Ở Tử Cấm Thành Bắc Kinh, đã gọi Tử Cấm Thành là cấm rồi, vậy mà có một chú Ba, nhiếp ảnh gia, dắt thiếm Ba vô, kêu ở trần, ở truồng tựa vào cái lan can, hay ngồi chàng hảng trên một cái đầu rồng bằng đá cẩm thạch trắng để cho chú chụp ảnh nghệ thuật.
Đầu rồng (Long) là tượng trưng cho Vua đó nha! Mà chú Ba, nhiếp ảnh gia nầy kêu em đặt cái bàn tọa trần trụi lên… Thiệt là khi quân quá thể!
Nên chu choa, dân Tàu nó cự nự quá xá quà xa, cho đó là vi phạm thuần phong mỹ tục, có thể bị nhốt từ 5 tới 10 ngày. (Chớ hồi xưa là tru di tam tộc đó nha con!)
Thời buổi đầu rồng Trung Nam Hải mất uy tín quá xá rồi thì đây là chuyện bình thường, việc gì mà làm rùm lên như vậy chớ.
Trên thân thể chị em ta, chỉ riêng cái đôi gò bồng đảo xưa giờ đã làm tốn biết bao giấy mực của văn nhân, thi sĩ. Mà tại sao những con người nho nhã nầy lại khoái cái núi đôi nầy quá vậy ta? Cũng dễ hiểu thôi! Tại vì mấy ‘giả’ không có!
Bởi họ không có cái đường cong thứ nhất, cái nét đẹp mà ông Trời ưu ái, ban phát riêng cho mấy em… nên mấy anh bị hấp dẫn, tò mò, săm soi, ngắm nghía, muốn khám phá chút chơi!
Thưa đôi gò bồng đảo nầy mà đỉnh của nó, chữ gọi là nhũ hoa, cho nó văn hoa còn tiếng bình dân của mình gọi nó là cái ‘ti’.
Chức năng trước tiên của đôi gò bồng đảo nầy là cái bầu sữa dành cho việc bảo tồn nòi giống. Và việc cho con bú tí, chữ gọi là nhũ bộ, như “Ba năm nhũ bộ, biết bao nhiêu tình” – Nguyễn Đình Chiểu. Nghĩa là 3 năm bú mớm, thằng cu mới bị dứt sữa. Sướng nhé!
Thưa dòng sữa mẹ trữ sẵn trong tuyến sữa, lúc nào cũng ở 37 độ C, âm ấm. Đặc biệt, khi em bé cần là có sẵn, không cần nấu nước sôi, pha chế chi cho nó mắc công. Tiện lợi nhứt là đi đâu cũng mang theo. Khóc là có liền hè.
Thưa lại nhớ chuyện hồi xưa quê mình. Khúc đường Phan Thanh Giản đối diện xéo xéo cổng vào cư xá Đô Thành, có một xưởng chuyên điêu khắc, nặn tượng tên là Thế Hệ.
Bảo Huân
Tui đi học trường tiểu học Bàn Cờ hơi sớm, ngang qua, bữa nào cũng đứng lại dòm cái tủ kính một lát rồi mới thẫn thờ cất bước, lưu luyến dời chưn đi. Trong tủ kiếng có cái tượng bán khỏa thân của một em được ông điêu khắc gia nầy mô phỏng theo tượng nữ thần Vệ Nữ bên Tây. Hổng có hai tay; chỉ có hai cái gò mối vun lên mà thôi! Vậy mà thằng nhỏ nhìn ngẩn ngơ… thôi hết biết…
Rồi có khoảng thời gian Tía tui đổi đi làm Bưu Điện ở thủ phủ cao nguyên, cái xứ Buồn Muôn Thuở, Bụi Mù Trời là cái xứ Ban Mê Thuột có những người em xứ Thượng, còn con gái, để ngực trần ra tắm suối. Chu choa nó đã ơi là đã mấy anh ơi! Cái phong tục của sơn nữ Phà Ca nầy là, còn son trẻ, còn chắc, mấy em khoe cho bắt mắt mấy anh. Em có chồng rồi nó dài ngòng thì mấy em mặc yếm mà che nó lại. Cũng đúng thôi vì ông bà mình có dạy rằng: Tốt khoe; xấu che mà!
