Menu Close

Điêu khắc gia Ron Mueck – Những tác phẩm ngợi ca hành trình làm mẹ

Điêu khắc gia Ron Mueck – sinh năm 1958 tại Melbourne, Úc, hiện định cư tại London, và không hề tốt nghiệp trường mỹ thuật nào – chỉ mới chính thức bước vào nghệ thuật tạo hình như một nghệ sĩ vào cuối thập niên 1990 sau khi ông tham dự cuộc triển lãm có tên là “Sensation: Young British Artists From the Saatchi Collection” tại Royal Academy ở London. Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật của các danh tài hiện đại, tác phẩm “Dead Dad / Xác Bố” của một Mueck vô danh, bằng chất silicone và mầu acrylic, lại lôi cuốn khách thưởng ngoạn một cách đặc biệt vì tính chất siêu hiện thực của bức tượng.

alt

Các bà mẹ chiêm ngưỡng pho tượng độc đáo “Pregnant Woman – Người đàn bà mang thai”, cao 2.5 mét, do Điêu khắc gia Ron Mueck tạc, khi pho tượng được trưng bày trong một dịp triển lãm lưu động tại National Gallery of Victoria ở Melbourne, Australia vào đầu năm 2005. Pho tượng đã được National Gallery of Australia mua với giá 800,000 Úc kim và hiện được trưng bày thường trực tại viện bảo tàng này ở Canberra, thủ đô Úc Đại Lợi. (ẢNH INTERNET)

Nhà báo Sean O’Hagan của tờ The Observer, trong bài giới thiệu cuộc triển lãm vào tháng 8, 2006 của Ron Mueck tại Luân Đôn, đã kể lại về sự xuất hiện lặng lẽ song có sức mạnh của một luồng sóng ngầm của tác phẩm “Xác Bố” 10 năm về trước, như sau: “Bao quanh bởi một bầu không khí kích động, những tác phẩm khiêu khích ồn ào của các nghệ sĩ đồng thời nhưng tiếng tăm lừng lẫy hơn, tác phẩm nhỏ bé, gần như một mặc niệm hết sức thân thiết về cái chết dường như lại trở nên lôi cuốn hơn. Đây là một tác phẩm đầy biểu tượng. Hồi ấy, câu hỏi: ‘Bạn đã thấy Xác Bố chưa?’ đã trở thành câu đầu môi chót lưỡi [của nhiều người trong giới nghệ thuật.”

O’Hagan kết luận “Ron Mueck đã đạp tung cánh cổng của buổi triển lãm Sensation và nẫng tay trên vầng hào quang vậy.”

Sau cuộc triển lãm “Xác Bố” (đã được một nhà sưu tầm nghệ phẩm tư tại Mỹ mua), Mueck dành toàn thời cho việc sáng tạo. Tác phẩm gây xôn xao kế đó là “Crouching boy / Cậu bé ngồi xổm”, cao cỡ một cái xe buýt hai tầng, được trưng bày tại cuộc triển lãm Venice Biennale kỳ thứ 49 năm 2001 tại Ý. Trước đó một năm, ông là người thứ năm được National Gallery, London mời cộng tác trong chương trình artist-in-residence. Đây là một chương trình hai năm nhằm tạo điều kiện cho một nghệ sĩ sáng tạo có cơ hội nghiên cứu những tác phẩm trong bộ sưu tầm của viện bảo tàng và sáng tác nên những tác phẩm của riêng mình.

alt

Pho tượng lớn hơn người thật “Couple Under Umbrella” đang được chuẩn bị cho cuộc triển lãm tại Fondation Cartier, Paris, năm 2013. Tại hậu cảnh, điêu khắc gia Ron Mueck, áo xám nhạt, đang cùng với một người phụ tá điều chỉnh lại cây dù.

alt

Cận ảnh khuôn mặt đăm chiêu của người đàn ông cao niên.

