Menu Close

Tấm ảnh chân dung thầy mẹ tôi

Ông nội tôi quê ở làng Vân Ðồn, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh, là một nhà Nho hương chức trong làng có ba người con toàn là trai. Ông bỏ tiền ra mua cho ba người con chức chánh tổng, đây không phải là một chức sắc, mà chỉ có ý nghĩa mỗi khi có hội họp hay tiệc tùng trong làng, được ngồi ở chiếu trên, chỉ vì sĩ diện nhà nho đất Bắc.

Người miền Bắc thường gọi thân sinh ra mình là Thầy Mẹ. Thầy tôi con trưởng tên là Nguyễn Văn Nhâm nên thường gọi là Chánh Nhâm. Hai em của ông được gọi là Chánh Thị, Chánh Dũng. Thầy tôi cao trên một mét tám mươi, ông là một đô vật của làng, ngoài ra còn là một thầy đồ dạy chữ Nho. Thầy tôi là ông đồ dạy chữ vào thời buổi:

Cái học nhà Nho đã hỏng rồi,

Mười người đi học chín người thôi…

Học trò chỉ dăm ba đứa trẻ trong làng, nghề nông lại không biết nên Thầy tôi quá nhàn rỗi bèn rủ rê hai người bạn mở sòng bài. Trong vài tháng nhà cái thắng hết, dân làng chạy dài, ba ông buồn tình ngồi sát phạt với nhau. Thầy tôi thua cháy túi, phải bán ruộng của ông nội tôi để trả nợ. Sợ bị đánh đòn, Thầy tôi lên tàu trốn vào Nam thời kỳ thực dân Pháp đang mộ phu vào miền Nam khai khẩn đồn điền cao su năm 1927.

Vào Nam, Thầy tôi lang thang từ Nha Trang đến Sài Gòn sang tận Nam Vang. Người Campuchia lúc bấy giờ sống rất thật thà, chợ bán xong chỉ che đậy lại rồi ra về chớ không dọn hàng. Heo bán chặt bỏ đầu, người Việt đem về làm giò thủ, bán đắt như tôm tươi. Tại Nam Vang, Thầy tôi ở trong nhà một người cháu mở tiệm đóng giày. Rong chơi mãi tiền trong túi cũng hết, ông học nghề đóng giày để sinh sống qua ngày. Vài năm sau ông trở về Bắc, vui sống với một người vợ họ Hoàng, ông bà có với nhau một người con gái, vợ chết sớm, ông cưới Mẹ tôi người làng An Lá cùng quê Nam Ðịnh. Mẹ tôi đứng chưa tới vai ông, nhỏ nhắn xinh đẹp, răng đen chít khăn nhung. Ông nội tôi phản đối vì không môn đăng hộ đối nên Thầy tôi đưa Mẹ tôi vào Nha Trang lập nghiệp. Thời đó Nho giáo vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong xã hội mà Thầy tôi vốn là một nhà Nho nên việc ông vào Nam mang theo người mình yêu quả là một hành động phi thường, trong đó thắm nhuộm biết bao tình yêu và nghị lực của một người trai trẻ.

Ðến Nha Trang, Thầy tôi thuê một căn nhà ba gian của người Hoa trên đường Ðộc Lập, bây giờ là đường Thống Nhất, mở hiệu đóng giày Phước Thành ở giữa, hai bên cho hai người em kết nghĩa mở hiệu thêu và sửa xe đạp. Ðường Ðộc Lập lúc đó lưa thưa vài căn nhà, đêm đến còn nghe tiếng cọp gầm. Ngoài việc đóng giày dép, với mớ chữ Nho lận lưng, ông làm thêm liễn đối hiếu hỷ, hoành phi câu đối, dùng trong việc mừng nhà mới, ma chay. Thầy tôi nổi tiếng văn hay chữ đẹp, nên thường được các chùa, đình, miếu xin chữ để khắc câu đối. Thỉnh thoảng ông lại lấy số tử vi cho bạn bè. Vào những dịp đầu năm mới khi xuân về, tôi thường thấy Thầy tôi mặc áo dài the, đầu đội khăn đóng, chân mang giày hàm ếch trịnh trọng khai bút:

Minh niên khai thần bút.

Vạn sự đại cát sương.

Gia đình tôi có bảy anh chị em, bốn trai ba gái, đều sinh ra tại Nha Trang. Chú út trai cao nhất, vậy mà chỉ đứng tới tai Thầy tôi. Ðối với người Bắc, tôi coi như là trưởng nam (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô). Tôi sinh năm Nhâm Ngọ, tuổi con ngựa, giờ Mão, ngựa ra chuồng nên chạy rong suốt đời, thân cư thê, cung nô bộc bị tuần triệt nên không có nhiều bạn bè, khó nuôi dạy người giúp việc hay học trò. Còn chú Khang là em kế tôi, đào hoa cư mệnh, có sao thai phụ chiếu, nên có rất nhiều đào.

