Menu Close

Ăn uống ở Sài Gòn

Saigon là một thành phố không ngủ, nói điều này thật sự không ngoa khi ở Saigon vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, ngoài đường xe vẫn chạy, lề đường vẫn đầy những hàng quán, bình dân có, cao cấp có tùy theo túi tiền nặng hay nhẹ của người đi ăn.

Nếu ai đã từng sống ở nước ngoài đều biết một điều là người ngoại quốc không ăn sáng “nặng”, thường chỉ một ly nước trái cây, ly café, một cái croissant hay chút bánh mì bơ mứt là hết, nên họ đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy người Việt Nam bắt đầu từ sáng sớm bằng một “tô khổng lồ” và cứ thế ăn uống suốt ngày, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, ăn giữa bữa, “ăn nhậu”, đến tận sáng hôm sau. Giữa ăn sáng và ăn trưa không có ranh giới, ăn sáng có thể rất sớm nhưng cũng không thiếu những cán bộ, công nhân viên đang làm việc đến giữa buổi sáng đứng dậy tỉnh bơ đi ăn sáng, công việc bỏ đó chừng nào xong cũng được vì là chuyện nhà nước mà.

an uong o sai gon1

Ăn sáng tại một hẻm đường Hai Bà Trưng, Quận 1 – nguồn kênh.vn

Nơi tôi đang sinh sống hiện tại chỉ cách chợ Bến Thành 15 phút đi bộ, mà chợ Bến Thành từ xưa đến giờ vẫn là khu trung tâm mua sắm và ăn uống. Nghe từ “chợ” có vẻ như tầm thường nhưng giá cả ăn uống trong chợ Bến Thành thì không tầm thường chút nào. Khu vực này giờ đây là khu ăn uống đắt tiền vì du khách ngoại quốc đến thăm Saigon đều ghé vào mua sắm, nhấm nháp thức ăn Việt Nam ở đây, thế nên, tha hồ bán mắc, tha hồ hò hét giá cả, đi mua sắm trả giá cỡ nào cũng lầm, đi ăn uống vào hàng nào cũng đắt. Vậy thì tội gì phải vào ăn ở chợ Bến Thành, ra ngoài ăn cho “ngon-bổ-rẻ”. Phải thừa nhận là thức ăn Việt Nam rất phong phú, nhất là ở Saigon chúng ta có thể tìm được thức ăn của cả ba miền Bắc-Trung-Nam, Tây, Tàu, Ả-rập…

Bắt đầu bằng món phở. Có tài thánh cũng không thể nào đếm để biết Saigon có bao nhiêu tiệm phở! Mỗi con đường đều có phở, nếu là con đường dài sẽ đầu đường thấy phở, cuối đường thấy phở, trong hẻm cũng có phở. Nói chung, khi ăn phở phải có đủ các gia vị: tương đen, tương đỏ, chanh, ớt, giá, rau thơm, quế, ngò gai, nhưng khi phở Hà Nội du nhập vào Saigon lúc đầu chỉ có tương đỏ, chanh, ớt, không giá, không rau thơm làm cho người Saigon bị dị ứng, lâu ngày “nhập gia phải tùy tục”, bây giờ phở Bắc cũng đầy đủ mọi thứ. Ăn phở Bắc, điều làm cho tôi thích nhất là khi ăn phở tái phần thịt tái sẽ được bằm nhuyễn mà lúc đầu người nấu phở “trình độ” phải bằm thịt theo nhịp điệu vui tai tạo cảm giác thích thú cho khách. Giờ thì kiểu bằm thịt này đã thất truyền, ngay cả ở tiệm phở Bắc bây giờ vẫn là thịt tái bằm nhưng một tô chỉ có 1 đô rưỡi thì biểu diễn làm chi cho mệt!

