Các bạn thân mến,
Như cơn giông vậy, sự việc diễn ra không báo trước, mấy hôm nay mình nhận được emails cũng như điện thoại của bạn hữu chia sẻ về hiện tượng: “Từ bàn viết Phạm Diễm Hương” trên báo Trẻ. Ví dụ như: “Nè, bắt đầu viết lại hồi nào vậy? Tau thấy mi trên báo á!”, hay “Nì, kỳ ni mi viết thường xuyên cho báo Trẻ hả? tau cũng có đọc báo ni, nhưng chừ có mi viết thì tau đọc thường hơn.” hoặc là: “Răng mi viết truyện chi mà buồn rứa?”. Và lá thư sau cùng: “Từ bàn viết… mà sao thấy viết truyện không vậy? Từ bàn viết… phải viết chuyện thời sự, chuyện đang xảy ra trong đời sống chứ !”.
Thiệt tình đọc thư mà quýnh luôn, không biết tính sao! Để coi, mình về với báo Trẻ được non nửa năm. Mối giao tình văn hữu đôi bên hài hòa tốt đẹp. Nhưng với độc giả thì từ hồi nhập nội, tới lúc được tặng cái bàn nhỏ để cái máy computer tới giờ, mình chưa có một lời chào. Vậy mà cũng sống sót tới sáu con trăng!
Đường đời đang gian nan chông gai, đột nhiên bằng phẳng, Diễm Hương tin ông Trời đã thấu hiểu tâm can, gỡ bỏ hộ những định mệnh khắt khe vô lý, nên yên tâm phơi trải tình cảm trên hai trang giấy, như nơi gửi gắm những kỷ niệm và chia sẻ những ước mong sắp tới. Nếu bạn bè đọc được, họ sẽ thấy tuổi thanh xuân năm xưa vẫn lấp lánh đâu đó, và biết được người bạn cũ đang ở đâu và ra sao. Thân nhân đọc được sẽ nhớ lại những tháng ngày vui buồn giữa anh chị em bà con dòng họ. Cho đến hôm nhận được thư của các bạn, Diễm Hương mới nhớ, vì chìm đắm trong niềm vui, mà đã thiếu sót một lời chào ra mắt và tâm tình phi lộ với độc giả của mình.
Vậy, Diễm Hương xin kính chào quý độc giả xa gần, và xin cảm tạ quý vị đã hoan hỉ thương mến đàn con tinh thần nhỏ xíu của Diễm Hương. Mỗi tuần, từng đứa áo quần sạch sẽ, tóc tai gọn gàng, mặt mày tươi tắn đến trình diện quý độc giả. Đứa nào cũng được thương, có đứa còn có kẹo của độc giả từ bên Canada gởi tặng. Thật không biết nói sao cho hết niềm vui và hạnh phúc.
Bây giờ, xin cho phép Diễm Hương được trả lời mấy cái thắc mắc ở đầu thư theo kiểu thân tình bạn hữu.
“…Ủa vậy hả, mi thấy tau trên báo hả? Tau vẫn viết lai rai, có điều để chất đống trong máy, bài nào cũng nửa chừng xuân. Tới Tháng Chín năm ngoái, qua giới thiệu của bà chị Trùng Dương Nguyễn thị Thái, tau bắt đầu viết cho báo Trẻ. Mà mi thấy tau trên báo có chi lạ không? đọc bài viết hay lo nhìn hình? Hỏi vậy thôi chớ tau biết mi tò mò xoi mói, mi sẽ lấy cái kiếng lúp mi rọi ngay chính cái hình để nhìn tau chớ gì? Đừng nhìn cái hình, vì tau chọn cái dễ coi nhứt để đưa cho tòa báo. Chứ “ cái tau” thật sự, thì thay đổi theo 4 mùa trong ngày. Buổi sáng coi tươi cười hớn hở; tới trưa gấp gáp nhăn nhó nhảy như con cào cào vì công chuyện đăng đăng đê đê; cỡ 5 giờ chiều là muốn rụng xuống như lá mùa thu; kịp tới khuya thì đã thấy hai cái túi mọng nước nặng chịch dưới hai con mắt lờ đờ, tóc cột ngược. Thành chi hình trên báo là lúc tau… rực rỡ ánh đèn đó! Cái chính là mi nên tìm tau qua các con chữ. Ở đó mi sẽ thấy tau đang sống cuộc đời thật, tau vui tươi nhảy múa thảnh thơi thật, và nếu có buồn như con mụ điên, xách áo xách quần, tóc tai rũ rượi chạy vòng vòng khóc hu hu thì cũng là khóc thật. Đó, tau muốn mi khi thấy tau thì nên thấy như rứa đó. Tau nói rứa, nhưng mi đừng lo, bị chuyện gì nói ra được, khóc lên được, thì sẽ nguôi, sẽ thôi không còn ám ảnh trong đầu, trong tim. Mi biết rứa, thì mừng cho tau hỉ? Thôi, khi mô rảnh email cho tau, kỳ ni tau trả lời mi từ cái bàn viết của tau cho bảnh nghe!”
