Menu Close

Của Cesar trở về với Cesar

Thế là các tác phẩm nghệ thuật bị Nazi đánh cướp sẽ được trả về cố chủ hoặc người thừa kế. Quan tòa tại Augsburg, Đức đã phán quyết như thế.

Báu vật bị đánh cướp khi quân đội Nazi nắm chính quyền tại Đức và lập ra chính sách tru diệt người Do Thái. Chỉ trong vòng 10 năm ngắn ngủi 4 triệu người Do Thái và con cháu họ bị giam cầm, và đem giết trong những trại tập trung tại nhiều quốc gia Âu Châu bị chiếm đóng như Ba Lan, Tiệp, Áo, Hung; của cải bị tịch thu và tẩu tán khắp nơi.

Thế giới lập đài kỷ niệm thương tiếc nạn nhân và mở viện bảo tàng trưng bày tội ác của Đức Quốc Xã như những di tích nhắc nhở con người đừng để tội ác khủng khiếp như thế xảy ra lần nữa.
Sau bia đá, đài tưởng niệm, bá tánh truy tầm tòng phạm của Nazi, đem ra xử tội trước tòa án quốc tế, và tịch biên những tài sản phi pháp. Những biện pháp ấy nói lên phần nào cái nhìn của người thế giới ngày nay trước tội ác diệt chủng vĩ đại ấy. Do đó, thỉnh thoảng ta lại thấy báo chí đăng tải một mẩu tin tìm ra tòng phạm Nazi lẩn sâu trốn kỹ suốt mấy chục năm nay. Những tòng phạm ấy khi bị bắt giữ cũng đã vào tuổi 80-90 và vẫn bị xử tội theo luật pháp hiện hành.

Cụ Cornelius Gurlitt – NGUỒN TELEGRAPH.CO.UK

Câu chuyện báu vật bắt đầu từ Tháng Năm năm 2012, khi cảnh sát thuế vụ Đức mở cuộc điều tra một vụ trốn thuế. Khi khám xét căn chung cư tồi tàn trong vùng Schwabing, Munich, cảnh sát đã khám phá ra một kho tàng, cất giấu trong những kiện hàng, bao gồm 1,300 tác phẩm nghệ thuật như tranh sơn dầu, tranh vẽ mực, tranh vẽ chì, màu nước, và bản in của các tác giả tên tuổi lẫy lừng. Các chuyên viên thẩm định nghệ thuật đã nhận diện một số tác phẩm của Pablo Picasso, Henri de Toulouse-Lautrec, Oskar Kokoschka, Canaletto, Pierre-August Renoir, Franz Marc, Gustav Courbet, Henri Matisse, Marc Chagall và Otto Dix, các tác phẩm chưa từng thấy và một số tác phẩm đã được trình bày. Họ tin rằng đây là kho tàng bị quân đội Nazi đánh cướp của các nạn nhân Do Thái và trị giá của kho tàng ấy quá cao (bạc tỷ) để có thể ước đoán. Trong số các tác phẩm tìm thấy, một số đã từng bị gọi là ‘degenerate art’ hay “stolen art’.

Căn chung cư bỏ hoang chứa kho tàng nghệ thuật do ông Cornelius Gurlitt, 80 tuổi làm chủ. Theo cảnh sát địa phương, ông Gurlitt không dính dáng chi đến vụ điều tra, ông này không có tên trong sở thuế vụ cũng như sở an sinh xã hội Đức và cũng không hề có tiền án. Việc khám xét căn chung cư của ông Gurlitt hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên.

‘Degenerate art’ là tên gọi của những tác phẩm bị quân đội Nazi tịch thu từ những viện bảo tàng, phòng triển lãm và các bộ sưu tập của tư nhân trong thập niên 30-40 của thế kỷ trước. Hầu hết những tác phẩm hiện đại thủa ấy đều bị nhà cầm quyền liệt kê vào danh sách này vì chúng “un-German” và bị cấm đoán.

Ngoài một số tác phẩm thuộc nhóm “degenerate art”, kho tàng này còn bao gồm các tác phẩm đánh cướp từ các ngôi nhà của chủ nhân Do Thái bị bắt giam và cả các tác phẩm được chủ nhân bán với giá rẻ mạt khi tìm đường chạy trốn họa diệt chủng. Nói chung là các tác phẩm bị đánh cướp, buôn bán trong các tình huống bi đát của chủ nhân, họ không ở vị thế để thương thảo một cách công bằng. Con số “degenerate art” lên đến hàng ngàn tác phẩm.

Ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của chính phủ Đức, nói rằng chính phủ Đức hoàn toàn ủng hộ việc làm của tòa án quận Augsburg, các phán quyết dựa trên sự thẩm định của các chuyên gia về “degenerate art” và những vấn đề liên quan các tác phẩm bị Nazi đánh cướp (“Nazi-looted art”).

