Menu Close

Nghỉ chơi Điện nguyên tử – Một quyết định quả cảm

Vụ động đất, sóng thần đầu tháng 3 hủy hoại nặng nề nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi, làm rò rỉ một lượng lớn chất phóng xạ vào môi trường. Thảm hoạ bên Nhật nhưng mới đây lại có kết quả thay đổi sách lược năng lượng tận nước… Đức.

Sau một loạt điều tra về an toàn nguyên tử trên khắp nước, đầu tuần này chánh phủ Đức tuyên bố sẽ kết liễu toàn bộ chương trình chế tạo điện nguyên tử. 16 nhà máy điện nguyên tử sẽ lần lượt đóng cửa từ nay đến năm 2022.
Đổi lại, người Đức sẽ đầu tư mạnh cho các khảo sát về năng lượng tái tạo “renewable energy”. Đây là một nước cờ táo bạo, với nhiều tham vọng, chăc chắn sẽ gợi lại nhiều tranh cãi nảy lửa về sự lợi và hại của nguyên tử năng, và quan trọng hơn, về các giải pháp năng lượng khả dĩ có thể thay thế nó trong tương lai.

Thanh Dũng

Lý do lớn nhất khiến nhiều người cổ súy cho các nhà máy điện nguyên tử là nó không thải khí độc, gây hại môi trường như các nhà máy nhiệt điện (đốt than hoặc dầu hoả, thải khí Carbon) hay các kỹ thuật sản xuất điện cũ kỹ khác. Và dù hai chữ “nguyên tử” đủ ám ảnh về mối hiểm nguy, đến nay các phương pháp an toàn cho thấy một độ hiệu quả cao.

Trong tình thế giá dầu tăng vù vù, nguồn dự trữ ngày càng cạn, và ý thức gìn giữ môi trường trong dân chúng lên cao, có thể nói phương pháp sản xuất điện nguyên tử không phải là không… hấp dẫn. Thậm chí có nhiều người tin chắc như đinh đóng cột rằng, sử dụng điện phát sinh từ các nhà máy điện nguyên tử là điều không thể tránh được.

pic

Các nhà máy điện nguyên tử như vầy sắp trở thành quá khứ

Tuy nhiên, những rủi ro của các chương trình điện nguyên tử không phải nhỏ. Đáng sợ nhất là mối nguy các kỹ thuật nguyên tử rơi vào tay của những phần tử khủng bố, hậu quả thật vô lường. Các chương trình nguyên tử mang tính cách dân sự (sản xuất điện) và “hoà hiếu” (peaceful) cũng có thể chỉ là bức bình phong cho tham vọng tiếm đoạt kỹ thuật, rồi chế võ khí nguyên tử, như trong trường hợp các quốc gia đáng ngờ Iran hay Bắc Hàn. Sự sanh sôi nảy nở không kiểm soát được của võ khí nguyên tử “nuclear proliferation” là điều mà cộng đồng quốc tế ngán ngại nhất.

Xét về phương diện kỹ thuật thuần túy, các lò phản ứng nguyên tử cho ra chất thải “nuclear waste” cực độc hại. Người ta phải chôn sâu các chất độc này vào lòng đất, và chúng chỉ phân hủy hoàn toàn sau… vài ngàn năm nữa! Một mối lo khác là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như trường hợp Nhật Bổn mới đây, mặc cho các biện pháp an toàn có chu đáo đến mấy. Hậu quả khi có rò rỉ phóng xạ nguyên tử lên con người và môi trường là ghê gớm.

pic

Một số nhà máy điện nguyên tử sắp tới sẽ bị đóng cửa

Trên phương diện kinh tế, sản xuất điện nguyên tử cũng chưa chắc có lợi hơn các phương pháp khác. Mặc dù một nhà máy điện nguyên tử khi vận hành trong điều kiện lý tưởng không tốn kém nhiều, nhưng chi phí xây dựng ban đầu rất cao. Để xây một cơ sở nguyên tử an toàn, với đầy đủ kỹ thuật khống chế và kềm giữ phóng xạ, thường giới chủ nhân phải nhờ vào các phụ cấp đặc biệt của chánh phủ.

Ngày nay, tại Mỹ có 104 nhà máy điện nguyên tử, cung cấp khoảng 1/5 lượng điện năng cho cả nước. Pháp quốc là nước dùng điện năng nguyên tử cao nhất trên thế giới, chiếm gần 80% sản lượng điện quốc gia. Trên cả thế giới, có khoảng hơn 400 nhà máy điện nguyên tử, ước tính sản xuất cỡ 15% lượng điện năng toàn cầu.

