Menu Close

Nhân sâm và sức khỏe

Ngày nọ, báo chí loan tin rầm rộ về việc người tỉnh Jinam, Nam Hàn, đã đào được một củ sâm nặng 8.3 ounces, tuổi thọ trên dưới 30 năm và có trị giá 65 ngàn Mỹ kim! Thế là dân địa phương đổ xô đi tìm, từng toán người đua nhau vào rừng sâu thử thời vận, như thủa nào người Việt Nam đi tìm trầm hương. Món tiền 65 ngàn Mỹ kim là một món tiền lớn nên người ta uớc mơ là một điều dễ hiểu, Jinan và cả Nam Hàn còn trong thời kỳ người khôn của khó, kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục. Và khi mơ ước, người ta quên không đặt câu hỏi, nhất là những câu hỏi đại khái như có bao nhiêu củ nhân sâm bán được bạc ngàn như thế, và cơ hội tìm thấy một củ sâm bạc ngàn có xác suất là bao nhiêu? Tỷ lệ 1/1,000 hay 1/1,000,000? Ta có thể so sánh việc đi đào nhân sâm với việc mua vé số cầu may chăng? Hình như việc mua vé số ta có thể gia tăng cơ hội trúng số bằng cách mua nhiều vé số hơn trong khi việc đào nhân sâm thì chẳng có cách chi để thay đổi cái tỷ lệ kia?

nhansam tll 01

Pae Young-gun, người săn sâm hoang dã NGUỒN NYTIMES.COM

Trở lại với nhân sâm, cái rễ cây kết củ kia có những gì để người ta muốn mua? Theo Ðông Y, cả thuốc Bắc (Trung Hoa, Ðại Hàn, Nhật Bản…) lẫn thuốc Nam (Việt Nam), nhân sâm là một loại thuốc bổ trị khá nhiều bệnh tật. Loại sâm dại tìm thấy trong rừng thẳm trị giá cao hơn các loại sâm được trồng, có lẽ vì quý hiếm nên cao giá hơn chăng? Cái chi hiếm có cũng… hay cũng quý hơn những thứ khác theo tâm lý con người? Và cái chi cao giá là người ta cũng tìm cách làm giả? Người Hoa Lục chuộng sâm dại Cao Ly (Ðại Hàn) đào bới từ những vùng rừng núi hiểm trở nên đã bưng cả củ lẫn rễ đem về trồng tại những miền đất có khí hậu tương tự tại Hoa Lục. Ấy thế nhưng người Ðại Hàn cũng nhìn ra của giả bạn ạ, họ bảo rằng thân củ sâm Cao Ly có những vòng tròn đều nhau và màu sắc khác với thứ sâm cùng chủng loại [bị] trồng tại Hoa Lục. Ðây không phải là điều khó hiểu, vì cây cỏ sinh trưởng theo thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên sẽ tạo ra cây lá, rễ, củ khác nhau. Trái cam trái quýt trồng tại Việt Nam mang hạt sang đất mới gieo trồng; khi đơm hoa kết trái hương vị vẫn khác với cam quýt gốc [tổ tiên] như ta vẫn thấy, trách chi nhân sâm?

Không bán được sâm Cao Ly trồng tại Hoa Lục với giá hời thì người ta xoay ra làm thuốc viên thuốc tán, củ sâm xay nhuyễn ra thế kia thì ai biết đâu mà mò? Sâm nào mà chả như nhau? Mà có chắc là nhân sâm không hay củ riềng, củ gừng nào đó? Nhất là chả có chính phủ nào bắt thử nghiệm, bắt chứng minh xem chất chi nằm trong hũ cao đơn hoàn tán kia thì ta cứ việc thẳng tay tính tiền, dân buôn bán mà, phải không bạn?

