Có một ngày như thế. Một ngày không như mọi ngày. Ấy là ngày cuối Tháng Tư bước qua đầu Tháng Năm năm 1975. Ngày mặt trời bị treo cổ trên bức tường Nhà Hát Thành Phố. Ngày không ai dám nói lớn, cười lớn, nhà nhà đóng cửa. Em nhớ không ngày ấy em đã cùng chàng đi mua một chiếc xe đạp cũ để từ đài trang bước xuống bụi đường hè phố. Em đi trong mưa / cúi đầu nghiêng vai… Câu thơ của Trần Dần viết thời Hà Nội mới bị đặt dưới ách Cộng Sản bỗng lại hiện về trong trí óc thảng thốt một ngày của Tháng Năm.
Ôi, làm sao quên được một ngày khi mùa xuân gãy cánh. Làm sao quên được Sài Gòn, thành phố của ta. Vâng, không còn nữa vẻ đẹp của một bình minh mưa với màu phượng đỏ. Không còn nữa tiếng cười reo trong nắng sớm với những vẫy tay chào nhau khi chạy xe ngang qua.
Em còn nhớ không, mưa Sài Gòn thời chúng ta yêu nhau. Mưa như một khúc nhạc vui trên đường phố. Mưa xối xả, âm vang. Những hàng sao hàng phượng trút lá tơi bời. Anh và em nép vào dưới một mái hiên nghe mưa chạy trên mái ngói. Tóc em ướt, áo em ướt và tiếng cười reo trong một khúc tremolos. Rồi mưa chợt tạnh, cũng bất ngờ như lúc bắt đầu. Người và xe lại hối hả băng băng trên đường phố. Nắng chợt ngời lên trên hàng cây.
Và rồi bỗng chốc Sài Gòn đổi chủ. Rạng đông một màu xám mọc lên trên thành phố. Có lẽ người dân Sài Gòn hiện phiêu bạt khắp nơi trên thế giới không ai quên được những cơn mưa ngày ấy. Mưa vào lúc hừng đông thành phố. Đã bao nhiêu năm qua rồi mà những ảnh bóng của một thời chưa tan biến. Những cơn mưa của Sài Gòn năm ấy, mưa đầu Tháng Năm mưa trái mùa, che khuất chân trời. Những trang thơ tình đẹp đẽ về một Sài Gòn áo lụa như mơ của Nguyên Sa đã khép lại. Vở kịch Giấc Mộng Đêm Hè của anh và em cũng đã hạ màn. Trong một tạp bút viết ở một thành phố ảo gần đây về những cơn mưa Sài Gòn, anh có nhắc đến một ý thơ của Jaques Prévert liên kết với hình ảnh đau đớn trước mắt: Mưa ở Sài Gòn như mưa xuống Brest ngày hôm ấy / này em ở bên kia đời có nghe… Vở kịch đã hạ màn. Bây giờ là một vở tuồng khác, với một câu chuyện khác, những đào kép khác. Tấm màn nhung lại kéo lên với cảnh Thị Kính ngồi ru con trước hiên chùa. Bên ngoài trời đang mưa… Mưa rơi, mưa bây giờ rơi trên những trang kinh Địa Tạng.
Có một ngày như thế. Làm sao quên thành phố lúc rạng đông. Những chiếc lá dầu bay nghiêng trong mưa… Những bông sứ máu rụng trên vỉa hè bến cảng… Những quán cà phê không còn có anh có em với tiếng hát Khánh Ly và Thái Thanh.
Thành phố lúc rạng đông. Em có bao giờ quên. Những cơn mưa đã trở thành đời mình, những chiếc lá rơi chạm vào hồn xanh buốt. Những mái nhà, góc phố mãi mãi về sau còn kể lại bao mảnh đời bỗng dưng tan tác, phiêu bạt khắp nơi.
Thành phố lúc rạng đông. Người nghệ sĩ ôm đàn bỏ đi…
Hôm nay, trong một ngày đầy nắng ở thành phố miền đồng cỏ này, trí óc ta lại trở về với những hình ảnh gãy dập của Sài Gòn thời dép râu nón cối kéo vào thành phố. Cho tới nay, đã ba mươi bảy năm, những vết nứt chưa được hàn gắn. Làm sao hàn gắn lại đời ta tình ta. Phải chờ ngày không còn bóng những dã nhân trên tiền trường sân khấu, và lũ âm binh được quét sạch khỏi thành phố. Hình như ngày đó đang đến gần, phải không em?