Chủ nhân của kho tàng nghệ thuật kia là ông Cornelius Gurlitt. Cha ông ta, Hildebrand Gurlitt là một nhà sưu tầm tác phẩm nghệ thuật thủa ấy. Theo các nhà sử học, ông cụ này đã từng làm ăn với quân đội Nazi qua việc buôn bán các tác phẩm nghệ thuật.
Ông cụ Hildebrand Gurlitt, một phần Do Thái, một phần Đức, sống sót trong chiến dịch “tru diệt Do Thái” của Nazi và là một trong bốn người buôn bán “degenerate art” có giấy phép của Adolf Hitler.
Ông Hildebrand Gurlitt đã từng khai [với nhà chức trách] là các tác phẩm ấy bị hủy hoại trong những trận bom của quân đội Đồng Minh vào cuối Thế Chiến II.
Và ngày nay người ta tìm thấy các tác phẩm ấy trong một căn chung cư do người con đứng tên làm chủ; ta chưa rõ là ông Cornelius Gurlitt có biết gì về các tác phẩm ấy hay không.

 Theo nhà sử học về nghệ thuật, art historian Meike Hoffman, người đã thẩm định và ghi chép về kho tàng kể trên, đây là các tác phẩm vô cùng quan trọng về nghệ thuật; nhiều tác phẩm chưa từng được triển lãm trước công chúng.

Bản tin về kho tàng vừa khám phá khiến các truyền nhân Do Thái hứng khởi; những người có bằng chứng, hình ảnh, giấy tờ mua bán…, bắt đầu khởi kiện để đòi lại di sản của gia tộc. Họ nói rằng đứng trước các tác phẩm tưởng như đã bị hủy hoại, bị mất dấu để thấy rằng chúng [các tác phẩm ấy] vẫn còn hiện diện trong tình trạng khả quan khiến ta vui mừng nhưng không khỏi chạnh lòng nhớ đến hoàn cảnh khi tác phẩm ấy bị đánh cướp!
Người đại diện cho the Conference on Jewish Material Claims against Germany, Ruediger Mahlo, nói rằng họ sẽ đòi cho bằng được các tác phẩm hoàn về cố chủ.

Biện lý của tòa Augsburg công bố rằng họ đã trả lại kho tàng nghệ thuật cho ông Cornelius Gurlitt, sau khi ông Gurlitt và bộ Tư Pháp hạt Barvaria thỏa thuận rằng ông Gurlitt sẽ cho phép các chuyên viên thẩm định và tìm hiểu về gốc gác của mỗi tác phẩm (tìm kiếm cố chủ, tác phẩm đã qua tay một cách đàng hoàng hay không…) và sẽ trả lại cố chủ / truyền nhân các tác phẩm có bằng chứng rõ ràng. Những tác phẩm không ai đòi và cũng không có dấu vết là của phi pháp vẫn thuộc về ông Gurlitt.

 Theo ông Gurlitt thì số tác phẩm có “tì vết” chỉ chiếm khoảng 3% kho tàng ấy, khoảng 38 tác phẩm, con số rất nhỏ để quan tâm. Và tính đến hôm nay, đã có người thứ nhì lên tiếng đòi chủ quyền của bức tranh “Femme assise” (Người đàn bà ngồi) của Henri Matisse. Theo bản tin của The Telegraph, bức tranh này thuộc về nhà sưu tầm tranh Paul Rosenberg, sau đó đã biến thành một bức tranh trong bộ sưu tập của ông Hermann Goering, Tư Lệnh Không Quân, quân đội Nazi.

“Người Đàn Bà Ngồi” của Henri Matisse – NGUỒN TELEGRAPH.CO.UK

Không biết ông Cornelius Gurlitt sẽ làm gì với kho tàng ấy ở tuổi 81? Các tác phẩm nọ bị giấu kỹ suốt mấy chục năm vì quá khứ đầy tì vết của chủ nhân, có tận hưởng ngắm nghía cũng chỉ âm thầm? Có thể nào các tác phẩm sẽ được hiến tặng để bá tánh cùng thưởng thức, chiêm ngưỡng trong các viện bảo tàng?
Nhìn tấm hình ông Gurlitt già nua giản dị đi chợ mua bán như mọi người trong khi cầm trong tay kho tàng nghệ thuật của thế giới, Dế Mèn chạnh lòng quá, chạnh lòng rồi thì phì cười khi nhớ đến câu nói đùa cợt của một ông anh nhà binh:

“Rồi ta cũng đến tuổi già

Leo lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân”

Đến một lúc nào đó, ta cũng sẽ trở về với cát bụi, thân không giữ được thì tha thiết chi đến ngoại vật, kể cả báu vật như những tác phẩm trong kho tàng của ông cụ Gurlitt mà Dế Mèn cứ mơ ước được ngó qua cho thỏa ý tò mò?!

TLL