Trong kế hoạch… đoạn tuyệt điện nguyên tử của chánh phủ Đức có một lá bài rất quan trọng, mang tên “Renewable Energy”. Đây là thuật ngữ mới, ám chỉ các nguồn năng lượng thiên nhiên “vô tận”, chẳng hạn như từ ánh mặt trời ta có “solar energy” (năng lượng mặt trời), mưa gió đem lại “wind energy” hay “tide energy”, hơi nóng bên trong lòng đất (“geothermal heat” hay “địa nhiệt”) đem lại năng lượng “geothermal energy”. Các áp lực về độ an toàn của chương trình điện nguyên tử, về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trái đất, cùng với giá xăng dầu phi mã, đã khiến ngày càng có nhiều người thiên về khuynh hướng khảo sát, đào sâu các nguồn năng lượng “Renewable Energy” này.

pic

Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel quan sát một “cánh đồng gió” gần thành phố Zingst từ trực thăng. Bà Merkel đang thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình phát triển “phong điện” ngoài khơi “offshore wind farm”, trong chiến lược thay thế năng lượng nguyên tử quốc gia. ảnh ap

Không lạ khi các kỹ thuật “năng lượng tái tạo”, hay “năng lượng tự nhiên” khoảng 2 thập niên gần đây phát triển rất nhanh, ngày càng cải thiện để hiệu quả, thực tế, và nhất là có thể tạo ra lợi nhuận. Đến 2008, đã có khoảng 20% năng lượng dùng trên toàn cầu được sản xuất từ “Renewable Energy”.

Trong các loại “năng lượng tái tạo”, có lẽ sản xuất năng lượng đến từ sức gió “wind power” là ngành kỹ nghệ phát triển mãnh liệt nhất, tăng đều mỗi năm 30%. Doanh số của kỹ nghệ năng lượng gió ngày nay đạt $15 tỉ Mỹ kim / năm cũng khích lệ nhiều nhà đầu tư tiếp tục dấn bước tài trợ. “Wind energy” được sử dụng rộng rãi khắp thế giới, nhưng đặc biệt rất phổ biến ở Đức. Kỹ thuật điện năng nhờ sức gió ở nhiều nơi đã lên mức rất cao. Chẳng hạn như vùng Schleswig-Holstein phía bắc nước Đức, có đến 40% lượng điện đến từ “wind energy”. Người Đức đi trước rất xa trong lãnh vực kỹ thuật năng lượng này. Hiện họ là nước sử dụng điện năng từ sức gió đứng hàng thứ 3 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Cộng.

pic

Biểu đồng tình với chánh phủ trongchánh sách năng lượng, dân chúng Đức xuống đường đòi bỏ chương trìnhnguyên tử năng. ảnh reuters

Nếu đem lên bàn cân so sánh năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo, đến nay có thể vẫn kẻ tám lạng người nửa cân. Thất thế rõ rệt nhất của nguyên tử năng là phải sử dụng nguồn nhiên liệu “Uranium” hữu hạn, mà theo dự đoán sẽ cạn kiệt trong vòng nửa thế kỷ tới đây. Các nhà máy nguyên tử cũng tổ chức độc lập, đòi hỏi cơ sở lớn, được đầu tư đậm đà và nhiều điều phối phức tạp, cần rất nhiều thời gian và tài chánh. Trong khi đó các dự án “năng lượng tái tạo”, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng gió, thường rải rác, không tập trung, có thể hiệu quả hơn, và cũng ít tốn kém hơn. Điểm khác biệt chánh là nguyên tử năng có thể sản xuất rất nhiều điện cho một vùng rộng lớn, còn năng lượng nhờ sức gió hay tia mặt trời chỉ có thể phục vụ một cộng đồng hoặc thành phố nhỏ. Các nhà máy điện nguyên tử cũng không chiếm quá nhiều chỗ, trong khi một “cánh đồng quạt gió” (wind farm) có thể trải rộng hằng trăm dặm vuông.

Gần như cùng lúc với quyết định của chánh phủ Đức, Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev tại hội nghị G8 đã tuyên bố nước ông vẫn tiếp tục đeo đuổi chiến lược điện năng nguyên tử vì “không có chọn lựa tốt hơn”. Có thể thấy những tranh cãi về chánh sách năng lượng toàn cầu còn lâu mới ngã ngũ. Nhưng lịch sử có thể nhìn lại bước đi dứt khoát của người Đức hôm nay như là một chọn lựa can đảm, có thể mở đường đến tương lai năng lượng bền vững hơn cho nhân loại.

TD