Trước đây không lâu, chính phủ Israel lên tiếng lo ngại về hiện tượng khủng bố và kêu gọi người Do Thái rời khỏi nước Pháp, trở về Israel. Pháp là quê hương của cộng đồng Do Thái lớn nhất ở châu Âu, với khoảng 550,000 người.
Nước Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao sau vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, nhưng vẫn không thể ngăn được các cuộc tấn công quy mô nhỏ và được thực hiện đơn lẻ.
Thông tin về nạn khủng bố ngày càng xuất hiện nhiều trên các diễn đàn báo chí cho thấy dư luận đã nhận thức được sự nghiêm trọng ngày càng tăng của mối đe dọa này.
Cảnh sát bắt giữ Yassin Salhi – NGUỒN ETHIOSCOOP.COM
Chúng tôi xin tường thuật lại diễn tiến vụ khủng bố mới đây ở Pháp, như một tiêu biểu.
Yassin Salhi, 35 tuổi, sinh ở Pontarlier, cha gốc Algeria mẹ xứ Ma-rốc. Yassin lập gia đình được 10 năm, có ba con, ở Saint-Priest, một vùng ngoại ô phía đông nam của Lyon, là nhân viên của nhà máy Air Products ở Saint-Quentin-Fallavier trong Isère (cách Paris khoảng 500 cây số).
Năm 2005, Yassin bị mật vụ khám phá ra là thành viên của nhóm Hồi giáo cực đoan, nhưng chưa có hoạt động nào nguy hiểm.
9 giờ 20 sáng ngày Thứ Sáu, Yassin lái chiếc xe tải của công ty, chở một bình gas chuẩn bị cho nổ ở nhà máy thì bị phát hiện và bắt giữ. Cảnh sát tìm thấy con dao khả nghi là tang chứng, rồi tìm ra một cơ thể bị chặt đầu ở gần nhà máy. Cảnh tượng thật rùng rợn, đầu nạn nhân bị treo trên hàng rào cạnh lá cờ đen, trên lá cờ có ghi lời tuyên xưng đức tin của Hồi giáo. Nạn nhân là ông Hervé Cornara, chủ nhân của nhà máy.
Đây là lần đầu tiên ở Pháp xảy ra vụ nạn nhân bị chặt đầu, theo mô thức thường được các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) thường thực hiện tại Syria và Iraq. Cảnh sát đã lục soát nhà của hung thủ, tịch thu một laptop, và một khẩu súng giả nhưng không tìm được dấu hiệu của chất nổ hay các tài liệu tuyên truyền cực đoan; họ cũng tạm giữ vợ, em gái của y, cùng một người tình nghi.
Hung thủ vừa thực hiện cuộc thảm sát – NGUỒN TELEGRAPH.CO.UK
Dân chúng đã tập trung trước Tòa thị chính Saint-Quentin-Fallavier hôm Thứ Bảy để tưởng niệm nạn nhân Hervé Cornara. Mãi đến ngày Chủ Nhật 28-6, hung thủ vẫn chưa khai báo điều gì.
Ngoài vụ này ra thì cùng ngày Thứ Sáu 26-6, bắt đầu vào mùa lễ Ramadan của Hồi giáo, còn có hai vụ khủng bố nghiêm trọng khác xảy ra ở Âu châu.
Tại Tunisie, Sousse (một bãi biển nổi tiếng), một tay súng đã tấn công khách sạn Riu Imperial Marhaba khiến ít nhất 39 người thiệt mạng, trong đó có 15 người Anh, 1 người Bỉ, 1 người Đức. Tên khủng bố bị cảnh sát bắn chết ngay sau đó. Và tại Kuwait, một vụ đánh bom tự sát ở một nhà thờ Hồi giáo làm 27 người chết và hơn 200 người bị thương.
Thủ tướng Anh, ông David Cameron nói: “Những gì diễn ra ở Tunisia và Pháp có thể xảy ra ở bất kỳ đâu. Chúng ta, hơn bao giờ hết, cần tìm cách để đối phó với thứ chất độc đang làm tha hóa tâm trí nhiều người trẻ này, và chúng ta phải chiến đấu với chúng bằng tất cả những gì hiện có trong tay.”
Các vụ tấn công xảy ra tại ba nơi khác nhau và gần như đồng thời tạo cảm giác những kẻ khủng bố có khả năng gieo rắc tai họa ở bất kỳ đâu, và bất cứ lúc nào. Ngoài những khó khăn về kinh tế thì Châu Âu không còn là nơi yên bình và thư nhàn cho khách du lịch như trước.
BX