Thưa khi đại ca yêu tiểu muội mà tình ta coi bộ hiu hắt quá, đêm lạnh chùa hoang quá, thì muội bắt “hia” thề.
Đàn bà con gái xứ nào cũng vậy, là chúa đa nghi, nên đại ca thề đi, đừng “ca” nữa thì muội mới tin.
Thì đại ca chỉ lên Trời, xí xô xí xào như Chệt chìm tàu: “Hoàng thiên tại thượng, chiếu chứng lưỡng tâm tri, thệ hải minh san, vĩnh bất di.”
Nghĩa là dù biển cạn non dời, tình ta mãi mãi muôn đời, hổng bỏ em để chạy theo con “ngựa bà” nào hết á! Chịu chưa? Tin chưa?!
Chưa chịu, chưa tin! Nếu đại ca không giữ lời thề “hòa ái ni” như Đặng Quang Vinh với Chân Trân thì phải chịu hình phạt gì?
Thì ông tơ bà nguyệt sẽ bẻ lọi giò đại ca đi, thì đại ca chẳng còn giò nào mà chạy khỏi tình của muội!
Còn phần muội, “Trăng thề vườn Thúy” ra làm sao? Thì cũng y chang như vậy đó đại ca ơi!
Thưa “khờ” thì mới tin. Thấy Vương Thúy Kiều hông? Mới thề non hẹn biển với chàng Kim tối qua mà sáng nay phụ thân, Vương ông, cùng bào đệ, Vương Quan, bị lính bắt, bọn sai nha đòi tiền chuộc tới 300 lạng vàng là nàng quên tuốt luốt, nuốt “Trăng thề vườn Thúy” cái “ực”, để bán mình chuộc cha!
Bảo Huân
“Duyên hội ngộ, đức cù lao/Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?/Để lời thệ hải minh sơn/ Làm con trước phải đền ơn sinh thành.”
Em đem chữ tình và chữ hiếu bỏ lên cân tiểu ly, cân như cân vàng vậy, rồi kết luận rằng chữ hiếu nặng hơn chữ tình nên hai đứa mình đành “sayonara” [1]! Em đi vô với Mã Giám Sinh (đuốc hoa còn đó mặc nàng nằm trơ), còn anh đi ra với Thúy Vân, lấy lô an ủi!
Đó là chuyện bên Tàu do chú Ba, Thanh Tâm Tài Nhân, soạn Kim Vân Kiều truyện, bày đặt ra như vậy.
Còn Việt Nam mình, khi cô cậu yêu nhau cũng thề, bằng cách cắt tóc gởi nhau làm kỷ vật để làm tin. Hồi xưa, quê mình ai cũng để tóc dài nên mới có cái mà cắt để trao nhau. “Nè, lọn tóc xanh trao anh làm kỷ vật. Nếu em có vong thề thì ‘dịch vật’ em đi!”
Cái lọn tóc cho đi, còn cái lọn tóc còn dính lại trên đầu cũng gọi là tóc thề luôn. Dĩ nhiên tóc thề nầy năm dài chày tháng nó lại mọc ra chớ. Rồi em hẹn hò với thằng khác, em mới có tóc mà cắt nữa để thề nữa. Bằng không mọc ra, thề hết thằng nầy rồi với thằng khác, em cắt hoài, cắt mãi, cắt cho trụi lủi, cắt cho trọc lóc hết thì bà con biết em thề dóc hay sao?
Nhưng cũng có em hơi bị khó, hổng chịu thề thốt gì ráo trọi, nên em phán rằng: “Đường vào tình yêu tin ai cho được, bữa nay nó ‘chớp chớp’ em này, mai nó ‘chớp chớp’ em khác thì sao?”
Phần em, lỡ mai mình gặp đứa giàu hơn, xịn hơn, thì lại mắc công nhờ thầy pháp giải lời thề, tốn tiền. Nên yêu thì yêu, mà thề thì không thề, cho nó “phẻ”!
Nhưng anh chàng yêu dấu kiêm đầu gấu nầy đâu có chịu, dân chơi lúc nào cũng có lận đồ chơi trong người, móc dao ra đe dọa, làm em phải than rằng: “Tội chi mà bắt em thề! Cầm dao lá liễu dựa kề tim son.”
Thôi thì thề cho nó tin, bằng không nó lụi một phát thì tía mình cũng thác.
