Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) bắc ngang vịnh San Francisco, Mỹ là một trong những công trình nổi tiếng nhất thế giới, góp phần làm thay đổi cách thức xây dựng của nhân loại
Lễ thông xe trên Cầu Cổng Vàng diễn ra vào hôm 28/5/1937. Tuy nhiên, ngay từ khi quá trình xây dựng bắt đầu, cầu đã thu hút sự quan tâm của người dân San Francisco và cả nước Mỹ. Gần 8 thập kỷ sau, nó vẫn là một trong những biểu tượng.
Cảnh tượng vào năm 1934, khi công nhân đang xây cầu Cổng Vàng. Một trong hai tháp treo của nó sắp hoàn thiện. Trước khi cầu ra đời, người dân phải dùng phà để di chuyển giữa hai bờ.
Công nhân xây dựng trên sợi cáp chính của cầu. Họ làm việc ở vị trí cao, gió mạnh nên rất nguy hiểm.
Nhóm công nhân di chuyển trên một tấm lưới lớn, trị giá gần 100.000 USD phía dưới cây cầu. Tấm lưới đỡ công nhân nếu họ rơi khỏi cầu.
Đội xây cầu ngồi trên các thanh dầm lớn. Tuy nhà thầu áp dụng các biện pháp bảo hộ nhưng 11 người đã chết trong quá trình xây dựng cầu. 10 người trong số họ rơi lọt qua tấm lưới bảo vệ phía dưới.
Từng mảng cầu Cổng Vàng hình thành trong bức ảnh hôm 5/1/1933, tức là 4 năm và 4 tháng sau ngày khởi công. Nó là một trong những cây cầu treo đầu tiên trên thế giới. (Hình 6).
Công nhân kiểm tra một trong hai sợi cáp chính của cầu. Sợi cáp sẽ gánh toàn bộ trọng lượng của mặt cầu phía dưới và lượng phương tiện lưu thông trên đó. (Hình 7).
Khác với những công trình bình thường, các quan chức cắt xích thay vì cắt băng để khánh thành cây cầu. (Hình 8).
Phi cơ quân sự bay qua khoảng trống phía trên thành cầu trong ngày khánh thành. (Hình 9).
Đoàn phương tiện đầu tiên đi qua cầu theo hướng tới San Francisco với sự hộ tống của cảnh sát vào ngày 28/5/1937. Tại thời điểm ấy, Cổng Vàng là cầu dây văng dài nhất thế giới. Nó mất danh hiệu này vào năm 1964 bởi sự xuất hiện của cầu Verrazano-Narrows ở New York, Mỹ (Hình 10).
Siêu tàu du lịch Matson Liner di chuyển phía dưới cầu Cổng Vàng vào năm 1930. Hồi đó các kỹ sư gọi chúng là “những kỳ quan của thế giới hiện đại”. Tính tới thời điểm hiện tại, khoảng 2 tỷ phương tiện lưu thông qua cầu. Giới chức từng phải để nó ngừng hoạt động 3 lần vì thời tiết xấu. (Hình 11).
Tin thêm: San Francisco, thành phố lớn thứ 13 của Mỹ nổi tiếng thế giới với cây cầu màu cam đỏ đặc trưng không nhầm vào đâu được: cầu Cổng vàng (Golden Gate), kiến trúc được nhận biết nhiều nhất sau tháp Eiffel ở Paris (Pháp).
Những con số ấn tượng
Trung bình mỗi năm có khoảng 10 triệu du khách đến ngắm và chụp ảnh cây cầu này, dù nó không còn là cầu treo dài nhất thế giới nữa (danh hiệu này nay thuộc về cầu Akashi Kaiko ở Nhật) và cũng không phải là cây cầu cao nhất và có lưu thông xe cộ nhiều nhất thế giới.
Mỗi ngày cầu này giúp cho 100.000 chiếc xe, 10.000 khách bộ hành và 6.000 người đi xe đạp đi từ bờ biển San Francisco đến vùng đất xanh tươi tốt Marin County.
Cầu Golden Gate dài 2,74km, tháp cao của nó cách mặt nước biển 227,38m nhiều lần được dùng làm cảnh chính trong phim truyện ăn khách, từ Vertigo của đạo diễn chuyên trị phim hồi hộp Hitchcock đến Monsters vs Aliens và Rise of the Planet Apes.
Hơn bảy thập niên đã trôi qua, hầu như lúc nào trong ngày cũng có khúc nào đó của nó đang được sơn phết, bảo dưỡng, thay mới thiết bị hư cũ (xin biết rằng mỗi tòa tháp có đến hơn 600.000 chiếc bù long)…
Để chăm lo sức khỏe cho cầu nặng 887.000 tấn này là cả một đơn vị cảnh sát, một chiếc xe cứu hỏa với 1.700 lít nước, 4 xe kéo. Vì gió mạnh, lưu thông trên cầu đã bị cấm ba lần trong 75 năm qua, vào các năm 1951, 1982 và 1983.
(Báo xây dựng.vn)