Hôm Thứ Sáu, 29-5-2015, ông Sepp Blatter, 79 tuổi, người Thụy Sĩ tái trúng cử chủ tịch Liên Đoàn Đá Banh Thế Giới FIFA. Sự kiện này bị lu mờ không ít trong bối cảnh chỉ vài ngày trước có nhiều quan chức FIFA cao cấp đã bị Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ bắt giữ vì tội hối lộ.
Biểu tình chống chủ tịch Sepp Blatter. Ảnh www.ređit.com
Vụ bố ráp của U.S. Department of Justice xảy ra thình lình y như trong xi nê vào sáng sớm Thứ Tư, 27-5-2015, tại chính khách sạn dùng làm nơi cư ngụ cho các thành viên FIFA tề tựu về từ khắp thế giới. Tư Pháp Hoa Kỳ tố giác 14 người dính líu trong các vụ hối lộ, gian lận tài chánh lên đến $150 triệu, kéo dài suốt từ thập niên 1990 đến nay. Trong số bị câu lưu có 2 phó chủ tịch FIFA và những vị đứng đầu Liên Đoàn Đá Banh Bắc-Trung Mỹ (CONCACAF).
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Ảnh www.eurosport.com
Mặc dù FIFA dính tai tiếng lớn, dư luận thế giới cũng râm ran không ít sau vụ nhân viên công lực Hoa Kỳ vào tận Thụy Sĩ bắt nhốt viên chức cao cấp của FIFA. Theo thỏa thuận quốc tế, có những điều khoản đặc biệt cho phép Hoa Kỳ bắt giữ người trên lãnh thổ ngoại quốc nếu nghi phạm từng có hành vi phạm tội tại chính Hoa Kỳ. Thí dụ: một cú điện thoại đến ai đó ở Hoa Kỳ, 1 lần thăm viếng Hoa Kỳ, hoặc chỉ là 1 điện thư “e-mail” đi qua 1 máy “server” đặt tại Hoa Kỳ. Trong trường hợp vụ án tham nhũng tại FIFA, tội phạm bao gồm các vụ chuyển giao tiền vào các tài khoản nhà băng nằm trên đất Hoa Kỳ.
Ngôi sao 1 thời, Michel Platini, chủ tịch Liên Đoàn Đá Banh Âu Châu UEFA. Ảnh resumensports.com-
Ngoài xáo trộn bầu cử, vụ đột kích của Hoa Kỳ cũng gây khủng hoảng lớn cho FIFA về phương diện tài chánh. Các tên tuổi lớn như Visa, Coke Adidas… mỗi năm chi trả cho FIFA chừng $30 triệu. Sau vụ bắt bớ này, đại diện Adidas lập tức lên tiếng bày tỏ sự bất ưng. Hãng Visa ra những lời lẽ nặng nề nhất, cảnh cáo nếu FIFA không thay đổi, họ sẽ tái cứu xét liệu có tiếp tục tài trợ hay không. Cả Coca-Cola lẫn McDonald’s, những nhà bảo trợ World Cup, đều “bày tỏ quan ngại sâu sắc”. Hiệu nước bia Budweiser không nói thẳng, nhưng mấp mé nói họ trông đợi mọi bạn hàng phải làm việc hợp pháp và công minh. Chưa có nhà băng nào của Hoa Kỳ bị truy tố trong vụ này, nhưng cả 3 nhà băng lớn nhất, J.P. Morgan Chase, Bank of America, và Citigroup đều có tài khoản bị dùng để chuyển $150 triệu tiền hối lộ.
Prince Ali vận động tranh cử chủ tịch FIFA. Ảnh www.eurosport.com
Ðây cũng không phải lần đầu tiên FIFA vướng các cáo buộc tham nhũng, nhất là trong khoảng thời gian 17 năm cầm quyền của chủ tịch Sepp Blatter, vốn chịu nhiều tai tiếng là già nua, bảo thủ… Một cách nào đó, cũng có thể ví FIFA như một công ty khổng lồ với dự trữ ngoại tệ lên đến $1.5 tỉ. “Công ty” FIFA điều hành kỹ nghệ đá banh toàn cầu có doanh số chừng $30 tỉ mỗi năm – nhiều nhất so với mọi môn thể thao khác. Trong nhiều trường hợp, nhất là đối với giải vô địch đá banh thế giới “World Cup”, FIFA độc quyền bán bản quyền truyền hình các trận banh, quyền tổ chức, quyền quảng cáo, v.v… Trong làng thể thao thế giới, ngoài Thế Vận Hội, có thể nói chỉ có World Cup là sự kiện đủ sức thu hút sự chú ý toàn cầu. Trận chung kết World Cup 2010 được 910 triệu hộ gia đình trên khắp thế giới đón xem qua TV. Ðể dễ so sánh, trận chung kết banh bầu dục nhà nghề Hoa Kỳ “Super Bowl 2014”, con bò vàng của kỹ nghệ quảng cáo, cũng chỉ thu hút 114 triệu nhà mở TV xem. Tầm ảnh hưởng dị thường của World Cup chẳng những là cơ hội béo bở cho quảng cáo, mà đáng tiếc, còn lẫn cả gian lận, tham nhũng.