Dẫu bị buộc thề cho vui như vậy, dao lá liễu nó nhét lưng quần rồi, mà em may gặp đại gia cỡ “triệu đô la” thì em cũng đành rời xa thôi. Lặn kỹ, trốn sâu biết đâu mà tìm, nên chàng bèn rên như vầy: “Đôi ta mới gặp đã lìa/ Trách ai bẻ khoá quăng chìa xa nhau?!”
Việt Nam mình yêu có khóa và chìa, thì mới đây tui đọc báo thấy bên Tây cái vụ bóp (bẻ) khóa quăng chìa nầy, mới vỡ lẽ ra rằng nó cũng học của ta.
Sự tích như vầy: Hồi đệ nhứt thế chiến, có chàng sĩ quan võ bị, Relja, người Serbia, yêu em Nada. Relja đi đánh nhau tận xứ Hy Lạp, xa em từ độ ấy, chàng mới “ấy” em khác tên là Corfu. Lời thề hẹn đôi ta trên chiếc cầu nầy, tổ cha nó nỡ lòng quên! Em Nada buồn đau quá, sanh bệnh chết thành “ma da”.
Từ đấy, mấy em Serbia muốn cột chân chàng lại bèn dắt chàng ra chiếc cầu thơ mộng bắc ngang dòng sông, mua hai cái ống khóa, viết tên nhau, rồi khóa lại trên thành cầu, ném cả hai chìa xuống dòng sông đang lặng lờ xuôi ra biển.
Cầm bằng muốn quên nhau, muốn bỏ nhau, là phải chịu khó bịt lỗ mũi, nín hơi, lặn xuống đáy sông, mà tìm chìa khóa lên mở, mới xóa được lời thề.
Vâng truyền thuyết là vậy đó ai tin thì tin, ai hổng tin thì hổng tin. Còn trường hợp chàng yêu em mà khăng khăng nhứt định không thề, thì em sẽ dụ chàng ra giữa cầu rồi tống một đạp, cho chết tía nó cho rồi, cái đứa mang mầm phản trắc, như chàng sĩ quan Relja.
Từ đấy cái sự vụ hẹn thề bằng hai ống khóa nầy lan ra toàn thế giới, từ Âu sang Á, từ Bắc Mỹ xuống Mỹ Latinh.
Mấy đứa yêu nhau, đi cùng trời cuối đất, lúc nào trong túi cũng có hai cái ống khóa, chỗ nào thấy được là nó móc vô, bóp nghe cái cốp! Thề!
Người Úc thấy cũng vui vui (dù biết rằng hổng có đứa nào ngu đâu mà tin) bèn bắt chước theo, từ Sydney tới Canberra rồi lần xuống Melbourne.
Nơi tui ở, có cái cầu dành cho người đi bộ, từ bờ bắc sông Yarra qua bờ Nam, Southgate. Ngày nào đi làm, xuống xe lửa bên trạm Flinder, tui tà tà qua sông trên chiếc cầu nầy, cũng thấy nhiều đôi tình nhân khóa lời thề “mãi mãi yêu nhau” trên lan can cầu đó.
Có hôm, tui thấy một em xách cưa sắt ra cưa cái ống khóa đó đi! Hỏi khóa tình rồi sao em lại đổi ý mở ra? Thì em thổn thức: “Nó không còn yêu em nữa mà về Việt Nam cưới con bồ nhí rồi, nên em cưa cái ống khóa thề tình nầy, lấy ra, để xóa lời nguyền cho nó an tâm đi bước nữa, rồi em cũng đi bước nữa cho nam nữ bình quyền chớ, phải không nào?”
Hỏi, sao không lấy cái chìa mở ra cho nó gọn, cưa làm chi cho tốn sức? Em tấm tức chỉ xuống dòng sông, chìa khóa em vụt xuống dưới rồi, vì từng nghĩ khóa mãi tình ta không rời xa, thì cái chìa đâu cần chi nữa! Giờ hổng lẽ nhờ người nhái lặn xuống tìm, khó như mò kim đáy biển, mà lại tốn tiền anh ơi!
Bài học đắt giá cho em là: “Từ rày về sau, yêu là yêu, hổng thề thốt gì ráo trọi! Vì đường nào dài cho bằng đường Trần Hưng Đạo! Trai nào xạo cho bằng trai ở Melbourne.”
Cái truyền thuyết và cái truyền thống khóa tình yêu nầy có chỗ khác đã lâu, và du khách đến Paris, chỉ mới vài năm trở lại đây thôi, mang cái ống khóa tình yêu, móc vào mười mấy chiếc cầu bắc ngang qua sông Seine, bóp lại để cột chặt tình ta từ giờ mãi tới thiên thu.
