Menu Close

Hãy ủng hộ bóng đá nữ

Ở cấp độ quốc gia, thành công của bóng đá nam không có nghĩa là quốc gia ấy cũng thành công ở bóng đá nữ, mà trong nhiều trường hợp còn ngược lại là khác. Hãy điểm qua 24 đội tham dự World Cup Nữ 2015 tại Canada, người ta không thấy sự có mặt của những đội nữ thuộc những quốc gia có truyền thống bóng đá lâu đời và phần nào rất thành công như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Argentina. Nói như thế cũng không có nghĩa là thành công của bóng đá nam là bước cản đường cho sự phát triển lớn rộng của bóng đá nữ. Trong trường hợp Đức và Pháp, đội tuyển nữ của hai quốc gia này hiện đứng trong danh sách 5 đội đứng đầu của bảng xếp hạng FIFA.

Người hâm mộ của đội nữ Hoa Kỳ trong trận  thắng nữ Trung Hoa tại World Cup Nữ 2015- NGUỒN FOXSPORTS.COM

Nếu lấy 10 đội nữ đứng đầu của bảng xếp hạng này, có thể nói sự thành công của bóng đá nữ đi song hành với sự bình đẳng về giới tính, về tiến bộ và văn minh, với một ngoại lệ là Brazil (là quốc gia mà bộ môn bóng đá nữ bị coi là bất hợp pháp và bị cấm chơi trong khoảng thời gian từ 1941 đến 1979).

Vậy thì không có lý do gì mà không ủng hộ cho bóng đá nữ. Ủng hộ bóng đá nữ cũng có nghĩa là tạo cơ hội để bóng đá nữ phát triển và thành công.

Nếu đem so sánh giữa hai nước Anh và Mỹ chúng ta sẽ thấy ra điều đó. Anh Quốc vẫn được xem là một trong những thánh địa của bộ môn bóng đá trên thế giới và đội tuyển nữ Anh Quốc trong giải World Cup lần này đã tạo được nhiều tiếng vang, nhưng người dân xứ này vẫn cứ … phớt tỉnh ăng lê. Ngoài hệ thống BBC cho chiếu trực tiếp tất cả các trận đấu, còn các hệ thống truyền thông khác nói đến World Cup Nữ rất ít, mặc dù mùa bóng đá Âu châu hiện đang nghỉ hè. Giải World Cup Nữ lần này được dự đoán sẽ lập kỷ lục mới về số lượng vé bán ra tổng cộng khoảng 1.25 triệu, nhưng dường như đây là chuyện đáng nói ở những nơi khác trên thế giới chứ không phải ở Anh. Phải chăng một phần vì sự thờ ơ của khán giả mà đội tuyển nữ Anh chưa đủ vững tinh thần để vượt qua vòng tứ kết ở World Cup.

Trong khi ở Mỹ thì khác. Sự thành công của đội tuyển nữ Hoa Kỳ nhận được sự ủng hộ của dân chúng không thua gì đội nam và sự yêu mến của người hâm mộ dành cho đội nữ quả thật có phần nào hơn hẳn đội nam. Các hệ thống truyền thông ở Mỹ cũng chú ý nhiều đến giải World Cup Nữ năm nay, với số lượng các bản tin và các bài bình luận tương đương với giải World Cup Brazil hè năm ngoái. Hơn nữa, số lượng độc giả vào các tờ báo mạng theo dõi bản tin kết quả của trận vòng bảng đội nữ Hoa Kỳ thắng Úc nhiều hơn gấp đôi so với bản tin kết quả trận giao hữu đội nam Hoa Kỳ thắng đương kim vô địch thế giới Đức.

   Phải chăng khán giả Mỹ chú ý và theo dõi giải World Cup Nữ nhiều là vì đội của họ có nhiều cơ hội thắng cúp vô địch lần này? Thành thật mà nói, một điều hết sức tự nhiên của thể thao là những đội hay nhất thường lôi cuốn được số lượng người hâm mộ đông nhất, thu hút được sự chú ý nhiều hơn là những đội thuộc loại “trải thảm”. Nhưng xin nhắc lại, đội tuyển nữ Anh tại giải World Cup lần này không phải là đội tầm thường, mà là một trong ít đội gây nhiều ngạc nhiên.

Lẽ đương nhiên, Hoa Kỳ có lợi thế về địa lý nhờ nằm sát với Canada nên giờ giấc thuận lợi cũng như sự di chuyển dễ dàng cho cho người hâm mộ đến xem các trận đấu – nhưng sự nhiệt tình ủng hộ dành cho giải World Cup Nữ của người Mỹ đã có từ rất lâu trước đây chứ không phải chờ đến mùa hè này. Trên thực tế, trận chung kết giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản năm 2011 phá kỷ lục số lượng khán giả theo dõi bóng đá trên truyền hình dây cáp – với gần 13 triệu rưỡi người. Trong khi trận chung kêt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại World Cup Nữ 1999 được chiếu trên hệ thống truyền hình đại chúng với số lượng người coi lên tới xấp xỉ 18 triệu, là một con số chóng mặt.

