Menu Close

Nhạc sĩ nước mắm Nhà thơ nước mắm

Nhạc sĩ nước mắm
Nhà thơ nước mắm

Nước mắm là món ăn ngon, đậm đà hương vị quê hương. Thế nhưng nếu đem nước mắm vào âm nhạc hay thơ ca thì e rằng hơi… khó ngửi. Ấy vậy mà ta lại có một nhạc sĩ nước mắm và một nhà thơ nước mắm.

Nhạc sĩ nước mắm là một nhạc sĩ nổi tiếng với những bản tình ca lãng mạn một cách sang trọng, đặc biệt là những bản tình ca viết về mùa thu. Ông là Đoàn Chuẩn.

Thật ra trong những ca khúc tuyệt vời của Đoàn Chuẩn không có… nước mắm, nhưng ông là con của nhà doanh nghiệp lừng lẫy Đoàn Đức Ban, chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng. Nhờ sự thành công của hãng nước mắm, gia đình Đoàn Chuẩn rất giàu có, nên ông sống đời một công tử phong lưu và cùng với thiên tài của mình ông đã sáng tác nên những ca khúc bất hủ. Như một sự ghi nhớ, trên bìa sau một số bản nhạc, ông cho đăng quảng cáo nước mắm Vạn Vân của gia đình mình.

Còn nhà thơ nước mắm mà tôi sắp kể ở đây thì không phải con của đại gia nước mắm nào cả, chỉ là gia đình có làm nước mắm thôi. Thế nhưng nước mắm đã thắm đượm vào ông đến nỗi ông đưa cả nó vào thơ:

“Khi má anh sinh ra
Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
Nên tới già thơ anh còn được đậm đà thấm thía…”

(Đêm ngủ ở Tuy Phước)

Ấy, chẳng những đưa nước mắm vào thơ, ông còn thừa nhận rằng chính nhờ nước mắm mà thơ của ông mới “được đậm đà thấm thía”.

Trong mấy câu thơ được trích từ bài Đêm ngủ ở Tuy Phước nói trên, ta thấy có nhắc đến vạn Gò Bồi. Đó chính là nơi nhà thơ sinh ra, nơi ấy là vạn Gò Bồi, làng Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Hai câu thơ khác của ông cũng nói đến điều này:

“Từ lúc má tôi đẻ tôi ra ở vạn Gò Bồi làm nước mắm
Một hạt muối trong tim để mặn với tất cả những gì đằm thắm”

Tôi về thăm quê hương nhà thơ nước mắm này vào một ngày hè Tháng 5 trời nắng như đổ lửa. Nơi đây là một làng quê nghèo cách thành phố Quy Nhơn hơn 20 cây số.

Đọc tới đây, chắc một số người đã biết nhà thơ nước mắm này là ai, những người khác có thể nghĩ rằng: một chàng thi sĩ nhà quê nào đây, chắc chẳng có tên tuổi gì!

Ồ không, chàng nước mắm này là một nhà thơ nổi tiếng lắm đó bạn. Ông ta chính là nhà thơ Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình Việt Nam.

Yên ba giang
thượng sử nhân sầu  [*]

1.

Nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường vốn quê quán ở… Biên Hòa. Chiều mồng Hai Tết Ất Mùi ông về cố hương thăm lại dòng sông Đồng Nai. Ông ngơ ngác ngó dáo dác, cóc có thấy sông Đồng Nai đâu hết, Chỉ thấy có chiếc máy xúc nằm chình ình như cái vòng kim cô nhốt núi Châu Thới phía xa xa, còn nơi là dòng sông thuở nào của ông là một bãi đá, bụi mịt mù.

Cảm thán, Thôi Hiệu sáng tác mấy câu thơ:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Dịch nghĩa:

Chiều tối, cóc biết quê nhà ta ở cái xứ nào
Chỉ thấy bụi mù trên sông làm ta rầu thấy mẹ!

2.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng về thăm Biên Hòa vào dịp này. Trên đường đi, Hoàng Hiệp kể với Trịnh Công Sơn về dòng sông Đồng Nai quen thuộc của mình:

“Sông vẫn như thuở ấy
vẫn con đò ngang đón đưa người sang, và từng đêm hát ru đôi bờ”

Thế nhưng khi hai người về tới Biên Hòa thì con sông Đồng Nai đâu còn vẫn như thuở ấy, mà đang bị lấp dần từng khúc, từng khúc. Trịnh Công Sơn nghẹn ngào:

“Nhìn nhau ôi cũng như mọi người
Có một dòng sông đã qua đời.”

3.

Ta biết rằng nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên quê quán ở Biên Hòa, và dòng sông Đồng Nai là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ Khúc tình buồn đã được Phạm Duy phổ nhạc thành Thà như giọt mưa, trong đó có đoạn:

“Người từ trăm năm
Về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Ta ngoắc mòn tay
Chỉ thấy sông lồng lộng
Chỉ thấy sông chập chùng”

Tết năm nay, hương hồn Nguyễn Tất Nhiên bay về thăm lại dòng sông xưa. Ông bàng hoàng thấy dòng sông chập chùng năm xưa đang bị lấp hẹp dần. Hương hồn ông cảm thán sáng tác bài Khúc tình rầu:

“Người từ trăm năm
Về qua sông hẹp
Ta ngoắc mòn tay
Ta ngoắc mòn tay
Chỉ thấy sông hẹp dần
Chỉ thấy sông hẹp dần.”

PHN
[*] Ghi chép lại vào chiều mồng 2 Tết bên dòng sông Đồng Nai đang bị lấp