Hôm trước ngày tạm biệt “Thành Phố Ngọc Bích”, cô Tammy, đại diện quảng cáo của Trẻ Washington-Oregon tình nguyện làm thổ địa, đưa chúng tôi đi xem một góc thành phố mà khách du lịch khắp nơi thường tìm đến là Public Market. Chợ nằm xoay lưng ra xa lộ 99 hướng Vịnh Elliot. Tiếc là hôm ấy thời tiết quá xấu, đứng trên khu nghỉ chân cuối chợ nhìn ra vịnh chỉ thấy vùng nước trắng xám trong cơn mưa phùn lạnh căm kéo dài, nên chúng tôi đi phải chui vào trong chợ, lẫn trong dòng người ngắm nhìn các gian hàng của người buôn bán.

Public Market, người Việt mình nghe tên thường hiểu lầm là chợ trời vì chữ public mang tính công cộng dành cho tất cả mọi người, là nơi tập hợp người bán buôn đủ mọi thứ trên đời bày ra ngoài trời, trong khi Public Market hầu hết ở khắp nơi trên nước Mỹ đều có mái che và cũng không phải là chợ trời đúng nghĩa. Tất nhiên cũng có người bày bán bên ngoài chợ vì các gian hàng trong chợ đã hết và được cơ quan hữu trách cho phép sử dụng khu ngoài trời để buôn bán. Cho nên nếu có gọi là chợ trời thì cũng chẳng sao, nghe bình dân hơn thôi. Nhưng thực tế không bình dân đâu nhé! Trước đó, Tammy đưa chúng tôi đến “Space Needle” – cái tháp cao 160 mét, biểu tượng của thành phố Seattle, thì gặp trên phố một chiếc “Ride the Duck”. Cô kể có lần tổ chức đưa người Việt lớn tuổi đi thăm thành phố. Xe chạy khắp đường phố rồi lội xuống vịnh ngao du trên nước, khiến cô bác thích thú quá trời. Vậy chữ Ride the Duck nên được hiểu là “cưỡi vịt” hay chữ gì hay hơn. Hình như công ty du lịch hiểu chuyện, nên bên hông xe có ghi thêm “Land and Water Tour”. Vậy thì nghĩa chữ rõ ràng.

Tôi viết dông dài cũng chỉ đẩy đưa câu chuyện chứ chẳng có dụng ý gì về chữ với nghĩa. Bởi chúng tôi đang ghé xem cái chợ trong một góc phố du lịch như bao chợ khác, chẳng hạn Fisherman’s Wharf ở San Francisco hay Hay Market ở Boston. Cái tên chợ hẳn góp phần nào nói lên loại hàng chính yếu bán ở chợ. Fisherman’s Wharf chắc là hải sản, The Flea Market ở San Jose đúng là chợ trời lớn nhất nước Mỹ bán “hầm bà lằng xán cấu”, Hay Market không phải bán cỏ khô mà là hàng nông sản rau, trái củ, quả. Còn Public Market bán gì? Bán cái phổ biến cho đại đa số người trong một cộng đồng dân chúng. Như hoa Tulip. Trong ngôi chợ này, một dọc các gian hàng bán toàn là hoa Tulip tinh khôi đủ màu sắc rực rỡ. Ở phía Bắc Seattle, từ trăm năm nay, hoa Tulip được trồng trên những cánh đồng bạt ngàn, đến tháng 6 là mùa hoa Tulip. Có dịp đến đây vào thời gian này, ta như lạc vào thế giới hương sắc của hoa. Hoa trong Public Market có bán quanh năm nhờ một số nhà vườn trồng Tulip trong nhà kính. Nhu cầu hoa Tulip phần nhiều cung cấp cho dân địa phương, chứ khách du lịch hình như chỉ đi ngắm hoa, ghé chợ chẳng qua do tính tò mò khám phá điều gì mới lạ hoặc thưởng thức món ngon tại địa phương được chế biến trong các nhà hàng. Hầu hết người bán hoa có gương mặt châu Á. Hỏi ra mới biết đa phần họ là người gốc Lào và Campuchia, mua sỉ hoa ở nhà vườn mang về bán lẻ.

Tất nhiên chợ còn bán những mặt hàng lưu niệm và các loại hàng nông sản, hải sản hoặc các loại bánh trái cây nhà lá vườn. Ngoài hoa Tulip, Public Market có vài ba gian hàng hải sản rất tươi ngon. Giá cả khá đắt nhưng đáng đồng tiền. Trong các loại hải sản, tôi thấy cua tuyết hấp dẫn hơn cả, chân cua dài cả bốn năm tấc và to bằng ngón chân cái người lớn. Đây là hàng tuyển, hàng loại một giống cua to con nhất vùng Alaska. Hàng được gửi về đến tận nhà nên du khách yên tâm đi chơi mà không phải đắn đo làm sao mang cái thùng hải sản lên máy bay.

