Vào một ngày đầu Tháng Sáu vừa qua – sau những trận mưa kéo dài cả tháng làm lầy lội khắp nơi, bầu trời Dallas trong xanh lạ thường và những con nắng đầu hè rớt xuống thật ấm như muốn hong cho mau khô những vũng nước đọng còn sót lại sau những ngày mưa lũ – tại một khúc đường trên xa lộ I-30, lối dẫn vào trung tâm của thành phố, ngay bên cạnh dòng sông Trinity, lúc đó mực nước còn dâng cao gần mức kỷ lục, người ta cho tổ chức một buổi lễ khởi công lắp ráp hai chiếc vòng cung gắn vào hai bên thành cầu của chiếc cầu có tên Margaret McDermott.
Tên của chiếc cầu mới này cũng là tên của người phụ nữ 103 tuổi, người đã hiến tặng một số tiền khá lớn để giúp trả một phần chi phí xây dựng chiếc cầu cũng như cả một quần thể công trình tái xây dựng lại hệ thống xa lộ bao quanh trung tâm thành phố Dallas, trong đó có xa lộ I-30 và I-35, để giải quyết phần nào nạn kẹt xe trong khu vực này. Nạn kẹt xe trong khu vực trung tâm thành phố Dallas từ nhiều năm qua nằm trong danh sách là một trong những nơi kẹt xe nhất của tiểu bang Texas do hệ thống xa lộ đã quá cũ (xây dựng từ những thập niên 1930-50) không đáp ứng kịp với đà tăng trưởng dân số quá nhanh trong vùng.
Bà Margaret McDermott – NGUỒN HOCKADAYFOURCAST.ORG
Bà Margaret McDermott là vợ của ông Eugene McDermott (qua đời năm 1973), người đồng sáng lập công ty Geophysical Service Inc. mà sau này trở thành công ty Texas Instruments lừng danh khắp thế giới.
Người giàu ở Mỹ thường có một thói quen rất dễ mến và đáng ngưỡng mộ, là sau khi thành công, nhất là khi về già, vẫn hay làm những công việc từ thiện, hiến tặng một phần tài sản của họ cho những tổ chức hoặc viện nghiên cứu trong đủ mọi lãnh vực với mục đích muốn làm tốt đẹp hơn cho xã hội và đời sống của người dân.
Gia đình McDermott nằm trong số những người giàu tốt bụng đó. Qua những việc làm với tư cách cá nhân và qua tổ chức Eugene McDermott Foundation, gia đình McDermott đã hiến tặng nhiều triệu Mỹ kim cho những công việc hữu ích chung trong các lãnh vực về xã hội, văn hoá và giáo dục tại các viện đại học như MIT hoặc UT Dallas, cũng như Bảo tàng viện Nghệ thuật Dallas.
Bản vẽ cầu Margaret McDermott. NGUỒN – TAMPASTEELERECTING.COM
Mặc dù những việc làm từ thiện, như trong trường hợp của chiếc cầu Margaret McDermott, có thể là vì những người giàu này muốn để lại một chút danh cho hậu thế nhớ tới, thì vẫn là những việc làm hữu ích cho xã hội và rất đáng được khích lệ.
Thực ra, việc khởi công xây dựng hai vòng cung của chiếc cầu đã được bắt đầu từ năm ngoái khi người ta cho đổ bệ bê tông ở hai đầu của chiếc cầu. Nhưng việc lắp ráp vòng cung thì mới chỉ được bắt đầu từ giữa năm nay.
Chiếc cầu Margaret McDermott là một trong hai chiếc cầu có vòng cung được thiết kế bởi Kiến trúc sư người Tây Ban Nha Santiago Calatrava. Ðây là một phần kiến trúc nằm trong một quần thể kiến trúc của toàn bộ dự án có tên Horseshoe (Móng ngựa – vì có hình chữ U). Dự án này nhằm nâng cấp hệ thống xa lộ trong khu vực trung tâm thành phố Dallas bao gồm mở thêm nhiều làn đường cho hai đoạn xa lộ I-30 và I-35, thay thế một số cầu đã cũ và thiếu an toàn, trong đó chiếc cầu Margaret McDermott được xây lại hoàn toàn mới và là tâm điểm của dự án.
