Kỹ nghệ truyền thông tranh giành ráo riết, buôn bán tử tế e rằng không kiếm đủ bạc tỷ nên người buôn kẻ bán hè nhau… gạt gẫm khách hàng. Họ tìm đủ mánh lới rủ rê người tiêu thụ, quảng cáo cật lực các ưu điểm của món hàng rao bán, xem vậy nhưng không phải vậy, để câu khách.
Đến nay thì câu chuyện gian dối của AT & T vỡ lở, chuyện làm ăn không đàng hoàng của họ bị cơ quan Kiểm Soát Thương Mại, the Federal Trade Commission hay FTC, phanh phui, đưa AT &T ra tòa và bố cáo các hoạt động dối trá lừa gạt khách hàng của công ty này. Và AT&T đang loay hoay chữa lửa.

NGUỒN DAILYWIRELESS.ORG
Theo bản cáo trạng của chính phủ liên bang, để đỡ tốn kém, AT&T đã giảm vận tốc xuất hiện của dữ liệu khi người tiêu thụ mua chương trình sử dụng dữ liệu không giới hạn hay “unlimited data”. Bạn nghĩ xem, khi lạc lối, lái xe lòng vòng và cần dùng hệ thống định vị của điện thoại di động tìm kiếm đường đi mà chiếc điện thoại kia ì ra, chẳng nhúc nhích thì hỏng rồi? Hoặc giả bạn đang lượn sóng đọc báo xem TV, đến một tiết mục hấp dẫn nào đó mà thỉnh thoảng mới thấy vài hàng chữ hoặc hình ảnh chập chờn, âm thanh lõm bõm tiếng được tiếng mất thì đến bao giờ mới thưởng thức cho hết tiết mục hay ho kia? Dịch vụ ta trả tiền không dùng được thì mua làm chi? Công ty cung cấp chỉ “nói cho hay” mà làm chẳng nổi thì đâu còn giá trị gì?
Đây có phải là chuyện xảy ra lâu lâu một lần vì “kẹt sóng”? Không, không bạn ạ. Đây là mánh khóe bài bản mà công ty truyền thông áp dụng để tiết giảm việc sử dụng dữ kiện của người tiêu thụ dù họ đã mặc cả và trả tiền đầy đủ. Nôm na là AT&T chơi xấu, tiền khách hàng đã trao mà cháo chỉ múc ít ít; họ múc ít cháo đến độ người tiêu thụ chán nản, ngưng dùng dữ liệu hoặc dùng tối thiểu để đỡ bực mình chờ đợi dù đã trả tiền đều đều và đầy đủ. Nói dễ hiểu là AT&T treo đầu dê và bán thịt chó.
Mánh khóe tiết giảm vận tốc xuất hiện của dữ liệu có tên là “throttling” nôm na là “bóp nghẹt”; các công ty truyền thông đang áp dụng khiến người tiêu thụ khó lòng tiêu xài đúng mức dịch vụ họ đã mua nhất là trong những vùng đông đúc như New York và San Francisco. AT&T không phải là công ty duy nhất áp dụng mánh khóe bê bối này nhưng họ là kẻ dẫn đầu, chơi xấu nhiều nhất các khách hàng từ những người mua món “xài tha hồ”, muốn xài bao nhiêu thì xài không chịu thêm phí tổn, đến cả các khách hàng chỉ mua giới hạn ở mức 2 GB. Theo báo New York Times, ít nhất 25% khách hàng của AT&T bị ảnh hưởng bởi việc “chậm chạp” có mục đích kia.
Các công ty khác? Cũng cá mè một lứa nhưng ít lộ liễu hơn. Như bài bản Sprint’s My Way hứa hẹn mục “xài tha hồ” trong suốt thời gian mua dịch vụ nhưng họ kê khai lờ mờ (fine print) trong hợp đồng rằng những người xài nhiều thì vận tốc chuyển dữ liệu sẽ bị giới hạn, như người xài khoảng 5 GB mỗi tháng chẳng hạn.