Nha Trang đất lành chim đậu, người dân bốn phương tụ về càng ngày càng đông, nhiều nhất là người Huế, người Bắc… Ðể phụ giúp gia đình, Mẹ tôi bỏ tiền ra “đùm nậu” giúp vốn cho các bạn chài làm nghề biển bên xóm Bóng.  Mỗi khi ghe biển về, Mẹ tôi qua phụ họ bán hàng, tính tiền. Mẹ tôi một chữ bẻ cong không biết, nhưng tính toán nhân chia nhanh hơn chúng tôi nhiều. Thơ Kiều Mẹ thuộc cả ngàn câu, lẩy Kiều không hề thua chị kém em. Lời ru con của Mẹ tôi bên chiếc nôi mây dạt dào như sóng biển, lồng lộng như gió ngàn, những câu ca dao tục ngữ tràn đầy vào giấc ngủ của anh chị em tôi trong những ngày thơ ấu.

Nhờ các bạn chài, chúng tôi luôn có cá tôm tươi trong bữa cơm. Mẹ tôi nấu cá thu cá ngừ để ăn với bún thì không chê vào đâu được, còn nếu kho cá nục, cá cơm ăn với cháo trắng thì hết ý, riêng món dưa cải chua bà muối để nấu canh thì lúc nào cũng phải nấu thêm cơm.

Thầy tôi, một bóng cả như ngọn núi Văn Dú trong truyện Vàng và Máu của Thế Lữ, sừng sững bao quát cả cuộc đời của chúng tôi. Ông tham gia vào hội Bắc Việt ái hữu, là đông xướng (phía bên phải chánh tế) trong những ngày giỗ Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo Ðại Vương tại ngôi đền thờ Ngài ở cuối chợ Ðầm Nha Trang.

Năm 1962, tôi vào học đại học Khoa Học Sài Gòn, ở trọ tại nhà một người em họ đối diện nhà thờ Tân Ðịnh. Mỗi ngày tôi đạp xe hai buổi đến trường và đi dạy thêm ở trường trung học Bồ Ðề gần chợ Cầu Muối. Thỉnh thoảng Thầy tôi vào Sài Gòn mua hàng của người Hoa Chợ Lớn. Chúng ta phải học tập cách buôn bán uy tín của người Hoa. Thầy tôi chỉ cần chọn hàng xong rồi ra về, họ sẽ đóng gói gởi theo “chành,” không hề mất mát hay thay đổi giá trị món hàng bao giờ. Vài tháng tôi lại viết thư về nhà, lời thăm hỏi thì ít, tái bút thiếu tiền xin thêm thì nhiều. Thầy Mẹ tôi thương con trẻ đi học xa nhà, gởi tiền cho con mua xe gắn máy đỡ chân. Tôi mang tiền đi mua một chiếc máy ảnh Nikon đầu chùa chụp phim 35mm. Tôi đem máy đi chụp ta bà tứ xứ, hết gia đình phật tử Ấn Quang đến đoàn sinh viên phật tử Sài Gòn, đoàn văn nghệ sinh viên đại học Vạn Hạnh, từ những cuộc xuống đường của Phật giáo đến các cô học sinh phật tử Gia Long. Tôi theo học lớp nhiếp ảnh của Hội Việt Mỹ Sài Gòn năm 1970 và lần đầu tiên trong đời tôi đoạt được huy chương nhiếp ảnh. Tôi mê mải rong chơi, vẫn ngây thơ tin rằng Thầy tôi sẽ dõi theo tôi suốt cuộc đời mà quên đi chuyện sinh ly tử biệt của một đời người. Tôi đã có được hạnh phúc lớn lao nhất, trong những điều hạnh phúc mà không phải ai cũng có được, đầy đủ đấng sinh thành khi đã bước qua tuổi tam thập nhi lập, cho tới khi tôi được tin Thầy tôi mất vào cuối năm 1975, thọ 83 tuổi. Tôi về chịu tang chỉ thấy trên bàn thờ tấm hình chân dung của Thầy tôi do photo Sanh ở Nha Trang chụp lúc ông khoảng 60 tuổi. Tôi chưa bao giờ chụp chân dung Thầy tôi, chỉ chụp vài ba ảnh sinh hoạt gia đình vào dịp Tết, nhưng để có một tấm ảnh chân dung đặt trang trọng lên bàn thờ thì không.

