Menu Close

Được mùa mất giá

Từ đầu Tháng Sáu đến đầu Tháng Bảy là mùa chôm chôm, bưởi, mận, sa-pô-chê, thanh long chín rộ khắp các vườn ở miền Tây Nam bộ. Cùng thời điểm này trái vải của tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cũng ồ ạt tỏa đi khắp nơi với giá rẻ bất ngờ. Những lời ca cẩm của người nông dân “được mùa mất giá” đã trở thành điệp khúc từ năm này qua năm khác và nó trở thành nguyên tắc kinh tế nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả những nước trồng cây ăn quả ở vùng nhiệt đới được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho mùa chính vụ.

duoc mua mat gia4

Mấy người quen về nước chơi vào thời điểm Tháng Sáu gọi điện kể chuyện, “Ăn trái cây mệt nghỉ, giá rẻ rề, đi đâu cũng gặp trái cây bán đầy trên vỉa hè hay các xe hàng rong đẩy bán trên khắp các con phố Sài Gòn.” Nghe kể thấy thật vui cho người được thưởng thức những loại trái ngon lành rẻ bèo mà ở xứ người có khi muốn mua cũng đắn đo từng cân từng trái. Bởi vào thời điểm này, trái cây nhiệt đới xuất hiện trên kệ khắp các chợ Việt ở Hoa Kỳ hay Canada, cũng đầy các loại (không nhiều) nhưng chỉ có điều giá khá đắt. Chẳng qua là sự chênh lệch cung cầu giữa một nơi trái cây chín rộ không kịp tiêu thụ một số lượng lớn và một bên do những quy định tiêu chuẩn khó khăn sinh ra hạn chế số lượng nhập cảng. Hoặc cũng có thể nhà nước bảo hộ sản xuất cho nông dân nội địa có lợi thế cạnh tranh và tiêu thụ.

duoc mua mat gia3

Dưa hấu khắp nơi trong nước rộ vào Tháng Năm – Ảnh: Lê Công Hoan

Cung không đủ cầu đương nhiên món hàng được giá, nhưng cái quan trọng là chi phí vận chuyển, bảo quản, khấu hao đã đẩy giá bán lên cao, trong khi trái cây nhiệt đới thường có mức độ hư hại cao hơn các loại trái cây hàn đới. Lấy một ví dụ đơn giản ở mặt hàng dưa hấu. Khi tôi kể chuyện trái dưa hấu vào mùa hè bán ở Hàn Quốc có giá 15 – 20 USD, nhiều người không tin sao lại có một cái giá đắt như vậy, trong khi ở các chợ tại Mỹ giá chừng 5 USD, ở Việt Nam khoảng hơn 1 USD là nhiều. Hàn Quốc có trồng dưa hấu nhưng số lượng rất ít cho thị trường nội địa, và có nhập cảng đi chăng nữa, giả sử từ Mexico hay Costa Rica xa xôi, thì hàng về tới cảng hay máy bay vận chuyển nhanh hơn đã đội giá thành hàng hóa lên cao. Mexico sát bên Mỹ, việc xuất cảng dễ dàng và là những nước nằm trong hiệp ước miễn thuế, hẳn nhiên giá thành xuống thấp. Hơn nữa xuất cảng hàng nông sản tươi như trái cây, rau quả sang nước láng giềng là một lợi thế.