Một số kết quả của thời gian này là cuộc trưng bày vào năm 2003 tại National Gallery, London, với bốn tác phẩm điêu khắc độc đáo: “Man in Boat / Thuyền nhân”, tượng một người đàn ông khỏa thân, nhỏ hơn người thường, ngồi khoanh tay lọt thỏm hiu quạnh, dáng như phó mặc, trong một cái thuyền như trôi trong hư không. Và đặc biệt là bức “Mother and Child / Mẹ và Con”, mô tả một người đàn bà vừa trải qua cuộc “vượt cạn” còn nằm trên bàn sinh, mệt nhọc, tóc bết mồ hôi bơ phờ song vẫn cố ngóc đầu nhìn đứa con sơ sinh cuộn mình nằm trên bụng mình như chưa muốn dời sự bảo bọc trong bụng mẹ, hài nhi còn nối liền với bụng mẹ bằng sợi nhau chưa cắt lòng thòng nhuốm máu hồng, cỡ tượng nhỏ hơn người thường.

Cũng trong thời kỳ sinh sống và làm việc tại National Gallery ở London này, ông thực hiện tượng “Pregnant Woman”. Lần đầu nhìn thấy hình pho tượng mang tựa đề “Pregnant Woman / Người đàn bà mang thai”, tôi không khỏi sững sờ, choáng ngợp, vì tính cách hiện thực tới độ gần như siêu thực, và đề tài độc đáo: phơi bày một cách không giấu giếm, mà vẫn nói lên được tính chất mong manh, mệt nhọc song dịu dàng của một người đàn bà mang bầu khỏa thân đứng cao lớn hơn người thật, hai tay vắt chéo trên đầu như để thêm sức đỡ cho cái bụng bầu to tướng tròn vo, khuôn mặt hơi cúi nét mệt mỏi, đôi mắt nhắm, cặp môi hé, những lọn tóc lòa xòa trên làn da mịn lấm tấm mồ hôi. Cũng trong thời gian này Mueck thực hiện bức tượng duy nhất bằng người thật, đó là tượng một em bé sơ sinh, được quấn trong một cái mền mầu nâu có cột dây xung quanh, nằm ngủ an bình, đầu gối trên một cái gối bọc áo trắng.

Kể từ đó, không kỳ trưng bày nào của Mueck mà khách thưởng ngoạn lại không phải xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ để mua vé vào xem. Có khi viện bảo tàng phải gia hạn thêm thời gian triển lãm để đáp ứng nhu cầu của giới thưởng ngoạn, như kỳ triển lãm tại Fondation Cartier pour l’Art Contemporain ở Paris vào năm 2013 đã phải kéo dài thêm một tháng, từ ngày 16 tháng 4 tới tận ngày 27 tháng 10 (thay vì chấm dứt vào cuối tháng 9). Fondation de Cartier cho biết có khoảng 110,000 khách mua vé vào thưởng ngoạn các tác phẩm của Mueck.

alt

alt

alt

Tỉ mỉ với chi tiết là một trong những đặc tính của điêu khắc gia Ron Mueck. Hình trên bên trái, Mueck đang xem lại bàn chân của pho tượng người đàn ông nằm đầu gối lên đùi của tượng người vợ. Giữa, khách thưởng ngoạn ngắm tượng con gà vừa được làm thịt treo ngược từ trần nhà xuống. Phải, tập sách giới thiệu cuộc triển lãm tại Paris cho thấy cuộc triển lãm được gia hạn thêm một tháng nữa. (ẢNH INTERNET)

Nghệ thuật điêu khắc siêu hiện thực và những đề tài của đời thường

 Nói chung, những tác phẩm điêu khắc của Ron Mueck có cái lớn hơn người thật, có cái nhỏ hơn, không có cái nào bằng người thật. Mueck kể, trong một cuộc chuyện trò với phóng nhà báo Sarah Tanguy, “A conversation with Ron Mueck”, in trong tạp Sculpture Magazine, vol.22, no.6, July/August 2003, là ông không bao giờ nặn tượng lớn bằng người thật, bởi vì, “Chúng ta đã thấy người thật hàng ngày rồi còn gì.”

