Các bạn có biết chúng tôi bị nạn sâu gì nữa không? Sâu ống đó các bạn ạ! Loại sâu này còn được người nông dân gọi một tên nữa là sâu đục thân. Vì sâu ống ở trong thân lúa, hút nhựa, rồi làm cho đọt lúa bị đỏ, bị úa, rồi đọt lúa bị bịnh này khô và chết.

Các bạn thử tưởng tượng, mỗi cây lúa chỉ có mỗi cái đọt để tăng trưởng, để trổ bông và kết hạt, rồi tự dưng bị sâu ăn, sâu cắn, thì còn gì để mà hy vọng. Giống như đời bất cứ loại thảo mộc nào, cái ngọn, cái ngành là chánh, mà tự dưng bị héo úa đi, bị đứt đọt, đứt ngọn đi thì cho dù có đâm ra nhiều chồi khác, nhiều nhánh khác, không làm sao có thể trở thành một thân cây toàn vẹn được, một thân cây vững chắc được, thịt của cây sẽ bộp, sẽ xốp, không dùng vào đâu được. Cây lúa chúng tôi cũng cùng thân phận như vậy, cũng cùng có sự tệ hại như vậy sau khi bị loại sâu ống này hoành hành, cắn phá. Ngay chỗ đọt lúa bị sâu cắn, thay vào đó là vài ba cái tược nhỏ, nhỏ đến độ về sau này chỉ có thể cho được năm, mười hạt lúa chét là cùng. Cả cuộc đời cây lúa, với bao nhiêu công sức người nông dân đổ vào miếng ruộng cho một mùa màng cùng những ước ao, hy vọng, mà chúng tôi chỉ trả lại cho họ năm, ba bông lúa chét, thì làm sao mà khỏi thẹn thùng, xấu hổ, làm sao mà khỏi băn khoăn, cắn rứt trong lòng.
Các bạn ơi! Các bạn có biết chúng tôi vượt thoát nạn sâu ống, sâu đục thân bằng cách nào không? Vì loại sâu này ở trong thân, trong ruột cây lúa, nên không thể chỉ xịt thuốc như sâu keo, sâu lá được. Người nông dân, dù họ ít học, nhưng họ cũng thừa kinh nghiệm để đề phòng và trị loại sâu này bằng cách trộn thuốc trị sâu ống vào phân bón, một loại thuốc hột, và bón phân vào lúc lúa được giặm vá xong xuôi. Rễ lúa hút phân bón có trộn thuốc sâu, nếu có sâu ống trong ruột, sâu sẽ ngấm thuốc và bị hủy diệt từ trong trứng, từ trong mầm. Và sau này, nếu có sâu ống xuất hiện, người nông dân sẽ rải thuốc thêm một lần, trộn với cát hoặc tro trấu. Công dụng của cát và tro trấu chỉ dùng để giúp cho việc rải lượng thuốc ít ỏi này được trang trải đều trên diện tích lúa nào đó, chứ không có tác dụng diệt sâu. Nhưng chúng tôi cũng xin cảm ơn cát, cảm ơn tro. Cho dù là cát, là tro nhưng nhiều lúc cũng mang lại lợi ích cho đời, chẳng hạn như đời của cây lúa, cũng giúp cho người nông dân trong những trường hợp cấp thiết này. Vì rằng cứu lúa khỏi nạn sâu rầy chẳng khác nào cứu hỏa đó các bạn ạ, là việc cấp thiết nhất đối với nhà nông.
Thế rồi, “cái gì đến sẽ đến”. Không biết ai nói điều đó, quả quá đúng với đời sống cây lúa chúng tôi đến như tuyệt đối. Chúng tôi trở nên già dặn hơn, cứng cỏi hơn, vững vàng hơn, chững chạc hơn vì rằng cây lúa đang ở vào thời kỳ đẹp nhất mà cũng rạo rực nhất, hấp dẫn nhất, đầy đặn nhất với những thân lúa to tròn, với những bắp lúa nhọn vót như ngòi viết lông, loại viết mà người xưa dùng để viết chữ Nho, chữ Hán.
Đó là thời kỳ cây lúa có chửa đấy các bạn ạ! Những lá lúa già đi với màu vàng lá tranh. Từ trong những thân lúa to tròn ấy là cả một bầu hoa, một bầu gạo sắp nở rộ đúng hạn kỳ, là niềm vui, là hạnh phúc của chúng tôi mà cũng là niềm vui và hạnh phúc của nhà nông, của những người bạn thân thiết nhất của chúng tôi trong cánh đồng lúa bạt ngàn này.
