Tất nhiên không phải “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài được rất nhiều người đủ mọi lứa tuổi yêu thích. Tôi thì chẳng thích lũ dế mén xổ ra lấm chấm trên nền cỏ sau nhà, khi chiếc máy cắt cỏ vô tình kéo tung lớp củi mục của mấy năm trước tôi phủ lớp đất lên để làm gò đất giả. Thoạt đầu tôi cứ tưởng là lũ kiến đen to bằng hạt lúa nhưng nhìn lại thì đúng là lũ dế con tan tác vì bị phá “nhà”. Giống kiến đen trong mấy cái ổ sau vườn nhà tôi độc lắm, vô tình bị cắn vào chân gây ngứa rát sưng vù. May là ổ dế con hiền lành, chẳng thấy dế mẹ hay dế cha đâu cả.
Mỗi tuần trang trại dế Fluker Cricket bán khoảng 5 triệu con dế
Chắc hẳn dưới gò đất là một vương quốc đủ cả dòng họ nhà dế mấy đời. Nghe nói dế mẹ sau khi đẻ vài trăm trứng thì chết sau vài tuần, không biết đúng như vậy không; còn dế cha làm kẻ giang hồ đi biệt, bỏ lại đàn dế mén tự sinh tồn dưới lòng đất. Có khi đang nhổ cỏ dại, gặp vài con dế nhủi tôi bắt bỏ vào lòng bàn tay để nghe nỗi nhớ tuổi thơ trở về. Dế này nhỏ con có hai cái càng bự, chúng dùng càng nhủi qua kẽ tay gây nhồn nhột tuy có chút khó chịu; nhưng tôi rất thích quan sát tính kiên nhẫn thoát thân của loài dế nhủi. Lũ dế nhủi thật tài tình, bàn tay nắm lại như thế, vậy mà loay hoay một hồi chúng cũng thoát ra kẽ tay rơi xuống và nhủi nhanh vào lòng đất như một cao thủ “ninja” biết phép thần thông độn thổ.
Dế cơm chiên giòn, món ngon dân dã
Tôi có mấy người quen đi du lịch mấy nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia về kể, sang đó ăn thử mấy món côn trùng chiên giòn thấy lạ. Nhất là dế nhủi lăn bột cũng bắt mồi lắm. Côn trùng từ xa xưa đã là một loại thực phẩm thiên nhiên ban tặng cho người làm nông, nhưng có chất đạm hay không chẳng biết. Dế chiên giòn thơm nức mũi, kích thích vị giác, ăn chơi rất thú vị. Nhưng tôi nghĩ không phải dế nhủi mà là dế cơm. Dế nhủi nhỏ con hơn dế cơm. Dế cơm có con to gần bằng ngón tay cái, vác cái bụng bự, đôi cánh nhỏ, lại khoái bay đến những nơi sáng ánh đèn khuya. Con dế cơm coi to xác như vậy chứ chúng yếu xìu xiu. Yếu mà còn ham ra gió, bởi đôi cánh nhỏ và mỏng tang nên khi chạm mấy bóng đèn đường nóng hổi, đôi cánh quéo lại rơi xuống đất lộp độp. Tụi dế cơm bay không nổi đành nằm lăn ra đó chờ những người thích “săn tìm” dế cơm bắt bỏ vào bao.