Kết quả kiểm tra vận tốc khi bị “throttling”(trái) và bình thường (phải).
NGUỒN HUFFINGTONPOST.COMT-Mobile cũng không khác cho mấy, họ rao hàng rằng công ty tui không giới hạn vận tốc chuyển dữ liệu nhưng thỉnh thoảng khi kẹt sóng thì người xài nhiều chịu ảnh hưởng chút xíu…
Verizon “bóp cổ” các khách hàng còn dùng hệ thống 3G và định áp dụng mánh khóe này với các khách hàng đã mua hệ thống 4G nhưng gặp lời cảnh cáo dữ dội của của cơ quan Kiểm Soát Thương Mại nên chùn tay. Ít ra công ty này chẳng phải lo âu cho lắm vì đã mấy năm nay, họ không còn rao bán món “xài tha hồ” nữa. Họ chỉ bán dịch vụ “xài tới đâu trả tiền tới đó”.
Trở lại với việc AT&T gạt gẫm khách hàng, cơ quan Kiểm Soát Thương Mại Hoa Kỳ cho rằng công ty này hứa hẹn nhiều (để khách hàng vui vẻ trả tiền) mà chẳng làm tròn lời hứa (nên khách hàng thua lỗ). “Xài tha hồ” nghĩa là xài thẳng tay thoải mái; khi ngăn ngừa việc xài tha hồ của khách hàng là lừa gạt. Bà Edith Ramirez, sếp lớn của FTC, cáo buộc công ty kể trên tội dối trá. Dĩ nhiên là AT&T phản đối lời cáo buộc ấy. Họ bào chữa rằng đã “bỏ nhỏ” với khách hàng là việc “kẹt sóng” có thể xảy ra nếu sử dụng dữ liệu nhiều.
Theo FTC, AT&T bóp nghẹt việc sử dụng của 25% tổng số khách hàng (3.5 triệu trong số 14 triệu người mua dịch vụ).
Cách buôn bán của kỹ nghệ truyền thông thay đổi theo thời gian. Ngày xưa, những năm trong thập niên 90 của thế kỷ trước, khởi đầu là họ bán dịch vụ điện thoại di động theo thời gian sử dụng, xài bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Kế tiếp là những món “gọi tha hồ” hay muốn nói bao nhiêu lâu thì nói, hết pin điện thoại thì thôi, không tính thêm tiền. Rồi đến món “tha hồ dùng điện thoại bất kể xa gần”, không tính thêm tiền khi gọi bạn bè chốn xa. Thế là quý khách hàng thích tán chuyện cứ việc ôm điện thoại suốt ngày đêm.
Khi điện thoại thông minh ra đời, cỗ máy nhỏ xíu kia khuân vác cơ man nào là “app”, mỗi thứ một công dụng khác nhau để đọc báo, lướt sóng, tìm đường đi, chụp hình, gửi thư, gửi tín hiệu… Thủa ban đầu, thủa hệ thống 3G còn thịnh hành, những dịch vụ ấy chẳng tốn kém bao nhiêu, nên người mua kẻ bán tạm hài lòng. Nhưng khi món 4G ra đời, và bá tánh bắt đầu trực tiếp chuyển phim ảnh, âm nhạc, xem TV… hầu như các “app” này dùng kho dữ liệu trên mạng ảo mỗi lúc một nhiều, nên “data usage” gia tăng cấp kỳ. Khi khách hàng hoan hỉ sử dụng dịch vụ họ mua bao và tốn kém khá khá thì người bán phản ứng ra sao? Họ âm thầm giới hạn việc sử dụng kho liệu của khách hàng. Kết quả là ta chẳng sử dụng được bao nhiêu dịch vụ kia dù đã trả tiền đầy đủ theo hợp đồng.
Một khía cạnh khác, người tiêu thụ trở thành “ghiền” mạng ảo, lúc nào cũng kè kè chiếc điện thoại di động để làm một công việc nào đó thì việc giới hạn kho dữ liệu trở nên cái gai trong mắt người tiêu thụ. Riêng dân Huê Kỳ, chỉ trong tháng 12 của năm 2013, đã tiêu xài trên dưới 269.1 tỷ MB dữ liệu qua điện thoại di động, gấp đôi số lượng data tiêu xài trong tháng 12 năm 2012. Tạm hiểu là các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông trở nên khốn đốn vì khách hàng phóng tay tiêu xài tha hồ. Và họ đã phải vay mượn hoặc mua thêm lượng “sóng” (bandwidth) từ các công ty bạn để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Logan Abbott, sếp lớn của Wirefly.com, lượng ‘‘sóng’’ chỉ có giới hạn và bá tánh ai cũng dùng nhiều thì lấy đâu ra để cung cấp? Điều dễ hiểu là sự đình trệ xảy ra.
Trong khi ấy có những khách hàng mua món “bao bụng” nhưng thực sự chẳng tiêu xài bao nhiêu; nói chung người tiêu thụ trung bình dùng khoảng 1-2 GB lượng dữ liệu mỗi tháng. Và họ lỗ nặng vì trả tiền nhưng không dùng.
Kết luận? Trả tiền cho số lượng dữ liệu tiêu xài, đừng mua nhiều hơn, phí lắm, bạn ạ! Ngược lại, nếu ta dùng nhiều thì nên mở hầu bao để mua cho đủ lượng dữ liệu kẻo cứ bị “bóp nghẹt” mỗi khi cần thì cũng khó chịu lắm.
Món hàng rẻ không thể tiếp tục “rẻ” mãi mãi!

Tom Wheeler, Ủy ban Truyền thông Liên bang bắt tay với bà Edith Ramirez, Chủ tịch Ủy ban Kiểm Soát Thương Mại Liên Bang, trong một hội nghị ở Washington D.C buộc AT&T phải trả $80 triệu cho người tiêu dùng
. NGUỒN AP PHOTO / JOSE LUIS MAGANA