Ngoài ra, để ăn sáng còn có bún bò Huế. Ngộ một điều là ai đi Huế ăn bún bò cũng đều công nhận là bún bò Huế trong Nam ngon hơn ngoài Huế! Rồi thì cơ man là những món ăn sáng quen thuộc ở Saigon. Cơm tấmThuận Kiều, Cali ngon sạch nhưng đắt, mà cơm tấm rất dễ kiếm ở các quán ăn sáng lề đường chỉ phải tội là bụi, chịu khó tìm một chút để gặp các tiệm cơm tấm trong nhà cho đỡ bụi hơn. Hủ tíu Nam vang rất dễ tìm thấy “dọc đường gió bụi” Saigon, ai thích hòa mình để tìm hiểu cuộc sống người lao động thì sẽ tiết kiệm được ít nhất là một nửa tiền cho một tô hủ tíu. Còn nhiều nữa những món ăn sáng khác như bánh canh cua, bánh canh giò heo, xôi, cháo… rẻ nhất phải kể là bánh mì. Rẻ nhất nếu chỉ ăn bánh mì ở các xe bánh mì mà khắp mọi nẻo đường đều có, chỉ nửa đô một ổ bánh mì thịt thôi mà ngon tuyệt vời vì có pâté, sauce, thịt, chả, rau cà, xíu mại,… còn nếu sang trọng mà tới Như Lan thì phải chuẩn bị 2 đô một ổ bánh mì thịt chỉ nhiều hơn một chút so với bánh mì xe nhưng phải trả thêm tiền thương hiệu như Mc Donald vậy đó. Tây ba-lô bây giờ thích ăn bánh mì xe lắm, mỗi sáng một ổ bánh mì cặp theo một chai nước là đủ cầm hơi rồi.

Ăn sáng xong, bây giờ ăn trưa. Tiệm cơm trưa nhiều lắm, trong chợ, ngoài đường đều có, giá tùy theo mức độ sang hèn, nếu chỉ đến tiệm bình dân thì một dĩa cơm thịt kho hay gà xào, cá kho chỉ 1 đô kèm với chén canh cải tặng không. Các tiệm cơm bình dân này đã giúp đỡ rất nhiều cho người dân lao động từ anh xe ôm, anh taxi, những người buôn bán, cho đến ngay cả những nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, nhân viên công nhật, học sinh, sinh viên ở các ký túc xá,… thu nhập không cao lại không có thời gian nấu nướng, buổi trưa mua vội hộp cơm ăn là xong. Ở Saigon bây giờ sướng lắm, để mua hộp cơm, tô canh, chỉ cần bốc điện thoại alô một tiếng, nếu người gọi cơm ở cùng quận với tiệm cơm hoặc không quá xa sẽ được giao tận nơi không tính tiền giao hàng. Phải công nhận là chỉ hộp cơm, tô canh mà được giao tận nơi không phải đội nắng, đội mưa đi mua, đi ăn, ăn xong ngủ trưa nửa tiếng thức dậy tiếp tục làm việc, đúng là sướng quá rồi còn gì. Buổi trưa nắng quá, sau đó lại còn tiếp tục làm việc nên ăn uống tàm tạm “cho qua ngày tháng” vậy thôi, chiều tối về mới là lúc ăn uống chính.