Toàn cảnh FIFA Congress vừa diễn ra tại Thuỵ Sĩ. Ảnh espn.com.au
Đồng thời điểm Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ bắt giữ một loạt quan chức FIFA cao cấp vì tội hối lộ, cảnh sát Thụy Sĩ cũng phong tỏa tổng hành dinh FIFA, tịch thu nhiều tài liệu trong 1 cuộc điều tra khác, nhằm tìm kiếm sai phạm trong quá trình chọn lựa nhà tổ chức World Cup tương lai. Với World Cup 2018, nước Nga đã giật quyền tổ chức sau khi hạ Anh Quốc. Và World Cup 2022, Qatar tí hon, nóng như chảo lửa, cũng qua mặt Hoa Kỳ. Cả 2 nước này, thời gian qua hứng chịu không ít búa rìu dư luận, bị nghi ngờ là đã đi đêm, mua chuộc, hối lộ nhiều viên chức FIFA để đoạt quyền tổ chức World Cup. Riêng trường hợp nước Nga hầu như phải đối diện các cáo buộc hối lộ ngay lập tức và liên lỉ từ khi giành quyền tổ chức World Cup 2018 hồi năm 2010. Mới tháng trước, FIFA cũng đã bác bỏ thư ngỏ của một số Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ đòi rút quyền tổ chức World Cup của nước Nga. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng Thống Nga, Vladimir Putin, lập tức gọi cuộc bắt bớ của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ là “phi pháp”, là “đòn chánh trị”, và chỉ nhằm để đoạt lấy World Cup trên tay người Nga.
Cảnh sát bố ráp khách sạn ở Zurich hôm 29-5-2015. Ảnh www.itv.com
Ngay sau khi vụ bố ráp sát bên tổng hành dinh của FIFA ở Zurich xảy ra, người đứng đầu Liên Đoàn Đá Banh Âu Châu UEFA, cựu ngôi sao Michel Platini, đã lên tiếng kêu gọi ông Sepp Blatter từ chức, nhưng ông Blatter từ khước. UEFA cũng đề nghị hoãn cuộc bỏ phiếu nhưng không được chấp thuận. Ngày Thứ Năm, 28-5, Michel Platini loan báo đa phần trong số 53 thành viên Âu Châu thuộc UEFA sẽ bỏ phiếu cho đối thủ trẻ tuổi của ông Blatter là Thái Tử Prince Ali bin al-Hussein, 39 tuổi. Ông hoàng là người đứng đầu Liên Ðoàn Ðá Banh Jordan từ 1999 đến nay, và cũng là sáng lập viên của Liên Ðoàn Ðá Banh Tây Âu. Dù vậy, FIFA có đến 209 lá phiếu thành viên. Người thắng cử cần 2/3 số phiếu, tổng số 140 để thắng. Nếu không đủ, bầu lại vòng 2, thì chỉ cần đa số phiếu 105. Ða phần ở Phi Châu (Confederation of African Football – CAF) với 54 phiếu, và Á Châu (Asian Football Confederation – AFC) với 46 phiếu, lâu nay mạnh mẽ hậu thuẫn đương kim chủ tịch Sepp Blatter. Cuối cùng, người thách thức Thái Tử Prince Ali cũng chỉ đủ sức cản ông Blatter chiếm trọn 2/3 số phiếu ngay từ vòng đầu. Ông hoàng cần thêm đến 31 phiếu mới đủ đa số vòng 2 – mission impossible – nên đành thoái lui. Ông Sepp Blatter ngồi lại ghế chủ tịch FIFA thêm 4 năm nữa, và những rắc rối của FIFA còn tiếp tục. Một số nước Âu Châu, Hoa Kỳ, Nam Mỹ đã dọa tẩy chay World Cup 2018 tại Nga. Thậm chí Liên Đoàn Đá Banh Âu Châu UEFA còn hăm sẽ có thể rút bỏ hoàn toàn khỏi FIFA.
FBI lục xét một văn phòng FIFA tại Hoa Kỳ. Ảnh www.youtubẹcom
TTD