Trong khi đó người nông dân xứ mình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi “khóc ròng” với hàng ngàn tấn dưa hấu trong Tháng Năm vừa qua, phải bán tháo, hay cho trâu bò ăn vì dưa hấu bị ứ đọng tại biên giới láng giềng Trung Quốc. Ở đây người nông dân sống trong tình trạng “được mùa mất giá” do không có đầu ra, ngược lại người nông dân Trung Mỹ lại có nơi tiêu thụ qua các hợp đồng xuất cảng. Họ được chính phủ hỗ trợ pháp lý trong việc xuất và nhập cảng nên tránh được rủi ro không bị ép giá như thương lái Trung Quốc buôn bán ma lanh qua đường tiểu ngạch, chỉ bằng những “hợp đồng” miệng, thì đương nhiên người nông dân bị chèn ép. Ngặt một nỗi dưa hấu đâu chỉ có người nông dân miền Trung trồng quy mô lớn, nhiều nơi ở miền Đông Nam Phần vẫn tập trung chuyên canh dưa hấu nên người nông dân hay thương lái không thể cho trái dưa hấu “Nam tiến” như đặc sản vải thiều miền Bắc. Người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng lại không có nơi tiêu thụ trong nước cũng như xuất cảng thì phải xem lại sự yếu kém của ngành quản lý nông nghiệp trung ương và cả địa phương. Việc nhận thức sự thiệt hơn vùng chuyên canh thay thế cây trồng của người nông dân cũng cần phải thay đổi để tránh điệp khúc “được mùa mất giá”.

duoc mua mat gia2

Vải thiều “Nam tiến” giá rẻ bà con ơi – Nguồn: Nông nghiệp.com

Vấn đề “được mùa mất giá” được xem là cái bệnh kinh niên của người nông dân xứ mình khi mùa trái cây vào chính vụ. Nó giống như bệnh dị ứng thời tiết sẽ qua đi và cuộc sống của người nông dân rồi đâu vào đó, nghèo vẫn hoàn nghèo, họa hoằn lắm vài cá nhân nông dân ăn nên làm ra nhờ may mắn được tuyên dương trên báo chí. Có người hỏi, vậy thì những người nông dân các nước nhiệt đới khác có mắc cái bệnh “được mùa mất giá” ấy không? Câu trả lời là có, đó là cái bệnh chung của người nông dân làm ra quá nhiều sản phẩm. Chỉ có điều người ta có thể kiểm soát được không để cho mất giá mà là “rớt giá” tạm thời.

Không cần phải đi đâu xa đến xứ nhiệt đới, ngay tại mùa cam Texas rộ chín ở từ giữa Tháng Hai đầu tháng Ba, chợ bán ra 1 USD / 4 quả, trong khi các xe trái cây lưu động thu mua nhà vườn nhỏ bán lẻ một bọc 30 quả giá 5 USD. Có lần vào Tháng Chín, tôi sang California nhìn thấy hàng trăm xe tải loại lớn chở cherry chín mọng, giá bán ra ở chợ chừng chưa tới 3 USD một cân, tuy thế cuối mùa giá bán tăng lên gấp đôi. Sự chênh lệch giá sản phẩm trồng ra trong ngành nông nghiệp là điều bình thường khi lượng cung quá dư thừa. Cho nên giá có rớt nhưng không đến nỗi mất giá một cách bất thường, lỗ vào đồng vốn đầu tư. Chẳng hạn cây đu đủ từ giữa Tháng Năm đến nay, mặc dù thời tiết nắng nóng vẫn còn nhưng đu đủ miệt Hậu Giang lại rớt giá thê thảm. Đu đủ chín vàng, thương lái lại không màng đến. Nhà vườn buộc lòng đem đi bán đổ bán tháo với giá từ 500 – 1.000 đồng/kg (tức 2,5 – 5 cent/kg), trong khi đó bình thường đu đủ bán cho thương lái với giá trung bình 7,000 đồng/kg. Sản phẩm của người nông dân xứ mình không chỉ có đu đủ, dưa hấu mà còn vài loại trái cây khác như thanh long, nhãn, trái bơ có khi mất giá đến mấy trăm phần trăm. Ở Ban Mê Thuộc, vào mùa thu hoạch tôi từng thấy người trồng lấy bơ thay cám nuôi heo. Giá cam, quýt, bưởi, chôm chôm lên xuống còn chấp nhận được. Sản phẩm không có đầu ra khiến hàng hóa mất giá là điều hiển nhiên nhưng mất giá kiểu này người nông dân trắng tay là cái chắc.

