Súng đạn là một phần trong văn hóa của người Mỹ, cho nên không ngạc nhiên khi thấy súng đạn được bày bán tự do như một mặt hàng bình thường. Người mua chỉ cần có đủ các điều kiện về tuổi quy định, không có tiền sử phạm tội hoặc bệnh tâm thần và được cảnh sát cho phép thì có thể mua súng và được cấp giấy phép sở hữu súng. Sau khi đối chiếu với hệ thống hồ sơ lưu trữ về nhân thân, cảnh sát sẽ trả lời có cho phép hay không, còn nếu thấy có vấn đề, cảnh sát lập tức đưa người đó về đồn thẩm tra.
Văn hóa súng đạn
Các nhà lập pháp coi việc sở hữu súng là quyền căn bản của con người, chỉ sau quyền tự do ngôn luận. Hiến pháp Mỹ thông qua Luật sở hữu súng thuộc Luật về Quyền cá nhân vào năm 1791, cho phép người dân có thể mang chúng tới bất cứ đâu. Ngày nay, quyền sở hữu súng vẫn luôn nhận sự đồng tình của đa số người dân bởi họ coi đây là cách thể hiện quyền tự do dân chủ. Hơn một nửa số tiểu bang đã chấp thuận Luật sở hữu súng. Ở một số tiểu bang khác, người dân chỉ được dùng loại súng có tính sát thương thấp và phải giữ chúng tại nhà.
Cuộc thảm sát bằng súng tại Trường tiểu học Sandy Hook, là một trong những thảm kịch sở hữu súng
Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua năm 1789 chỉ có bảy điều nhưng lại có tới 27 tu chính án, trong đó tu chính án số II có tiêu đề Quyền giữ và mang vũ khí, bảo đảm các công dân Mỹ có quyền sở hữu và mang súng. Về sau chính quyền tán thành Học thuyết Castle, tức học thuyết chủ trương cho phép cá nhân được tự vệ chính đáng kể cả sát thương thay vì rút lui khi bị tấn công và thể hiện nó bằng luật Stand your Ground (Đứng nguyên tại chỗ, nếu không tôi sẽ bắn), tức luật cho phép nổ súng khi bị đe dọa.
Với người Mỹ, ngoài lý do phòng vệ cá nhân, việc sở hữu súng còn gắn với “văn hóa súng đạn”. Theo Wikipedia, nhóm chữ “văn hóa súng đạn” xuất hiện lần đầu tiên trong một bài báo năm 1970 của nhà sử học Richard Hofstadter. Năm 1995, nhà khoa học Robert Spitzer cho rằng, “văn hóa súng đạn” hình thành trên 3 yếu tố: sự gia tăng về số lượng vũ khí tại Mỹ theo thời gian, mối liên hệ giữa quyền sở hữu vũ khí cá nhân và lịch sử giải phóng dân tộc. Nguồn gốc của “nền văn hóa” này xuất phát từ thời nội chiến (1861-1865) với khẩu hiệu nổi tiếng: “Abraham Lincoln giải phóng con người, nhưng Samuel Colt mới đem lại bình đẳng”.
Samuel Colt chính là người đầu tiên chế ra súng lục ổ xoay. Ông nổi tiếng đến mức người ta gọi tất cả súng ngắn là Colt. “Văn hóa súng đạn” thể hiện rõ khi người ta có thể thấy loại vũ khí này được bày bán khắp nơi như nhiều loại hàng hóa khác. Theo The Guardian, người mua chỉ cần có đủ các điều kiện về tuổi quy định, không có tiền án, không mắc bệnh tâm thần và được sở cảnh sát cho phép thì có thể mua súng và nhận giấy phép sở hữu chúng. Thậm chí, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (National Rifle Association of America – NRA) còn tổ chức triển lãm thường niên để người dân học cách ngắm bắn và mua những khẩu súng mà họ thích.
Thời xưa, khi việc người dân sở hữu súng chưa gây ra lắm rắc rối thì NRA chủ yếu mở các khóa huấn luyện cách sử dụng súng an toàn, kỹ thuật bắn súng và săn bắn. Từ thập niên 60 của thế kỷ 20 trở đi, khi nhiều người Mỹ lên tiếng đòi kiểm soát súng thì NRA đã từ vai trò câu lạc bộ những người yêu súng trở thành đoàn thể chính trị phản đối việc cấm súng. Ngày nay NRA có 4.3 triệu hội viên và là một trong những đoàn thể có thế lực nhất nước Mỹ. Có tới tám Tổng thống Mỹ từng là thành viên NRA: Grant, T. Roosevelt, Eisenhower, Kennedy,
Nixon, Reagan, G.H.W. Bush, đặc biệt ông Tổng Thống Bush (George W. Bush) được coi là tổng thống thân thiện nhất với súng.
