Lịch sử có lẽ sẽ ghi nhận đặc biệt về một người đàn ông Ba Lan từng mang tên Karol Jozef Wojtyla. Với người Công Giáo, ông là Đức Giáo Hoàng John Paul II, vị đứng đầu Giáo Hội. Và hôm 1-5-2011 vừa qua là một ngày đặc
biệt cho họ, khi ông được nâng lên hàng á thánh, từ nay được xưng tụng là “Chân Phước Giáo Hoàng John Paul II” (Blessed Pope John Paul II). Đây cũng có thể là một dịp đáng nhớ, để dư luận thế giới nhìn lại cuộc đời ngài, như một trong những nhân vật giàu ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.
Thanh Dũng
Đức Giáo Hoàng (ĐGH) John Paul II tại vị từ 1978 đến khi qua đời năm 2005, là một trong hai vị giáo hoàng… thâm niên nhất xưa nay. Trong thời gian này, điều người ta thường nhắc nhở nhất, cũng là một trong những lý do khiến ĐGH John Paul II được dân chúng mến chuộng, là việc ngài đi công du rất nhiều. Trong hơn 1/4 thế kỷ, ngài đã ghé khoảng 130 quốc gia khác nhau. Trước nay chưa từng có vị giáo hoàng nào đi thăm viếng đàn chiên sốt sắng như vậy. Trong khi những chuyến công du của ngài có thể được đo đếm chính xác, ảnh hưởng sâu xa của chúng lên đời sống tinh thần của hằng triệu con người, từng có lần diện kiến ngài, hoặc chỉ trông thấy từ xa xa, mãi mãi là một điều huyền bí.
Một trong hằng trăm chuyến công du của ĐGH John Paul II.
ĐGH John Paul II còn thu được nhiều cảm phục nhờ nơi lòng quả cảm và thái độ ân cần. Nhiều lần ngài công khai xin lỗi về các lỗi lầm của Giáo Hội Công Giáo trong quá khứ (bao gồm các nạn nhân Hồi Giáo những kỳ Thập Tự Chinh xa xưa; sai lầm trong vụ xử nhà bác học Galileo hồi thế kỷ 17; hay sự im lặng nhu nhược trước nạn diệt chủng người Do Thái trong Thế Chiến II…) Thái độ mềm mỏng này của ĐGH John Paul II đã giúp vá lành nhiều vết thương lâu nay còn âm ỉ. Ngài cũng là vị giáo hoàng đã đưa tay mời gọi đối thoại với các giáo hội và tôn giáo khác, khích lệ niềm tin cậy lẫn nhau.
ĐGH John Paul II viếng thăm và nói lời tạ lỗi với các nạn nhân Do Thái tại trại tập trung Auschwitz
Có nhiều người tin rằng ĐGH John Paul II khá ưu ái người Việt và nước Việt Nam, có thể vì một niềm đồng cảm riêng. Cũng như Ba Lan quê hương của ngài, nước Việt bé nhỏ đáng thương còn phải… chịu trận với hệ thống quyền lực cộng sản. Một sự kiện khó quên cho nhiều người Việt là ngày 19-6-1988, ĐGH John Paul II vẫn làm lễ phong thánh cho 117 vị tuẫn đạo người Việt, bất chấp áp lực của Hà Nội. Một nhân vật người Việt rất nổi tiếng khác, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận sau khi rời ngục tù CSVN, đã sang Rome và sau này trở thành một trong các cố vấn tín cẩn nhất của ĐGH John Paul II.
Với TT Hoa Kỳ Ronald Reagan.
Với lãnh tụ Nam Phi Nelson Mandela.
Đến nay, hầu như hiếm sử gia nào, hoặc các chánh trị gia trọng yếu nhất vào cuối thế kỷ 20, không thừa nhận vai trò rất lớn của ĐGH John Paul II đối với sự giải thể hệ thống quyền lực cộng sản tại Âu Châu cuối thập niên 1980. Không cổ suý bạo lực, nhưng bằng vào sự dìu dắt nhẹ nhàng và khuyên nhủ ân cần, ĐGH John Paul II có thể đã lay động tâm can dân chúng (và cả giới cầm quyền) tại các quốc gia cộng sản thời đó.
Với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Với lãnh tụ Nga Sô Mikhail Gorbachev và phu nhân.
Trong chuyến về thăm Ba Lan mùa hè năm 1979, ĐGH John Paul II khiến nhà nước cộng sản xứ này rụng rời, trong khi nâng dân khí vô kể, chỉ bằng một câu nói nhỏ nhẹ “Do not be afraid” (các anh em đừng sợ hãi!) Vào lúc đỉnh điểm của cuộc Chiến Tranh Lạnh, không ai biết cách kết liễu chủ nghĩa cộng sản, thì lời răn nhủ của ngài bất ngờ hoá thành tia sáng. Nó khơi dậy niềm tự tin, khích lệ lòng can đảm, thách thức cái dữ, để người ta tự mình làm cuộc thay đổi cần thiết. Chính cuộc viếng thăm này, và câu nói bất hủ nọ, là tấm bản lề mở cửa cho một ý thức và một ý chí mới tại Âu Châu, bắt đầu với Ba Lan.
Với Lech Walesa, thủ lãnh Công Đoàn Đoàn Kết, sau này là TT đầu tiên của nước Ba Lan tự do.
Một điều khá oái oăm, cũng vì nguồn gốc Ba Lan, mà khi mới lên ngôi giáo hoàng, ĐGH John Paul II đã chịu không ít điều tiếng lẫn hồ nghi. Người ta e ngại ngài là một người… thân cộng, thậm chí có người bi quan cho viễn cảnh một Giáo Hội Công Giáo bị… nhuộm đỏ.
Một khách hành hương tại Rome hôm 1-5-2011. ẢNH Giorgio Cosulich/Getty Images
Còn có một thực tế lịch sử khá thú vị khác. Nếu không vì vài xoay chuyển ngoài dự liệu, thì có lẽ đã chưa bao giờ có một vị giáo hoàng mang tên hiệu “John Paul II”, và người đàn ông tên Karol Jozef Wojtyla vẫn còn là “Hồng Y Wojtyla”. Tháng Tám 1978, Giáo Hội Công Giáo đã chọn Giáo Hoàng John Paul I (tức Hồng Y Albino Luciani), nhưng ngài đột ngột qua đời chỉ 33 ngày sau. Ở kỳ bầu cử giáo hoàng kế tiếp, ứng cử viên chánh là 2 vị hồng y người Ý rất có uy tín, nhưng lại đại diện hai khuynh hướng hoàn toàn dị biệt, một người nghiêm cẩn “bảo thủ”, còn một người hết sức cởi mở “liberal”. Trước 2 chọn lựa gai góc, Rome cuối cùng đặt hy vọng vào Hồng Y Wojtyla, một vị ít tiếng tăm hơn, như lại là giải pháp… trung dung. Và như vậy, người tu sĩ với khởi điểm khiêm nhường Wojtyla đã bước đi, hoàn thành sứ mạng một đời người giữa dòng lịch sử.
Một tu sĩ Công Giáo đọc báo trong khi chờ đến giờ lễ. ảnh Alberto Pizzoli/AFP/Getty Images
Quang cảnh lễ phong thánh ĐGH John Paul II tại Vatican hôm 1-5-2011. ẢNH Giuseppe Cacace/AFP
TD