bi thương êm ái, tâm tình của mẹ! Nhưng mẹ không làm thơ đâu, ai hoài hơi!”
Thái Kim Lan cũng cho biết: Nhờ mẹ, cây mận trong vườn còn đứng đó và đưa chùm lá lẫn với chút trời xanh rung động trong chén nước trà buổi sớm mai… Cô viết: “Này đây… nếu nhớ không lầm, từ đó, cây mận dần dà không còn là cây mận Đức ở vùng Obermenzing xứ Bayern thuần chất. Lúc nào không hay, kể ra đã hơn mấy mươi năm trời, cây mận như lấy vóc dáng của bà cụ có đầu tóc bới với đường rẽ lệch xanh mướt, mỗi sáng là người đầu tiên ra vườn, siêng năng công việc không thua phụ nữ Đức. Chỉ khác, mỗi sáng mai, cái ngẩng nhìn đầu tiên ấy, hình như chỉ có cây mận biết, mong ngóng một điều chi nơi giọt nắng hừng đông trên đọt cây.”
Và dưới mắt Thái Kim Lan, cây mận tuồng như vươn cao lên một chút, để hứng cho được giọt nắng đầu tiên từ phương Đông xa vời vợi ấy đưa vào mắt người có cái cổ trắng thanh tao đang ngóng đợi. Mẹ đã thương cây mận hết lòng… và mận cũng thương…” Nhưng rồi mẹ ra đi về miền mây trắng miên viễn. Nhớ mẹ, và thương cây mận, Lan ra vườn mỗi sáng.
Vâng, đó là cây mận trong vườn ở Munchen của Thái Kim Lan. Với Nguyễn, chỉ có những cây mận vườn người ở Đà Lạt, dưới chân đèo Prenn. Còn mẹ của Nguyễn, nay cũng ở trên vùng mây trắng miên viễn, thì chỉ có cây chanh trong vườn xưa: Mẹ già tưới cây chanh bên bờ giậu / để một mai đời ngát lộng hương chanh / mẹ còng lưng mà trời cao vời vợi / dẫu một ngày giọt nắng rụng xa cành…
Tiến sĩ Thái Kim Lan – nguồn baothuathienhue.vn
TN – Bản thảo tháng 8. 2007
Xem lại trong Mùa Lễ Mẹ 2015