Menu Close

Cờ liên minh miền Nam

Hình ảnh Dylaan Roof, kẻ bắn chết 9 người da màu tại một nhà thờ ở Charleston (South Carolina), tay cầm lá cờ Liên minh Miền Nam, cùng với những tuyên bố sặc mùi phân biệt chủng tộc, đã làm dấy lên một loạt những cuộc xuống đường đòi hạ cờ này tại những công ốc ở một số tiểu bang. Thống đốc Alabama, South Carolina…đã ủng hộ những yêu sách đó. Các tiệm như Wal-mart, Amazon, Sears, Target, eBay… cũng đã ngưng bán ra những lá cờ này.

MỘT CHÚT LỊCH SỬ

Năm 1861 Abraham Lincoln đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ và muốn xóa bỏ thể chế nô lệ. Bảy tiểu bang miền Nam (South Carolina, Mississippi, Florida,Alabama,Georgia, Louisiana, and Texas) phản đối chính sách này và tuyên bố ly khai chính phủ liên bang, thành lập chính phủ riêng do Jefferson Davis làm Tổng thống, với danh hiệu  Liên minh miền Nam Hoa Kỳ (Confederate States of America, còn gọi Confederacy).

Chính quyền Abraham Lincoln không công nhận chính phủ miền Nam này. Nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ khi quân miền Nam tấn công đồn Sumter. Lại có thêm 4 tiểu bang khác (Virginia,Arkansas,Tennessee, và North Carolina) gia nhập phe miền Nam. Chính phủ Liên minh miền Nam tan rã sau khi Đại tướng Robert E. Lee và Joseph Johnston của miền Nam đầu hàng quân miền Bắc vào tháng 4 năm 1865, cũng là năm đánh dấu sự chấm dứt chế độ nô lệ tại Mỹ.

Cờ Liên minh Miền Nam đã từ lâu gây chia rẽ. Hậu duệ các binh sĩ miền Nam từng tham gia cuộc Nội chiến cho rằng lá cờ là biểu tượng cho di sản của họ. Một số người khác lại bảo nó mang dấu hiệu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hận thù, nhất là khi được tổ chức KKK (Ku Klux Klan) công nhận.

Có tới 4 lá cờ được xem là biểu tượng của miền Nam trong cuộc Nội Chiến, nhưng xuất xứ và biểu tượng của cờ vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

1.“Confederate flag” là cờ do Binh đội Virginia dùng nơi trận địa trong cuộc Nội Chiến. Cờ này còn được gọi là “Southern Cross” (Thập tự Miền Nam) có hình thập giá Thánh Andrew (Thánh giá có hình dạng chữ X trên đó Thánh Andrew đã bị đóng đinh). Một số người cho rằng đây là biểu tượng của tự do và độc lập, thoát ách áp bức và chuyên chế. Hình dạng chữ X này ngày nay còn thấy trên các lá cờ của Jamaica, Scotland và Vương quốc Anh. 11 ngôi sao tượng trưng cho 11 tiểu bang thuộc Liên minh Miền Nam (Confederacy).

2. “Stars and Bars” (Sao và Vạch) – Đây là cờ nguyên thủy của Liên bang Miền Nam. Lúc đầu có 7 ngôi sao tượng trưng cho 7 tiểu bang đầu tiên đã ly khai. Sau thành 13 ngôi sao tượng trưng cho 11 tiểu bang thuộc Liên minh Miền Nam với Kentucky và Missouri là hai tiểu bang ủng hộ chế độ nô lệ được Liên minh coi là thành phần, nhưng trong cuộc Nội Chiến, chưa bao giờ ly khai.

3. “Stainless Banner” (Cờ không tỳ vết) – Đây là cờ thứ hai của Liên minh Miền Nam, góc trái có cờ trận, rất thịnh hành lúc đó (1863). Phần bên ngoài màu trắng, không có biểu tượng nào khác. Người thiết kế lá cờ (W.T. Thompson) giải thích phần trắng này là “cờ của người da trắng (white man’s flag).”

4. “Blood Stained Banner” (Cờ thấm máu) –  Nhiều người phàn nàn rằng lá cờ thứ 2 có quá nhiều màu trắng khi nhìn từ xa có thể bị lầm là cờ đầu hàng. Do đó một sọc màu đỏ được thêm vào. Đây là lá cờ thứ 3 và sau cùng của Liên minh Miền Nam.

Ngày nay một số cờ tiểu bang có phần giống hoặc có phần tôn vinh cờ Liên bang Miền Nam như:  Alabama, Arkansas, Georgia,  Mississippi và Tennessee.

PN