Kiến trúc sư Santiago Calatrava – NGUỒN ARCHITECTURELAB.NET
Trong lãnh vực học thuật, ta thấy hầu như ngành nào cũng thường đứng riêng biệt một mình, không pha trộn nhau: nghệ thuật đứng riêng, luật pháp đứng riêng, khoa học đứng riêng. Nhưng đặc biệt ngành kiến trúc thì khác hẳn, nó là sự pha trộn thật nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Thiếu một trong hai thứ thì kể như kiến trúc đó kém phần giá trị.
Gần đây, một số công ty kỹ thuật cao cũng đã thành công khi đưa vào thị trường một số sản phẩm kết hợp được cả hai mặt kỹ thuật và nghệ thuật. Một trong những thành công điển hình đó là công ty Apple.
Phải nói rằng có nhiều người mê sản phẩm của Apple một phần là vì nó đẹp. Không ai có thể ngờ được cách đây chỉ độ 15 năm, Apple đã đứng trên bờ vực phá sản mà nay trở thành một trong những công ty có trị giá lớn vào bậc nhất trên thế giới. Công lao đó là của Steve Jobs. Ông là một kỹ sư nhưng yêu cái đẹp, hay nói rõ hơn là cái mỹ thuật. Có lần viếng thăm công ty Sony ở bên Nhật, Jobs rất thích cách điều hành của Sony, nhất là trong khu nhà máy sản xuất, cái gì cũng gọn gàng, ngăn nắp, đâu ra đấy. Chuyến viếng thăm đúng vào dịp Sony cho ra đời chiếc máy hát Walkman. Có ai còn nhớ chiếc máy Walkman không? Nó là một máy cassette thu gọn, nhỏ bằng bàn tay, dày bằng một quyển sách giáo khoa và được nối thêm hai ống nghe thật nhỏ vào tai. Ai cũng có thể mang theo bên mình rất gọn và tiện lợi chứ không kềnh càng như loại máy cassette cũ. Và dĩ nhiên là chẳng bao giờ làm ồn người bên cạnh. Jobs mê ngay chiếc máy hát này nhưng phải chờ đến hai mươi năm sau mới đem được kỹ thuật digital kết hợp cùng chiếc máy Walkman để cho ra đời chiếc iPod làm điên đảo giới trẻ một thời. Có thể nói chiếc iPod chỉ là chiếc máy Walkman được cải tiến và nó đã cứu công ty Apple.
Dự án Horseshoe (màu trắng) – NGUỒN DALLASHORSESHOE.COM
Santiago Calatrava là một người cũng có được sự kết hợp đó. Ngoài là một kiến trúc sư có tài được nhiều người biết đến, ông còn là một kỹ sư xây dựng, nhà điêu khắc và họa sĩ. Từng có những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại Bảo tàng viện Nghệ thuật Metropolitan New York, giấc mơ một đời của những người làm công việc nghệ thuật. Nhiều tác phẩm kiến trúc của Calatrava chuyên về cầu và nhà ga, trong đó mang nhiều hình ảnh của những đường thẳng, đường chéo góc và đường vòng cung. Như hai chiếc cầu Margaret Hunt Hill và Margaret McDermott, là hai tác phẩm có nhiều đường vẽ của hình vòng cung và đường chéo, một kết hợp tuyệt vời giữa kỹ thuật và nghệ thuật.
Lần đầu, khi thiết kế hai chiếc cầu của Calatrava được đề cử vào năm 1999 cho dự án những kiến trúc mới cho thành phố Dallas, nhà viết phê bình kiến trúc David Dillon đã có nhận định rằng hai chiếc cầu này “sẽ mang thêm thi vị cho một dòng sông chưa từng bao giờ được cất lên tiếng hát.”
