Sau 16 năm chờ đợi, đội tuyển nữ Hoa Kỳ lại một lần nữa đoạt cúp vô địch World Cup. Trong một buổi chiều nắng thật đẹp trên sân BC Place tại Vancouver, Canada, Hoa Kỳ đã đánh bại đương kim vô địch Nhật Bản với tỉ số 5-2 và trở thành quốc gia đầu tiên ba lần vô địch World Cup Nữ.
Ngay từ những phút đầu của trận đấu, các cầu thủ Hoa Kỳ đã không bỏ phí thời gian, làm bàn liên tiếp bốn trái trong khi trận đấu diễn ra chưa quá 20 phút – là thời gian kỷ lục chưa từng xảy ra trong một trận chung kết của giải World Cup Nữ. Người hùng của trận chung kết lần này là tiền vệ Carli Lloyd, làm bàn ba trái, trong đó có một trái sút từ giữa sân bay vòng qua đầu thủ môn Ayumi Kaihori của Nhật Bản và lọt lưới. Đây là trái làm bàn đẹp nhất của trận đấu và sẽ là dấu ấn khó quên trong sự nghiệp đá bóng của Carli Lloyd.
Những trái làm bàn của Lloyd là biểu trưng cho chiến thuật của đội tuyển nữ Hoa Kỳ trong trận chung kết này. Ngay sau khi trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu, Hoa Kỳ đã tạo áp lực lên đội Nhật Bản ở khắp sân, không để cho cầu thủ Nhật được giữ bóng lâu và chơi lối đá kỹ thuật quen thuộc của họ.
Ngoài Carli Lloyd, tiền vệ Lauren Holiday làm bàn trái thứ ba cho Hoa Kỳ ở phút thứ 14 và tiền vệ Tobin Heath làm bàn trái thứ năm ở phút thứ 54.
Hai trái làm bàn của Nhật Bản: một là từ tiền đạo Yuki Ogimi ở phút thứ 27 và hai là từ trái đội đầu của hậu vệ Julie Johnston của Hoa Kỳ lỡ lọt vào lưới của mình ở phút thứ 52.
Có thể nói đây là trận chung kết vẻ vang nhất của đội tuyển nữ Hoa Kỳ, và vì vậy, sự chờ đợi trong 16 năm dài quả là xứng đáng.
Trong suốt 16 năm qua, các đội tuyển nữ Hoa Kỳ khác đã cố gắng để vượt qua cái bóng của đội tuyển nữ năm 1999 nhưng đều thất bại, cho đến lần này, họ không chỉ vượt qua được cái bóng ấy mà còn để lại một di sản riêng để sau này mỗi khi có ai nhắc tới đội tuyển nữ Hoa Kỳ 2015.
Nhưng phải chờ đợi tới 16 năm để lấy lại cúp vô địch World Cup cũng đã nói lên một sự thật là càng ngày cúp vô địch World Cup Nữ càng khó với tới đối với Hoa Kỳ.
Nhìn lại một số trận đấu khá căng thẳng và gay cấn lót đường để đưa đội tuyển Hoa Kỳ vào trận chung kết World Cup 2015 phần nào phác hoạ sự tiến triển trong sân chơi của bộ môn bóng đá nữ nói chung trên thế giới và những thử thách mà Hoa Kỳ đang phải đối diện để còn tiếp tục nắm giữ vị trí ưu thế của mình trong những năm sắp tới.
Kể từ khi bộ môn bóng đá nữ được chính thức công nhận là môn thể thao có tính cách quốc tế từ 25 năm trước đến nay, chưa có quốc gia nào gặt hái được nhiều thành công hơn Hoa Kỳ với bốn lần huy chương vàng Thế vận hội và ba lần vô địch World Cup.
