Emily là một cô bé dễ thương, chẳng may phải sống trong một ngôi nhà đầy bạo lực, xấu xa. Tuy nhiên, nhờ gặp được người giữ trẻ tốt bụng, Emily đã tìm lại được nguồn an ủi và hy vọng ở cuộc sống gia đình ngày mai. Chính bé cũng là người tốt, sẵn sang cưu mang người khác. Đọc câu chuyện này ta thấy lòng tin yêu cuộc đời được bồi đắp, củng cố thêm.

Bảo Huân
Emily được bốn tuổi thì đến ở day care với tôi. Bé rạng rỡ, hay cười nói và có mái tóc màu hung hung đỏ thật đẹp mà bé thích tết thành những lọn nhỏ phía sau. Đôi khi mẹ của bé dậy quá trễ không kịp làm tóc cho bé, do đó Emily đem cả gói đồ buộc tóc và kẹp tóc đến cho tôi làm giùm. Đây được xem như là khoảng thời gian chúng tôi chuyện trò với nhau.
“Mọi việc trong nhà em ra sao?” Tôi thường hỏi bé như thế mỗi khi chải tóc cho bé. Và Emily thường trả lời: “Không có gì tốt lành cả.” “Em muốn nói cho cô biết không?”
Để trả lời tôi, Emily thường kể về những trận cãi cọ vừa xảy ra giữa cha mẹ bé. Còn bà của bé thì luôn luôn uống whiskey và gây náo động om sòm trước khi xỉn. Emily thường lượn quanh bà cho tới khi bà ngáy khò khò.
Hiện tại trong ngôi nhà Emily ở, mỗi tuần có tới ba, bốn trận cãi lộn, thường là dữ dội nhưng cũng có khi ôn hòa. Nghe bé kể, trí óc tôi căng thẳng tìm cách giúp đỡ bé. Chẳng những tôi muốn chuyện trò với bé mà còn muốn giúp bé tìm con đường đi sau này.
Một buổi sáng, Emily kể cho tôi nghe về những tiếng thét mắng kinh hoàng của cha và mẹ khiến bé phải chạy vao phòng giấu mặt trong tủ quần áo.
“Emily này,” Tôi lên tiếng hỏi bé. “Vậy chớ em có cách gì thu xếp mọi chuyện trong gia đình không?”
“Vô phương.” Bé trả lời.
“Vì đó là nhà của cha mẹ em và họ có quyền quyết định mọi thứ, phải vậy không?”
Emily gật đầu đồng ý.
“Emily nè, em có biết rằng rồi một ngày kia em cũng sẽ có một ngôi nhà riêng không?”
“Vậy hả? Và ngôi nhà đó sẽ như thế nào?”
“Đó chính là điều em phải tự quyết định. Từ nay cho tới đó, em phải lo thu xếp, sắp đặt mọi thứ. Rồi đây cô và em sẽ lập ra một bảng liệt kê những gì em muốn có và những gì em không muốn trong ngôi nhà của mình.” Tôi nói và lấy ra một tờ giấy rồi hỏi bé. “Vậy em có muốn làm như thế không?”
Nghe nói, mắt của bé chợt sáng lên. “Em có thể quyết định mọi thứ chăng?”
“Đúng rồi. Đó là nhà của em mà!”
Sáng hôm sau, trong khi ngồi thắt bím tóc cho Emily, thì em cất tiếng hỏi tôi, “Cô có muốn em kể lại cho cô nghe những câu bà em thét lên khi bà say whiskey không?” Tôi nhún vai, bảo nếu em muốn thì cứ kể. Thế là từ miệng bé tuôn ra những lời nói thô lỗ, cục cằn mà một đứa trẻ không nên bao giờ nghe. Bé đứng đó, chờ xem phản ứng của tôi. Tôi bảo bé: “Em sẽ không bao giờ cho phép những lời đó trong ngôi nhà của em chứ?”
“Không bao giờ.” Bé nói.
Chúng tôi cùng ghi xuống mặt giấy.
“Không bao giờ được nói những lời thô tục trong nhà.”
“Ghi thêm là không được uống whiskey,” Bé nói. “Em sẽ không bao giờ uống whiskey trong nhà mình.”
Tôi mừng thầm cho bé. “Ý nghĩ thật tuyệt vời.” Tôi nói.
Một hôm đang ngồi thắt nơ lên tóc Emily, tôi chợt nghĩ tới một điều sẽ không để xảy ra trong nhà bé.
