Menu Close

Hôn nhân Tây Ta

alt 

Người Việt ngày nay đã thay đổi quan niệm về hôn nhân khác chủng tộc

Dễ đổ vỡ hôn nhân

Gần như ở hầu hết các nước, hôn nhân dị chủng đều không được hoan nghênh. Người Mỹ thuần chủng khi kết hôn hoặc ứng cử vào các chức vụ quan trọng đều ngầm xem lý lịch đương sự có được bao nhiêu phần trăm yếu tố Waps tức là yếu tố “nguồn gốc dân Mỹ” (White: da trắng; Anglo Saxon: tổ tiên gốc Bắc Âu; và Protestant: theo đạo Tin Lành). Càng có nhiều yếu tố Waps thì cuộc hôn nhân càng đuợc hoan nghênh hơn là người khác chủng tộc! Thường, nói chung các bậc cha mẹ trên thế giới hiếm khi nhìn nhận cuộc hôn nhân khác chủng tộc vì nhiều lý do: khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán v.v…

 


alt

Cuộc hôn nhân cần thông hiểu nhau bằng ngôn ngữ (ảnh minh họa)

Tuy nhiên nhiều thập niên qua, nước Mỹ đón nhận ngày càng nhiều di dân đến định cư, trải qua một vài thế hệ, rào cản ngôn ngữ gần như không còn là điều cản trở sự thông hiểu giữa các đôi lứa khác chủng tộc muốn đi đến hôn nhân. Một trong những điều kiện căn bản để cảm thông nhau trong đời sống vợ chồng là việc đối thoại giữa vợ chồng. Phần lớn, những cuộc xung đột, tranh cãi trong gia đình, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái đều do những bất đồng ý kiến, hay hiểu lầm nhau. Sự xung đột có thể đến từ những việc thường nhật như chăm sóc con cái, ăn uống, sắm sửa, tiền bạc, v.v… Khi ngôn ngữ bất đồng kéo dài qua nhiều năm tháng, hôn nhân dần cảm thấy đời sống trở nên nặng nề. Từ đó những căng thẳng mỗi ngày một trầm trọng. Việc hôn nhân đổ vỡ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ông T.V ở Fort Worth, TX có cô con gái 22 tuổi trở thành single mom sau khi lấy chồng người Mỹ cách nay bốn năm. Ông tâm sự: “Ban đầu vợ chồng tôi không đồng ý cuộc hôn nhân của con gái nhưng chúng cương quyết đến với nhau. Tôi chỉ lo lắng cuộc sống hôn nhân của con gái giữa đường gãy gánh hoặc gặp phải người chồng không có trách nhiệm thì khổ thân con cháu sau này. Cha mẹ nào lại không mong con cái được hạnh phúc trong hôn nhân. Cùng chủng tộc lấy nhau cũng có nhiều vấn đề huống chi khác chủng tộc. Tôi cố gắng giải thích cho con gái hiểu nhiều khía cạnh cuộc sống có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân nhưng nó bảo tôi lẩn thẩn lo xa chi cho mệt. ‘Cuộc đời của con, con tự quyết định’. Đám cưới chúng tổ chức linh đình, nói cười vui vẻ, chỉ tội cho hai gia đình ông sui bà sui ngồi chẳng biết nói gì”.

alt

Chú rể áo dài khăn đóng theo phong tục người Việt

Ông T.V kể thêm chuyện người bà con cũng có cô con gái lấy chồng người Mỹ gốc Mễ, lại làm cảnh sát. Chuyện nghề nghiệp cũng ảnh hưởng không ít đến đời sống hôn nhân chứ nói chi đến vấn đề bất đồng quan điểm trong cách sống, phong tục tập quán. Theo nghiên cứu xã hội, có đến 75% cuộc hôn nhân tan vỡ vì chồng hoặc vợ làm cảnh sát, 19% xảy ra bạo lực gia đình, chỉ còn 6% là may mắn có được cuộc sống hạnh phúc vợ chồng. Chẳng may, cuộc hôn nhân con gái của bà chị họ không được như ý chỉ vì vợ chồng chúng cãi nhau về chuyện phụng dưỡng cha mẹ. Khổ nỗi lại là chuyện của cha mẹ vợ mới sang định cư được mấy năm nay, tuổi già lại không đi làm được.

Trong mối tương quan với gia đình hai bên, phong tục và tập quán đem lại những khó xử cho nhiều đôi vợ chồng dị chủng. Về cách sống, người Âu Mỹ thường sống về lý lẽ, trong khi người Á châu thì nghiêng về tình sâu nghĩa nặng. Một khía cạnh của phong tục là quan niệm về cách sống hiếu thảo. Người Á châu nói chung và người Việt nói riêng rất trọng chữ hiếu. Dù theo tôn giáo nào, người Việt cũng đều được giáo huấn về cách sống hiếu nghĩa đối với bậc sinh thành. Trong khi đó người Tây phương tuy cũng chủ trương thảo kính cha mẹ, nhưng sự tự do cá nhân của họ vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu. Vì lý do này, việc đón nhận và phụng dưỡng cha mẹ già dưới một mái nhà là điều khó được chấp nhận. Điều này rất khác biệt so với cách sống của người phương Đông.