“…Ừ, bây chừ tau viết thường xuyên cho báo Trẻ rồi. Nghe cũng mắc cười, mi biết không? Lúc mới đầu, tau nghe tên báo Trẻ thì muốn dội ngược, vì mình thuộc hàng “lão bà bà”, già ngoắc khú đế, khôn tài cán chi, bày đặt viết cho báo Trẻ, làm sao viết nổi, mà viết cái chi, cho ai đọc?! Tuổi già, kiến thức đợt sóng mới không có, rồi thêm cái tánh bảo thủ, sống mình ên đã khó, nói chi tới vụ len vô đời sống người khác? Mi biết không, tau suy nghĩ cũng mấy tháng. Suy đi tính lại, nghĩ tới nghĩ lui, tau quyết định điện thoại cho Anh Chủ nhiệm trình bày muốn cộng tác với tờ báo. Tau rất xúc động vì được đón tiếp nhiệt tình. Bữa trước cô An Hà Châu, cô dạy Việt Văn tụi mình hồi đệ Tứ Phan Chu Trinh đó, cô điện thoại cho tau, cô nói cô ngạc nhiên tại răng tau là đứa giỏi toán mà chừ lại viết văn, đi theo nghề của cô. Cô nói cô có quen mấy người trong tòa báo. Rứa là tau thuộc hàng COCC rồi đó (COCC là Con Ông Cháu Cha đó, tau biết mi không biết, nên viết luôn cho mi khỏi đi tìm!)
Mi nói mi có đọc báo Trẻ, có nghĩa là tờ báo hợp nhãn mi đúng không? Tau nghĩ vì toàn ban biên tập là một xã hội thu nhỏ, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần, ngành nghề nên tờ báo mới có nội dung phong phú như vậy. Nhưng tau thấy tờ báo sống sót trong thời buổi kinh tế bết bát ni, thì công đầu phải kể là Ban Quảng Cáo. Quá trời là quảng cáo! Cũng nói mi biết luôn, báo Trẻ có ấn bản ở nhiều thành phố khác nhau, không phải chỉ ở Dallas đâu nha. Hễ rảnh, mi nhớ điện thoại cho mấy đứa bạn lớp mình và bà con ở Florida, Colorado, Georgia, Louisiana, Seattle, Austin, Houston, Washington DC, Massachusetts, Kansas… kiếm đọc báo Trẻ nha. Tau sẽ liên lạc với mấy đứa ở Vancouver. Ngày 23 Tháng Sáu ni, niên khóa 62 tụi mình tổ chức Dạ Tiệc Kỷ Niệm 50 Năm Vào Trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Thanh Tâm từ Canada sẽ qua, Lâm sẽ bay từ Úc, mấy đứa bạn miền Đông đã book vé. Đám bạn Nam Cali đã đặt chỗ xe đò Hoàng. Tau sẽ có chuyện để viết.
“…Nì, lâu quá không nghe tiếng mi, mi cũng O.K chứ hả? Mi hỏi tao tại răng lại viết truyện buồn. Tao cũng không biết tại răng nữa. Khi ngồi trước cái máy computer, tau nghĩ về những chuyện xảy ra chung quanh. Có điều tau bằng lòng, có điều không. Tau muốn viết về những người tau quen biết và muốn chuyển hóa cuộc đời của họ tươi hơn, đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Những lúc như vậy, tau có cảm tưởng tau được song hành cùng Thượng Đế trong việc sử dụng từ ngữ để tạo dựng lại cuộc đời của con người. Nhưng cái buồn, cái bất hạnh không thể gỡ bỏ, vì nó đã xảy ra, nó đã thuộc quyền của Thượng Đế, tau không sơ múi chi được! Bởi rứa truyện hay có cái buồn!
Mi cũng biết, đời sống có vui có buồn, mà buồn nhiều hơn vui. Bởi vậy người ta mới nói hạnh phúc khó tìm! Bên thuyết nhà Phật có ghi là: “Trong khổ đau có mầm hạnh phúc”. Có nghĩa là trong một đau khổ, luôn luôn có một ánh hạnh phúc trong đó. Rứa thì trong tấm thảm xấu xí đau khổ, luôn ánh lên những đốm sáng tươi đẹp hạnh phúc, tại răng mi không thấy?