“Emily ơi, mình thử nói về những người sẽ được phép sống trong ngôi nhà của em nhé. Sau này lớn và bắt đầu giao tiếp với bên ngoài, liệu em có bằng lòng đi chơi với một gã cộc cằn luôn thét mắng mọi người. Em có bằng lòng kết hôn với một người như vậy và cho phép y sống trong ngôi nhà của em không?”
“Không bao giờ,” Emily cương quyết trả lời.
“Vậy thì, giả dụ như em hẹn hò đi chơi với một gã và đột nhiên phát hiện ra gã ấy say sưa tối ngày và thường la hét thô bạo, liệu em có dám cắt đứt liên hệ với gã ấy không?
“Em sẽ không đi chơi với ai mà em thấy tồi bại và nhất định không cho phép y sống trong ngôi nhà của em.”
Hoan hô. Tôi la lên. “Cô lấy làm hãnh diện là em đã rất thông minh.” Tôi nói với bé.
Một hôm nhằm Thứ Hai, Emily tới nhà tôi và tỏ ra phấn khởi kể cho tôi nghe đêm qua em ngủ lại nhà một người bạn tên Jenny và em đã rất vui. Em nói em rất thích nhà của Jenny.
Tôi hỏi Emily: “Có phải em đã tìm thấy ở nhà Jenny những cái mà em muốn có trong ngôi nhà của mình sau này?”
Emily gật đầu, rồi bé ghi xuống giấy:
“Ăn tối chung với nhau, không thét mắng mà nắm tay nhau cầu nguyện.”
“Cô nghĩ rằng em rất thông minh, đã để ý quan sát người ta sống tốt lành như thế nào để sau này làm y như vậy tại nhà em.”
“Bây giờ thì em thấy rõ một điều là cô thương em và đang cố gắng làm bạn em, giúp em. Có phải vậy không ạ?”
“Em nói đúng.” Tôi cố gắng để nước mắt đừng chảy ra.
Một hôm sau khi chồng tôi rời nhà đi làm, Emily chợt hỏi: “Làm sao mà chú Chuck luôn ôm hôn (hug) cô vậy?”
Tôi hỏi lại em: “Bộ ở nhà em người ta không ôm nhau như vậy sao?”
Bé nhìn xuống đất và lắc đầu. Tôi cảm thấy hối hận là đã hỏi em câu ấy.
“Cô và chú ôm nhau vì cô chú thương nhau.” Tôi nói. “Em có muốn ghi điều ấy xuống không?”
“Để em tập làm thử đã.”
“Dễ mà.” Tôi nói và vươn tay ra ôm em vào lòng.
Khi Chuck đi làm về, em tiến lại anh, hai tay buông thẳng xuống, nghiêng mình về phía anh. Chuck nhìn tôi, có ý hỏi.
“Ồ, Emily đang tập ôm người mình thương để sau này khi em có gia đình riêng.” Tôi nói và ra dấu cho Chuck ôm em.
Chuck cúi xuống và ôm choàng lấy Emily. Từ đó, mỗi buổi sáng em đứng chờ Chuck rời nhà ôm từ biệt em. Và khi anh đi làm về, em đứng chờ sẵn bên tôi để được ôm.
Em thích nghe Chuck cười cho nên nghĩ sẵn những câu chuyện vui chờ Chuck đi làm về kể cho anh nghe để cười chơi. Mỗi lần như vậy, Chuck cười nghiêng ngả và đưa tay xoa đầu em khen thưởng.
“Em sẽ viết xuống giấy “hãy kể chuyện tếu và vui cười”.” Emily nói.
Thời gian trôi qua, tình hình trong nhà Emily vẫn không tốt hơn nhưng bên trong lòng em có những tình cảm mới lạ. Trong hơn một năm rưỡi trời, chúng tôi tiếp tục chuyện trò với nhau và cùng nhau hoạch định tương lai.
Chúng tôi cũng bàn tới việc một ngày kia Emily sẽ tốt nghiệp đại học, đi làm và lập gia đình, có con cái.
Không lâu trước khi chấm dứt day care ở nhà chúng tôi, Emily hỏi tôi sau này Chuck và tôi sẽ sống ở đâu khi đã về già. Tôi bảo chưa từng nghĩ tới việc đó.
“Được rồi, nếu cô và chú Chuck cần một chỗ ở sau này thì hãy đến ở với em, trong ngôi nhà của em. Sẽ vui lắm đó.”
(theo Sharon Armstrong)