Menu Close

Bệnh cũ, chuyện mới: Measles

Measles hay “sởi” hoặc “ban đỏ” gọi theo tiếng Việt là một chứng bệnh trẻ em hiện diện từ xa xưa nhưng trong suốt mấy thập niên 1971 – 2000 từ khi có thuốc chủng ngừa, sự hiệu quả của thuốc chủng ngừa đã khiến nhiều đứa trẻ sinh trưởng tại Huê Kỳ và nhiều phụ huynh chẳng hề thấy mặt mũi căn bệnh này.

Hàng năm, theo bản tường trình của CDC, khoảng 60 người Huê Kỳ bị “lên sởi” (nhiễm trùng khi thăm viếng đường xa xứ lạ) nhưng năm nay, căn bệnh này lại trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của bá tánh từ ông tông tông đến những bà mẹ trẻ đang lo âu vì con ốm đau. Tạm hiểu là ban đỏ không còn thuần túy là đề tài về y tế mà đang trở thành nỗi bận tâm về tự do cá nhân bị thu hẹp vì sức khỏe cộng đồng.

Trong năm 2014 đã có 644 ca bệnh tại Hoa Kỳ, đây là con số cao nhất từ năm 2000 khi measles được xem là bị “xóa sổ” qua chương trình chủng ngừa hữu hiệu. Năm nay, 2015, chỉ nội trong Tháng Giêng đã có 102 ca measles từ 14 tiểu bang và các nhà Dịch Tễ Học, epidemiologist, cho rằng việc cha mẹ không cho con cái chủng ngừa là nguyên nhân của sự lan tràn measles.

Measles được mang vào Hoa Kỳ từ khách thăm viếng (trong thời kỳ “ủ bệnh”), tiếp xúc với người chưa chủng ngừa và truyền bệnh. Khởi đầu từ một vài người nhiễm trùng đi chơi Disney Land, từ đây, căn bệnh lan tràn nhanh chóng khi khách đường xa về lại nơi sinh sống, mang theo mầm bệnh và truyền bệnh cho những người khác.

Measles do siêu vi khuẩn gây ra. Siêu vi khuẩn này tăng trưởng trong các tế bào lót cuống họng và khí quản, phổi. Khi nhiễm trùng, thoạt tiên bệnh nhân lên cơn sốt, sổ mũi, ho. Sau đó khoảng 2 ngày, bệnh nhân chảy nước mắt sống, đau ê ẩm khắp thân thể và trong miệng nổi những vệt trắng li ti trong miệng. Khoảng 3-5 ngày kế tiếp, khắp mình mẩy nổi mề đay (rash) nâu đỏ, bắt đầu từ mặt mũi rồi lan xuống khắp người; cơn sốt có thể lên đến 104 độ F khi nổi mề đay.

Khoảng 10% trẻ em bị measles cũng bị viêm tai, 5% bị sưng phổi (pneumonia), 1/1,000 bị viêm não bộ và 1-2/1,000 đứa trẻ bị measles chịu tử vong.

Người lớn hiếm khi bị measles, nhưng phụ nữ khi mang thai bị nhiễm trùng có thể hư thai hoặc sanh non.

Hằng năm, trên thế giới có khoảng 20 triệu ca nhiễm trùng và 164,000 người tử vong vì measles. Đa số các ca tử vong xảy ra tại Ấn Độ.

Measles truyền nhiễm dễ dàng và nhanh chóng, thời gian ủ bệnh (incubation) khoảng 28 ngày. Siêu vi khuẩn có thể truyền bệnh 4 ngày trước khi bệnh nhân nổi mề đay (để định bệnh “lên sởi”) và 4 ngày sau khi nổi mề đay. Tạm hiểu là trong thời gian nay, siêu vi khuẩn lan truyền rất nhanh, 90% những người chưa chủng ngừa nếu gần gũi với bệnh nhân đều bị nhiễm trùng.

Siêu vi khuẩn lan truyền qua không khí, khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, các mảnh đờm rải li ti thải ra không khí. Người chung quanh hít thở cùng không khí nên bị lây bệnh.

Trước khi có thuốc chủng ngừa, hầu hết mọi đứa trẻ đều bị lên sởi từ sơ sinh cho đến dậy thì, tuổi 15. Mỗi năm tại Hoa Kỳ, khoảng 450 – 500 người tử vong vì nhiễm trùng siêu vi khuẩn measles; 48,000 người phải vào bệnh viện để chữa trị; 7,000 người bị làm kinh co giật và khoảng 1,000 người chịu bại não hoặc điếc luôn sau trận viêm não bộ, biến chứng từ nhiễm trùng measles.

Khi đã bị ban đỏ, cơ thể tạo ra sức đề kháng và sẽ không bị nhiễm trùng nữa. Do đó việc chủng ngừa (mang siêu vi khuẩn vào cơ thể với một lượng rất nhỏ, chỉ đủ để tạo kháng thể mà không gây bệnh) vô cùng quan trọng.