an uong o sai gon

Cơm bình dân

Ăn uống ở Saigon nói riêng hay Việt Nam nói chung kéo dài suốt ngày, do từ sáng tới chiều ít nhiều gì cũng phải làm việc nên chiều tối mới là cữ ăn uống chính trong ngày. Khoảng từ bốn giờ chiều các quán ăn bắt đầu bày hàng, các quán nhậu, nhà hàng bắt đầu chuẩn bị lai rai đón khách. Tập trung ở Saigon thôi, mà Saigon bây giờ lớn lắm, ngoài các quận cũ ngày xưa, giờ có thêm cả quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Hốc Môn. Các khu quận 2 (không phải quận Nhì ở Saigon xưa đâu nhé), quận 7, quận 9, quận 12 ngày xưa là các ao rau muống đầm lầy đã được chính quyền thu mua của dân theo giá nhà nước hoặc kêu gọi dân hiến đất rồi bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài lấp ao, đóng nền xây dựng những khu đô thị mới. Buôn bán kiểu này nên các ngài mới giàu có, khi các khu đô thị mới xây dựng xong thì cũng chỉ các ngài mới có tiền mua. Đảng viên người nào cũng có vài ba căn biệt thự ở những khu đô thị mới hoặc trung tâm thành phố, con cái đi du học nước không thèm ở khu học xá sinh viên mà mua nhà trả tiền mặt. Nhưng dù Saigon có phình lớn ra thế nào cũng trở nên kẹt cứng, nghẹt thở với 10 triệu dân số nên bù lại các quán ăn luôn luôn tấp nập, đông ken. Từ nội thành ra ngoại thành, quán nhậu mọc lên như nấm mùa mưa, ở đâu cũng quán ăn, quán nhậu, nhà hàng sang trọng, nhà hàng bình dân… Chuyện Việt Nam được xếp hạng nhất Đông Nam Á về tiêu thụ bia đã khiến không biết bao nhiêu người còn một chút tấm lòng phải cảm thấy nhục nhã. Nước Nhật sau thất bại chiến tranh đã bằng ý chí và lòng tự trọng để khôi phục lại, trở nên giàu có, còn Việt Nam thì sau chiến tranh đã trở thành trộm cắp nổi tiếng quốc tế, ăn cắp ở Nhật, ăn cắp ở Thái Lan, ở Hàn Quốc, Singapore… trong khi nhà nước lại có tham vọng xây dựng một tháp truyền hình trị giá 1 tỷ đô la cao nhất thế giới !?!

Việt Nam lúc nào cũng có những cái khác người. Một nước được đánh giá vừa qua được mức độ đói nghèo, có lẽ do vậy nên người dân ăn bù lúc đói hay sao mà quán ăn nào cũng đông, đâu đâu cũng ăn, sang thì một bữa ăn tối cho 10 người khoảng 1 hay 2 ngàn đôla, ít sang thì vài trăm đô, bình dân thì ra lề đường 1 đô một phần. Vậy cũng xong, kêu vài chai bia, dzô dzô, cụng cụng cũng ra trò lắm chứ.

Không khí ăn uống ở Saigon là vậy đó, lúc nào cũng nhộn nhịp. Xin mách nước một vài địa chỉ cho những ai từ phương xa trở về muốn tìm đến những nơi ăn uống không quá sang nhưng cũng không quá hèn như: Phở Cao Vân, Phở Thanh Cảnh quận 1, Phở Dũng quận 10, Bún bò Huế Xưa quận 3, Mì quảng Ăn Là Nhớ quận 3, Hủ tíu Nam Vang Đạt Thành, Cơm tấm Vĩnh Viễn, Mì Tân Tòng Lợi, Spice Cà phê, Effoc Café…

Đi qua đường Cống Quỳnh gần sân khấu kịch gia đình cũng có thể tìm được một khu ăn khuya bình dân bán đến sáng các món như bún đậu mắm tôm, thịt bò lúc lắc, cơm chiên, nui xào… Vòng ra đường Võ Văn Kiệt trước kia là Bến Chương Dương sẽ tìm thấy những quán nhậu dọc theo lề đường, còn khách là còn bán, tôm cua ghẹ hải sản, bò nằm, bò né, vừa ăn vừa hóng gió ngắm xe cộ qua lại rất vui.   

 
Saigon là vậy đó, giàu thì giàu lắm, nghèo cũng nghèo lắm, bên cạnh những bữa ăn ngàn đô vẫn có những bữa cơm từ thiện miễn phí, cơm 2000, 3000, 5000 đvn/phần… thật sự là những vị cứu tinh cho những người lao động nghèo để họ có thể nuôi chính thân mình, dành dụm chút đỉnh nuôi gia đình. Cám ơn thật nhiều những Mạnh Thường Quân đã bền bỉ giúp đỡ, chia sẻ sự may mắn của mình cho những người thiếu may mắn còn đầy rẫy trong xã hội Việt Nam.

TN – 03 tháng sáu, 2015