Sự ra đi hôm 4-11-2011 mới đây của ông Andy Rooney (1919-2011) đã khiến không ít người xúc động, nhất là những ai có ít nhiều quan tâm hoặc liên hệ đến công việc báo chí. Ông Rooney từng là
một biên tập viên tin tức kỳ cựu của làng truyền thông Hoa Kỳ, có lẽ được biết đến nhiều nhất qua chương trình TV của đài CBS “A Few Minutes with Andy Rooney” (Dăm phút với Andy Rooney). Tên tuổi và sự nghiệp của ông cũng có thể nói là đại diện cho những lớp ký giả đã trải qua thế kỷ 20 nhiều binh đao: 2 kỳ thế chiến, tranh chấp Triều Tiên, chiến cuộc Việt Nam, chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa cộng sản sụp đổ bên trời Âu… Những tin tức họ đưa đi, dù bằng chữ, bằng lời, hay bằng hình ảnh, không ít thì nhiều đã góp phần định hình một thời nhiều biến động.
Thanh Dũng
Andy Rooney khởi nghiệp báo chí năm 1942, làm thông tín viên cho tờ “Stars and Stripes” ở London dưới làn mưa bom của Hitler thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ông là 1 trong 6 ký giả có mặt cùng Sư Đoàn 8 Không Quân trong phi vụ không kích lên lãnh thổ Đức Quốc đầu tiên.
Sau chiến tranh, Rooney hồi hương, bắt đầu làm việc cho đài CBS, hãng truyền thông ông sẽ gắn bó đến cuối đời. Tại CBS, ông giúp biên tập và viết kịch bản cho nhiều chương trình được đánh giá cao thời đó như ‘Talent Scouts’ (1952), ‘An Essay on Bridges’ (1965), ‘An Essay on Women’ (1967), ‘The Strange Case of the English Language’ (1968), ‘An Essay on War’ (1971)…
Suốt từ năm 1978 đến một tháng trước khi từ trần, ông liên tục giữ mục “A Few Minutes with Andy Rooney”, một phần của chương trình “60 Minutes” lừng danh. Tính đến buổi lên phim trường cuối cùng hôm 2-10-2011, Andy Rooney thu 1,097 show “A Few Minutes…”–một con số đáng nể!
Walter Cronkite
Người ta gọi ông là “King of the anchormen”, nghĩa là “Ông hoàng trong giới đưa tin”. Walter Cronkite là một ký giả kỳ cựu, vào nghiệp báo chí từ 1937. Trong sự nghiệp, ông từng lăn lộn trong Thế Chiến Hai; đưa tin trước hết về TT John F. Kennedy bị ám sát; soi rọi Watergate đến cùng đưa TT Richard Nixon tới chỗ phải từ chức; gặp gỡ danh ca John Lennon của ban Beatles lúc còn vô danh, v.v…
Walter Cronkite trên chiến trường VN
Và đặc biệt nhất là những phóng sự, bình luận của ông trong chiến cuộc Việt Nam. Với nhiều người Việt, có lẽ cái tên Walter Cronkite gợi nhiều kỷ niệm buồn, vì ông có khuynh hướng hơi thiên tả, đưa tin có lợi cho Bắc Việt và Việt Cộng, trong khi lại có phần ác cảm với nỗ lực tranh đấu cho nền tự do dân chủ một cách chánh đáng của nhà nước Việt Nam Cộng Hoà. Sự thiên vị này của ông Cronkite có lẽ là vết “sẹo” hiếm hoi trong sự nghiệp truyền thông của nhân vật được mệnh danh là “the most trusted man in America” (người Mỹ tín cẩn nhất)
Dan Rather
Ông khởi nghiệp báo chí đầu thập niên 1950 từ Texas, làm việc cho một văn phòng đại diện CBS–nơi mà ông sẽ gắn bó 43 năm (đến 2006).
Khi ông khổng lồ Walter Cronkite hồi hưu năm 1981, Dan Rather thay thế, ngồi vào ghế dẫn chương trình “CBS Evening News” và giữ vai trò này trong suốt 24 năm. Trong thời gian này, chương trình “CBS Evening News” chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ đài NBC (với “Nightly News” của Tom Brokaw) và đài ABC (với “World News Tonight” của Peter Jennings).
Dan Rather của đài CBS
Trong giới dẫn dắt chương trình tin tức, ông Dan Rather còn nổi tiếng nóng tánh. Không ít lần vì bất đồng với sếp hoặc đồng sự, ông rời bỏ phim trường ngay trước phút bấm máy, khiến CBS nhiều phen toát mồ hôi. Vì sự “có tài có tật” này, trong một lần đặt câu hỏi lắt léo cho Phó TT George H. Bush thời thập niên 1980, Rather đã bị ông Phó Tổng Thống… vặn ngược lại: “Này Dan, anh cảm thấy làm sao nếu tôi cũng phán xử cả sự nghiệp anh chỉ dựa vào những lần anh nổi quạu rời bỏ phim trường ?”
Peter Jennings
Năm 1965, lúc mới 26 tuổi, ông trở thành người dẫn chương trình tin tức trẻ nhất lịch sử, làm việc cho đài ABC.
Trong hai thập niên 1980 và 1990, Peter Jenning cùng với Tom Brokaw của đài NBC và Dan Rather ở đài CBS được mệnh danh là “Big Three” (bộ tam). Họ bá chủ các chương trình bình luận tin tức buổi chiều tối.
Dân New York phản ứng trước tin Peter Jenning qua đời
Riêng Jenning còn nổi tiếng vì sức làm việc dẻo dai. Có nhiều dịp ông đưa tin liên tục 15 giờ đồng hồ hoặc lâu hơn, chẳng hạn lần Hoa Kỳ đổ bộ vào Kuwait trong chiến cuộc “Gulf War” (1991), hay vụ khủng bố 9-11.
Tom Brokaw
Ông là “anchorman” chánh của chương trình “Nightly News” đài NBC từ 1982 đến 2004. Ngoài ra Tom Brokaw cũng dẫn dắt 2 chương trình lớn khác của NBC là “The Today Show” và “Meet the Press”. Người ta nhớ đến ông nhiều vì Brokaw là người quảng giao, dễ mến. Dưới quyền lèo lái của Brokaw, đài NBC lần đầu tiên qua mặt các địch thủ CBS và ABC từ năm 1996. Và kể từ đó, Tom Brokaw luôn giữ chân lượng khán giả đông hơn Peter Jennings (ABC) và Dan Rather (CBS).
Tom Brokaw thời trai trẻ
Trên đây là vài gương mặt ký giả kiệt xuất, mà tài năng, lòng tận tụy, và cả cá tánh của họ ít nhiều đã có ảnh hưởng đến, cũng như góp phần định hình một phong cách đưa tin trong kỹ nghệ truyền thông báo chí, ít ra là tại Hoa Kỳ. Dù ở những thời điểm khác nhau, song có thể nói, những cuộc dấn thân của họ đã giúp tạo niềm cảm hứng, xiển dương nền báo chí công tâm và tự do. Sự nghiệp lẫy lừng của họ cũng có thể để lại đôi điều ngẫm nghĩ thú vị cho làng truyền thông Việt ngữ tại hải ngoại, vẫn chuộng các giá trị dân chủ, công bằng–đối lập với báo chí quốc doanh ở quốc nội vốn chịu sự khống chế hoàn toàn của đảng cộng sản.
TD