duoc mua mat gia1

Chôm chôm từ nhà vườn chờ tỏa đi tiêu thụ – Ảnh: Lê Công Hoan

Nông dân xứ khác chí ít còn có đầu ra cho sản phẩm dư thừa qua công nghiệp chế biến như nước ép, trái cây đóng lon, mứt, trái cây sấy khô… có nghĩa là họ có những ngành công nghiệp thực phẩm hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho dù giá thu mua có thấp hơn nhiều giá trái cây tươi đi nữa. Vấn đề chính yếu sau khi thu hoạch phân phối tiêu thụ, xuất cảng hay phân tán thị trường thì phải chế biến thành thực phẩm đông lạnh ngắn ngày để duy trì bảo quản và phân phối hàng hóa, đặc biệt những loại trái cây dễ hư chỉ có đóng hộp là cách bảo quản dài ngày duy nhất.

Rất tiếc là ngành công nghiệp chế biến trái cây ở xứ mình còn yếu kém do thị hiếu tiêu dùng của người Việt không thích hàng đông lạnh và đóng hộp. Máy móc cũ kỹ, nhiều cơ sở bán công nghiệp, thậm chí là thủ công, không đảm bảo phẩm chất hàng hóa và mỹ thuật công nghiệp là điều khiến hàng hóa trái cây chế biến không hấp dẫn và không thể kích thích tiêu thụ được. Đó là lý do dễ hiểu khi những người bạn trong nước cho biết, mặt hàng trái cây đông lạnh, chôm chôm, trái vải “Made in Viet Nam” đóng hộp thiếu vắng trên các kệ siêu thị, may ra còn có nhãn sấy khô, thơm hộp thường dùng để chế biến thức ăn cho nhanh nên các bà nội trợ còn quan tâm đôi chút.

duoc mua mat gia

Bưởi giá biến động không bằng các loại trái rộ vào mùa hè – Ảnh: Lê Công Hoan

Đúng là trái cây đông lạnh hay đóng hộp người Việt trong nước ít quan tâm bởi lẽ trái cây ở xứ mình có đầy đủ quanh năm bốn mùa, mỗi thời mỗi giá và rẻ rề khi trái cây vào chính vụ. Vấn đề đóng hộp không phải dành cho thị trường trong nước mà là thị trường xuất cảng. Tuy là phân khúc tiêu thụ nhỏ nhưng việc xuất cảng hàng hóa loại này tương đối dễ dàng. Thái Lan đã làm thành công không ở thị trường Mỹ và nhiều thị trường ở châu Âu và cả châu Á trong đó có cả Việt Nam. Xứ sở trái cây mà trên kệ siêu thị có hàng trái cây đóng lon của Thái Lan hoặc Trung Quốc thì thật lạ lùng. Chuyện này cũng tự nhiên, “anh không làm thì người khác làm”, còn bán được nhiều hay ít lại là chuyện khác. Vấn đề chính là giải quyết được chuyện dư thừa trái cây, không làm người trồng ra nó khốn đốn.

Vấn đề được mùa mất giá còn nhiều điều phải giải quyết. Nhiều nhà khoa học nông nghiệp khuyến cáo “rải vụ” quanh năm. Đây là cách giải quyết phần gốc nhưng phần ngọn vẫn chưa được khai thông bởi người nông dân vẫn không muốn thay đổi tập quán cây trồng do bài toán kinh tế cung cầu trong nước hay xuất cảng luôn bị mất cân bằng chưa giải quyết được. Cho nên người nông dân vẫn đành chấp nhận, “Nắng mưa là bệnh của trời / Được mùa mất giá là bệnh của người nông phu”.

duoc mua mat gia5

Mùa quýt có thể rải vụ quanh năm – Ảnh: Lê Công Hoan

TN