Nhưng lớn hay nhỏ thì bức tượng nào cũng được Mueck chăm sóc từ sợi tóc, cái lông nheo, lỗ chân lông, cả những tàn nhang hết sức tỉ mỉ tinh vi, sống động và hiện thực có lẽ hơn cả… thực tại, với những đề tài của đời sống quanh ta mà nhiều khi chính ta, tuy có hoặc tưởng là đã thấy đấy, song thực sự chưa thực thấy.

alt

“The Crouching Boy” xuất hiện năm 2001, gây ngạc nhiên không chỉ vì vóc dáng khổng lồ của nó, 4.5 mét và nặng 500 kg, mà vì các chi tiết thực hơn cà hiện thực và cái nhìn đầy tò mò như xoáy vào lòng người của cậu bé vị thành niên có lẽ là “do dự”, cảm thấy “bất an” trước cuộc sống choáng ngợp nên ngồi xổm như muốn thu nhỏ mình lại trong khi hé mắt nhìn ra cuộc đời? (Ảnh Internet)

alt

tượng “Dead Dad”, nhỏ hơn người thật, lần đầu được trưng bầy vào năm 1996 đã mở cánh cửa cho Ron Mueck, nguyên là một nghệ nhân chuyên sản xuất người nộm cho các hãng quảng cáo, truyền hình, trong đó có chương trình The Muppet Show của Jim Henson, vào dòng nghệ thuật tạo hình chính thống.

Vài trong số những tác phẩm điêu khắc của Ron Mueck, với nội dung bao gồm những đề tài muôn thuở, về sinh, lão, bệnh, tử, như các tác phẩm dưới đây:

 Ở Ron Mueck – nổi tiếng là kín đáo, ít chịu cho phỏng vấn hay giải thích về các tác phẩm của mình, và hầu như chả bao giờ la cà ở những nơi tụ họp của các nghệ sĩ ở Luân Đôn hay trung tâm nghệ thuật nào – là một phối hợp độc đáo giữa nghệ thuật làm người bằng sáp (wax) và khả năng đem cái nghệ thuật ấy lên cao thêm một bậc, đó là lột tả được cả nội tâm của chân dung tượng, khiến chúng trở nên sống động như thật, và khiến người xem không khỏi không dán mắt vào đó, như thể muốn được đi sâu vào “tâm tư” của pho tượng trước mắt mình.

Và đó chính là điều Mueck mong muốn. “Mặc dù tôi tốn nhiều thì giờ tạc nên bề ngoài [của mỗi bức tượng], thế nhưng chính đời sống bên trong [của chúng] mới chính là điều tôi muốn đạt tới.” (“Although I spend a lot of time on the surface, it’s the life inside I want to capture,” Mueck có lần nói.

alt

alt

Trái, tượng “Pregnant Woman” cao 2.5 mét. Phải, cận ảnh khuôn mặt của tượng “Pregnant Woman” cho thấy cả những nốt tàn nhang và các lỗ chân lông. Không biết đó là một bức hình chụp một pho tượng, khó ai không nghĩ đấy là hình chụp một người thật. (Ảnh Internet)

Những tác phẩm ngợi ca hành trình ‘vượt cạn’ của phụ nữ

Một số tác phẩm điêu khắc của Mueck cũng đã gặp những chỉ trích, có lẽ vì nhiều người không thấy thoải mái khi nhìn những pho tượng vừa trần truồng, vừa quá hiện thực với đầy đủ sắc mầu thiên nhiên, khác với điêu khắc truyền thống chỉ có một mầu thường là trắng, và những cặp mắt trống không. Lại có tượng quá vĩ đại, phô bầy lộ liễu.

Điển hình là bức “Pregnant Woman” cao lớn, sừng sững, và “Mother and Child” nhỏ hơn người thường, song bức tượng nào cũng có một sức mô tả vừa mãnh liệt lại vừa dịu dàng, lại nói lên được sự mong manh của người đàn bà có thai sắp tới lúc khai hoa nở nhụy, hoặc vừa trải qua một cuộc “vượt cạn” vất vả, cam go, cho cả mẹ lẫn con, đầy ắp nhân tính. Ít người đã được thấy tận mắt hình ảnh một người đàn bà mang thai khỏa thân, và nhất là cảnh người đàn bà vừa sanh con, cuống rốn của đứa hài nhi còn nối liền với tử cung của người mẹ như bịn rịn chưa muốn dời khỏi nơi yên ấm đầy bảo bọc trong bụng mẹ, có khi còn coi đó là một điều cấm kỵ, hoặc rất riêng tư của người đàn bà.

alt

alt

Những tác phẩm của Ron Mueck không nhiều thì ít gây một phản ứng nào đó nơi người thưởng ngoạn, phần lớn có lẽ là thắc mắc không biết “nhân vật” này đang nghĩ gì, nhìn và thấy hay đã trao đồi với nhau những gì, như diễn tả của tượng “In Bed” và “Two Women”