Tau hỏi thiệt, bộ tau viết buồn lắm hả? Mi đọc vào lúc nào, lúc mi đang vui hay đang buồn bực chuyện gì? Tau nghĩ hễ mi vui, mi đọc truyện buồn, mi sẽ thấy mình may mắn và hạnh phúc hơn những nhân vật trong truyện. Còn khi mi buồn, mi đọc truyện buồn, mi sẽ thấy bên cạnh mi cũng có rất nhiều người cùng cảnh ngộ, hay có khi còn khổ hơn mi nữa. Như rứa, dù là truyện buồn, nhưng đối với mi đều có lợi, mi có hiểu không? Tau biết mi ám chỉ cái chuyện vượt biên. Đó là thảm nạn thuyền nhân Việt Nam, đó là lịch sử phải viết tiếp sau tháng Tư năm 75. Nó buồn, nó thê thảm, nó phơi bày cái bất lực cũng như tàn ác của con người, nhưng nó là sự thật. Đâu có che giấu hay xóa bỏ được.
Chừ nói tới chuyện vui, mi cũng biết tau là Trưởng Lớp được lưu nhiệm vĩnh viễn, vì bạn bè thương mà đặt ra như vậy. Tau nghĩ cũng cái tánh tau ưa giỡn nữa. Tụi mi cần có người thọc lét đặng cười khi còn cười được, chứ mai mốt răng rụng hết, nói không dám nói, cười không dám cười thì lại tiếc đời. Tau biết điều đó, nên mỗi khi gặp bạn, tau chọc cho tụi mi cười mệt nghỉ. Nhưng khi còn một mình tau, tau bị bao vây bởi quá khứ, và luôn nghĩ về cuộc đời mình, suông sẻ thì ít mà gập ghềnh thì nhiều. Tau không hiểu tại sao tau vẫn sống sót, vẫn cười vẫn giỡn. Hình như khi biết tau là tác phẩm tệ hại trong lúc giận dữ, nên ông Trời gắn thêm cho tau cái sức chịu đựng và cái tính giễu cợt để tau vượt qua được những phong ba trong đời. Nói như trong dân gian, tau có hai đời sống, một cái buồn thiu, và một cái vui như ngày hội. Hên, xui, may, rủi ra sao, tau không biết, nhưng hiện tại tau bằng lòng. Tau ngộ ra rằng, khi chấp nhận một điều gì (thường là điều không hay) tự nhiên mình thấy nó từ từ đi khỏi cuộc đời mình. Nhưng từ lúc cái điều không hay xuất hiện tới lúc chấp nhận được nó, thì tau cũng xất bất xang bang, chết lên chết xuống. Giới văn thi sĩ thì họ còn… vịn câu thơ, câu văn mà đứng dậy, còn tau trơ thân cụi, chỉ biết… dựa vào chính mình mà ngóc cổ lên, rồi cười cho tụi mi vui! Tau tâm sự với mi như rứa, mi thông cảm hỉ. Tau hứa thỉnh thoảng sẽ kể những chuyện vui.
“…Từ bàn viết… có nghĩa là phải viết chuyện thời sự, chuyện đang xảy ra trong đời sống? Cũng đúng đó. Nhưng- cái chữ nhưng nhiều rắc rối- có buộc phải như thế không? Ui cha bạn ơi, mình hiểu ý bạn rồi. Bạn đã quen thấy “Từ bàn viết…” tuôn ra những bài thời sự, bài bình luận nặng ký. Bạn đã quen nhìn “Từ bàn viết…” có những bóng dáng của các bậc đạo cao đức trọng, cà vạt, veston, nên khi thấy “Từ bàn viết Phạm Diễm Hương” có cái hình phụ nữ cười cười làm cảnh, bài vở lại không đúng bài bản thì bạn ngạc nhiên là phải.
Thật sự, mình tin tiết mục “Từ bàn viết…” không phân biệt giới tính và cũng không giới hạn nội dung. Một bài viết nào đó, đến từ bàn viết của một ai đó, đáp ứng nhu cầu độc giả là đủ. Đơn giản chỉ có thế. Thời gian 6 tháng qua, “Từ bàn viết Phạm Diễm Hương” đã gửi đến độc giả những truyện ngắn, trong đó chằng chịt những dòng chảy của đời sống cũ và mới, và được độc giả thương yêu đón nhận. Mong rằng lá thư ra mắt muộn màng này, cũng là lời xin lỗi cho cái tội… ăn cơm trước kẻng. “Từ bàn viết Phạm Diễm Hương” sẽ được quý độc giả chấp nhận và đón đọc. Cũng mong bạn hoan hỉ như vậy. Đa tạ.

4/12