Năm 1986, một trong những nước Đông Âu thoát nạn Cộng Sản ngày đó là Tiệp Khắc. Sau khi được tự do, với tên mới là Cộng Hòa Tiệp (Czech Republic), thủ đô đóng ở Prague; nước này đã mở cánh cửa ra với thế giới tự do, đồng thời gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu, nhờ thế kinh tế của Cộng Hoà Tiệp được phát triển, mang lại số ngoại tệ lớn từ du khách.
Du ngoạn
Những lâu đài cổ xưa từ thế kỷ thứ 9 vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Danh tiếng nhất ở Prague là Charles Brigde. Chiếc cầu xây bằng đá từ thế kỷ 14, dành riêng cho khách bộ hành. Đây là con đường chính nối từ Phố Cũ (Old Town) sang lâu đài Prague (Prague Castle).
Tác giả và ca sĩ Nguyệt Ánh (trong chuyến đi vận động cho nhân quyền) tại lâu đài Prague (Prague Castle).
Nếu gọi Paris là kinh đô ánh sáng của Âu Châu thì Cộng Hòa Tiệp có thể được xem là kinh đô ánh sáng của Đông Âu. Cộng Hòa Tiệp nổi tiếng không những về di tích lịch sử mà còn về thắng cảnh. Những lâu đài cổ xưa bị ảnh hưởng bởi thế chiến thứ hai đã được sửa sang lại để làm thành những khu du lịch. Nhắm vào du khách trên thế giới, các tờ quảng cáo được in bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý, Tây Ban Nha và dĩ nhiên là có tiếng Tiệp.
Giống như Pháp, Tiệp có những chuyến du ngoạn bằng thuyền, tàu trên giòng sông Vltava với thời gian ngắn là 50 phút, dài là 2 giờ, dài hơn nữa là 4 tiếng để vừa ngắm cảnh một số nơi chính trong thành phố, rồi ăn tối trên tàu và ngắm cảnh “Prague by night”. Với khoảng 55 Euro một người lên tàu, bữa ăn kiểu buffet dọn ở một góc tàu với ban nhạc sống là hai tay đàn guitars và một ca sĩ. Bạn có thể yêu cầu nhạc và tặng ít tiền “tips” khi muốn họ hát một số bài quen thuộc (quốc tế như Besame Mucho, Love Story…). Một US đô la tương đương 26 đồng Tiệp (lên xuống chút đỉnh tùy thời giá, tiền Tiệp – CZK, gọi là Koruna). Phải nói là việc kiếm ngoại tệ từ du khách được Cộng Hòa Tiệp khai thác triệt để. Thay vì ngồi ngậm ngùi oán trách những kẻ gây ra chiến tranh hay phá bỏ những dinh thự của kẻ thù thì người Tiệp đã sửa sang lại thành nơi triển lãm để du khách đến xem.
Nghĩa trang của người Do Thái bị thảm sát bởi Đức Quốc Xã – nguồn scholarblogs.emory.edu
Một trong những nơi bạn nên đi là “viếng thăm ngày đen tối nhất của Prague” đưa du khách đến những nơi Đức Quốc Xã chiếm đóng ngày xưa. Viếng thăm thành phố cũ (Old Town District), nghĩa trang của người Do Thái bị thảm sát bởi Đức Quốc Xã. Cũng vì có nhiều người chết oan trong cuộc chiến nên Prague là một trong những “thành phố kinh dị” (Haunted city) nổi tiếng ở Âu Châu. Trả 16 US đô la, Bạn có thể đi “Thăm Ma” (Ghost Tour) trong 1 giờ với những con ma giả (tài tử đóng giả ma) làm những người yếu bóng vía chạy mất cả dép. Đắt hơn một chút (24 đô la) là chương trình thăm viếng “Cộng Sản và hầm nguyên tử” (Communism Nuclear & Bunker Tour) trong 2 tiếng đồng hồ. In rõ ràng trong tờ quảng cáo: “The communism was full of paranoia, spying and violence… Look behind the iron curtain”. Chủ nghĩa Cộng sản đầy sự dối trá, rình rập và bạo lực. Kinh nghiệm của một quốc gia dưới sự cai trị của Cộng sản đã nói lên những điều này thì chắc chắn nó phải là sự thật.
Phương tiện di chuyển
Nếu muốn làm một chuyến vòng quanh thành phố, bạn hãy mua một vé với City Bus Tour. Để ý kỹ, bạn sẽ thấy rất nhiều mặt đường ở Prague, thủ đô của Cộng Hòa Tiệp hầu hết lát bằng đá, theo những hình thể chọn lựa sẵn, khi dài, lúc cong vòng tròn, có chỗ là hình vuông rất đều và phẳng, không lồi lõm chút nào nên không sợ gãy gót giày hay vấp ngã. Có những con đường dùng chung cho nhiều loại xe, mà theo luật giao thông người lái xe hơi phải nhường ưu tiên cho xe điện. Vừa lái xe vừa dòm chừng khi thấy xe điện đến thì tự động tránh khỏi những “đường ray” rồi sau đó tiếp tục. Có lẽ vì xe Bus, xe điện lưu hành khá nhiều nên hiếm thấy xe đạp. Cách “dụ” du khách cao cấp hơn nữa là mua “Prague Card”. Tùy theo giá tiền mua, bạn sẽ dùng phương tiện chuyên chở công cộng (xe điện, xe bus), đi thăm viếng thắng cảnh, ra phi trường… không phải trả tiền! (đúng là khéo nói, thật ra là bạn đã trả tiền khi mua thẻ rồi). Vì cùng nằm trong khối Liên Hiệp Âu Châu, khi từ Thụy Sĩ bay sang Tiệp bạn không cần trình thông hành (passport). Bạn có thể dùng tiền Euro hay tiền Tiệp khi mua sắm.