Với tính nhạy cảm và niềm đam mê cao độ của một nghệ sĩ tạo hình, Mueck đã say sưa một cách hồn nhiên – cái hồn nhiên mà tôi nghĩ có lẽ một phần do ở chỗ ông không hề được nhào nắn trong một khuôn khổ trường ốc giáo điều nào và do cả ảnh hưởng từ một thời thơ ấu vây quanh bởi những đồ chơi trong xưởng sản xuất đồ chơi của bố mẹ – mô tả đời sống như ông cảm nhận được, cộng với những nghiên cứu tìm tòi rất công phu để có thể lột tả được những chi tiết rất thực, chẳng hạn, về người đàn bà mang thai, một cách tài tình và sống động.

Tôi thú vị nhất là lời giải thích tại sao pho tượng “Người đàng bà mang thai” nhắm mắt, cho thấy sự cảm nhận vô cùng tế nhị của điêu khắc gia. “Một hôm trong lúc ngồi trong tiệm cà phê của National Gallery [London],” vẫn theo lời kể của Kennedy, “ông [Mueck] để ý tới một phụ nữ có thai với đôi mắt nhắm nghiền như chìm trong một suy nghĩ riêng tư, cho phép người khác chiêm ngưỡng tình trạng mang thai của mình [mà không cảm thấy bị bối rối].

alt

Pho tượng “Woman with Shopping”

alt

alt

Pho tượng “Young Couple”, hai trong bẩy pho tượng được trưng bầy trong cuộc triển lãm tại Fondation Cartier, Paris, tháng 10 năm 2013. (Ảnh Internet)

“Mueck đi tới quyết định là pho tượng của ông cũng sẽ nhắm mắt để có được sự riêng tư đồng thời vẫn cho phép người xem chiêm ngưỡng hình ảnh mang thai mà ít bị cảm thấy bối rối trước hình ảnh khỏa thân. Đôi mắt của pho tượng ‘Dead Dad’ cũng nhắm nghiền. Những đề tài hóc búa như chết chóc và mang thai sẽ khó thực hiện hơn nếu đối tượng mở mắt,” ông Kennedy kể.

Hiện bức “Pregnant Woman” thuộc quyền sở hữu của và được trưng bầy thường trực tại National Gallery of Australia, ở Canberra bên Úc, cùng với những tài liệu, bản phác họa liên quan tới sự hình thành pho tượng này độc đáo này.

alt

alt

alt

alt

Tượng “Mother and Child” mô tả chuyến “vượt cạn” cả hai mẹ con cùng vừa trải qua. Hài nhi vừa ra đời, cuống rốn còn chưa lìa, được đặt nằm trên bụng mẹ trong dáng thai nhi thu lu như còn lưu luyến sự bảo bọc bên trong bụng mẹ, với người mẹ tuy mệt nhọc nhưng vẫn cố ngóc đầu lên để nhìn đứa con lần đầu thấy mặt mặc dù bà đã cưu mang nó suốt chín tháng trời. Ở pho tượng toát ra một sự dịu dàng, nói lên sự săn sóc vô cùng chân thiết của người nghệ sĩ tạo hình. (Ảnh Internet)

alt

Tượng “A Girl” tại một trong những cuộc trưng bầy trước khi được bàn giao cho Scottish National Gallery of Modern Art vào cuối năm 2007. Viện bảo tàng này đã mua pho tượng với giá 400,000 Anh kim cho bộ sưu tập thường trực của họ.

alt

 Cận ảnh của một số chi tiết của “A Girl” cho thấy sự tỉ mỉ, chính xác và sống động của pho tượng độc đáo này. Tôi không tìm thấy ở đâu Mueck giải thích tại sao lại làm một pho tượng hài nhi lớn như vậy, và tại sao lại là một bé gái thay vì bé trai. Tôi thích nghĩ Mueck muốn tôn xưng sự chào đời của con người, đặc biệt của một bé gái, là người sẽ lại nối tiếp hành trình làm mẹ, trong khi tượng “Dead Dad” lại được ông nắn nhỏ hơn người thật. (Ảnh Internet)

TD – 01/2015