Menu Close

West Nile virus

Mùa hè mang lại niềm vui cho những người ưa thích sinh hoạt ngoài trời, nhưng cũng kèm theo một số nguy hiểm.  Một trong những bệnh đáng chú ý và đáng sợ là West Nile virus, thường xảy ra trong khoảng từ Tháng 6 đến Tháng 9 hàng năm do muỗi mang mầm bệnh lan truyền. Sau đây là những điều được CDC (Cơ quan Phòng Chống Bệnh) và WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) khuyến cáo để đối phó với loại virus này:

West Nile virus là gì?

Siêu vi trùng West Nile được tìm thấy ở nhiều vùng của Phi Châu, Tây Á và khu vực miền bắc Địa Trung Hải. Dịch bệnh này bộc phát tại Thành phố Nữu Ước vào năm 1999. Kể từ đó bệnh đã lây lan ra hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ và khắp các tỉnh của Canada.

Ai có thể bị nhiễm?

Theo CDC, bất cứ ai sống trong khu vực có muỗi mang mầm bệnh West Nile virus đều có thể bị lây. Những người làm việc ngoài trời hoặc tham dự các sinh hoạt bên ngoài nhà có rủi ro nhiều hơn vì dễ tiếp xúc với muỗi.

Con người bị nhiễm virus ra sao?

West Nile virus thường lây lan từ muỗi qua người, nhưng còn có một số trường hợp rất hiếm nhưng đã xảy ra đó là virus lây qua sự truyền máu, ghép các bộ phận cơ thể, trong phòng lab, từ mẹ qua con trong thời kỳ thai nghén, và lúc cho con bú.

Làm sao tránh được?

Chưa có thuốc chủng ngừa nào ngăn được West Nile virus, do đó cách tốt nhất là tránh bị muỗi chích. CDC khuyến cáo nên dùng các loại thuốc chống muỗi có chứa DEET, picaridin, IR3535, và một số dầu eucalyptus chanh hoặc para-menthane-diol. Cũng nên mặc quần dài, áo dài tay khi ở ngoài nhà trong thời gian muỗi hoạt động mạnh nhất, và xịt thuốc chống muỗi trên quần áo.

Giữ cho quanh nhà không có muỗi

Muỗi có mang mầm West Nile virus thường hoạt động mạnh nhất vào buổi chiều và sáng sớm, khi trời chạng vạng tối hoặc lúc hừng đông. Do đó, nên:

– Gắn lưới chống muỗi ở các cửa sổ hoặc sửa chữa các cửa lưới bị hở bị rách;

– Ở trong nhà, trong khu vực có lưới chống muỗi, nơi kín gió, có máy điều hòa không khí, khi muỗi hoạt động nhiều ở bên ngoài;

– Ngừa muỗi sinh sản chung quanh nhà. Bất cứ vật gì có thể chứa nước đều là nơi để muỗi sinh sản. Nên đổ bỏ các đĩa hứng nước dưới chậu hoa; làm thông các máng xối; trút bỏ nước ở các tấm vải bạt, vỏ xe và các vật dụng nơi nước mưa có thể đọng lại.

Ngừa virus trong phạm vi cộng đồng

Chính quyền địa phương thường là cơ quan dẫn đầu trong công tác diệt muỗi và ngăn chặn sự lây lan của West Nile virus. Phương pháp dùng có thể là diệt trừ các môi trường sống của ấu trùng muỗi, phun thuốc diệt từ xe hoặc máy bay. CDC cũng khuyên cư dân nên báo cáo khi thấy xác chim chóc chết vì đó có thể là dấu hiệu virus xuất hiện trong khu vực.

Triệu chứng

Từ 70% đến 80% những người bị nhiễm virus này không cảm thấy có triệu chứng gì, số còn lại chỉ thấy bệnh nhẹ, như sốt, kèm theo nhức đầu, nôn mửa, tiêu chảy, nổi ban và đau nhức. Đa số các trường hợp này sẽ khỏi, nhưng cảm giác mệt mỏi, yếu sức có thể kéo dài nhiều tuần hay cả tháng. Những triệu chứng nói trên thường xảy ra từ ngày thứ ba đến ngày 14 sau khi bị chích do muỗi đã nhiễm virus.

Trường hợp tệ hại nhất

Một số rất nhỏ (ít hơn 1%) những người bị nhiễm West Nile virus phát triển thành bệnh thần kinh nặng như viêm não (encephalitis) hoặc viêm màng não (meningitis). Triệu chứng các bệnh này là: sốt cao, đi đứng chệnh choạng mất phương hướng, cổ cứng, run rẩy, xỉu, tê liệt và hôn mê. Nguy cơ cao nhất là nơi những ai đã có bệnh (như ung thư, cao huyết áp, bệnh thận) và người già nua. Chỉ có 10% những người trong giai đoạn này sẽ chết, hoặc có sống cũng phải nhiều tuần nhiều tháng mới hồi phục được, và có người không bao giờ hồi phục nữa. 

Có nên đến bác sĩ?

Đa số các trường hợp nhiễm West Nile virus đều tự lành, nhưng nếu thấy những triệu chứng trầm trọng như nhức đầu nặng hoặc tâm trí bị lẫn lộn, nên được chăm sóc y tế ngay lập tức. Những người có nguy cơ cần phải cảnh giác (như phụ nữ mang thai, mẹ đang nuôi con…) nếu có những triệu chứng nói trên thì cần đến bác sĩ.

Điều trị

Hiện chưa có thuốc chủng ngừa hoặc thuốc điều trị West Nile virus. Đa số người bệnh đều dựa vào các thuốc trị đau nhức (không cần toa) để hạ sốt, để giảm đau, và cơ thể sẽ tự thanh tẩy các virus. Trong những trường hợp tệ hại nhất, người bệnh cần nhập viện để được truyền dịch, cho thuốc trị đau nhức và được theo dõi tình trạng sức khỏe.

TM