Public Market ra đời cách đây hơn trăm năm (1907). Một điều chắc chắn, khi xưa chợ chưa có mái che đã là nơi họp chợ của những nhà nông mang sản phẩm mình làm từ quê ra phố bán buôn theo kiểu trao tay truyền thống xuất hiện trên hành tinh chúng ta tự bao đời. Nước Mỹ cũng như bao đất nước trên thế giới, thoát thai từ khởi đầu bằng nền canh nông. Có điều nó tiến nhanh thành một kỹ nghệ canh nông và xây dựng được một hệ thống phân phối tân tiến văn minh đến tay người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị hình thành cơ bản cách đây ngót nghét tám mươi năm. Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống siêu thị, chợ truyền thống vẫn song song tồn tại đến nay như một cách bảo tồn văn hóa. Thậm chí số lượng chợ nông sản ngoài trời còn gia tăng ở nhiều tiểu bang tùy theo quy mô lớn nhỏ. Kiểu chợ chồm hổm năm ba người bán vẫn được chính quyền cấp giấy phép bán buôn.
Thống kê Bộ Canh Nông Mỹ cho thấy chợ nông sản gia tăng từ 1,755 chợ (năm 1994) lên 4,385 chợ (năm 2006) và tiếp tục gia tăng 5,274 chợ (năm 2009). Điều này cho thấy chợ truyền thống sẽ tồn tại trong đời sống xã hội để duy trì và bảo tồn văn hóa chợ phù hợp với truyền thống văn hóa của các thành phần chủng tộc sống trong nước Mỹ.
Những ngôi chợ trên có được may mắn gắn liền với khu du lịch của các thành phố lớn, cho nên hoạt động mua bán nhộn nhịp. Mặt khác các con phố gần kề, mở các cửa hàng bán buôn, tiệm ăn, khu vui chơi giải trí thu hút lượng du khách đáng kể. Đây là sự kết hợp tự nhiên trong hoạt động kinh doanh du lịch và người ta dùng chợ gắn liền với tên tuổi lâu đời làm điểm nhấn để hấp dẫn du khách tham quan. Chúng tôi bước vào cửa hàng Beecher’s Handmade Cheese đông đúc người mua. Cửa hàng này đối diện với Public Market chuyên bán các sản phẩm phô-mai làm thủ công và trưng bày cách làm phô-mai trong cái thùng inox lớn chung quanh bao kiếng trong suốt cho du khách xem giống tựa cửa hàng bánh mì chua ở khu vực Fisherman’s Wharf ở San Francisco vậy. Du khách ghé vào xem nườm nượp, cứ tự do ăn thử các loại phô-mai vừa mới ra lò và cuối cùng bước ra cửa hàng với một gói phô-mai to đùng làm quà cho thân quyến. Còn như quán cà phê Starbucks gần đó, người ta kiên nhẫn xếp hàng dài dằng dặc, đợi ly cà phê đến tay mình mất gần tiếng đồng hồ, thì phải nói tinh thần cà phê ở Seattle vô địch thiên hạ. Chợ đông nhưng sẽ không vui nếu như không có những nghệ sĩ đường phố hoạt náo bằng những điệu nhạc du dương hay kích động. Trên phố chợ khá nhiều ban nhạc trổ tài trình diễn. Một anh nghệ sĩ chơi màn tạp kỹ vừa lắc vòng vừa đánh guitar, miệng lại chơi thêm Harmonica, rồi lại dựng cây đàn thăng bằng trên cằm. Bà con khen tíu tít. Tôi nghĩ họ là những người có năng khiếu đặc biệt đấy chứ, sao không thử tài America’s got talent biết đâu trở thành ngôi sao thứ thiệt không chừng.

Trong khi chờ đợi những nghệ sĩ thứ thiệt thì tại Public Market đã xuất hiện một nghệ sĩ điêu khắc tài danh qua hình tượng con heo đồng ngộ nghĩnh. Con heo nặng 250kg, đứng ngay cửa chợ đón nhận những đồng tiền xu của du khách khắp thế giới. Thông tin trên biển đồng ghi Public Market Piggy Bank. Chú heo tên Rachel, do nghệ sĩ điêu khắc địa phương Georgia Gerber thiết kế, đặt tại Public Market từ năm 1986. Rachel đã được giải thưởng điêu khắc tại Seattle. Mỗi năm người ta “mổ heo” quy ra được khoảng 9,000 đô. Mục đích của Piggy Bank gây quỹ trợ giúp những chương trình xã hội. Có lẽ đây là công trình thiết thực nhất ở Public Market Seattle chứ không hẳn là một công trình tô điểm tôi thường thấy ở những nơi khác như con bò Phố Wall chẳng hạn.