Menu Close

Tháng tám tìm nhau…

Họp lớp

Hằng năm, cứ vào Tháng Tám, là lớp cũ 12G của trường trung học Trương Ðịnh ở quê tôi họp mặt. Sau khi tốt nghiệp trung học, phần lớn bạn bè trong lớp đều tản mác đi học đại học ở nhiều nơi, nhưng đa số đều tề tựu về Sài Gòn. Người học y, kẻ học bách khoa, người học nhân văn. Ðúng là một vườn hoa nở rộ. Vì đa số đều đã lập gia đình và an cư lạc nghiệp ở Sài Gòn, nên địa điểm họp lớp cũng ‘di cư’ lên thành phố. Hình như lúc còn học đại học, thì mọi người kéo nhau về quê để họp lớp, cũng là dịp để thăm gia đình và hưởng lại không khí tỉnh lỵ.

Tôi chưa bao giờ được họp lớp, vì tôi rời quê hương trước khi việc họp mặt trở thành niên lệ. Bốn năm sau khi xa xứ, tôi về thăm nhà vào dịp hè, nhưng lại đi sớm trước ngày họp lớp. Nhiều bạn cũ kéo nhau về Gò Công để gặp tôi, cũng gần như họp lớp ‘mini’ vậy. Cả nhóm kéo nhau đến nhà một người bạn ở quê, rồi dắt nhau đi biển Tân Thành. Và cũng nghêu ngao cả ngày với nhau qua những đĩa karaoke mới nhất.

Ở Mỹ, người ta chỉ có reunion mỗi thập niên, bạn bè gặp nhau đôi khi không nhận ra nhau. Tôi thấy truyền thống của lớp tôi thật là hay: gặp nhau mỗi năm, nhớ mặt nhau, biết về đời sống của nhau, giữ được tình thân của thời học sinh cho dù đã trải qua biết bao thay đổi. Dĩ nhiên, khi chúng tôi đã bước vào nửa cuối của tuổi 30 và hầu hết đã tay bồng tay bế, thì những ai vẫn còn độc thân vui tính sẽ được mọi người đặc biệt chú ý và ‘xe duyên’ giúp cho. Chuyện cặp đôi không phải là chuyện của con nít, nhưng là chuyện muôn thuở. Tôi nghe một người bạn kể về một lần nọ, cả lớp kéo đến nhà một anh bạn còn độc thân, giả vờ ‘bắt’ ảnh đi mua thức ăn, rồi mọi người chia nhau đi lục xem có vật dụng của con gái trong nhà không, sợ hắn có bồ mà giấu bạn bè. Lục mãi chẳng thấy gì! Chẳng bõ công bày mưu lập kế.

Chia tay lặng lẽ

Tôi âm thầm không nói với bạn bè khi chuẩn bị rời quê lên Sài Gòn ở trước khi xuất ngoại. Tôi nghĩ, năm cuối cấp, ai nấy nhiều bài vở, tôi không muốn làm phiền các bạn. Như vậy đơn giản hơn. Tuy tôi không nói với ai, nhưng tôi rủ bốn cô bạn thân trong nhóm Ngũ Long của tôi đi chụp hình kỷ niệm. Chắc tụi nó cũng chẳng ‘nghi ngờ’ gì. Năm cuối cấp mà! Chụp hình lưu niệm là chuyện… bình thường.

Vì anh tôi phải ở lại để giúp đỡ ông bà tôi trong ngày gặt, nên chúng tôi phải hoãn ngày đi Sài Gòn. Thầy chủ nhiệm lớp của anh tôi và cũng là chủ nhiệm của lớp tôi nữa, đã nói cho lớp biết rằng tôi sắp nghỉ học. Bạn bè đứa buồn đứa giận. Nhóm ngũ long thì… lạnh lùng với tôi. Có năm đứa chơi thân với nhau, vậy mà tôi đi cũng không nói với tụi nó sao? Tôi khổ sở, không biết phải làm gì. Biện minh cách nào thì tôi cũng là người có lỗi.

Ngày cuối cùng tôi đến trường, lớp tôi có giờ thể dục ở sân vận động bên kia đường. Sau giờ thể dục cuối cùng ấy, khi chúng tôi lững thững ra về, thì lớp trưởng trong lúc dắt xe đạp đi ra cổng đã nói với tôi:

– Ðể lớp mình làm tiệc chia tay cho Trangđài nghe!

– Chắc không cần đâu Hiếu. Tốn kém và làm phiền bạn bè lắm.

Hiếu nhất định bắt tôi chọn ngày, còn mọi việc khác thì Hiếu lo liệu. Nhưng tôi không chọn ngày chọn tháng, tôi lẳng lặng ra đi. Có lẽ những tình cảm chôn chặt trong tim của lần chia tay không một lời giã biệt ấy vẫn tha thiết trong tôi. Nên những ngày đầu mới đến Mỹ và theo học các lớp ESL ở Trung tâm Chapman ở Garden Grove, tôi cũng viết về ngày chia tay của mình với lớp. Cái man mác của niềm xa xứ hình như bị suy dinh dưỡng trong bài viết tiếng Anh còn rất abc của tôi. Ðó là cái hoàn cảnh mà tôi thường diễn tả trong việc học một ngôn ngữ mới của mình: tư duy thì thông, mà không cách gì diễn đạt.