Thầy vội về đi

Bỏ vợ bỏ con bỏ làng bỏ nước

Bỏ hết thầy tu con hát

Bỏ cả trần gian trong một cuộc…

Giờ đây khi lập gia đình, có con, tôi mới thấu hiểu nỗi khó nhọc của Thầy Mẹ, các ông bà cụ ngày xưa sinh rất nhiều con với quan niệm càng đông con nhà càng có phúc. Chị em tôi đều được cắp sách đến trường, bốn người học Võ Tánh, Nữ Trung Học, những người còn lại học ở tư thục Kim Yến, Bồ Ðề. Sau này có hai người chọn nghề gõ đầu trẻ là chị Khánh tôi dạy ở trường tiểu học Bồ Ðề và cô Hảo, em gái kế Khang, tốt nghiệp đại học văn khoa Ðà Lạt về dạy văn ở trường Lý Tự Trọng Nha Trang (Võ Tánh cũ), Hảo cũng chính là cô giáo dạy vỡ lòng a b c cho Mẹ tôi.

Anh chị em chúng tôi ngoài việc được đi học, cái ăn cái mặc lúc nào cũng đầy đủ mới biết lòng Thầy Mẹ bao la hơn biển. Biển có khi hiền hòa khi giận dữ, nhưng cha mẹ lúc nào cũng muốn ôm con vào lòng dù con mình có lầm lỗi đến đâu. Tôi vẫn thầm mong được trở về bên Thầy tôi với lời tạ tội của đứa con bất hiếu, chắc ông phải cúi xuống thật sâu để xoa đầu đứa con khờ dại. Tôi đã mang nỗi đau ân hận ấy một quãng thời gian thật dài đi bên cạnh Mẹ tôi, một người vợ giờ đây phải thay chồng nuôi con, trong người lại mang một chứng bệnh nan y: ung thư vú.

Tôi đã có dịp chụp chân dung Mẹ tôi nhân dịp bà vào thăm khi vợ chồng tôi có đứa con thứ hai. Gần trưa Thảo cầm viên Sài Gòn chìm trong yên lặng, Mẹ tôi ngồi đó, tất cả chuỗi ngày gian nan vất vả đọng lại trên đôi vai nhỏ bé của bà, một vài nếp nhăn trên trán, chiếc khăn nhung quấn quanh đầu, như một dấu tích của người miền quê đất Bắc… Tôi đã nhìn bà thật lâu để rồi lặng lẽ bấm máy. Tôi chỉ chụp vài kiểu phim cho bao năm dài chờ đợi và may mắn thay hạnh phúc đã mỉm cười.

Mẹ tôi mất năm 1987 sau bao năm tháng chống chọi với bệnh tật, khi chúng tôi vừa sinh đứa con thứ ba Thái Bình, bà chưa một lần nhìn thấy mặt cháu.

Những năm tháng sau đó, gia đình tôi chỉ trở về Nha Trang vào dịp giỗ Thầy Mẹ thay vì rất nhiều lần như trước kia.

Mộ Thầy tôi được chôn ở nghĩa trang Bắc Việt Ái Hữu gần Tháp Bà Nha Trang, sau này được cải táng đem về bên cạnh mộ Mẹ tôi ở nghĩa trang Phật giáo Suối Dầu nằm gối đầu vào dãy Trường Sơn. Có dịp về Nha Trang, tôi thường chạy xe lên thăm, ngồi bên cạnh mộ Thầy Mẹ, nghe gió rừng tràn về trong ngàn lau trắng xóa, dường như Thầy Mẹ tôi cũng đang nhớ nhà, nhớ con.

Tôi, nguyên quán tại miền Bắc: thành phố Nam Ðịnh, sinh quán miền Trung: thành phố Nha Trang, trú quán miền Nam: thành phố Sài Gòn, đã đến với nhiếp ảnh như một niềm vui nhưng không ngờ lại trở thành nghiệp duyên theo cả cuộc đời. Tuổi Ngọ, giờ Mão, ngựa ra chuồng là phải chạy như thầy tôi đã bảo. Khi chọn nghề phóng viên ảnh, tôi thường ăn cơm đường cháo chợ nhiều hơn cơm nhà. Tôi đã đeo máy ảnh đi suốt chiều dài đất nước, đặt chân đến các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, ghi vào ống kính của mình biết bao hình ảnh từ chân dung những cụ già người dân tộc miền núi sống lâu trăm tuổi đến các trẻ thơ miền biển tươi cười trong nắng sớm, chân dung các cô thiếu nữ mười tám đôi mươi đang chào đón xuân về, chân dung các em bé tật nguyền vẫn lao vào cuộc sống với những ước mơ tươi đẹp cho ngày mai. Những bức ảnh chân dung cuộc sống đời thường ấy đã được bạn bè trong nước và quốc tế đón nhận, vậy mà có một tấm ảnh: Tấm Ảnh Chân Dung Thầy Tôi thì tôi lại chưa bao giờ chụp được dù có đi suốt quãng đời còn lại.

alt