alt

Đàng trai đi hỏi vợ theo phong tục người Việt

Những cuộc hôn nhân may mắn

Cô Ngọc Vy, ở Arlington, TX kể về số phận may mắn gặp anh chồng người Mỹ. “Vẫn biết rằng, hầu hết cuộc hôn nhân khác chủng tộc, mười cặp mới được hai ba gia đình sống ấm êm. Chúng tôi gặp nhau khi ảnh về Vĩnh Long du lịch miệt vườn. Còn tôi thì phục vụ bàn tiệc nhóm bạn của ảnh. Lần đầu tiên tôi ngạc nhiên thấy ảnh sử dụng đũa thành thạo không như những người bạn cùng bàn. Tôi đến giúp những người bạn của ảnh, trong khi ảnh lại cứ nhìn tôi một cách tình tứ. Ảnh giải thích, ở Mỹ hay đi ăn phở Việt Nam nên dùng đũa thành thạo như vậy. Ảnh nói ảnh thích người Việt. Sau lần gặp gỡ đó, ảnh đề nghị muốn làm bạn với tôi. Thật tình tôi cũng thích anh ta ngay từ lần ấy. Ảnh trở về Mỹ và chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc qua e-mail hơn cả năm. Rồi ảnh bảo sẽ đi Việt Nam và muốn cưới tôi. Tôi hỏi ý kiến bạn bè, cha mẹ. Mọi người đều nói, hôn nhân là chuyện của tôi, nếu cảm thấy con tim mình tìm được đúng người yêu mình thì cứ quyết định. Thế là đám cưới miệt vườn được tổ chức. Đàng trai thì khăn đóng áo dài, còn đàng gái thì âu phục”.

“Có lẽ nhờ chồng tôi sống ở Mỹ gần các khu cộng đồng người Việt và tánh thích giao thiệp nên anh có cái nhìn về người Việt thật gần gũi, kể cả anh biết ăn nước mắm chua ngọt chấm cá chiên. Ảnh khoái món nước mắm của tôi, rồi dần dần tôi tập cho ảnh ăn luôn mắm chưng thịt ba rọi và nhiều món ăn thuần túy Việt khác nữa. Điều tôi vui nhất là tiếng Mỹ của tôi ngày càng tốt hơn rất nhiều, cho dù nhiều khi không biết giải thích trọn vẹn ý nghĩ trong đầu. Và điều vui thứ hai là, tuy cho đến bây giờ chúng tôi chưa có mụn con nào, nhưng mỗi lần đi làm về nhà, thấy nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Chúng tôi phân chia công việc, chuyện bếp núc phần vợ, phần chồng rửa chén, giặt giũ. Cuối tuần, hoặc ngày nghỉ lễ, chúng tôi lái xe đi chơi xa, thăm viếng bạn bè”. Cô Ngọc Vy mỉm cười mãn nguyện với cuộc sống hôn nhân khác chủng tộc.

alt

Tây thành Ta, Ta thành Tây cho cuộc hôn lễ thêm vui

Một câu chuyện hôn nhân khác có hạnh phúc hàng chục năm dài của ông bà Hermandez và Betty Nguyễn dễ khiến người ta ngưỡng mộ. Họ kết hôn tại Sài Gòn năm 1970, khi ông Hermandez là phi công trực thăng tại Biên Hòa. Năm 1973 hai vợ chồng về Mỹ sống tại Long Beach, California. Ông bà đều có cháu nội ngoại đầy đủ. Ngày lễ, Tết con cháu kéo về tập trung nhà ông bà rất vui. Bà kể: “Hồi trước, người Việt mình có cái nhìn khắt khe với quan niện hôn nhân khác chủng tộc. Nhất là phụ nữ Việt mình đi lấy chồng Tây hoặc Mỹ. Mỗi người đều có hoàn cảnh của mình và mục đích cuộc đời. Ai lại không muốn kiếm được tấm chồng có thể lo lắng cho mình và quan trọng là yêu mình thật sự. Ba má tôi cũng không ngoại lệ. Ban đầu tôi chịu bao điều  nặng nhẹ của gia đình, chòm xóm, bà con. Nhưng tôi mặc, kể cả có thể tôi thành góa phụ vì chồng là lính, không biết sống nay chết mai. Anh ấy đến với tôi thật lòng chỉ có mỗi tôi là biết điều đó. Và chúng tôi càng hiểu rõ nhau hơn trong thời gian về sống ở Mỹ. Cuộc sống vợ chồng nào lại không có đôi lúc trục trặc vì bất đồng ngôn ngữ. Lúc đó mỗi khi giận chuyện gì thì tôi xổ cho vài tràng tiếng Việt. Còn ổng cứ nổ tía lia tiếng Tây Ban Nha. Mạnh ai cứ nói, chẳng hiểu gì nhau. Nhưng sau đó chúng tôi thỏa thuận là buồn vui, giận hờn gì cũng nói tiếng Mỹ cho cả hai cùng hiểu. Hơn bốn chục năm, chúng tôi vẫn còn sống bên nhau. Ổng không có trở ngại nào với các thức ăn Việt. Món gì cũng ăn được cho dù nhiều món Việt tôi làm không ngon lắm, ổng vẫn cứ bảo là ngon hết ý. Hermandez nói tiếng Việt lưu loát không thua gì tôi. Có lẽ nhờ ổng chịu học nói tiếng Việt mà cuộc hôn nhân tôi chọn lựa cho cuộc đời tồn tại đến ngày nay”.

Một đời người, cuộc sinh tử không ai tự chọn lựa được, chỉ có cuộc hôn nhân là tự lựa chọn được thôi. Nếu vì tình yêu, vì hạnh phúc chân chính, thì hôn nhân dị chủng, vẫn đáng trân trọng như mọi cuộc hôn nhân đồng chủng vì tình yêu và hạnh phúc.

TN