Menu Close

Nỗi buồn… không tên

Thi thoảng bạn muốn la cà quán xá với bạn bè. Cùng ngồi lại bên tách café thơm của buổi sớm hay ly trà đá mát lạnh cho buổi tối và những câu chuyện tâm tình không dứt. Bạn chỉ mong được hưởng những phút giây thảnh thơi, không ưu tư, âu lo. Nhưng đôi khi những phút giây như thế không thật trọn vẹn như ý bạn. Bởi vì…

Bỗng nhiên những phong kẹo cao su chìa ra trước mặt cùng giọng mời nho nhỏ, khẩn thiết. Bạn ngước nhìn: chủ nhân của phong kẹo và của cái chìa tay kia, hoặc là một gương mặt thơ trẻ hoặc là gương mặt già nua. Chút lúng túng. Chút ái ngại. Bạn đưa mắt nhìn người bạn đối diện như muốn hỏi: “mua giúp nhé!”

Cầm trên tay phong kẹo, tự nhiên bạn thấy nó thật thừa thãi. Vốn dĩ, bạn không thích kẹo cao su vì không có thói quen nhai kẹo chóp chép. Dù cho những chiếc kẹo kia được quảng cáo hay khuyến cáo rằng: nên dùng sau bữa ăn cho sạch răng thơm miệng. Tuy bạn không thích kẹo cao su nhưng bạn cũng không dám cho con nít trong nhà ăn chơi. Bạn sợ tụi nhỏ nuốt kẹo nhỡ “dính ruột” (dù không chắc có đúng vậy không). Thế rồi những phong kẹo cao su nằm lại ở một góc nào đó, vì bạn không nỡ vất bỏ, thôi để dành lúc nào cho ai – bạn tự nhủ. Cứ thế, bạn bỏ quên mấy phong kẹo. Cuối cùng chúng lại trở thành rác bỏ đi.

Hồi đầu, gặp những người bán kẹo cao su, bạn ái ngại mua giùm. Hồi sau, bạn thấy nản, thấy bực bội, rồi thấy bị làm phiền. Bạn lắc đầu. Bạn xua tay. Nhưng họ đi rồi bạn vẫn thấy như mình vừa làm một cái gì đó không được đúng lắm. Bạn tự hỏi sao càng ngày càng có nhiều người bán kẹo quá! Chẳng phải các hãng sản xuất ế ẩm tới độ phải cần đến đội quân bán rong. Một sản phẩm được xem như bằng chứng của sự văn minh lại được tiếp thị theo một lối ngược lại. Có gì đó trái khoáy ở đây. Bạn chợt hiểu ra nhiều hơn thế!

Trước giờ, bạn luôn có thiện cảm với hình ảnh những người nghèo vất vả mưu sinh. Bởi vì bạn cũng là con nhà nghèo. Bạn từng trải nghiệm nhiều công việc khác nhau nên bạn quý trọng giá trị của lao động. Bạn yêu những gánh hàng rong bởi thấy ở đó sự nhẫn nại, cần cù đáng cảm phục. Bạn muốn giữ cho mình cái nhìn trong sáng. Bạn không muốn nghĩ sang một khía cạnh khác khi tự đặt ra câu hỏi: tại sao lại là kẹo cao su chứ không phải thứ khác? Dễ hiểu thôi, đây là thứ hàng hóa đánh vào tâm lý. Thường thì ghé tiệm ăn, quán xá bao giờ người ta cũng đi có đôi, có nhóm. Mời mua kẹo cao su thật dễ. Dù cho giá của những phong kẹo có mắc gấp đôi thì những vị khách cũng không thể từ chối. Thật ra, người mua nó với nhu cầu thật thì ít mà thường vì những điều khác. Sợ bị mất điểm trước bạn bè. Sợ bị điều tiếng là keo kiệt. Nhưng, phần lớn lý do, có lẽ đến từ sự cảm thông.

Sự cảm thông không phải là thứ gì đó vô hạn và có thể cho đi một cách vô điều kiện.

