Menu Close

‘Hy Lạp cần thêm 50 tỷ euro’

Hy Lạp sẽ cần thêm 50 tỷ euro trong vòng ba năm tới để ổn định tình hình tài chính dưới kế hoạch cứu trợ gây tranh cãi hiện nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.

IMF cũng hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế Hy Lạp từ 2,5% xuống 0%.

Báo cáo trên được đưa ra trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về đề xuất mới nhất của các chủ nợ vào ngày 5/7.

Ủy ban châu Âu, một trong các chủ nợ của Hy Lạp, bên cạnh IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), muốn Athens tăng thuế và cắt phúc lợi xã hội để đủ khả năng trả nợ.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu ‘Không’ trước các điều khoản của chủ nợ nhằm giúp chính phủ có được ‘một thỏa thuận tốt hơn’.

Tuy nhiên người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup) nói việc bỏ phiếu ‘Không’ sẽ không mang lại cho Hy Lạp một lối thoát dễ dàng hơn trước khủng hoảng kinh tế hiện nay, và nói quan điểm của thủ tướng Hy Lạp là ‘sai lầm’.

Trong khi đó, người nghỉ hưu tại Hy Lạp tiếp tục nối thành những hàng dài trước các ngân hàng trong ngày thứ hai liên tiếp.

Người dân Hy Lạp xếp thành những hàng dài để rút tiền tại các ngân hàng

Kết luận của IMF được đưa ra trước khi đàm phán giữa chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ đổ vỡ hồi tuần trước, khiến các ngân hàng của nước này phải đóng cửa trong suốt một tuần.

Trong báo cáo mới nhất về kinh tế Hy Lạp, định chế tài chính đóng tại Washington cho biết những thay đổi trong chính sách từ đầu năm nay đã làm “gia tăng đáng kể nhu cầu về tài chính” của Hy Lạp, vốn đang không được đáp ứng bởi các đề xuất của chính phủ lẫn chủ nợ.

Các ngân hàng của Hy Lạp tiếp tục đóng cửa trong tuần này sau khi ECB đóng băng trần cứu trợ khẩn cấp, mặc dù một số chi nhánh đã tái mở cửa để cho phép những người nghỉ hưu, trong đó có nhiều người không dùng thẻ ngân hàng, rút tiền ở mức tối đa là 120 euro/ tuần.

Trần rút tiền tại các máy ATM hiện bị giới hạn ở mức 60 euro/ngày.

Truyền thông địa phương cho biết nền kinh tế đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn. Nhiều doanh nghiệp đang phải tạm ngưng sản xuất vì không thể chi trả cho các nhà cung cấp, trong khi nhiều cửa hàng phải cho nhân viên nghỉ việc.

Đảng cánh tả Syriza của Hy lạp, vốn thắng cử nhờ lời hứa chấm dứt các chương trình thắt lưng buộc bụng, đã rơi vào thế đối đầu với các chủ nợ nhiều tháng nay xung quanh các điều khoản về gói cứu trợ thứ ba.

Khách du lịch vẫn đổ đến Hy Lạp bất chấp khủng hoảng kinh tế tại đây

Hồi tuần trước, chính phủ nước này đã đơn phương tuyên bố mở cuộc trưng cầu dân ý về các điều khoản này.

Gói cứu trợ của khu vực đồng euro đã hết hạn hôm 30/6, khiến Hy Lạp không thể tiếp cận hàng tỷ euro vốn vay và quá hạn trả khoản nợ 1,5 tỷ euro cho IMF.

Các lãnh đạo EU đã cảnh báo Hy Lạp sẽ phải rời khỏi khu vực đồng euro nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 là ‘Không’. Tuy nhiên ông Tsipras cũng nói không muốn điều này xảy ra.

Mâu thuẫn tại Hy Lạp đã tăng cao trước thềm cuộc bỏ phiếu. Một kết quả thăm dò dư luận do euro2day.gr thực hiện cho thấy 47% người dân nước này ủng hộ việc bỏ phiếu ‘Có’, trong khi 43% chọn ‘Không’.

Một cuộc khảo sát trước đó lại cho thấy tỷ lệ ủng hộ bỏ phiếu ‘Không’ dẫn trước.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói ông sẽ từ chức nếu người dân chọn câu trả lời ‘Có’ trước các đề xuất của chủ nợ.

Tuy nhiên ông cũng nói với BBC ông tự tin rằng một thỏa thuận mới sẽ được thống nhất ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, cho phép các ngân hàng tái mở cửa vào ngày 7/7.

“Rất nhiều người sẽ diễn giải rằng [cuộc trưng cầu dân ý] sẽ quyết định việc ở lại hay rời khỏi khu vực đồng euro, nhưng điều này không đúng.”

“Chính phủ của chúng tôi quyết tâm ở lại khu vực đồng euro”.

Ông Varoufakis cũng gọi chương trình mà các chủ nợ đã áp đặt và muốn tiếp tục áp đặt lên Hy Lạp là ‘vở hài kịch’.