Hiện nay có nhiều hệ thống phân loại máu, nhưng phổ biến và quan trọng nhất được sử dụng trong dịch vụ truyền máu, đó là các nhóm ABO và Rh. Chữ Rh xuất phát từ Rhesus monkey, vì nơi giống khỉ này nhóm máu Rh được khám phá.
Thành phần của máu
Người trưởng thành có từ 4-6 lít máu luân lưu trong cơ thể. Máu gồm nhiều loại tế bào trôi nổi trong một chất lỏng gọi là huyết tương (plasma), trong đó có:
– Tế bào hồng cầu (red blood cells) chứa hemoglobin là một thứ protein vận chuyển oxy. Hồng cầu chuyên chở oxy tới các mô trong cơ thể, và lấy carbon dioxide đem chuyển đi.
– Tế bào bạch cầu (white blood cells) chống nhiễm trùng, chống bệnh tật bằng cách sản sinh ra các kháng thể để tiêu diệt những chất liệu lạ xâm nhập cơ thể.
– Tiểu cầu (platelets) giúp máu đông đặc, chẳng hạn trong trường hợp ta bị thương.
– Huyết tương (plasma) gồm muối và các loại protein khác nhau.
Các loại máu khác nhau ra sao?
Các loại máu được xác định qua di truyền, và chia thành 8 loại:
A Rh+, A Rh-, B Rh+, B Rh-, AB Rh+, AB Rh-, 0 Rh+, và 0 Rh- .
8 loại máu có sự phối hợp khác nhau của một số phân tử gọi là kháng nguyên trên mặt các hồng huyết cầu. Kháng nguyên A và B là đường, còn kháng nguyên Rh là protein. Chính các kháng thể trong hồng huyết cầu xác định loại máu của một cá nhân.
Ngoài ra, sự kết hợp một số phân tử khác trôi nổi trong huyết tương cũng khác nhau trong 8 loại máu, đó là các kháng thể.
Kháng nguyên và kháng thể là gì?
– Kháng nguyên (antigen) là một yếu tố lạ mà khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây nên sự phản ứng để chống lại. Những phản ứng đó được gọi là “sự đáp ứng miễn dịch” để tự bảo vệ. Ví dụ như vi khuẩn, virus gây bệnh… là những kháng nguyên đồng thời là mầm bệnh.
– Kháng thể(antibody) là một yếu tố được hình thành trong máu người sau khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên, có tác dụng chống lại kháng nguyên, làm mất khả năng gây bệnh của chúng.