Rồisau nầy lớn lên, nghiên cứu cái đề tài lý thú nầy, tui mới phát hiện ra là không cái nào giống cái nào nhe. Có cái như trái lê mà trắng phích, nên gọi là “Tuyết Lê”! Có cái như cái ‘sừng trâu’ móc ngược lên Trời; có cái như ‘trái bưởi’ hoặc ‘trái dừa xiêm’, tròn quay. Cũng có cái dài dài như “trái mướp hương”! Cha đem nấu canh hay xào với tép mỡ, chấm nước mắm là ăn đặng cơm lắm đó!
Mà hình dáng đôi gò bồng đảo nầy cũng thay đổi theo thời gian. Nước chảy đá mòn huống gì da thịt mình phải không? Rồi căn vào cái kích thước nầy cho chúng ta biết bao nhiêu điều bí ẩn.
Có lần, đi nhậu, tui ‘phét’ với một em Úc, xinh rất là xinh, ngồi gần bên quầy rượu là: “Việt Nam quê anh, pháp thuật rất cao cường! Anh được sư phụ trên núi Tà Lơn, truyền cho một ma thuật: sờ ‘ti’ của em là anh biết ngay ngày sanh tháng đẻ của em liền; hổng cần em xuất trình giấy chứng sanh gì ráo trọi!”
Em Úc nầy rất hào hứng, bèn cho tui thử. Ba phút đồng hồ lặng lẽ trôi qua, em mất kiên nhẫn, hỏi: “Đủ rồi! Em sanh hồi nào vậy?” Tui cười he he nói: “Em sanh mới hồi hôm qua!”
Núi nhỏ chưa chắc đã là xấu, đừng nghĩ rằng nhỏ không hấp dẫn cánh mày râu mà rầu. Vì ca dao quê mình có câu nầy mà quý ông anh nào chắc cũng biết:
“Vú em chum chúm núm cau. Cho anh bóp cái, có đau anh đền!”
Nhưng đa phần, theo ý của mấy em là giữa nhỏ và bự, bự tốt hơn! Cũng có lý của nó chớ!
Mấy anh có dịp về đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi thử coi. Em mặc quần lãnh mỹ a, áo bà ba, chu choa nó sát, nhịp nhàng trên sạp ghe tam bản, em đưa hai mái chèo lúc tới, lúc lui làm tui muốn đui luôn con mắt…
Còn mấy anh ở Sài Gòn hoa lệ, thử tới đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần trường Trưng Vương hay đường Bà Huyện Thanh Quan gần trường Gia Long xem em mặc áo dài trắng, vải Teteron, mỏng dính, em tan trường về mà đường mưa nho nhỏ nữa… thì ‘’địa’’ một lần, tui e mấy anh có chết cũng cam lòng.
Do đó, áo bà ba hay áo dài là tượng đài của ‘’cái’’ làm khổ anh yêu! Hu hu!
Thưa nhân loại có 7 kỳ quan nhưng trên thiên đình chỉ có một kỳ quan duy nhứt và không có cái thứ hai, chữ gọi là độc nhứt vô nhị! Nó là Núi đôi, là tặng dữ trên cả tuyệt vời mà ông Trời dành riêng cho quý em nhưng quý anh lại là người thưởng lãm.
Nhưng cánh mày râu là thứ đồ nhiều chuyện, thưởng lãm xong rồi, còn bình phẩm lung tung nghe thấy mà ghét.
Chẳng hạn như mấy ‘giả’ nói rằng: “Con rắn không chưn, nó đi năm rừng, bảy rú/ Con gà không vú, nó nuôi được chín, mười con/ Tưởng rằng em vẫn còn son/ Ai ngờ nó lại dài ‘thòn’ bậu ơi!”
Em nghe được rất lấy làm tự ái, bèn trả lời rằng: “Take it or leave it” mà xin tạm dịch là “Chịu hổng chịu thời thôi!”