Rồi ở quê hương thứ hai, những khi được tin từ bạn bè của anh chị tôi hay người đồng hương, về những cô bạn gái lớp tôi đi lấy chồng, tôi cũng buồn lâng lâng. Ngày xưa, nhỏ này nhỏ kia là bạn mình, bây giờ, tụi nó có gia đình rồi, như là đã bước vào một thế giới khác, một không gian khác. Tôi như người đứng giữa hai dòng nước: dòng nước của tuổi thơ và dòng nước của tuổi trưởng thành. Hai dòng nước tưởng như xa lạ với nhau, nhưng thực ra cũng chỉ một dòng. Quá khứ và hiện tại: ai có thể tách rời?

Nồi chè hun khói

Nếu dùng tiếng Mỹ, thì nồi chè đậu trắng mà lớp trưởng nấu lần cắm trại năm lớp 11 phải gọi là ‘smoked’ chè. Sau khi ăn cơm tối, mọi người quây quần quanh các trò chơi, còn lớp trưởng thì hì hục bê nồi chè Thánh Gióng lên ba cục gạch kê ở trên nóc hồ nước phía sau lớp. Củi đã hết. Vài người bạn nữa và tôi đi ‘thu gom kế hoạch nhỏ,’ nhặt nhạnh những tàu dừa, lá khô, những cành những chạc vương vãi gần đó để giữ lửa cho nồi chè. Hiếu phải thổi phù phù thì lửa mới chịu bùng lên. Ì ạch cả mấy tiếng đồng hồ, mùi nước cốt dừa thơm lựng cũng lan đi ngào ngạt, và nồi chè cũng được ‘hun’ chín.

Tôi hụt ăn chè vì sau khi thấy bếp lửa bập bùng và nồi chè sôi sùng sục, thì tôi đã lẻn về nhà đi tắm. Nhà tôi ở cuối đường, đi chỉ vài phút là tới. Khi tôi trở lại trại sau khi đã tắm gội sạch sẽ, thì nồi chè chỉ còn trơ trụi một lớp khét ở dưới đáy, không ai cạo nổi. Nhưng cái mùi hun hun của khói từ cái bếp ba cục gạch, và cái không khí cắm trại của thời học sinh vẫn ngòn ngọt trong tôi qua bao nhiêu năm tháng xa nhà. Trong thời gian du học ở Châu Âu, tôi cũng phục lăn tài nướng bánh của các anh bạn sinh viên. Và cả pizza nữa, thật ngon! Thế nhưng, những cái bếp hiện đại ở ký túc xá Lappis tại Ðại học Stockholm vẫn bị thiếu cái khói nồng cay của một thời học sinh vất vả mà tôi đã từng được cảm nghiệm với lớp cũ trường xưa ở quê mình.

Năm đó, khi tôi ngỏ ý muốn gặp lại bạn bè trong dịp đưa phu quân về quê thăm Ông Bà Ngoại, thì Hiếu sốt sắng thu xếp với lớp dù đang đi tu nghiệp ở Nhật. Tôi thích hẹn lớp về quê gặp nhau, nên Hiếu sẵn lòng ủng hộ, chỉ vì ngày họp rơi vào dịp lễ nghỉ ở Việt Nam, xe cộ đông đúc, ai nấy đòi ở lại Sài Gòn. Thế là tôi đành phải đánh rơi giấc mơ được trèo hái sơri và kéo nhau đi bộ trên những con đường đất ở dưới quê.

Hiếu áy náy khi nguyện vọng của tôi không được thực hiện. Tôi nghĩ, những người đàng hoàng hiền lành chu đáo như lớp trưởng của chúng tôi thì thời nay hình như đã sắp bị tuyệt chủng. Cho nên, lớp chúng tôi cần phải mau mau tìm cho lớp trưởng một thục nữ để tránh trường hợp Hiếu bị… bắt cóc.

Thế hệ thứ hai

Mỗi lần bạn bè cùng lớp về thăm Việt Nam thì khi trở lại Mỹ, họ đều gọi tôi để kể liên tu bất tận về những ngày gặp gỡ với bạn bè lớp cũ. Cứ như họ được sống lại những ngày còn dung dăng dung dẻ cắp sách đến trường vậy. Tôi thì vốn vẫn làm việc và sinh hoạt trong môi trường học đường nên có lẽ chưa biết mùi ‘thèm’ không khí sinh viên như họ. Nhưng tôi vẫn nhớ lớp cũ trường xưa thật nhiều, nhớ những kỷ niệm chung thầy chung lớp, nhớ những vạt áo ướt đẫm mồ hôi khi bạn tôi phải đạp xe mấy cây số đi học, nhớ những ngày lớp tôi đi lao động đạp xe gió ngược, nhớ những trang sách ăm ắp tình thầy cô, nhớ một cuộc đời thứ nhất của tôi vẫn còn lãng vãng đâu đó ở bờ bên kia của Thái Bình Dương.

Lần này về quê, tôi mong mình sẽ được gặp những khuôn mặt mới của 12G – những thành viên của thế hệ thứ hai. “Thời gian thắm thoắt thoi đưa.” Thật vậy. Mới đây mà đã một nửa đời người. Mà vẫn có những tháng ngày chẳng chịu trôi đi trong tâm khảm. Lần này, tôi sẽ bắt chước bạn bè, góp phần vào việc phát triển dân số của lớp. Tôi đang ‘cộng tác’ với Ông xã để làm gia tăng dân số cho thế hệ thứ hai của lớp tôi. Ðã là một thời đại khác, khi quê hương tôi bắt đầu tham gia vào dòng chảy của thiên niên kỷ mới, và đàn chim Việt đã làm tổ ở khắp nơi trên mặt địa cầu. Và những cuộc đời trong lớp tôi ngày nào, nay đã đơm hoa kết trái.

Mong sao, lớp tôi sẽ họp mặt mãi mỗi năm, cho dù khi chúng tôi đã tóc bạc da mồi.

TGT – Viết từ Làng Thùy Dương