Khi người ta đem những món nhân sâm kia về phòng thí nghiệm để khảo sát thì các tay chuyên môn về Dược học từ Hoa Lục đến Nhật Bản họ bảo thế này: Nhân Sâm Á Ðông hay Asian Ginseng là tên gọi của loại củ rễ trồng tại Ðại Hàn và Trung Hoa (không thấy nói chi đến Việt Nam), và có tên La Tinh là Panax ginseng. Giống nhân sâm mọc tại Hoa Kỳ có tên là Panax quinquefolius hay American ginseng cũng được xem là nhân sâm “thiệt” trong khi loại củ rễ có tên là Siberian ginseng (Eleutherococcus senticosus) bị xem là sâm giả, hổng phải nhân sâm. Làm sao mà các tay Dược học biết như thế? Họ đem vào phòng thí nghiệm mà phân chất bạn ạ, nhất định chẳng chịu trông mong gì vào lời giải thích của người trồng hay người bán!

Người ta tìm ra là Siberian ginseng không chứa chất ginsenoside (panaxoside) có mặt trong các loại sâm “thiệt” và được xem như dược liệu chính của nhân sâm.

nhansam tll 01

Panax quinquefolius hay American ginseng – nGUỒN WIKIMEDIA.ORG

nhansam tll 01

Siberian ginseng (Eleutherococcus senticosus)NGUỒN SIBERIAN-GINSENG-123RF.COM

nhansam tll 01

Panax ginseng  – NGUỒN ABOTANICPIGMENT-EN-CHINA-CN

Nhân sâm dùng vào việc gì?

Theo National Center for Complimentary and Alternative Medicine (NCCAM) trực thuộc Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health), một cơ quan chuyên nghiên cứu các cách chữa trị bệnh tật bên ngoài khoa Y học Âu Mỹ, thì hiệu quả của nhân sâm chưa được chứng thực. Dù tự ngàn năm, nhiều nơi tại Á Châu, nhân sâm được sử dụng rộng rãi trong việc “bồi bổ sức khỏe”. Chính NCCAM (năm 2007) cũng đã tìm hiểu dược tính của nhân sâm qua các cuộc thử nghiệm quy mô để xác định các giả thuyết sau:

1) sự tương tác giữa nhân sâm và các loại thảo mộc khác.

2) hiệu quả của nhân sâm trong bệnh nhiễm trùng phổi, tiểu đường và bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).

Kết quả là chẳng có gì để khoe?!

Tuy nhiên, các tạp chí Y Dược đã tường trình khá nhiều về phản ứng phụ của nhân sâm như dị ứng (vì được pha chế với các dược thảo khác nên ta chưa rõ rằng chính nhân sâm hay các thứ cỏ cây kia gây dị ứng). Nhân sâm làm giảm đường huyết, nhất là khi dùng chung với khổ qua, vì vậy với những người không bị tiểu đường, việc dùng nhân sâm có thể gây thấp đường huyết, nhức đầu và ói mửa. Nhân sâm gây buồn ngủ và gia tăng huyết áp (cao máu). Theo sách vở Ðông Y, không nên dùng nhân sâm quá 3 tháng, lý do tại sao thì ta không rõ.

Ðây là nơi Ðông Y đụng mặt khoa học thực nghiệm, dùng các phương tiện và tiêu chuẩn khoa học ngày nay, người ta khảo sát đến nơi đến chốn. Nhân sâm đã được thử nghiệm trong súc vật rồi đến con người, nhân sâm không gây tử vong cho thú vật, cũng không gây tử vong cho con người, nhưng câu hỏi ở đây là nhân sâm có công dụng gì không? Và NCCAM vẫn tiếp tục tìm kiếm, thử nghiệm. Trong khi các chuyên gia loay hoay thử nghiệm, ở Á châu người ta vẫn dùng nhân sâm, niềm tin của con người dựa theo thói quen, thông lệ quả là khó lay chuyển, phải không bạn?

nhansam tll 01

Hai cây sâm trong một khu rừng Maryland. PHOTO BY CHRISTOPHER PUTTOCK

TLL

*Tài liệu của Mayo Clinic, Vanderbilt University, và NCCAM