Tuy nhiên cũng có… ‘em về đánh phấn tô son lại; ngạo với nhân gian một nụ cười’... bằng cách đem nó đi tân trang. Xui cái là gặp tay bác sĩ thẩm mỹ dỏm! Tiền đã mất, tật lại mang, nhứt là dại dột về Việt Nam ‘tút’ lại. Bác sĩ dỏm trong nước giờ nhiều lắm nha đừng thấy rẻ mà ham rồi có ngày mang hận. Có người bị nó dụ rồi. Đã làm hư hại, tanh bành hết trơn… rồi còn lôi thôi cò bót! Tiền bồi thường cho ca phẫu thuật thất bại nầy hổng có bao nhiêu mà tiêu mất niềm vui của ba sắp nhỏ!
Còn tui, thưa cũng như mấy anh thôi, tui thích nhìn, thích ngắm những bộ ngực căng tròn nhưng hổng khoái xài hàng giả đâu nhe.
Nhớ xưa hổng có vụ giải phẫu thẩm mỹ Hàn quốc, Thái Lan, trên silicon mà dưới cũng silicon gì đâu. Có sao để vậy người ơi! Nên có em bồng con đi quánh tứ sắc. Đang mê tướng xanh, tướng đỏ mà thằng nhỏ đói bụng khóc rùm đòi bú. Đang ‘sên’ bỏ ngang sao được nè; bèn vạch áo ra cho mầy muốn kéo bình sữa đi đâu thì kéo.
Bố về thấy vậy khóc ròng, bèn làm thơ như vầy: “Con ơi bố cũng lạy mầy!/ Mầy dùng như thế bố đây hết nhờ!/ Bao năm bố chỉ dám sờ/ Dám xoa, dám nắn mà giờ mầy xơi! Kiểu gì vừa cắn vừa lôi!/ Như thế hỏng hết đồ chơi con à!/ Bố xin mầy đấy… Nhả ra…/ Để cho nguyên vẹn cả nhà dùng chung!”
Ông nầy hình như hơi lo chuyện tầm ruồng. Thấy vậy chớ chắc lắm.
Mới đây nè, một bức tượng thần Vệ Nữ phỏng theo tượng thần Hy Lạp của Alexandro ở thị trấn Yarrawonga, tiểu bang Victoria bị trời đánh, nhưng bộ ngực 30 kg của nàng bị văng ra vẫn gần như nguyên vẹn.
Thiên lôi cầm lưỡi tầm sét chừa nó ra vì biết đây là tác phẩm của ‘boss’ mình trên thiên đình, tức là ông Trời, đã bao năm dày công nghiên cứu mới chế tác ra được.
Còn anh bạn nhà vật lý của tui thì hổng chịu cách cắt nghĩa đầy huyền thoại đó mà ảnh nói là: “Nó hổng bể là tại vì nó cứng!”
Đúng vậy! Thưa cái vụ cứng và chắc… đến Trời đánh không bể tui biết lâu rồi mấy anh ơi!
Mới đây thôi, hôm 5 tháng 6, trên núi Kinabalu, tiểu bang Sabah, nước Mã Lai có trận động đất mạnh tới 6.0 độ Richter mà trước giờ xứ nầy chưa từng bị; nên ông Phó Thủ Hiến kết tội là tại tháng rồi, 10 em từ Châu Âu tới leo lên đỉnh núi linh thiêng nơi mấy linh hồn đang yên nghỉ, ở trần, ở truồng chụp ảnh để khoe trên Facebook làm sơn thần nổi giận. Nên xin mấy em cẩn thận che chắn kỹ càng dùm chút được hông để ông sơn thần ổng ngủ chớ?
Thưa có người phê phán là người Việt mấy anh vô tư nhận tặng dữ mà không bao giờ biết cám ơn gì cả. Quơ đũa cả nắm thì cũng tội nghiệp cho tui!.
Để kết bài bàn về vụ Núi đôi nầy tui xin: “Thưa ông Trời, tui rất đội ơn ông!”
Kế đó, con xin nhớ ơn Má của con: “Ba năm nhũ bộ!”
Và cuối cùng anh xin cám ơn em: “Ba mươi năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình!” Xin cám ơn hết ráo! He he!
DXT – Melbourne