Ở Anh, đến nay bóng đá vẫn được xem là môn thể thao dành cho nam giới, với tỉ lệ cứ mỗi 12 cầu thủ nam thì mới có một cầu thủ nữ. Nghĩa là số cầu thủ nữ chơi cho các câu lạc bộ chỉ chiếm 5.6%, với bộ môn bóng đá được xếp hàng thứ chín trong các môn thể thao mà phụ nữ tham gia (đứng sau cả những môn thể thao chúng ta không ngờ tới như vũ cầu và cưỡi ngựa). Ở Mỹ thì không như thế, bóng đá ở đây là môn thể thao thật sự dành cho cả hai giới. Đặc biệt là những chương trình huấn luyện bóng đá cho các em nữ đã được hệ thống hoá ngay từ nhiều trường tiểu học rồi lên tới cấp đại học. Năm 2008, có 48% các em học sinh tham gia chơi môn bóng đá là nữ. Nhờ được tập luyện ngay từ những lứa tuổi nhỏ nhất, bóng đá nữ ở Mỹ có nền tảng vững chắc hơn ở Anh hay ở bất kỳ quốc gia nào khác. Nói cách khác, muốn cho môn bóng đá được phát triển hơn nữa, chính phụ nữ phải tham gia vào để đẩy mạnh bộ môn này, và không chỉ nhắm tới một số quốc gia nghèo như tại Phi châu hay Á châu mà ngay ở những quốc gia tân tiến khác tại Âu châu cũng cần được thúc đẩy.

Đội nữ Hoa Kỳ ăn bàn thắng trước nữ Trung Hoa tại World Cup Nữ 2015 – NGUỒN WASHINGTONPOST.COM

Nhưng có lẽ lý do căn bản và thường được nói đến nhiều nhất là các trận bóng đá nữ, kể cả các trận trong giải World Cup Nữ năm nay, bị phê bình là chơi chưa đủ trình độ. Nhận xét này có lẽ còn cần nhiều tranh luận mới biết rõ được đâu là đúng và đâu là sai. Nhưng thậm chí nếu nhận xét này có đúng đi nữa, khi nói đến những trận thi đấu quốc tế, tinh thần địa phương ủng hộ cho đội nhà mới là yếu tố chính thu hút sự ủng hộ của khán giả chứ không hẳn là trình độ của cầu thủ hay phẩm chất của trận đấu. Lấy ví dụ, khán giả vẫn ủng hộ cho đội nhà của họ mặc dù đội nhà lâu nay vẫn không mấy thành công: Hoa Kỳ trong nhiều năm không lọt qua được vòng 16 đội tại World Cup; thậm chí Tô Cách Lan, Ái Nhĩ Lan hay Ukraine còn không được tham dự World Cup – nhưng khán giả của họ vẫn lặn lội đường xa đến để ủng hộ tinh thần.

Những người hâm mộ bộ môn bóng đá, cho dù lâu nay chỉ hâm mộ bóng đá nam và còn nhiều nghi ngờ đối với bóng đá nữ, vẫn có thể bị thuyết phục sau khi xem một hai trận trong giải World Cup Nữ lần này. Các cầu thủ nữ chơi cùng một trận đấu không khác gì các cầu thủ nam – sân đấu có cùng một diện tích, trận đấu kéo dài đúng 90 phút, họ chơi cũng khá lanh lẹ và vận tốc gần bằng bóng đá nam. Có thể nói hầu như không có quá nhiều khác biệt giữa các trận đấu của bóng đá nữ và bóng đá nam; ngoại trừ một chuyện, ít ra là ở giải World Cup, khán giả không thấy những màn cầu thủ nữ giả vờ té, giả vờ lăn lộn kêu la trên sân làm như đau đớn lắm như vẫn thường thấy ở bóng đá nam để mong trọng tài ban cho một trái đá phạt.

Và chắc chắn khán giả hẳn cũng nhận thấy những trận bóng đá nữ cũng có khả năng tạo được bầu không khí hồi hộp và căng thẳng, có những pha làm đứng tim khi bóng đưa sát vào khung thành, có những trái làm bàn mang đến nỗi hân hoan (khi bóng lọt lưới đối phương), nhưng cũng có những trái gây nên nỗi thất vọng ê chề (khi bị lọt lưới). Đó là sự thú vị mà thể thao có thể mang lại và bóng đá nữ xứng đáng được xem là một phần quan trọng của thể thao thế giới

Vậy, hãy ủng hộ cho bóng đá nữ.

VH