Súng đạn là một phần của văn hóa Mỹ từ thời lập quốc
Khi trong tay có súng
Chính việc sở hữu súng dễ dàng như vậy nên đã hình thành một thứ “văn hóa súng đạn” tại Mỹ, được cổ súy bởi một bộ phận không nhỏ giới thanh niên bất mãn, có vấn đề tâm lý trong cuộc sống hiện đại nhưng không được xã hội quan tâm đúng mức. Kết quả là sự tồn tại của quyền sử dụng súng là sự hình thành băng nhóm cũng phát triển mạnh mẽ. Việc sử dụng súng để thanh toán lẫn nhau là khá phổ biến trong giới tội phạm. Vì vậy, tuy hiện có 38 tiểu bang cấm mang súng vào trường trung học và 16 tiểu bang cấm mang vũ khí vào đại học, nhưng luật nhìn chung vẫn lỏng lẻo và không nhất quán.
Còn nhớ vụ thảm sát ở Trường Tiểu học Sandy Hook tại tiểu bang Connecticut hồi cuối năm 2012 là một trong những vụ thảm kịch tồi tệ nhất cho đến hiện nay, mà nạn nhân phần lớn là trẻ em, đã khiến cả nước bàng hoàng và giận dữ. Đặc biệt với các bậc phụ huynh có con nhỏ, chắc chắn phải mất một thời gian dài mới vượt qua được tâm trạng bất an, lo lắng từng ngày khi đưa con đến trường và ngóng đợi đến giờ đón con, cho tới khi có thể nguôi ngoai. Còn đối với những con chim non ở trường tiểu học này, nỗi ám ảnh hãi hùng sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ không biết đến bao giờ mới phai nhạt.
Người bán súng lập hồ sơ khẩu súng của khách hàng mua
Ngay sau cuộc thảm sát, dân biểu Cộng hòa Louis Gohmert lập luận rằng vấn đề không phải là một quốc gia tràn ngập súng mà là công dân không được trang bị súng đầy đủ. Ông cho rằng các nạn nhân trong vụ nổ súng tại Trường Sandy Hook có lẽ đã được cứu, nếu giáo viên được mang súng đến trường. Ông nói: “Nghe câu chuyện về hành động anh hùng của vị hiệu trưởng, tôi ước gì bà ấy có một khẩu súng trong văn phòng. Như vậy khi nghe tiếng súng bà sẽ cầm súng trên tay, mà không phải lao ra, một cách anh hùng, với hai tay không”.
Nhiều người cho rằng thông thường cảnh sát chỉ đến hiện trường sau khi đã xảy ra hành động phạm tội, vì thế khi trong tay có súng là cách tự vệ tốt nhất của người dân khi đối mặt với hung thủ. Đồng tình với quan điểm tự do sở hữu súng, anh T.D chủ cửa hàng tạp hóa tại thành phố Fort Worth, TX nói: “Khi sự việc xảy ra, cảnh sát có đến cũng chỉ lấy lời cung nhân chứng hỗ trợ cho việc điều tra, chứ còn kẻ thủ ác đã cao bay xa chạy. Trước kia khi chưa làm chủ cửa tiệm, tôi không ủng hộ việc tự do sở hữu súng. Tôi cho rằng, chẳng cần thiết khi mua về nhà một khẩu súng chỉ để đem cất vô tủ. Nhưng khi tiệm tôi bị cướp cách đây mấy năm trước, tôi mới thấy có khẩu súng trong tay thật là cần thiết. Lần đó kẻ cướp chĩa súng vào tôi chỉ lấy đi vài trăm bạc trong két. Tên cướp lăm lăm khẩu súng trong tay, chẳng biết thật giả thế nào, lúc đó hồn vía lên mây. Sau khi định thần, tôi nghĩ là súng giả nhưng cũng chẳng dám phản kháng, rủi súng thật thì toi đời. Bây giờ, tôi có khẩu súng cất dưới kệ phòng thân, thấy an tâm hơn. Hình như người Việt mình ít sở hữu súng, khóa học bắn súng tôi học năm rồi, tôi thấy toàn người Mỹ”.
Hiện một số chính khách Quốc hội lên tiếng chống việc sở hữu súng đạn và Tổng thống Obama vận động nhiều kế hoạch kiểm soát súng phối hợp với các ngành giáo dục, y tế và tư pháp nhằm hạn chế những tai họa từ việc tự do sở hữu súng đạn. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ bất khả thi. Thứ nhất, đa số người Mỹ ủng hộ việc sở hữu súng. Đó là chưa nói phần lớn chính khách Mỹ đều mê súng. Thứ hai, Hội NRA, mà đứng sau nó là những tay buôn súng có máu mặt, là một tổ chức có đủ tài chính và thực lực để triệt hạ bất cứ một dự luật hoặc bất cứ mưu đồ nào làm tổn thất đến lợi ích ngành công nghiệp súng ống. Thứ ba, muốn chống súng hữu hiệu, nhất thiết phải sửa quy định sử dụng súng trong Hiến pháp, bởi theo Điều 5 Hiến pháp Hoa Kỳ, phải có đủ 2/3 số thành viên của Hạ viện và Thượng viện xét thấy cần thiết, hoặc theo yêu cầu của cơ quan lập pháp ở 2/3 các tiểu bang thì Quốc hội mới được sửa đổi Hiến pháp. Điều này gần như không bao giờ xảy ra.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein kêu gọi thực thi cấm súng đạn
TN