Trong thập niên 80-90 vừa qua, đã có những bài viết cho rằng thuốc chủng ngừa liên quan đến chứng tự kỷ (autism). Từ đó, đã có khá nhiều phụ huynh không cho con em chủng ngừa.

Thuốc chủng ngừa ban đỏ (measles), quai bị (mumps) và rubella có tên tắt là MMR được phép sử dụng từ năm 1971. Khoảng 10 triệu liều thuốc này đã được sử dụng tại Hoa Kỳ. Cách sử dụng gồm 2 liều thuốc: chủng ngừa lần đầu cho trẻ em tuổi từ 12-15 tháng, chủng ngừa lần thứ nhì khi lên 4-6 tuổi. Từ đó, cơ thể được xem như “miễn nhiễm” hay khi tiếp xúc với người bệnh, trẻ em / nguời lớn đã chủng ngừa (do đó có kháng thể đủ để đề kháng) không còn nhiễm bệnh nữa. Trẻ em chưa đến tuổi chủng ngừa dễ bị lây bệnh nhanh chóng, đây là lý do khiến các chuyên viên y tế báo động mỗi khi phát giác một ca bệnh mới. Họ tìm kiếm và báo tin cho những người tiếp xúc với bệnh nhân và cách ly trẻ em trong 28 ngày phòng khi những đứa trẻ nọ nếu bị nhiễm trùng sẽ không truyền bệnh thêm nữa.

Thuốc chủng ngừa hữu hiệu như thế thì tại sao measles lại gia tăng tại Hoa Kỳ? Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, đã có các bài báo cho rằng thuốc chủng ngừa gây tự kỷ (autism). Sau khi thẩm định các tài liệu khoa học từ nhiều trung tâm nghiên cứu khác nhau trên thế giới, năm 2010, tạp chí The Lancet đã chính thức thu hồi bài biên khảo cho rằng thuốc chủng ngừa MMR liên quan đến chứng tự kỷ loan tải năm 1988. Tác giả bài viết, Bác Sĩ Andrew Wakefield bị trục xuất khỏi Y sĩ đoàn Hoàng Gia Anh, và bị xem là ‘cẩu thả’ ‘bê bối’ trong việc nghiên cứu. Nôm na là từ đây ông bác sĩ nọ chẳng có cơ hội nào nữa để sử dụng văn bằng bác sĩ y khoa.

Bài biên khảo bị xóa sổ, tác giả bị trừng phạt nhưng dư âm của nó vẫn vang vọng nhiều năm về sau. Khoa học chưa giải thích được nguyên nhân của chứng autism, và sự “chưa biết” này khiến phụ huynh lo âu, nhất là các gia đình đã có đứa trẻ bị tự kỷ. Lo âu về autism, nên phụ huynh từ chối việc chủng ngừa cho con em chưa kể những người không chủng ngừa vì lý do tôn giáo. Và hậu quả là measles gây bệnh và lan truyền khắp nơi. Theo bài tường trình của CDC, trong số 102 bệnh nhân bị measles năm nay, 92% là những người không chủng ngừa và những người khác không biết rằng mình đã chủng ngừa hay chưa.

Sếp lớn của CDC, Bác Sĩ Thomas Frieden, cho rằng những người không có sức đề kháng measles dễ bị nhiễm trùng khi ra ngoại quốc, rồi về lại nhà, sẽ mang bệnh tật về Huê Kỳ gây bệnh cho những người khác. Nói giản dị là khi chọn việc không chủng ngừa ta đặt mình vào vị thế dễ bị bệnh, lây bệnh và truyền bệnh cho người chung quanh. Đây là lý do khiến phụ huynh sôi nổi bàn luận việc có nên đòi chính phủ địa phương cấm các đứa trẻ không chủng ngừa đến trường. Nghĩa là đòi hỏi mọi người phải tự bảo vệ để góp tay bảo vệ cộng đồng chung quanh.

Phân tích theo khía cạnh nhân quyền, quyền tự do cá nhân (không chủng ngừa theo ý muốn) có nên bị giới hạn vì lợi ích chung hay không? Vì an ninh như khi đất nước bị đe dọa, bị khủng bố, nhân viên an ninh phi trường có thể khám xét hành khách, cấm mang nước uống, vũ khí… Nhưng ở mức độ nào thì tự do cá nhân bị giới hạn vì lợi ích chung? Phòng ngừa bệnh truyền nhiễm có nằm trong danh sách giới hạn tự do cá nhân này không? Ông Chris Christie, thống đốc tiểu bang New Jersey lỡ lời hô hoán ủng hộ quyền tự do cá nhân và bị các chuyên viên y tế phản đối rầm rộ nên đã vội vàng rút lại lời nói, chịu ủng hộ việc chủng ngừa cho trẻ em vì lợi ích chung. Khẳng định rằng thuốc chủng ngừa MMR không dính dáng chi đến autism, ông Obama đã lên tiếng kêu gọi phụ huynh đưa con em đi chủng ngừa measles.

alt

TLL