Viên Linh là tác giả nổi tiếng của Miền Nam và hải ngoại. Khởi từ Hà Nội thời 54 cho tới vào Nam, ông mê theo thơ rồi sau theo con đường làm báo, với Khởi Hành, Nghệ Thuật, Thời Tập… Cho tới ra hải ngoại, ông vẫn nối tiếp con đường với tạp chí Khởi Hành. Có thể nói Viên Linh sở hữu nhiều tài liệu của suốt một thời kỳ văn học dài trên đất nước ta gồm cả hải ngoại. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tác giả Viên Linh nhìn lại những bước đầu của nền văn học ấy.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Viên Linh – ẢNH: NGUYÊN VIỆT
Thời điểm 2015 suốt mấy tháng qua cho tôi cái mốc thời gian tròn chẵn 60 năm để nhìn lại “hơn nửa đời hư,” nói theo cách riêng của Vương Hồng Sển, nhà văn nhà sưu tầm cổ ngoạn, sinh năm 1902 (khai sinh giấu đi 2 tuổi viết thành 1904) xuất bản cuốn sách trên năm 1992, khi đã 90 tuổi! Không những thế, ba năm sau là 1995 ông còn cho xuất bản cuốn “Nửa Ðời Còn Lại.” Vương Hồng Sển thành công ngoạn mục khi kể lại quá khứ đời mình.
Khoảng cách nhìn lại của tôi, ở đầu đằng kia của 60 năm, là 1955. Trên dưới hai ba năm của thời điểm này là khoảng thời gian tương tự của một bạn văn: Nhật Tiến với cuốn “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ,” cuốn sách từng trang kể lại những ngày tác giả còn cắp sách đến trường, trước là ngôi trường tiểu học Nguyễn Du và sau đó là trường trung học Chu Văn An ở Hà Nội. Nhà xuất bản Huyền Trân giới thiệu một cách chân thành: “Tác giả Nhật Tiến đã khơi dựng trở lại khung trời Hà Nội vào những năm cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Những cậu học trò của thời buổi đó đi vào con đường văn nghệ, báo chí ra sao, sinh hoạt bút nhóm thời ấy thế nào, và những tên tuổi rất quen thuộc trong lãnh vực văn chương chữ nghĩa vào thời kỳ ấy gắn bó thế nào với tuổi trẻ… tất cả đều đã được ghi lại rất hào hứng, rất linh động qua những sinh hoạt mà chính tác giả đã từng trải qua.” (1)
Ðọc cuốn sách ấy, người viết bài này nhớ lại khá nhiều về những người, những việc kể ở trong sách, vì chỉ kém Nhật Tiến hai tuổi, và ngôi trường tiểu học của tôi là trường Ngô Sĩ Liên ở phố Hàm Long, khá xa trường Nguyễn Du, nhưng lên trung học, tôi cũng học đệ thất từ Chu Văn An, cùng trường với anh, nhưng Chu Văn An mà tôi học ở gần Hồ Tây, như tôi còn nhớ. Hay tôi nhớ như thế, vì sau khi tan học, tôi thường cùng một người bạn đạp xe lên Nghi Tàm, Hồ Tây, bạn giữ guidon xe còn tôi đứng thẳng trên xe, hai tay vươn cao còn giật được vài trái ổi chín thơm lừng ở trên cành, và biến mất mặc dù vẫn nghe được tiếng la lối của khổ chủ nơi rặng ổi.