Kể chuyện dế cơm chơi cho vui, vậy cũng khiến mấy người bạn sống ở thành phố của tôi cứ lao xao như bắt được nỗi nhớ rơi qua kẽ tay từ thời niên thiếu. Nhớ lại cái thuở đi bắt dế cơm dọc theo mấy cột đèn đường. Có người chẳng thèm đi đâu cả, cột đèn ngay cạnh nhà. Cứ thế là lũ dế cơm say mê ánh đèn “sân khấu” lộ thiên lao ngay vào rơi đầy ban công, tha hồ ra lượm đầy cả rổ để ngày mai nhét hạt đậu phộng vào bụng con dế cơm đem nhúng nước mắm chiên giòn. Còn ở nhà quê sau vụ mùa, khi những cánh đồng còn trơ gốc rạ là lúc bọn trẻ ra đồng bắt dế về để chế biến những món ăn ngon. Đủ các loại dế, nhưng ngon nhất là giống dế cơm béo ú; dế sữa còn nhỏ béo ngậy. Dế bắt về bỏ phần gai chân, giữ lại phần đùi, bỏ cánh, ngắt nhẹ phần đuôi, nặn hết ruột ra, rửa lại vài lần với nước sạch để ráo, lăn qua bột chiên vàng trên chảo dầu nóng. Chỉ đơn giản là vậy, nhưng khi ăn bạn mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon của nó. Cắn nhẹ một con dế, cảm nhận cái giòn rụm của lớp bột bên ngoài, phần dế bên trong béo ngậy, món ăn thêm ngon miệng khi ăn kèm với rau thơm, dưa leo, cà chua cùng chén nước mắm ớt tỏi đậm đà, hoặc chén tương ớt. Tôi nghe mấy người bạn sành ăn côn trùng tả thôi, chứ chưa bao giờ tôi được ăn dế cơm chiên giòn.
Dế mén lúc còn nhỏ, trưởng thành sau 5 tuần nuôi
Khi không bỗng dưng nói đến dế cơm làm chi cho lòng chợt nhớ hình bóng của con dế nhỏ. Ông bạn già tôi nhớ chuyện thời bé ở quê cùng thằng bạn khoái đi bắt dế ở những cánh đồng khô mùa nắng. Có lần, hai thằng cặm cụi đổ nước vào lỗ cho con dế ngộp nước bò ra. Dế đâu chẳng thấy mà thấy con rắn bò ra thè lè cái lưỡi. Hai thằng bỏ chạy sút quần, mặt mày xanh như tàu lá. Kỷ niệm xưa chợt về trên nét mặt già nua, như tôi bồi hồi bắt gặp đàn dế mén tan tác sau lưỡi dao cắt cỏ. Tụi dế mén này bắt đem nuôi chừng một tháng sẽ lớn phổng phao.
Tôi đọc một vài tài liệu thấy nuôi dế không khó chút nào. Không gây ô nhiễm môi trường, không lo chúng gây ồn ào khi đói, không tốn nhiều công sức chăm sóc. Và đó là món lợi nhuận thu lại khá nhiều, nếu không nói là một vốn bốn lời. Nghe thật hấp dẫn. Thử làm một bài tính kinh tế nuôi dế kiểu Việt Nam chơi cho vui một chút. Nuôi dế không cần dọn chuồng, với cách nuôi này thì chỉ cần một người có thể nuôi được 50 thùng. Và chỉ cần nuôi trong vòng 35 ngày là có thể bán được, với chi phí cho 1kg dế mén là 35,000đ bán ra với giá 150,000đ vậy là lời 115,000đ/kg, nếu bạn nuôi 50 thùng với mỗi thùng cho ra 10kg. Như vậy mỗi đợt nuôi bạn sẽ có 500kg vị chi lời mỗi tháng 57,500,000đ (gần 2,700 đô la). Vậy còn chần chờ gì nữa. Nào bắt tay làm giàu thôi! Tuy nhiên có một điều làm tôi suy nghĩ, vòng quay nuôi dế nhanh hơn gà công nghiệp, dễ nuôi như thế, sao mọi người không đi nuôi dế hết để làm triệu phú?
Nhưng tôi chẳng có kế hoạch biến mảnh vườn sau nhà thành trang trại nuôi dế như trang trại Fluker Cricket bên bia sông Mississippi ở phía Tây thành phố Baton Rouge. Lần đầu tôi nghe đến trang trại này từ phía các trang trại nuôi dế ở Việt Nam. Có chủ trang trại ăn nên làm ra, lặn lội đến Mỹ tìm mua dế giống với mục đích nhân giống nuôi để cung ứng thực phẩm dế cho các nhà hàng chế biến. Dế ta chắc nhỏ con nên người ta đi tìm dế Mỹ. Hẳn nhiên, trang trại nuôi dế ở Mỹ không phải cung ứng thịt dế cho nhà hàng mà cung ứng “thịt dế” sống cho những tiệm bán thú nuôi, hoặc người ta mua về cho các loài bò sát, nhím gai và các loài chim ở các vườn thú.
