Menu Close

Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú

Ung thư vú và ung thư da là bệnh ung thư hàng đầu nơi phụ nữ khắp thế giới. Ai cũng có thể bị, nhưng nguyên nhân thì chưa rõ; tuy vậy có những yếu tố đặt bạn vào nguy cơ bị bệnh đó, như lớn tuổi, gia đình có thân nhân bị rồi, mập phì, ít hoạt động, uống rượu nhiều, tiếp cận với bức xạ (radiation), trị liệu để thay thế hormone trong thời kỳ mãn kinh, có kinh nguyệt ở tuổi quá sớm, có con khi tuổi đã cao, hoặc không con.

Mammogram (chụp quang tuyến ngực) là phương pháp dễ tìm ra bệnh ở giai đoạn đầu, nhờ đó điều trị hữu hiệu hơn. Tuy nhiên phương pháp này không phải lúc nào cũng hoàn hảo, mặc dầu người hàng năm chụp quang tuyến ngực ít bị chết vì ung thư vú hơn những ai không chụp.

Biết được những dấu hiệu cảnh báo hoặc thay đổi nơi ngực, ta có thể hành động kịp thời. Sau đây là một số dấu hiệu quan trọng:

1. Cục u ở ngực hoặc nách

Những cục u này thường cứng và không đau, nhưng cũng có cục u gây đau nhức. Cục u dưới nách thường cứng, dày đặc.

Một số khối u thông thường có thể là do có sự thay đổi về hormone trong cơ thể, do nhiễm trùng, hoặc mô bị hư (fat necrosis), nên để bác sĩ khám nghiệm hầu tìm ra nguyên nhân.

2. Ngực đỏ hoặc sưng

Khi đau ngực, đa số phụ nữ cho là do hội chứng tiền kinh nguyệt, còn khi ngực cảm thấy nóng hoặc ửng đỏ, thường nghi là bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, ngực sưng mà đau hoặc ửng đỏ cũng có thể là dấu hiệu ung thư.

Một cục u nằm bên dưới vú có thể đẩy cho các tế bào dội cao lên, làm cho ngực sưng và đau. Trong một số trường hợp, chỗ sưng nhô lên gần nách hoặc dưới xương collar (xương cổ). Nếu thấy triệu chứng này lâu hơn một tuần, nên đến bác sĩ để được xét nghiệm.

3. Dịch từ vú

Ngoài sữa ra, bất cứ chất dịch nào tiết ra từ vú cũng có thể là dấu hiệu ung thư vú.

Khi một cục u xuất hiện ở các ống dẫn sữa, ngay bên dưới hoặc chung quanh núm vú, nó có thể gây ngứa và nhiễm trùng, đưa đến việc tiết ra dịch.

Nếu thấy núm vú tiết ra dịch, trong hoặc có máu, hãy đến bác sĩ để khám. Dịch tiết ra như thế còn có thể là do nhiễm trùng hoặc một lý do khác cần được chữa trị.

4. Đau vú hoặc đau ngực

Đau nhức ở vú hoặc vùng ngực là dấu hiệu không tốt. Còn đau nhức nhối đến rồi đi, hoặc cảm giác tê tê nhẹ như điện giật lan từ vú này sang vú kia, có thể là dấu hiệu ung thư vú.

Lý do vì cục u ngay bên dưới núm vú hoặc ở đường dẫn sữa thường gây đau nhức và khó chịu ở ngực.

Ngực đau tuy không nhất thiết là dấu hiệu của ung thư, nhưng có thể là do những bệnh tật khác cần được chữa trị. Đôi khi đau ngực có thể là do thay đổi về hormone trong cơ thể, do uống thuốc ngừa thai, do stress hoặc do mặc áo ngực không vừa vặn.

5. Ngực thay đổi

Bất cứ thay đổi nào về hình dạng và kích cỡ của nhũ hoa cũng cần được quan tâm. Ngoài ra còn phải chú ý đến chỗ lõm xuống, chỗ co lại, hoặc cặp vú không đối xứng.

Sự tăng trưởng tế bào nơi vú có thể ảnh hưởng đến hình dạng và kích cỡ, đưa đến sự thay đổi về thể lý.

Vì những thay đổi này thuộc dáng vẻ bên ngoài hơn là về cảm giác, nên bạn có thể biết được khi tự nhìn mình trong gương.

6. Núm vú nhạy cảm

Một sự thay đổi hình dạng hoặc cảm giác ở núm vú cũng có thể là dấu hiệu ung thư ngực. Thường thì cục u xuất hiện ngay dưới núm vú, dẫn đến sự thay đổi hình dạng và cảm giác của núm vú. Nó có thể xẹp xuống, lõm vào trong và gia tăng mức nhạy cảm.

Tuy nhiên, sự thay đổi về cảm giác và hình dạng nơi da của vú còn có thể là do chứng viêm nhũ hoa (mastitis) hoặc các lý do khác, do đó cần tham khảo với bác sĩ.

7. Nhũ hoa bị ngứa.

Ngứa chung quanh vú mà không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu ung thư (gọi là inflammatory breast cancer) nhưng rất hiếm. Do khối u mà da bên trên vùng đó thành đỏ, sưng, đau và ngứa.

Khi thấy ngứa như cào da, dù gãi đến đâu hoặc thoa thuốc nào cũng không thấy bớt, nên đến bác sĩ ngay.

8. Đau phía trên lưng, vai và cổ

Cục u lan đến xương sống sẽ gây ra đau đớn ở phần lưng phía trên, ở vai và cổ. Người ta thường lầm đó là đau nhức bắp thịt, gân bị căng cứng, hoặc xương cột sống bị viêm (osteoarthritis). Nhưng nếu đau vì ung thư, thì khi làm dãn các bắp thịt hoặc thay đổi vị thế ngồi hoặc đứng, ta vẫn còn cảm thấy đau.

Nếu không làm giảm đau được ở phía lưng, vai và cổ bằng vật lý trị liệu, thì nên đến bác sĩ xét nghiệm.

Nên giảm nguy cơ ung thư vú bằng cách:

– Xin bác sĩ cho chụp hình và áp dụng các phương thức khác để giảm rủi ro

– Tự khám ngực ít nhất mỗi tháng một lần

– Duy trì một thể lượng lành mạnh

– Tập thể dục đều đặn, mỗi ngày ít nhất 30 phút, 5 ngày một tuần

– Ngủ đủ

– Tránh uống rượu quá mức

– Tránh tiếp cận với các hóa chất có thể gây ung thư

– Hạn chế cách trị liệu bằng hormone trong thời mãn kinh.

ungthuv

TM