Bế mạc đại hội, ‘Đập cánh giữa không trung’ mở ra một thực tại Việt Nam bấp bênh và một tuổi trẻ lạc lõng
Được VFF chọn là Phim Truyện Hay Nhất của đại hội năm nay, bên cạnh nhiều giải thưởng quốc tế khác, “Đập Cánh Giữa Không Trung” ra đời năm ngoái, dài 99 phút, là phim hiện thực hơn cả… hiện thực. Nếu phải dùng một trạng từ để nhấn mạnh tính chất hiện thực của “Đập cánh,” có lẽ cụm từ “một cách tàn nhẫn,” theo tôi, có vẻ thích hợp hơn cả.
Phim về một cô nữ sinh viên, Huyền, sống trong căn nhà trọ trong khu ổ chuột bên một đường rầy xe điện tới lui rầm rập, ở một Hà Nội mà mặt tiền các căn phố bao phủ đầy quảng cáo. Huyền thấy mình mang thai. Cô không có chọn lựa nào khác là tìm cách phá thai, nhưng không có tiền. Người bạn trai của cô, một thứ vô lại, không nghề nghiệp, cũng tìm mọi cách để kiếm tiền cho cô phá thai, nhưng không xong. Với cái bụng mỗi ngày một lớn, cuối cùng, qua anh bạn thân thường giả gái hành nghề mãi dâm, Huyền được giới thiệu tới một chị tú bà. Chị này giới thiệu cô tới một khách hàng vốn chỉ thích ngủ với phụ nữ có bầu. Lần gặp đầu tiên, người khách chỉ xem phim siêu âm và ngắm bào thai trong phim do Huyền được yêu cầu mang theo, rồi bỏ vào lại phong bì cùng với 200 đô la, hẹn gặp lại Huyền lần khác. Sự ân cần và dịu dàng của người khách làng chơi giầu có này đã cảm kích cô sinh viên khiến Huyền nghĩ tới việc giữ bào thai lại. Sau lần gặp cuối cùng tại ngôi nhà có kiến trúc độc đáo ở Tam Đảo và làm tình lần đầu với khách, Huyền dự tính sẽ nói ý định đó với người khách ở lần gặp tới. Sau đó, lâu không nghe khách gọi, Huyền đi tìm người khách rất lịch thiệp này thì được chị tú bà lạnh lùng cho biết hãy quên anh ta đi. Trong nghề này, không nên để tình cảm len vào, chị tú bà bảo Huyền. Cảnh cuối cho thấy Huyền đứng bên nồi cháo – món ăn Huyền thèm suốt chiều dài mang bầu trong phim – đang sôi trên bếp trên ban công nhà trọ nhìn xuống con hẻm ngổn ngang dây điện ngó ra một con lộ người xe qua lại như mắc cửi.
Cô sinh viên Huyền, do diễn viên Nguyễn Thùy Anh đóng, ngơ ngác giữa ngã ba cuộc đời, như tuổi trẻ Việt Nam hiện nay.
Cuốn phim có những cảnh ái ân phơi bày không giấu giếm, cảnh chọi gà hung bạo, cảnh du đãng cắt cổ gà chọi tưới máu vào mặt người bạn trai của Huyền vì anh ta không có tiền trả nợ, cảnh phố Hà Nội ngập người, xe, tiếng động và bảng hiệu quảng cáo, cảnh những cửa tiệm treo bảng nhận làm siêu âm, hút thai và trăm thứ khác. Gây ấn tượng mạnh hơn cả có lẽ là cảnh phá thai sau cánh cửa bỏ ngỏ mà Huyền, do đấy khán giả, có dịp ngó vào: chỉ có cặp chân trần dạng ra trên bàn đẻ của bệnh nhân và người bác sĩ hay y tá trong bộ đồ bệnh viện mầu trắng đeo khẩu trang ngồi gắp những mảnh thai nhi ra khỏi bụng của bệnh nhân, thản nhiên thong thả như người ta lặt sâu ra khỏi rau. Chị bạn ngồi bên tôi phải ôm mặt mấy lần dài theo cuốn phim vì kinh hãi trước những cảnh bạo lực, mà bạo lực không chỉ qua cảnh máu đổ thịt rơi mà cả ở những cảnh nghèo khó, nhếch nhác, ổ chuột, phá thai, chen chúc để sống còn của người dân Hà Nội vốn đã được mệnh danh là chốn ngàn năm văn vật.