Là một kiến trúc kỹ thuật lại vừa nghệ thuật, chiếc cầu Margaret Hunt Hill được khánh thành 13 năm sau đó. Với chiếc vòng cung độc nhất của nó cao 40 tầng lầu, đứng sừng sững ở giữa, vắt ngang qua cầu, có nhiệm vụ giữ thăng bằng cho các dây cáp được cột chặt dọc hai bên thành cầu, nối liền xa lộ Woodall Rogers sang bên kia khu vực phía tây của trung tâm thành phố.
Cầu Margaret Hunt Hill – PHOTO BẢO HUÂN
Nay thì hai bên bờ sông Trinity lại được thêm phần thi vị khi hai vòng cung của chiếc cầu Margaret McDermott đang thành hình. Sang năm, khi cả hai vòng cung được hoàn tất, chúng sẽ cao khoảng 350 feet cách mặt nước và là hai chiếc đòn để nâng phần chiếc cầu có làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ. Nghĩa là nay mai người ta có thể đi dạo trên chiếc cầu này vào những buổi chiều xế tà để có thể ngắm nhìn mặt nước lặng lờ của dòng sông đang uốn khúc mềm mại ôm lấy một phần của thành phố Dallas. Và rồi đây, dọc theo hai bên bờ của khúc sông này, rất có thể người ta sẽ còn cho xây thêm những khu thương mại và giải trí; sẽ có những quán nước, những nhà hàng và những địa điểm lý tưởng cho những buổi hẹn hò; nó không chỉ là nơi lôi cuốn người dân địa phương mà còn lôi cuốn cả những du khách từ nhiều nơi khác đến.
Trong những ngày tới, công việc lắp ráp hai vòng cung của chiếc cầu Margaret McDermott vẫn được tiếp tục đều đặn. Những ai lái xe qua đây mỗi ngày sẽ thấy hình ảnh rõ nét nhất là hai chiếc cần trục cao nghều nghệu đang làm công việc nâng từng đoạn của chiếc vòng cung lên cao để cho những công nhân xây dựng chờ sẵn trên đó ráp nối nó vào phần vòng cung đã được ráp nối xong từ trước. Tất cả mọi động tác đều rất nhịp nhàng, hoà hợp đến nỗi một bài báo đăng trên tờ Dallas Morning News đã mô tả những động tác nhịp nhàng đó tựa như một vũ điệu ballet trên không. Nhìn thoáng qua ai cũng tưởng đó là những công việc đơn giản, dễ dàng nhưng thật sự rất khó khăn, đòi hỏi độ an toàn tối đa vì mỗi đoạn của vòng cung ấy nặng tới vài chục tấn. Chỉ một sơ sẩy nho nhỏ thôi cũng đủ mang tới những hậu quả vô cùng tai hại. Cứ thử tưởng tượng mỗi ngày, với hàng trăm ngàn xe cộ đủ loại đi ngang qua đó, thì chỉ cần một con ốc nhỏ bất cẩn rơi xuống cũng có thể gây ra tai nạn chết người.
Thế nên, những công trình kiến trúc lớn như kiến trúc của hai cây cầu Margaret Hunt Hill và Margaret McDermott và những chiếc vòng cung đòi hỏi sự hợp tác của rất nhiều người, bắt đầu là ý tưởng và đồ án của vị kiến trúc sư và cuối cùng là công việc lắp ráp của những công nhân xây dựng. Tất cả không được sai trật dù chỉ một tí xíu thôi thì mới có được một tác phẩm kiến trúc hoàn hảo.
Nay mai, khi những chiếc vòng cung này được hoàn tất, chúng sẽ là những biểu tượng mới nhất in đậm lên nền trời của thành phố Dallas. Và mỗi khi nhắc đến Dallas, chắc sẽ có nhiều người nhớ tới chúng như những hình ảnh đẹp đẽ nhất. Nhìn từ xa, những hình vòng cung tựa những cánh chim đang vươn cao đầy sức sống như sức sống của một thành phố vẫn đang tiếp tục trỗi mình.
VH