Menu Close

Trở về với con dế và vầng trăng, củ khoai lang và bắp nướng

Đây là nối tiếp bài trước. Có vị áo thụng ngồi giường cao sẽ nói: Gớm cái ông này, thế mà cũng mon men ngồi vào chiếu thơ. Hết ve sầu rồi bây giờ tới dế và khoai lang nướng bắp nướng. Hết chuyện nói rồi sao cha nội? Dạ thưa, còn chứ, còn nhiều lắm, chuyện người chuyện đời. Nhưng ngày xưa, Vương Ngư Dương từng hạ bút: Chuyện đời chán ngấy người lên được / Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời… Mình thì không dám nghe ma quỷ xướng thi nên đi tìm con ve, con dế, vầng trăng, củ khoai lang, trái bắp…  để chuyện trò. Có thế thôi mà đôi khi cũng thú vị ra phết. Hay mình “tự sướng” mà không biết?

Vâng. Thì trở về với con dế và vầng trăng trước đã. Con dế và vầng trăng là hình ảnh rất đỗi thân thương đối với Nguyễn. Nó là ấu thời của mình và có thể của nhiều người nữa. Ai không nhớ con dế từng gáy dưới bụi cỏ ngoài đầu hè. Và con dế gáy trong hộp diêm, tiếng gáy còn đi vào giấc ngủ của cậu bé thơ. Nhiều bạn đọc lớn tuổi hẳn còn nhớ ca từ của bản nhạc Thằng Cuội của Lê Thương, trong đó có gợi lên hình ảnh rất đẹp của con dế: Có con dế mèn suốt trong đêm khuya hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ… Ôi, những trẻ em thời xưa ấy, bây giờ đã già hết, nhưng làm sao quên được hình ảnh con dế mèn hát nỉ non dưới ánh trăng. Thật ra, không riêng gì tuổi thơ Việt Nam có hình ảnh con dế. Mới đây, một bà mẹ ở Mỹ, nhớ lại thời thơ ấu của con trai mình cũng nhắc tới những con dế. Và chúng ta biết rằng trẻ con Nhật, rất yêu dế, thường bắt dế hoặc mua dế, đem về nuôi trong lồng tre. Chúng thường đem dế ra công viên vào những chiều mùa hạ để cho dế tranh gáy với những con dế khác.

Con dế tuy nhỏ bé, tầm thường là thế nhưng cũng có chỗ đứng trong văn học đấy, các bạn ạ. Ai không nhớ tên cuốn truyện viết cho tuổi thơ của Tô Hoài: Dế Mèn Phiêu Lưu Ký. Văn hào của nước Anh Charles Dickens cũng không quên hình ảnh của con dế. Một trong những nhân vật truyện Thằng Người Gỗ Pinocchio của nhà văn Ý Carlo Collodi là Jiminy Cricket. Và còn nhiều nữa không biết hết được. Các nhà thơ cũng không quên hình ảnh con dế thân yêu: Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ… Một câu thơ Haiku tuyệt vời: Đêm nằm nghe dế gáy / tưởng chừng như tiếng của ánh trăng/ trong khe lá mùa thu…

Bây giờ tới chuyện vầng trăng. Với Nguyễn tôi, vầng trăng là hình ảnh theo mình tới suốt đời. Từ vầng trăng tuổi nhỏ trên đồng cỏ, ở Vương Phủ tới vầng trăng đong đưa trên nhánh thông già ở Đà Lạt, kế nữa là vầng trăng trên bước lưu đày qua đất Bắc. Và Nguyễn đã viết bài Ánh Trăng dài 260 câu tả trăng đi từ thơ ấu của đời người qua cuộc nhân sinh, đi qua các nền văn minh của nhân loại để rồi về lại bên hồ nước tịnh của Đông Phương. Và sau đây là cuộc trò chuyện với con dế và vầng trăng của thời lang thang kiếm sống ở Sài Gòn.

mùa thu
với gió. những chiếc lá vàng. trong cây
tôi đi tìm con dế
và vầng trăng
ôi. vầng trăng. từng nghe tôi đọc thơ. những ngày đói rách vừa ra khỏi trại tù. lang thang kiếm ăn trên đường phố sài gòn
và đã cùng tôi. chia nhau. củ khoai lang. buổi tối
với niềm tuyệt vọng
tôi tìm con dế
đã cùng tôi hát khúc ca chiều
bên ngôi mộ đá
bây giờ. mùa thu xứ người
cũng cô đơn và giá lạnh
tôi đi tìm lại vầng trăng
và cả con dế. ca nhân

này em
bên hiên nhà em. đêm nay. dường như cũng có vầng trăng
và tiếng con dế gáy
như trong thơ tôi
ôi. cho tôi xin lại hồn mình
và đốm lửa

Như thế đó, hình ảnh con dế và vầng trăng đã đem đến cho tôi niềm an ủi trong những lúc tuyệt vọng khi còn ở quê nhà. Một hôm khác, tình cờ lật qua những trang trong cuốn Thư Gởi Người Bận Rộn của BS Đỗ Hồng Ngọc (tức nhà thơ Đỗ Nghê quen thuộc của chúng ta) tôi bắt gặp một hình ảnh thân thương khác: hột mít lùi tro. Vâng, hột mít lùi tro, và cả khoai lang nướng bắp nướng. Vừa béo, vừa ngọt, vừa bùi. Nhớ bếp lửa của mẹ ngày nào. Nhớ những chiều mưa bay ở Vương Phủ. Nhớ những con đường của Đà Lạt ban đêm. Bạn ơi có về cùng tôi. Nơi chốn nostalgia của đời người đó ai cũng có. Ngoài ra còn xoài, me, sấu, quả bàng chín. Cái kèn quấn bằng lá thổi toe toe. Cái chong chóng lá dừa. Chiếc nhẫn cỏ cho cô bé Thỏ. Trèo cây. Lội sông. Thả diều. Đánh lộn, đôi khi v.v… Đó là tuổi thơ của tôi và bạn bè thời nhỏ. Thời ngây thơ, trong trắng và hạnh phúc. Cái thời không thể đặt chân trở lại. Đã theo gió cuốn bay đi. Chỉ còn có thể về thăm chơi bằng hồi ức. Như tôi lúc này. Và có thể cả sau này nữa. Bởi như Phạm Công Thiện nói, trong lòng nhà thơ luôn có một dòng sông chảy.

TN