Tuy vậy cũng có những cảnh làm dịu người xem, như cảnh Vịnh Hạ Long, rừng thông trong nắng sớm, cảnh núi Tam Đảo mù sương trong mưa. Hoặc hồn nhiên như cảnh Huyền và người bạn trai đứng trong cái thùng của xe cần cẩu được người bạn, một nhân viên của sở điện lực, nâng lên cao ngang mái nhà hai tầng rồi nghịch ngợm bỏ đi, mặc đôi trẻ trên đó không lối xuống, và chịu trận mưa rào. Bên cạnh đó, sự quan tâm của anh bạn hành nghề mãi dâm đối với cô bạn sinh viên ngây thơ gây nơi người xem cảm giác ấm áp về một tình bạn tận tụy, dễ thương, và đây là, với tôi, một đốm lửa sáng và ấm trong toàn phim. Cho nên khi anh bạn này bị công an ruồng bố, phải bỏ của chạy lấy người đến nhà Huyền tá túc trong chiếc áo thun và quần cộc; đã có lúc tuyệt vọng, khi ngồi trên lan can của sân thượng sát bên đường rầy xe điện, đã toan lao mình xuống khi đoàn tầu rầm rập chạy qua gần sát đôi chân đong đưa trong không trung của anh ta, đã khiến tôi thật sự xúc động, thoáng tự hỏi, như thể họ là những nhân vật ngoài đời, rồi đây ai cho Huyền mượn bờ vai để tựa đây.
Tóm lại, kỹ thuật dàn dựng và cấu tạo nhân vật nói lên sự trưởng thành điện ảnh của đạo diễn, mặc dù đây là phim đầu tay của Nguyễn Hoàng Điệp, một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội sau 1975. Được biết “Đập Cánh” đã được Nguyễn Hoàng Điệp ấp ủ trong năm năm, do Vblock Media, một hãng độc lập chuyên về phim nghệ thuật và thử nghiệm do cô và các bạn đồng chí hướng thiết lập, và đồng sản xuất với các cơ quan tài trợ điện ảnh từ Pháp, Na Uy và Đức.
Với tôi, “Đập Cánh” mang trong nó một thông điệp xã hội hùng hồn mà chỉ có một tác phẩm điện ảnh mới đủ kích thước để chuyên chở ra xa, lên cao. Và với tư cách một người thuộc phái nữ, tôi hãnh diện và cả ngạc nhiên trước khả năng chuyên nghiệp và sáng tạo của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp, đã được chứng tỏ bằng nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Cái tâm tình gần như một lời kêu cứu chuyên chở trong “Đập Cánh,” đã cho phép tôi không thể không lạc quan về thế hệ trẻ trong nước đang dần ý thức về chỗ đứng của họ. Như những cuộc biểu tình đòi bảo vệ cây xanh ở Hà Nội gần đây do các bạn trẻ khởi xướng, hy vọng đây là một khởi đầu, dù trễ, cho một phong trào đòi bảo vệ môi trường đã bị phá hoại bởi những chương trình phát triển kinh tế vô tổ chức, vô ý thức do lòng tham hơn là ý muốn cải thiện đời sống của người dân. Bởi vì những người trẻ này sẽ là những người tiếp tục sống trên mảnh đất mà cha ông họ đã tốn bao xương máu để vun xới, phát huy và bảo vệ suốt mấy ngàn năm qua.
‘Master Hóa’s Requiem’ về thảm cảnh thuyền nhân: Giải Phim Ngắn Hay Nhất do khán giả chọn
‘Master Hóa’s Requiem – Võ Sư Hoá Đi Tìm Mộ’ do đạo diễn Scott Edwards thực hiện và hội Vietnamese American Heritage Foundation – VAHF tại Austin, Texas sản xuất. Đặc biệt, cuốn phim tài liệu 33 phút này được rút ra từ một phim dài gần hai tiếng, “VietnAmerica,” ra mắt ngày 17 tháng 5 tại Saigon Performing Art Center, Fountain Valley, Quận Cam, về hành trình đi tìm tự do của người Mỹ gốc Việt nói riêng và của người Việt tị nạn cộng sản nói chung. Bộ phim này là kết quả của công trình 500 Lịch sử Truyền khẩu (oral history) và nhiều chuyến đi nghiên cứu khác của nhà báo Triều Giang Nancy Bùi, hội trưởng VAHF, và các tình nguyện viên. Phim được tài trợ bởi kết quả của những buổi gây quỹ của VAHF tại các cộng đồng của người Việt trên toàn nước Mỹ từ vài năm qua.
Bích chương phim “Master Hoa’s Requiem” (ẢNH VAHF)
Vài cảnh gợi tôi nhớ tới phim tài liệu “Daughter from Danang – Người Con Gái từ Đà Nẵng,” như cảnh ở cuối cùng chuyến đi người đàn ông đi tìm mộ ngồi trên giường trong phòng khách sạn sau khi soạn hành lý cho chuyến trở về, mắt nhìn vào máy thu hình nói về nỗi lòng của mình về chuyến đi.
Trùng Dương– 4/2015
Chú thích:
(*) If All the Ice Melted, National Geographic, September 2013, http://ngm.nationalgeographic.com/2013/09/rising-seas/if-ice-melted-map