Dẫu “Lên xe tiễn em đi/ Chưa bao giờ buồn thế/ Trời mùa đông Paris/ Suốt đời làm chia ly/ Tiễn em về xứ mẹ/Anh nói bằng chiếc hôn/ Không có gì lâu hơn/Một trăm ngày xa cách/Hôn nhau phút này/ Rồi chia tay tức khắc/ Khóc đi em!/Khóc nữa đi em!” [2]
Bây giờ đôi cánh uyên ương không còn đến ga Lyon đèn vàng khóc bù lu bù loa mà đến dòng sông Seine, cười hí hí, móc khóa tình yêu lên thành cầu để thề nguyền mãi mãi bên nhau.
Thưa có hai cái cầu, các đôi tình nhân móc ống khóa vô nhiều nhứt là cầu Pont des Arts và cầu Pont de l’Archevêché. Cầu Pont de l’Archevêché, nơi móc khóa anh thề mãi mãi yêu em, thì đã hết chỗ móc. Cầu Pont des Arts, nơi móc khóa em thề mãi mãi yêu anh, thì vẫn còn trống chỗ. Mới hay con gái ít dám thề lắm, mấy ông anh ơi!
Thưa quý ông anh sẽ hỏi: “Sao vậy?” “Dạ biết rồi còn hỏi chi nữa làm tan nát lòng tui! Hu hu!”
Thưa bấy lâu nay người Tây vẫn tự hào rằng Paris là thủ đô của tình yêu, của lãng mạn, nhưng hành động nầy coi bộ “lựu đạn” quá, thì họ cắt nghĩa rằng: Khóa tình yêu móc vào thành cầu thấy cũng hay hay (Mua một cái, từ 5 tới 10 Âu Kim, bán dọc đường hai bên bờ sông). Ngày nào cũng cả đống đứa tới móc vô, rồi ném chìa khóa xuống dòng sông! Khóa thề xong, họ chu mỏ cắn nhau, nước miếng không hà. Cái vụ nước miếng truyền vi khuẩn cho nhau là chuyện của hai đứa nó không có liên quan gì tới tình hình thế giới thôi mình nói làm gì.
Cái có liên quan với thiên hạ là sức nặng của trăm ngàn ổ khóa nầy đã lên tới 45 tấn thì cầu nào chịu cho nổi chớ. Rồi còn 700 ngàn cái chìa khóa tụi nó vụt xuống đáy sông coi như bỏ luôn, chớ ai mà lặn xuống vớt lên cho được!
Mấy cây cầu nầy là di sản văn hóa về kiến trúc, phải bảo tồn vì xây vào những năm 1800, hơn 100 tuổi rồi! Già rồi, nặng quá, sao cõng tình em cho nổi nữa đây?
Do đó để tránh cầu sập bất tử, “cáo sồ” của Paris cho xe cạp đến cạp mấy cái bửng trên cầu đầy ống khóa ra, thay bằng kiếng chịu lực cho tụi bây hết móc!
Du khách đi Tây là để xem tháp Eiffel, điện Louvre và những cây cầu có móc khóa tình yêu nầy, giờ dẹp hết cái vụ yêu nhau, móc khóa vào nhau, e cũng hơi buồn!
Anh bạn nhà thơ mấy tuần trước đi Tây chơi về, tui hỏi ảnh có dắt em yêu ra đó thề thốt gì không, thì ảnh cười hí hí: “Già háp rồi, cuối đường hoa mộng rồi, còn thề thốt gì nữa đây?”
Nhưng hồi mới quen “bà đầm”, tui hổng có cái vụ bóp khóa thề yêu gì hết ráo mà có làm “thơ thề ” để tặng em yêu. Thơ rằng,“Tình ta là ánh nến… chập chùng trong bão gió. Có anh thề… cố chắn, cố che… để thiên thu cháy mãi. Bỏng tay anh, anh chịu… để lửa tình anh… mãi mãi thuộc về em!”
Trời ơi! Bóp khóa thề yêu, hết yêu còn đem cưa sắt ra mà cưa cho nó đứt, còn khờ như tui, lỡ dại thề bằng thơ, thì biết bao giờ và bằng cách nào mới xóa được đây?
DXT – Melbourne
Chú thích của tòa soạn:
[1] sayonara (tiếng Nhật): tạm biệt.
[2] trích thơ của nhà thơ Cung Trầm Tưởng.