Chủ trang trại dế Fluker Cricket giới thiệu dế cho khách mua
Và tôi rất ngạc nhiên khi biết mỗi tuần trang trại Fluker Cricket đưa ra thị trường tiêu thụ trên khắp nước 5,000,000 con dế. Bạn có thể hình dung nó nhiều đến mức nào đối với một trang trại nuôi côn trùng ở Baton Rouge (tùy theo kích cỡ và số lượng mỗi con có giá từ 2 đến 10 cent). Đây là một trang trại có quy mô lớn, nuôi dế và các loài sâu bọ khác bán ra theo đơn đặt hàng của các công ty hoặc các cơ quan quản lý vườn thú trên Hoa Kỳ. Ngoài ra dế còn được xuất cảng sang các nước châu Á để nhân giống. Trang trại này ra đời từ những năm năm mươi theo truyền thống gia đình và tồn tại đến ngày nay. Và nguyên thủy khởi nghiệp chỉ là một trang trại nhỏ nuôi côn trùng để làm mồi câu cá. Trải qua từ đời cha đến đời con, mỗi năm trang trại càng phát triển, hiện có hơn hai mươi nhân viên làm công việc nuôi côn trùng, đặc biệt là loài dế nâu (Bait Cricket) dễ nuôi, chóng lớn nhờ bằng thực phẩm do chính trang trại sản xuất.
Ngoài trang trại Fluker Cricket, ở một vài tiểu bang miền Trung Tây Hoa Kỳ còn có một số cơ sở nuôi dế và côn trùng với quy mô nhỏ hơn. Fluker Cricket kết hợp nghiên cứu các loài dế với các nhà khoa học côn trùng tại Louisiana. Nhằm gây giống mới với loại dế Jamaica nhiệt đới có thể chịu được những thay đổi nhiệt độ trong việc vận chuyển đến tận những tiểu bang miền Bắc. Tuy nhiên, những nghiên cứu này còn bị hạn chế vì không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ loài dế nâu thuần chủng trong nội địa. Nhất là đối phó với những trận dịch virus có thể làm mất khả năng sinh sản của loài dế khiến chúng bị hoảng loạn và chết đột ngột hàng loạt. Cách đây gần hai năm, tại Oklahoma City từng xảy ra nạn dịch “tự sát” của loài dế, giống như cảnh trong phim kinh dị. Dế từ đâu bay về bu đầy cột điện, nhà dân và các tiệm buôn bán, làm đình trệ sinh hoạt và gây ô nhiễm môi trường vì xác dế dồn hàng đống bên lề đường.
Đọc tài liệu hướng dẫn nuôi dế của trang trại Fluker Cricket mới biết, dế là loài côn trùng dễ nuôi nhưng không có nghĩa là nuôi được quanh năm (như một số người nghĩ). Trong năm hầu hết đều có giai đoạn nghỉ. Ở vài thời điểm trong năm, nuôi dế không đạt kết quả mong muốn vì tiềm năng sinh sản giảm cũng như việc khử trùng chuồng trại khó khăn. Như vậy, nuôi dế mén không phải là chuyện làm chơi ăn thiệt. Không có chuyện dễ như bài tính nuôi dế ở trên.
Lo nói chuyện con dế mén mà không nói đến chuyện dế lửa dế than là loài dế đá là điều thiếu sót. Chẳng qua chưa bao giờ tôi bắt được loài dế đá thân quen sau bao nhiêu năm sống ở xứ người. Xứ này toàn là dế nâu (người Việt mình gọi là dế mọi). Chắc nhiều người đều có những kỷ niệm thời còn đi học với loại dế phùng cánh oai phong kêu “rét rét” tối ngày này. Tới đây bài đã dài vì vậy tôi xin tiếp tục câu chuyện đá dế vào kỳ tới.
“Dịch dế” hoành hành tại Oklahoma cách đây hai năm
NT