Một sáng đẹp trời của những ngày mùa, khi cây lúa tròn hai tháng và năm ngày, như đồng loạt, không ai bảo ai, chúng tôi mở toạc những bẹ lúa tròn đầy để khoe với đất trời, với tạo vật, với gió, với nắng và nhất là với người bạn nông dân của chúng tôi, những bông lúa đầu mùa. Cả một bầu trời đầy màu sắc trắng trinh tuyền, ngập hương thơm thoang thoảng toả nhẹ. Những nhụy hoa của cánh đồng lúa vờn vờn, bay bay theo gió, lượn lờ…
Thế nhưng, các bạn ơi! Cây lúa là một trong những loài cây hiển hoa khỏa tử như xoài, bắp, vân vân… Nên việc thụ phấn phải nhờ tới ong, tới bướm, tới gió. Chúng tôi nghe một thi sĩ, hơn một lần tả cảnh phấn thông vàng, đã cho rằng: “Thông reo không cần tới gió, mà gió thổi là nhờ thông reo.” Không biết đúng sai thế nào. Riêng đời sống chúng tôi thì ngược lại, chẳng những cần mà còn rất cần những luồng gió nhẹ nhàng giao tình, những luồng gió mang những nhụy đực của phấn hoa đến gần những nhụy cái để giao hoà, để thụ phấn. Không có gió, đời chúng tôi sẽ là những mảnh đời bất hạnh, thừa thãi, buồn chán đến độ bịnh hoạn, vì nghĩ cho cùng, không có gió chúng tôi chỉ có cái đẹp đến độ tình tứ, lãng mạn, có sắc, có hương mà không thiết thực, không làm tròn sứ mạng với đời, không làm no lòng người, thật là vô dụng. Xin được cảm ơn gió, cảm ơn những ngọn gió giao hoà, tình tự, những ngọn gió không phải “mang thương nhớ trở về”, mà là mang hạnh phúc đến cho đời cây lúa chúng tôi, cho nhà nông, cho loài người!

Lúa trổ. Người làm ruộng họ giản dị như vậy, khi cánh đồng lúa nở rộ, họ gọi nôm na là lúa trổ. Trong tự cội nguồn của chữ “Hoà”, có cây lúa đứng bên cái miệng. Nghĩa là con người có ăn được “cây lúa”, mới “Hoà” được. Bởi vì rằng, cây lúa đứng trong đất, trong nước, trong bùn nên thuộc về âm. Do đó, mùa lúa trổ vào những ngày nắng là lý tưởng nhất. Mà nắng thuộc về dương, về sức mạnh. Có như vậy, âm dương mới giao hoà, mới hợp với lẽ Trời. Và dĩ nhiên, chúng tôi sẽ mang đến cho người làm ruộng một mùa lúa quằn bông, trĩu hạt. Tự thân chúng tôi là một sự hợp nhất của âm dương kia mà!
Các bạn có lẽ không bao giờ ngờ, trong lúc đêm đêm các bạn ngủ say, ngủ vùi cùng với vạn vật chìm vào cõi đêm bao la, im lìm, u tịch, chúng tôi lại lui cui mở rộng vỏ lúa còn non nớt để hứng những giọt sương tinh anh nhất của đất trời cùng với những nhụy đực của phấn hoa làm thành sữa, thành gạo cho chính mình, cho nhà nông, cho nhân loại. Chúng tôi âm thầm kết tinh như vậy giữa đêm trường, giữa những giấc ngủ êm đềm, giữa những mệt mỏi của người làm ruộng dãn dần, dãn dần trong hơi thở đều đều sau những ngày vất vả trên cánh đồng với bao dạn dày, phong sương. Thành ra, chúng tôi rất sợ mưa vào ban đêm khi lúa trổ rộ, khi lúa mở cánh xòe ra, khi lúa cần cái ấm áp của đất trời để “âm dương chi giao”, kết hợp. Quả tình, trong những ngày này trong đời cây lúa, giống như câu Kiều:
“Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung”.
Thế là, dưới ánh nắng mặt trời ấm áp, những bông lúa rực rỡ phơi hạt, phơi màu, khoe hương, khoe phấn. Chúng tôi rượt đuổi nhau trên cánh đồng, nghe cả tiếng cười khúc khích trong gió, trong nắng. Chúng tôi thăm hỏi, tâm sự về những vui buồn, sâu bịnh, nước nôi, phân phướng. Nhưng, đặc biệt trong bất cứ cuộc chuyện trò nào, chúng tôi không quên nhắc đến những người bạn nông dân thân thiết của mình, với lòng cảm thông, chia sẻ về những vui buồn, những lo lắng, những lúc thiếu trước hụt sau, mà dường như vì dòng đời trôi nhanh, nên ít ai còn nhớ một hạng người nơi thôn dã quê mùa.
Các bạn ạ! Ở đời, thường có những nghịch cảnh éo le, không như mình nghĩ. Chẳng hạn, khi lúa ở thời kỳ còn non, tốt tươi quá và mãi tới thời kỳ nở nhụy khai hoa mà vẫn còn tham lam nhận thêm nhiều phân bón quá, chẳng khác nào đứa con được cưng chiều quá độ, đứa con sẽ dễ hư hỏng. Những đám lúa um tùm, xanh liệt lá, liệt đọt, khi trổ bông thường bị bạc lạc, mà người nông dân gọi là lúa trổ cờ bắp, hạt lúa lép gần hết, không có sữa, không có gạo. Hoặc một vài trận gió hơi nặng ngọn, những thân lúa mềm mại này chưa kịp nhìn rõ những bông lúa lép của mình thì đã nằm dài trên bùn, trên nước trông rất thảm hại. Những đám lúa bị ngã như vậy sẽ không bao giờ gượng dậy nổi. Những hạt lúa vừa ngậm gạo sẽ mọc mọng và lâu ngày thúi rữa, hư hại. Điều này, lỗi một phần cũng vì một vài bạn nông dân thiếu kinh nghiệm trong việc rải phân, chăm sóc mùa màng. Hoặc vì háo danh, ham được tiếng khen đám ruộng này tốt nhất vùng, đám ruộng kia xanh tốt không ai sánh kịp, nên một vài bạn nông dân cứ chìm đắm trong lời khen, tiếp tục bón phân thật nhiều mà không cần đúng hạn kỳ, đúng liều lượng, nên mới có những cảnh lỡ khóc, lỡ cười ở cuối cuộc chạy đua này.
(Còn tiếp)