Nhưng cái khoảng cách khác biệt giữa những đội từng nắm ưu thế và những đội mới thành lập sau này càng ngày càng khép lại, và do đó cũng có nghĩa là cúp vô địch cũng càng ngày càng khó với tới. Kể từ 1999 đến nay, Hoa Kỳ mới thắng lại World Cup và họ không phải là đội được cho là có khả năng thắng cúp vô địch cao nhất trước khi bước vào giải mà là Đức, đội bị Hoa Kỳ loại ở vòng bán kết.
Người hâm mộ Hoa Kỳ cổ vũ đội tuyển nữ tại Chicago Lincoln Park – NGUỒN USSOCCER.COM
Trong nhiều năm, Hoa Kỳ luôn là đội đứng cách biệt và bỏ xa những đội khác. Ở những trận cầu quốc tế, các cầu thủ nữ Hoa Kỳ thường áp đảo đối thủ của họ bằng chính khả năng vượt trội về kỹ thuật và thể lực. Nhưng bộ môn bóng đá nữ càng ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng, bắt buộc Hoa Kỳ phải chơi khôn ngoan hơn về chiến thuật và phòng thủ kỹ càng hơn trước đối phương của họ.
Tại giải World Cup lần này, Hoa Kỳ đã phải vượt qua ba trận vòng bảng khá vất vả, đã bị thử thách bởi Colombia là đội mà ai cũng tưởng không ra gì, đã phải bám theo thật sát một đội Trung Quốc trẻ trung và tiến bộ rất nhanh, và đã phải chơi một trận thật xuất sắc gần như không có sơ hở để đánh bại đội số 1 Đức 2-0.
Kể từ Wold Cup 1999 đến Wold Cup 2015, tổng cộng 16 năm, sự thay đổi của bóng đá nữ dễ nhận ra nhất là ở những trận thi đấu tại những giải bóng đá có quy mô lớn.
Tại World Cup 1999, Nhật Bản bị thua cả ba trận vòng bảng với tỉ số cộng lại là 10-1; bước vào giải năm nay, Nhật là đương kim vô địch. Đội Pháp đã từng thất bại không được tham dự bốn trong năm lần World Cup đầu tiên; lần này, Pháp được xếp hạng 3, chỉ đứng sau Đức và Hoa Kỳ.
Năm nay, đội Anh lần đầu tiên được lọt vào vòng bán kết trước khi thua đội Nhật ở những phút cuối cùng của trận đấu sau khi lỡ đá vào khung thành của chính mình. Hơn 10 năm trước, đội Colombia để thua một trận ở giải vô địch nữ Nam Mỹ 12 trái; năm nay, Colombia đá một trận ngựa về ngược ngoạn mục nhất trong lịch sử World Cup sau khi đánh bại Pháp ở vòng bảng. Lần đầu tham dự World Cup năm nay, đội Cameroon trở thành đội nữ Phi châu đầu tiên trong 16 năm qua đã vượt qua được vòng bảng.
Do nhận thấy sự tiến triển vượt bực của môn bóng đá nữ thế giới, tổ chức FIFA đã quyết định cho tăng thêm số đội tham dự World Cup Nữ năm nay từ 16 lên thành 24 đội. Trong khi tăng thêm số đội đưa đến hậu quả là có nhiều trận đấu mà kết quả đã được tiên đoán trước với tỉ số quá sức sai lệch – ví dụ, trận Đức hạ đội Bờ Biển Ngà (lần đầu tham dự) 10-0, nhưng nó cũng đã mở đường cho những đội khác lần đầu tham dự như Tây Ban Nha và Hoà Lan, là những quốc gia mà đội tuyển nam của họ lừng danh thế giới.
Do đó, những đội mạnh truyền thống trước đây đang phải đối diện với sự cạnh tranh ráo riết.