Những con đường lát đá
Ăn và ở
Chỉ những tiệm lớn và khách sạn mới nhận đô la hay một số loại credit card của Mỹ. Đừng quên là các tiệm ăn (restaurant) luôn luôn tự động cộng tiền tips vào hoá đơn của khách, không cần chờ khách đồng ý. Khi rủ nhau vào ăn trong khu hàng ăn (food court) của một trung tâm buôn bán (Shopping Mall) chúng tôi đã bị người hầu bàn nói dối để lấy tiền tips 2 lần vì cứ nghĩ theo kiểu Mỹ là tiền Tips cho sau. Những quán ăn nhanh (fast food) của Mỹ như McDonald, Kentucky Fry Chicken đã có mặt ở Prague nhưng chúng tôi chọn ăn món địa phương. Nếu có dịp bạn hãy thử món “đầu gối heo”, hầm nhừ với gia vị, là món nhậu khá “bắt” bia (beer). Nhiều da, gân và sụn. Rất ít mỡ. Bia Tiệp thì ngon tuyệt (ông thần lưu linh của tôi khen lấy khen để. Tôi có nếm thử thì thấy đắng nghét, không hấp dẫn bằng… bánh ngọt). Nồng độ rượu trong bia nặng (15 độ), dung tích cũng “nặng” (16 OZ) và cái giá phải trả chỉ bằng với bia mua ở Hoa Kỳ thì đúng là ngon tuyệt. Cũng là Budweiser nhưng thứ làm ở Tiệp uống khác hẳn loại sản xuất ở Mỹ. Tôi không dám có ý kiến, ý ong gì trong vụ bia bọt, chỉ biết rằng Budweiser nguyên thủy phát xuất ở Tiệp từ năm 1785.
Tiệm McDonald tại Prague – nguồn prague.tips
Bia thì tôi lắc đầu chứ bánh ngọt là tôi gật đầu lia lịa. Bánh ở Tiệp làm theo kiểu Tây. Ít đường nhiều bơ. Ít tiền nhiều loại. Không có ngày nào tôi quên “nếm” thử vài thứ bánh. Tôi có thể nói chắc chắn 100% với bạn là bánh bên Âu Châu khác hẳn bên Hoa Kỳ. Từ Bột đến bơ và đường đều khác. Gọi là Bánh ngọt mà chỉ vừa miệng ăn, không ngọt lại thơm và “béo”. Bỏ lên môi nó trôi ngay vào họng! Và giá tiền thì ngang với bánh Mỹ, (bánh Mỹ ngọt đến độ đường hết tan nổi, không hạp khẩu vị người Việt mình. Mua bánh Tây ở Mỹ phải trả gấp đôi giá. Bạn nào muốn thử bánh Tây chính gốc cứ đến tiệm Benjamin nằm trên đường Washington, khu Church Street, downtown Orlando thì biết ngay. Ngon nhưng đắt.
Vật giá và thức ăn ở Cộng Hòa Tiệp khá rẻ. Còn nhà cửa thì không biết ra sao. (Tôi lẩm cẩm nghĩ nếu nhà rẻ thì có ai dám dọn qua đó ở không ta?). Bàn cho vui chứ chạy vòng vòng từ Tây sang Đông Âu Châu, nghỉ đêm ở đủ loại khách sạn chứ có tá túc nhà ai mà dám bàn về nhà cửa. Có điều thú vị là dù ở qua nhiều khách sạn, tất cả đều giống nhau ở cái… buồng tắm. Tôi không giỡn đâu. Không hiểu lý do tại sao những cái buồng tắm đều chỉ có “nửa cánh cửa”. Cái bồn tắm (bath tub) thì y chang kiểu Mỹ. Bên Mỹ thì bồn tắm hoặc có cửa 2 cánh kéo lại cho kín hoặc kéo màn nhựa chắn cho nước không văng ra ngoài. Âu Châu (những chỗ tôi đi qua) không dùng màn mà dùng nửa cửa thôi. Dù cẩn thận cách mấy sàn nhà vẫn ướt không ít thì nhiều. Còn mỗi một cách là ngồi bệt xuống bồn rồi cầm vòi sen mà tắm. Không thoải mái chút nào. Không lẽ họ “hà tiện” nửa cánh cửa? Độc giả nào biết lý do giải thích dùm.
Một cách tổng quát, nhìn chung chung ta có thể nói Cộng Hòa Tiệp sạch sẽ, văn minh. Không thấy bóng cảnh sát, công an hay quân nhân xuất hiện trên đường phố khiến du khách cảm thấy yên tâm. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại (để hỏi xem tại sao không làm nguyên cửa cho khỏi ướt buồng tắm!!!)
Buồng tắm đều chỉ có “nửa cánh cửa”.
GDN – 2015