Cũng đến lúc bạn phải ngán ngẩm trước những ánh mắt mời mọc đối diện với bạn. Nhìn vào đó, bạn thấy gì? Có thể là ánh mắt u buồn thất vọng khi bạn từ chối họ. Mà cũng có khi là ánh nhìn hằn học kèm theo một câu chửi thề sau lưng. Bạn đọc được ở đâu đó lời ngợi ca về một xứ sở của những nụ cười lịch thiệp. Khách mua hàng, nếu xem mà không mua hoặc từ chối không mua thì bạn vẫn luôn nhận lại nụ cười tươi tắn của người bán hàng. Không có cái liếc xéo hay lời bóng gió nào. Có không nhỉ? Bạn tin là có đấy. Nhưng ở nơi đây ít thấy những nụ cười như thế! Còn nữa, xưa giờ bạn vẫn nghĩ hành động quỳ gối trước người phải xuất phát từ điều gì đó rất hệ trọng. Bị ép buộc, phải phục tùng hay vì cầu xin một điều khó khăn. Thế mà, bạn từng bối rối quá mức khi chứng kiến cảnh một em nhỏ quỳ gối chỉ để xin bạn mua một phong kẹo cao su. Em bé được ai đó xúi giục làm thế hay em tự nghĩ sẽ làm thế. Có phải nếu không bán được hàng thì chờ đợi em sẽ là đòn roi. Tưởng tượng về điều đó, bạn thấy thương cảm. Bạn gật đầu với đứa trẻ. Bạn đưa tiền trả nó. Nó giật lấy rồi quay đi rất nhanh, không một câu cám ơn. Mặc dù vừa mới đây thôi, nó đã quỳ trên nền đất một cách tội nghiệp như thế. Không phải bạn dễ bị xúc động. Nhưng, trước những đứa trẻ không lẽ bạn cư xử thô bạo. Trước những người già yếu, lẽ nào bạn xua đuổi cộc cằn. Họ có biết rằng bạn đang khó xử lắm không hay họ chỉ cốt đạt được mục đích. Bạn thấy lòng chùng xuống. Trong khoảnh khắc, bạn cảm thấy lòng tốt của mình bị tổn thương, bị lợi dụng. Dù bạn đã tự an ủi mình: đừng quá nhạy cảm, đừng bận tâm chi nhiều. Nhưng bạn không hẳn quên đi.

Tự nhiên, bạn ngại hẹn hò bạn bè đi café hay trà đá. Bạn không muốn diễn khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm trước những lời năn nỉ thê thiết. Bạn không muốn chứng kiến những vị khách khác xua đuổi những đứa trẻ và cụ già đang cầm trên tay mớ kẹo cao su. Bạn chỉ ước rằng: giá như ở đất nước của bạn không còn tồn tại những thanh kẹo cao su kia. Biết đâu sẽ tốt hơn. Cách đây không lâu, bạn vô tình biết được thông tin về một quốc gia đã từng ra chính sách: cấm nhập khẩu và lưu hành kẹo cao su. Thoạt nghe qua thì thấy khá hài hước nhưng nguyên do bên trong lại rất nghiêm túc: vì sự sạch đẹp của chính quốc gia ấy. Một số lượng không nhỏ bã kẹo làm bẩn đường phố khiến họ phải mất rất nhiều thời gian và công sức để làm sạch. Ở đất nước của bạn, không tồn tại điều ấy. Mọi người, vẫn đều đều sử dụng kẹo cao su và bã kẹo cũng hiện diện ở khắp mọi nơi.Tuy nhiên, cũng có những người không thích kẹo cao su như bạn. Giá như loại kẹo ấy bỗng dưng biến mất hay nó chỉ được bán trong siêu thị và cửa hàng thì có lẽ bạn sẽ không gặp những tình huống lúng túng, khó xử thế này. Bạn cũng sẽ không mang nỗi ấm ức vì bị làm phiền.

Nhưng mà, bạn chợt nghĩ… Nếu không có kẹo cao su thì sẽ có thứ khác thôi. Xét cho cùng, chiếc kẹo cao su cũng chẳng có tội tình gì. Cái đáng trách là những người sử dụng nó như một cách thức để kiếm lời. Bạn vẫn muốn tin: trong những người bán kẹo rong ấy, có những người thật sự khó khăn. Họ vẫn đầy tự trọng, vẫn gắng lao động bằng khả năng của mình. Nhưng bạn cũng biết giữa cái thật sẽ có cái giả. Hẳn không ít những kẻ nhận ra món lợi nhuận do những phong kẹo nhỏ bé đó đem lại. Chỉ cần một bộ quần áo cũ kỹ, một gương mặt buồn rầu và giọng điệu ra điều van xin tha thiết. Tự nhiên mấy chữ: “ăn mày trá hình” vang lên trong đầu bạn. Phải rồi, cái vỏ thì khác đi nhưng bản chất bên trong dường như là một. Không, bạn không muốn nghĩ một cách cay độc như thế!

Dường như có nhiều cách để đi tới đích/ đạt được mục đích. Không phải ai cũng chọn đi trên còn đường thẳng. Vậy nên, mới có những đường tắt, đường vòng… Ði những con đường ấy, ít nhiều họ phải chịu để rẻ đi chút nhân phẩm hoặc nếu không thì vô cảm, bất nhẫn, lạm dụng lòng tốt và sự cảm thông của người khác. Bạn chưa từng nghĩ rằng sẽ có lúc bạn buồn lòng chỉ vì… chiếc kẹo cao su. Bạn sợ, có nhiều nỗi buồn như thế gộp lại thì niềm tin vào đời sống của bạn sẽ ngày một vơi đi. Niềm tin vơi dần, liệu có một lúc nào đó chỉ còn những do dự, đề phòng, hoang mang… ?

noibuong0ten

Thắm Nguyễn

 

NHN – Hạ Long, tháng 7-2015