Để còn tiếp tục là một trong những đội hàng đầu, các giới chức của Liên đoàn Bóng đá Hoa Kỳ (USSF) hiểu được sự cần thiết để đào tạo cầu thủ không chỉ qua những đội tuyển nhỏ tuổi mà còn qua các câu lạc bộ thuộc Liên đoàn Bóng đá nữ Quốc gia (NWSL), gồm có chín đội đang hoạt động ở năm thứ ba.
Qua các câu lạc bộ bóng đá nữ chuyên nghiệp và các trận đấu diễn ra hàng tuần, mục tiêu của liên đoàn là mở rộng sân chơi, tạo thêm nhiều cơ hội trong việc đào tạo và tuyển mộ tài năng tương lai.
Thành quả ngọt ngào – NGUỒN NBCNEWS.COM
Liên đoàn USSF hy vọng sự thành công của đội tuyển nữ tại World Cup lần này sẽ giúp bóng đá nữ phát triển mạnh hơn tại Hoa Kỳ trong những năm tới. Hiện tại, đội tuyển nữ vẫn là điểm trọng tâm của bóng đá nữ Hoa Kỳ và các tuyển thủ nữ vẫn là những siêu sao và là mẫu mực cho nhiều bé gái thích môn bóng đá noi theo. Như Alex Morgan,một trong những ngôi sao bóng đá nữ hiếm hoi thành công từ trên sân cỏ qua đến địa hạt thương mại, hiện đang có 8.4 triệu người hằng theo dõi trên địa chỉ cá nhân Twitter của cô, nhiều hơn tổng số người theo dõi Clint Dempsey và Tim Howard của đội tuyển nam Hoa Kỳ cộng lại. Sự kiện này nói lên một điều là bóng đá nữ cũng có dư khả năng thu hút khán giả hâm mộ.
Số lượng khán giả theo dõi truyền hình cũng tăng đều đặn mỗi tuần của giải World Cup năm nay, thu hút 8.4 triệu khán giả trong trận bán kết Đức-Hoa Kỳ, nhiều đứng hàng thứ ba trong lịch sử bóng đá nữ chỉ sau hai trận chung kết World Cup Nữ 1999 và 2011.
Nhiều chục ngàn người Mỹ ủng hộ cho đội nhà đã không quản ngại “vượt” biên giới để mua vé ngồi chật cầu trường trong những trận đấu của đội tuyển nữ Hoa Kỳ. Trong số những người ủng hộ, không chỉ có những bé gái và gia đình mà người ta còn nhận thấy một số rất đông những người ủng hộ là lớp thanh niên nam ở độ tuổi 20 và 30.
Nhìn lại lớp thế hệ cầu thủ đầu tiên của đội tuyển nữ Hoa Kỳ chúng ta mới thấy được những gian nan mà lớp thế hệ cầu thủ đó đã phải trải qua. Cũng như hầu hết thế hệ cầu thủ đầu tiên trong tất cả mọi môn thể thao khác đã phải cố gắng phát triển bộ môn thể thao đó bằng chính sự hy sinh của từng mỗi cá nhân mà không nhận được sự đền bù xứng đáng, và song song đó, còn phải làm sao gây được ảnh hưởng đối với dân chúng và đặt những viên đá lót đường để cho những lớp thế hệ cầu thủ kế tiếp bước theo. Kinh nghiệm của lớp thế hệ cầu thủ đầu tiên cũng rất khác so với những thế hệ sau này là vì trước đó đã không có một đội tuyển nào để họ có thể trông vào mà học hỏi kinh nghiệm, và cũng không có được những cầu thủ tiêu biểu đi trước để họ noi theo. Do đó, hầu hết năng lực và trọng tâm của những năm đầu đó là để phát triển bộ môn bóng đá và đặt một nền tảng vững vàng cho những thế hệ đi sau.
Sự thành công của bóng đá nữ Hoa Kỳ hiện nay không phải chuyện xảy ra một sớm một chiều mà phải cần tới nhiều thế hệ cầu thủ và những hy sinh vượt bực trong suốt một phần tư thế kỷ.
VH