Mở đầu “Thi Tập La Jacaranda” của tác giả Trần Vấn Lệ là bài giới thiệu của ông Nguyễn Ðăng Sửu, trong đó có đoạn “…Thơ Trần Vấn Lệ thì buồn…bởi Trần Vấn Lệ có nhiều nỗi buồn quá! Ở đây, tôi không nói rõ từng nỗi buồn của Trần Vấn Lệ, nói sẽ tranh cãi ồn ào. Những nỗi buồn đó không riêng của Trần Vấn Lệ mà là của chung dân tộc mình nhưng chúng ta không “đồng ý” với Trần Vấn Lệ. Chẳng hạn, một cái chẳng hạn thôi, ba chữ Cựu Quân Nhân, Trần Vấn Lệ nói chúng ta còn-là-lính, không ai có giấy giải ngũ, ngay đối phương của chúng ta cũng nể trọng chúng ta, gọi chúng ta là Tù Binh sau ngày 30 tháng 4 năm 1975…”
Cũng theo lời ông Nguyễn Ðăng Sửu, “mười năm trước của Thế Kỷ trước, Thế Kỷ XX, hầu như mở báo Việt Ngữ nào xuất bản ở Mỹ, Canada, Pháp, Ðức… cũng thấy có thơ Trần Vấn Lệ. Thơ Trần Vấn Lệ không chỉ được thấy đăng trên các báo văn chương như Thế Kỷ 21, Văn, Văn Học, Thời Tập, Làng Văn, Văn Nghệ Tiền Phong, Quê Mẹ, Tân Văn, Hồn Việt…mà ngay cả báo ngày, báo tuần, báo không bán, cũng có thơ Trần Vấn Lệ. Thơ Trần Vấn Lệ mới thoạt nhìn thì tưởng văn xuôi, nhưng đọc từ câu mở bài trở đi thì thơ Trần Vấn Lệ là thơ, có vần, có thi điệu, có nhạc tính. Chỉ là thơ cổ điển, rất ít thơ tự do .”
Những câu thơ của Trần Vấn Lệ thinh lặng gieo buồn thi ca trong lòng độc giả “Em biết không? Tôi đã rất buồn. Vì sao em gửi xác trùng dương, vì sao tôi phải nhiều năm tội – mà tội, Trời ơi! Tội Nước Non.” [1] Ông làm thơ như ghi lại những giòng nhật ký chỉ để nói với chính mình. Người đọc có chung niềm cảm nhận với ông hay không, không quan trọng. Ðiều quan trọng chính là ông đã viết lên nỗi buồn niềm vui hay đôi điều ước nguyện của bản thân, có trong những tháng năm phiêu bồng đất khách. “Người đi người đi mưa mưa, mắt tôi khép mở hững hờ từ nay. Không buồn khi thấy lá bay. Cũng không chờ nữa cuối ngày tà dương. Người cho tôi nhớ tôi thương, cái gia tài ấy dễ thường tiêu hao? Phải chi có nhỉ tiếng chào, tôi cầm xé vụn rồi trào lệ thêm…” [2]
Nhà thơ Trần Vấn Lệ sinh ngày 31-05-1942 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ông trưởng thành tại Ða Lạt, là nhà giáo và cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông sang Hoa Kỳ theo diện H.O kể từ tháng 11 năm 1989, hiện nay định cư tại Los Angeles – California. Những bút danh ông thường dùng là Trần Trung Tá, Lê Phụng An, Lê Nhiên Hạo…Tập thơ La Jacaranda của ông do Người Anh In Xuất Bản Tại Mỹ năm 2012 dày 209 trang gồm 100 bài thơ, viết về nỗi buồn niềm vui cảm nhận trong đời sống. Các tác phẩm đã xuất bản như “Hỏi Sao Không Buồn Cho Ðược,” “Ta Nhớ Người Xa Cách Núi Sông,” “Từ Lúc Ðưa Em Về Là Biết Xa Ngàn Trùng,” “Nếu Bước Chân Ngà Có Mỏi,” “Trăm Năm Ðể Lại”….
Ðọc thơ Trần Vấn Lệ, để thấy nỗi buồn “nhật mộ hương qua hà xứ thị, yên ba giang thượng sử nhân sầu” của người lữ khách nhớ nước thương nhà da diết khôn nguôi “Bỏ nước ra đi, nguyệt xế tà. Quê người năm đã thứ hăm ba…Ba chìm bảy nổi còn khi nổi. Tôi, thoáng bụi vờn trên cỏ hoa!” [3]
HNP – 3:34 am Chủ Nhật ngày 19 tháng 7 năm 2017
*.Trích từ những bài thơ :
[1]. “Ngày 3 Tháng 6”; [2]. “Thảng Thốt.” ; [3]. “Happy Birthday.”