Tục ngữ biểu “thuận vợ, thuận chồng, kiếm đâu ra mà có”, vì phần lớn các cặp vợ chồng hiện nay chỉ có chung… ngày cưới, còn thì mọi điều đều khác nhau. Ngay cả chuyện “đại sự” như bầu cử, đảng phái, chính sách quốc gia…, nhiều cặp vợ chồng cũng binh chống khác nhau. Nhiều vô kể. Nhưng ít có là chuyện của vợ chồng nhà Roy Runyon và Kim Faulkner. Roy đang là dân biểu cho thành phố Bremerton, Washington và lần tái tranh cử đến sẽ phải bảo vệ chức vụ của mình trước đối thủ là… vợ mình, cũng muốn ra tranh cử vào chức vụ Roy đang nắm. Kim biểu “tui khác thằng chả, tui có… quan điểm riêng”. Hổng biết vợ chồng này có bêu xấu nhau như các cuộc bầu cử thường tình khác hông. Vợ gì mà ác ôn, không đi vận động cho chồng còn ra tranh cử với chồng.
Công Chúa Lọ… Nghẹ
Cổ tích công chúa Lọ Lem coi bộ hấp dẫn con nít bao nhiêu thì nàng công chúa Lọ… Nghẹ tân thời coi bộ hơi khác thường. “Công chúa” Anna Broom tại Gillingham, Anh quốc, bị thất nghiệp nằm nhà, nên chuẩn bị đám cưới mình rất là chu đáo. Nàng muốn một đám cưới linh đình tại dinh thự chính phủ, có xe ngựa như chuyện cổ tích Lọ Lem, sau đó “công chúa và hoàng tử” đi du hí trăng mật bên Cancun, Mễ Tây Cơ. Chẳng ai cấm điều nàng muốn (hay tưởng tượng), chỉ có hơi khó khăn chút ít là nàng đòi chính phủ phải chi trả toàn bộ chi phí này vì vấn đề… nhân quyền. “Công chúa” (tưởng tượng) nói với phóng viên báo chí rằng, đây là vấn đề nhân quyền mà chính phủ phải lo nhằm giúp cô lấy lại sự tự tin để cưới xong cô có thể tìm việc trở lại. Tự tin quá cỡ rồi, còn muốn tự tin tới đâu nữa.
Hai-tếch kiểu Tàu
Học sinh Mỹ tuy có thông minh nhưng chẳng thể nào bì kịp học sinh bên Tàu, nếu xét về mức độ xài “hai-tếch” (hi-tech) để gian lận trong thi cử. Báo chí bên tỉnh Hà Nam tại Hoa Lục cho biết trong một cuộc thi tuyển vào đại học mới đây, người ta phát hiện một số học sinh đã sử dụng các máy thu hình cực nhỏ gắn ở đáy lon nước hay cây viết, sử dụng các mắt kính tưởng như thông thường nhưng có thể chụp được hình ảnh, chữ viết rồi từ đó chuyển lên… không trung cho các máy bay loại drone đang bay lượn trên vùng trời các phòng thi, để các nhóm giải đề thi thu nhận và chuyển ngược lại lời giải cho các học sinh trong phòng thi. Hèn chi thi cử nào cũng thấy “phe ta, phe Tàu” điểm cao và giỏi quá hén. Sao hổng mua cái bằng đại học hay tiến sĩ như bên xứ ta cho nó khoẻ và rẻ, làm chuyện “hai-tếch” chi cho tốn kém vậy.