Bìa sách “Thuở Mơ Làm Văn Sĩ,” của Nhật Tiến– NGUỒN ISACH.INFO
Quả là lúc ấy giới học sinh trung học ở Hà Nội, nếu yêu văn chương nghệ thuật, chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo. Báo ngày có Tia Sáng, Giang Sơn, Tiếng Dân, báo tuần có Cải Tạo, Giác Ngộ, Sinh Lực, tạp chí văn học lớn, vòm trời bao la cao vòi vọi mà chúng tôi mong ước tiến lên có Thế Kỷ của nhóm Trúc Sỹ, Triều Ðẩu, họa sĩ Lương Xuân Nhị, có Phổ Thông trường Luật của Mặc Ðỗ, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, họa sĩ Nguyễn Tiến Chung… Trong Thuở Mơ Làm Văn Sĩ, Nhật Tiến nhắc đến vài người bạn hay người cầm bút anh quen biết, vài nơi anh lui tới, đó cũng có những người bạn của tôi, người tôi quen biết, mà lạ thay, chúng tôi lại không gặp nhau. Chẳng hạn khu vực tòa án Hà Nội giữa hai con đường Roland và Gambretta, nơi anh gặp bạn, đó là nơi tôi cũng gặp bạn, đúng hơn là họp bạn, trong khu vườn cỏ xanh mượt, có cây cổ thụ có cành nằm ngang, ngồi lên được, nơi ấy là “nhà” của Hương Việt Hương, làm thơ, (có ông bố làm lục sự, một việc khiêm nhường, trong tòa án), sau vào Saigon đổi tên đổi ngành nổi tiếng với cái gia tài của người mẹ. Gặp cả Ngô Mạnh Thu nơi này. Anh nhắc đến Song Hồ, nhà thơ hàng xóm của tôi ở đường Boussard, hay Chợ Ðuổi, gần hồ Thiền Cuông. [Thiền Cuông]. Có lẽ Song Hồ là người bạn thơ lâu đời nhất của tôi, chúng tôi gặp nhau trước cổng báo Hồ Gươm khoảng 1950, 51, anh mặc toàn đồ trắng, quần dài sợi vải thô trắng, đi giày bata trắng, anh mất ở Houston cách đây khoảng 7, 8 năm. Hai Cánh Hoa Tim. Ðá Và Hoa. Chúng tôi sau ở Saigon cùng làm trong Ban Biên Tập đài Voice of Freedom, Tiếng Nói Tự Do, anh từng qua Nam Vang làm việc trong Tòa Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hòa thời ông Ngô Trọng Hiếu, bị người Cao Mên “cáp duồn” hụt, chút xíu bỏ mạng trên đất người. Nhưng có một cái tên Nhật Tiến nhắc đến làm tôi khựng lại: nhà thơ Trường Giang. Tôi không còn nhớ gì về con người Trường Giang, trừ một chi tiết. Ấy là một hôm giữa thập niên ’50 ở Saigon, Hương Việt Hương hỏi tôi: “Cậu nhớ Trường Giang không? Bơi qua Bến Hải tìm tự do, bị chúng bắn theo chết rồi.” Thời gian này trước cả thời gian đầu năm 57, khi nhà thơ Vũ Anh Khanh bơi qua sông Hiền Lương, bị bắn chết bằng một mũi tên. (2)
Là một nhà giáo mặc dù không dạy văn chương là chính – mà dạy Toán Lý Hóa (?), Nhật Tiến viết sách, ít nhất là trong Thuở Mơ Làm Văn Sĩ, có hàm ý giáo dục nghề văn khá rõ. Ông viết ra điều ấy trong “Lời người viết,” thay cho lời tựa, và trích dẫn những lời dạy của nhà văn Nhất Linh trong “Viết và Ðọc Tiểu Thuyết” để truyền cho các độc giả thiếu niên – những người có tâm trạng “mơ làm văn sĩ,” để họ vừa đọc sách của ông, vừa học hỏi nghệ thuật viết văn:
“Tác giả diễn tả bằng chi tiết chứ không bằng lời giảng giải. Những việc xảy ra cả đến sự u ẩn của tâm hồn như những đoạn tả một người sắp chết, một người con có ý giết bố, tả tình yêu đắm đuối, v.v… tác giả không dùng lời nói dài dòng mà chỉ dùng những chi tiết nho nhỏ để diễn tả. Chính “những điều nho nhỏ, một nét mặt, một cử chỉ, một giọng nói, cho chúng ta biết rõ tâm lý hơn; những cái mà ta thường coi là nhỏ nhặt vụn vặt hay tỉ mỉ, chính lại là những cốt yếu của tiểu thuyết hay” (trang 23). Trích dẫn này là cần thiết, bổ ích không phải chỉ cho các thiếu niên muốn trở thành văn sĩ, mà cho bất cứ ai muốn viết văn. Hải ngoại tràn ngập các nhà văn, tràn ngập các nhà in (khoảng hơn 20 năm trước Quận Cam có khoảng trên dưới 65 nhà in có thể in sách bằng loại máy in giấy khổ 11×17”, cho tới nay ngó qua các nhà in còn hoạt động, ta thấy hàng tuần có hàng chục cuốn thơ văn truyện ký xuất bản, hàng tháng có cả trăm cuốn xuất bản). Những sách giảng giải bằng lời chứ không bằng mô tả chi tiết sự việc hay nội tâm, loại văn vần còn nhiều hơn nữa – đang “tranh cãi” để trở thành một tác phẩm văn học không phải là ít.
Viên Linh
VL – Nguồn: Người Việt Online
1. Thuở Mơ Làm Văn Sĩ, hồi ký tiểu thuyết, Nhật Tiến, nhà xuất bản Huyền Trân, Cali, 2013, 172 trang, 15 Mk, bán tại Tự Lực hay Huyền Trân, email: nhaxuatbanhuyentran@yahoo.com
2. Xem “Con Sông Máu của Vũ Anh Khanh,” Viên Linh, Khởi Hành 116, tháng 6, 2006. email: phamcongkh@yahoo.com